Phạm Chí Dũng
Vietnam – Cali Today news – Sau 17 tháng triển khai một chiến dịch đàn áp nhân quyền rộng khắp Việt Nam, bắt đầu từ vụ bắt nữ lãnh đạo dân oan Cấn Thị Thêu vào tháng Sáu năm 2016 và sau đó là hơn ba chục cái tên nhà hoạt động nhân quyền khác bị công an tống giam, vừa hiện ra tín hiệu le lói đầu tiên cho thấy chiến dịch này có thể đã “đụng tường”, nhà cầm quyền và công an Việt Nam rốt cuộc đang phải nhượng bộ trước sức ép phải cải thiện nhân quyền của Nghị viện châu Âu nếu còn muốn giành chút cơ hội được thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA), đặc biệt sau vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” mà đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt và Chính phủ Đức đã quyết định tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Tín hiệu le lói trên cũng mang đến một tia hy vọng về biểu đồ đàn áp nhân quyền ở Việt Nam có thể chạm vào “vùng đỉnh” vào cuối năm 2017, đầu năm 2018 và có thể giảm trở lại trong năm 2018.
Tín hiệu trên đến từ hai vụ bắt – thả đối với hai nhà hoạt động nhân quyền Trương Dũng và Phạm Đoan Trang, đều cư trú ở Hà Nội.
Từ hai vụ bắt – thả…
Ông Trương Dũng là thành viên của Hội Anh em dân chủ do ông Nguyễn Văn Đài là chủ tịch. Ngoài hoạt động cho hội này, ông Trương Dũng còn là một nhà hoạt động biểu tình đường phố hết sức công xáo với nhiều lần tham gia biểu tình đám đông và không ít lần biểu tình một mình phản đối Trung Quốc, phản đối công an bắt người trái phép, đòi trả tự do cho tù nhân lương tâm… Cũng đã nhiều lần ông Trương Dũng bị công an đánh bầm dập. Cùng với hồ sơ nhiều lãnh đạo của Hội Anh em dân chủ đã bị công an bắt từ đầu năm 2017 đến nay, chắc chắn cái tên Trương Dũng đã từ lâu nằm trong danh sách bắt của Công an Hà Nội nếu có điều kiện thuận lợi để bắt.
Ngày 15/11/2017, Trương Dũng bị các nhân viên an ninh Hà Nội bắt cóc để hỏi cung về “vụ án Nguyễn Văn Đài và đồng bọn âm mưu lật đổ chính quyền”. Nhưng đến chiều ngày 15/11, Công an Hà Nội đã phải trả tự do cho Trương Dũng sau một ngày hỏi cung không đạt kết quả gì.
Trong khi đó, Phạm Đoan Trang là một người hoạt động xông xáo và rất sắc sảo trên mạng xã hội, một nhà báo tự do có chuyên môn, một người đả kích không thương tiếc nhiều thói hư tật xấu lẫn các thủ đoạn đàn áp nhân quyền của ngành công an. Cũng như Trương Dũng, Đoan Trang nằm trong danh sách bị công an căm ghét và sẵn sàng bắt nếu có cơ hội thuận lợi.
Ngày 16/11/2017, ngay sau khi gặp Phái đoàn Liên minh châu Âu ở Hà Nội để nêu ý kiến về những vấn đề vi phạm nhân quyền trước khi EU tiến hành đối thoại nhân quyền thường kỳ với Việt Nam vào đầu tháng 12/2017, nhà báo Phạm Đoan Trang đã bị Công an Hà Nội bắt cóc ngay trước trụ sở của Phái đoàn EU tại Hà Nội.
Từ trước vụ bắt cóc trên, đã có nhiều thông tin của dư luận viên về việc công an đang truy lùng Đoan Trang và rất sẵn sàng việc bắt và tống giam cô. Tuy nhiên đến sáng ngày 17/11, công an đã phải thả Đoan Trang, sau khi tước hết máy điện thoại của cô.
Hai vụ bắt – thả đối với Trương Dũng và Phạm Đoan Trang đều xảy ra trong tháng Mười Một năm 2017, khác hẳn với rất nhiều trường hợp bị bắt cóc nhưng sau đó bị khởi tố và tống giam luôn vào các tháng trước.
Đến “sẽ gặp xã hội dân sự” và EVFTA
Trong một diễn biến khác có liên quan về nhân quyền, đài BBC ngày 16/11/2017 đưa tin cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển – bà Margot Wallström – sẽ có chuyến thăm tới ba nước ở châu Á từ ngày 19-23 tháng 11. Thông báo hôm 14/11 về chuyến đi tới Bangladesh, Myanmar và Việt Nam của Bộ trưởng ngoại giao Thụy Điển cho biết “Tôi cũng sẽ gặp gỡ thanh niên Việt Nam và các nhà hoạt động xã hội dân sự”.
“Các nhà hoạt động xã hội dân sự” thực chất là giới hoạt động dân chủ nhân quyền ở Việt Nam. Một số người đã nhận được lời mời từ Đại sứ quán Thụy Điển.
Có thể ghi nhận đây là một lần hiếm hoi mà giới chức ngoại giao Thụy Điển tỏ ra thẳng thừng và công khai khi đưa ra thông báo về cuộc gặp với giới hoạt động nhân quyền ở Việt Nam – một chủ đề mà trước đây các nước Bắc Âu thường kín đáo hơn nhiều.
Cũng trong vài tuần gần đây, trong thời gian diễn ra Hội nghị APEC Đà Nẵng và cả sau hội nghị này, vài ba cuộc hội thảo về EVFTA được chính quyền Việt Nam tổ chức, cùng lúc nhiều tờ báo nhà nước bất chợt đăng tin bài dồn dập về EVFTA với nội dung tập trung vào những cái lợi về kinh tế của Việt Nam khi tham gia vào hiệp định này. Đây là một động thái tương tự với bầu không khí “tích cực chuẩn bị tham gia EVFTA” vào cuối năm 2015 – khi hiệp định này hoàn tất đàm phán song phương, và vào năm 2016 – khi một số quốc hội ở châu Âu bắt đầu tiến trình xem xét EVFTA để quyết định có thông qua hay không.
Tuy nhiên, điểm khác biệt cơ bản của báo chí nhà nước khi đề cập về EVFTA vào lần này là không nêu thời gian hoặc thời điểm cụ thể nào cho việc EVFTA sẽ được chính thức thông qua, trong khi những năm trước luôn là “quyết tâm sớm thông qua trong năm nay và sẽ triển khai trong năm tới”.
Hẳn phải có một mối liên hệ, nếu không mật thiết thì cũng gián tiếp, giữa tương lai của EVFTA với hai vụ bắt – thả Trương Dũng và Phạm Đoan Trang.
Thụy Điển có vai trò gì với EVFTA?
Theo “truyền thống” trả treo và mặc cả nhân quyền để đổi lấy lợi ích thương mại của chính quyền Việt Nam với Hoa Kỳ liên quan đến Hiệp định kinh tế TPP trước đây, cứ mỗi khi thấy “TPP sắp ký” hay “TPP sắp thông qua” thì chính quyền và công an Việt Nam lại nới tay một chút với các nhà hoạt động nhân quyền trong nước, tức thay vì bắt bớ mạnh tay thì “chỉ” sách nhiễu hoặc bắt cóc, đánh đập tàn nhẫn rồi thả về. Năm 2014 là minh họa điển hình cho “truyền thống” đó, công an Việt Nam bắt ít hơn và trả tự do trước thời hạn đến 12 tù nhân lương tâm khi chính thể Việt Nam tưởng như đã có thể hoàn tất đàm phán và triển khai TPP ngay năm đó.
Lần này và ứng với EVFTA, có vẻ “truyền thống” trên lại xuất hiện, dù mới chỉ manh nha.
Người ta có thể tự hỏi tại sao Bộ trưởng ngoại giao Thụy Điển Margot Wallström lại có vẻ tự tin đến thế khi lần đầu tiên công khai với báo chí quốc tế rằng bà sẽ gặp xã hội dân sự, thực chất là gặp giới đấu tranh nhân quyền, tại Việt Nam trong những ngày tới.
Thụy Điển lại là quốc gia mà phái đoàn vận động EVFTA của bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch quốc hội Việt Nam – vào tháng Tư năm 2017 đã chọn là điểm đến đầu tiên trong chuyến đi ba nước châu Âu. Kết quả của cuộc gặp “ấm tình hữu nghị” đó là khác hẳn với những lần gặp song phương trước, đã không có một đồng viện trợ nào được phía Thụy Điển trút ra cho giới quan chức “thùng không đáy” của Việt Nam, cũng chẳng có một cam kết nào của lãnh đạo Thụy Điển về việc ủng hộ Việt Nam tham gia vào EVFTA như báo chí đảng CSVN đưa tin sau đó.
EVFTA, mặc dù đã được hoàn tất đàm phán từ cuối năm 2015, nhưng còn phải trải qua thủ tục lấy ý kiến và bỏ phiếu thông qua ở các nước châu Âu. Có đến 27 nước như vậy, mà chỉ cần một nước không đồng ý thì EVFTA coi như không thành và Việt Nam cũng “xôi hỏng bỏng không”.
“Cứu cánh EVFTA” cho chính thể Việt Nam
Sau khi TPP đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm – gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.
Cho đến Hội nghị APEC vào tháng 11/2017. Trước khi diễn ra hội nghị này, Việt Nam đã hy vọng Hiệp định TPP-11 (không có Mỹ) sẽ được ký kết ngay tại Đà Nẵng. Tuy nhiên thực tế diễn biến khá trái ngược: TPP suýt nữa đổ vỡ lần hai khi Canada bất đồng với Nhật Bản và Mexico về một số điều khoản. Và cho dù sau đó TPP có được đổi thành tên mới là CPTPP, phía Việt Nam cũng thấy rõ là chẳng còn được bao nhiêu lợi lộc khi tham gia hiệp định này mà không có thị trường Mỹ, bởi các chỉ số xuất khẩu và GDP của Việt Nam, nếu có tham gia TPP-11 hay CPTPP, đều giảm từ 1/2 đến 1/3 so với TPP-12 (có Mỹ).
Giờ đây, chính thể Việt Nam chỉ còn duy nhất EVFTA là triển vọng hơn cả, trong lúc 14 – 15 FTA (hiệp định thương mại tự do) còn lại với các nước hoặc bất lợi cho Việt Nam, hoặc có giá trị xuất siêu bằng 0, hoặc còn đang đàm phán.
Mặc dù Việt Nam là một xứ sở đặc trưng bởi những cuộc đấu đá nội bộ triền miên và khốc liệt, nhưng cũng là một chế độ đang rơi vào hoàn cảnh đã cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và đang nhanh chóng cạn kiệt về ngân sách, kéo theo khối nợ công lên đến 210% GDP, cùng một nền kinh tế suy thoái đến năm thứ 9 liên tiếp mà rất có thể kéo theo sự sụp đổ của chân đứng chính trị. Tình trạng đó đã khiến các phe phái dù xung đột ghê gớm với nhau về quyền lực và lợi ích nhưng luôn đồng thuận ở một điểm: cần khẩn cấp TPP và EVFTA.
Lại hứa hẹn “sẽ cải thiện nhân quyền”?
Rất có thể, những dấu hiệu xảy đến trong vài tuần qua cho thấy Liên minh châu Âu đã tiếp nhận một tín hiệu hoặc một thông điệp “sẽ cải thiện nhân quyền” nào đó từ phía Chính phủ Việt Nam.
Cần nói rõ hơn là tín hiệu hoặc thông điệp trên đến từ “chính phủ” chứ không phải là ngành công an chuyên đàn áp và bắt người.
Bởi ở Việt Nam, giữa “chính phủ hứa” và “công an làm” liên quan nhân quyền là hai chuyện hoàn toàn tách rời.
Người Mỹ chính là quốc gia có nhiều kinh nghiệm thấm thía nhất trong các cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam. Trong bất cứ cuộc đối thoại nào, Mỹ đều nhận được những lời hứa hẹn bất tận của trưởng đoàn đối thoại chỉ tương đương cấp vụ trưởng ngoại giao của Việt Nam. Nhưng ngay sau đó hoặc thậm chí cùng thời điểm với quá trình đối thoại, công an Việt Nam đã vi phạm nhân quyền, thẳng tay bắt bớ người đấu tranh dân chủ.
Phải chăng Thụy Điển – một trong những nước được xem là đại diện của châu Âu về nhân quyền – đã nhận được một hứa hẹn “sẽ cải thiện nhân quyền” của Chính phủ Việt Nam, mà trước mắt là “không bắt thêm”, để từ đó Bộ trưởng ngoại giao nước này đủ tự tin thông báo “sẽ gặp xã hội dân sự” khi đến Việt Nam trong thời gian tới?
Thế nhưng chẳng có gì chắc chắn với thuyết “đa trung tâm quyền lực” và “chế độ sứ quân” ở Việt Nam. Bài học gần nhất là trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Obama đến Việt Nam vào tháng 5/2016, giới chóp bu Hà Nội đã cam kết ngon ngọt sẽ không gây khó dễ gì đối với giới hoạt động nhân quyền là khách mời của tổng thống Mỹ. Thế nhưng bất chấp món quà không ngờ khi Obama dỡ bỏ lệnh cấm mua bán vũ khí sát thương dành cho Việt Nam, công an Việt Nam vẫn thẳng tay ngăn chặn đến 6 trong tổng số 15 khách mời của tổng thống Mỹ – gây nên một cú sốc hiếm có đối với thể diện của nước Mỹ.
Vậy Liên minh châu Âu có thể rút ra được bài học nào từ những kinh nghiệm đắt giá mà người Mỹ đã có?
Giám sát và chế tài
Vào tháng 6/2016, Nghị viện châu Âu đã tung ra một bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam, mang số hiệu 2016/2755 (RSP). Khác với bản nghị quyết gần nhất về nhân quyền cũng của tổ chức này vào năm 2009 được coi là khá mềm mỏng, bản nghị quyết năm 2016 được một số nhà đấu tranh đánh giá có tính cách như một bản cáo trạng, lời lẽ đanh thép và đề cập đến hầu hết các vấn nạn nhân quyền bị xâm hại ở Việt Nam như tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do biểu tình, tự do hội họp…, và về nhiều người bất đồng bị chính quyền bắt giam.
Cũng từ tháng 6/2016, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy người Mỹ tập trung “đối tác quân sự” với Việt Nam trên căn bản vấn đề Biển Đông, còn nhân quyền được Mỹ “chuyển giao” cho nghị viện châu Âu để tiến hành thường xuyên những cuộc đối thoại nhân quyền với chính quyền Việt Nam, và hơn thế nữa là hỗ trợ Xã hội dân sự ở Việt Nam.
Nhưng bài học cận kề nhất mà EU vừa phải tiếp nhận là hành động Công an Hà Nội đã bắt giữ Phạm Đoan Trang ngay trước tòa nhà Lotte – nơi đặt trụ sở của Phái đoàn Liên minh châu Âu – như một cú răn đe dằn mặt, bất chấp giới ngoại giao và chính phủ Việt Nam có hứa hẹn trời trăng mây nước gì chăng nữa.
Hiển nhiên, chỉ ban hành nghị quyết của EU vẫn chưa đủ.
Cần phải thay đổi cách thức đối thoại nhân quyền một cách thực chất và thực chất hơn nhiều. Bởi nếu không có những chữ ký của ít nhất cấp bộ trưởng – bao gồm bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng công an Việt Nam – chẳng có một văn bản đối thoại nhân quyền nào, dù có được cam kết, sẽ có giá trị.
Và dù có cả bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng công an Việt Nam đồng ký vào văn bản cam kết cải thiện nhân quyền, văn bản đó cũng rất dễ bị nuốt lời nếu không bao gồm một lộ trình rất cụ thể về thực hiện những nội dung và các bước cải thiện nhân quyền như Việt Nam phải ban hành Luật về hội và công nhận xã hội dân sự, quyền thành lập công đoàn độc lập, thực hiện tự do tôn giáo, thực hiện tự do báo chí hay trả tự do cho các tù nhân lương tâm…, cùng cơ chế giám sát bắt buộc và ngay tại chỗ và những biện pháp chế tài của EU đối với những cải thiện nhân quyền này.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen