Donnerstag, 23. November 2017

ASEAN TỪ THAM VỌNG BIẾN THÀNH TÔI TỚ

                               Đại-Dương

Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, ASEAN do 5 quốc gia Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Tân Gia Ba, Thái Lan thành lập từ năm 1967 nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và chính trị vì ổn định cấp vùng. Brunei tham gia vào năm 1984. Tổ chức này tương đối đồng nhất về chính trị và an ninh nên đã tham gia vào các hoạt động chống sự bành trướng của Chủ nghĩa Cộng sản muốn tràn vào Đông Nam Á qua ngả Cambodia năm 1978.

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, Burma và Lào 1997, Cambodia 1999. Do thể chế chính trị quá khác biệt nên khó tìm sự đồng thuận, tạo điều kiện thuận tiện cho Trung Quốc thao túng và gây chia rẽ ASEAN.
Mười quốc gia hội viên ASEAN kỳ vọng đóng vai trò chính liên quan đến các giải pháp tại Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông Nam Á, Biển Đông, Biển Tây Phi Luật Tân); và sẽ trở thành một nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới nên chọn danh hiệu mới “Cộng đồng ASEAN” từ năm 2017.
Thực tế, tham vọng chính đáng của ASEAN vẫn chỉ là mộng mơ thôi vì những trở ngại mà giới lãnh đạo ở mỗi nước không đủ ý chí chính trị để vượt qua.

Thứ nhất, ASEAN áp dụng chỉ phân nửa mô hình Liên minh Châu Âu (Liên Âu).
Liên Âu ổn định, phát triển, an ninh nhờ dựa vào 3 cột trụ chính: (1) Đồng nhất về thể chế chính trị dân chủ tự do nên ít bất đồng liên quan đến chiến lược quan trọng. (2) An ninh nhờ nằm trong khối Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Hoa Kỳ lãnh đạo từ năm 1949 với chi phí quân sự chiếm 70% toàn cầu. (3) Truyền thống kỹ nghệ giúp Liên Âu dễ dàng phát triển kinh tế bền vững nhờ duy trì được tình trạng ổn định và an ninh trường kỳ.

Ngược lại, ASEAN luôn luôn bất ổn vì: (1) Thể chế chính trị đối nghịch giữa cộng sản cùng quân phiệt với dân chủ tự do đã gây khó khăn khi lấy quyết định chung tạo điều kiện cho các thế lực quốc tế thao túng và chi phối. (2) Coi an ninh ASEAN như một đặc quyền mà Hoa Kỳ phải có trách nhiệm bảo vệ và duy trì. Bị Bắc Kinh cưỡng đoạt chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán vẫn cam chịu vì chưa có một liên minh quân sự đủ sức ngăn chặn tham vọng bành trướng, bá quyền Trung Quốc. (3) Chức Chủ tịch luân phiên có thể làm thay đổi chương trình nghị sự và các quyết định quan trọng của ASEAN. Do đó, sự đồng thuận trong ASEAN ngày càng mong manh.

Thứ hai, chiến lược an ninh của Liên Âu và ASEAN rất khác biệt: (1) Liên Âu coi siêu cường nguyên tử Liên Xô là kẻ thù chiến lược, nhưng, phải dựa vào sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ mới duy trì được an ninh tại Lục địa Châu Âu. Liên Âu thiết lập mối quan hệ kinh tế sòng phẳng với Liên Xô nên có lợi thế hơn về kỹ thuật và quản trị. Liên Âu không hề nhượng bộ Liên Xô về chủ quyền lãnh thổ bất chấp mối đe doạ chiến tranh nguyên tử và sự thiệt thòi về kinh tế. (2) ASEAN không coi Trung Quốc là kẻ thù chiến lược, đặc biệt sau khi Việt Nam, Lào, Cambodia gia nhập vào tổ chức này. Sẵn sàng nhượng bộ, lùi bước trước mối đe doạ chiến tranh dù cho có bị thiệt thòi về chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền, quyền tài phán được luật pháp quốc tế quy định. (3) Lợi ích thiển cận và ích kỷ về kinh tế, ngoại giao của ASEAN khiến cho Bắc Kinh dễ dàng thao túng vùng Đông Nam Á. Toà án Trọng tài Thường trực về Luật Biển (PCA) đã phán hôm 12-07-2016 rằng yêu sách “Đường 9 Đoạn” của Trung Quốc không có giá trị pháp lý. Chẳng nước nào trong ASEAN đòi Trung Quốc tuân hành Phán quyết của (PCA), ngoại trừ Tân Gia Ba. Khi tiếp xúc kín với các viên chức ngoại giao Mỹ ở Boston, phía Trung Quốc nêu lên khái niệm “Quần đảo Tứ Sa” bao gồm 4 nhóm đảo Đông Sa (Pratas) do Đài Loan kiểm soát, Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa (Macclesfield), Nam Sa (Trường Sa) trong mưu đồ thay thế cho Đường 9 Đoạn bị mất tính chất pháp lý. “Quần đảo Tứ Sa” cũng không có tính chất pháp lý vì PCA đã phán tất cả các nhóm đảo trên Biển Nam Trung Hoa không hội đủ điều kiện pháp lý của “Quần đảo” nên không được phép có Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) và Thềm lực địa.

Thứ ba, ASEAN quen thói ỷ lại vào các cường quốc nên thiếu đầu óc tiến thủ như các dân tộc Tân Gia Ba, Đại Hàn, Hồng Kông, Đài Loan. Họ tự huyễn hoặc vào vị trí địa dư cần thiết trong cuộc cạnh tranh chiến lược buộc các siêu cường phải ve vãn nên cứ “đi dây” mà vẫn bình an, vô sự. Nghèo rớt mồng tơi, chẳng có tài nguyên thiên nhiên như Đại Hàn, Tân Gia Ba mà chỉ cần 30 năm đã trở thành quốc gia thịnh vượng với công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Chưa quốc gia nào trong ASEAN có triển vọng lập kỳ tích kinh tế như Tứ hổ Á Châu.

Thứ tư, thù/bạn cần rạch ròi: (1) Liên Âu bảo vệ chặt chẽ về an ninh, ổn định và phát triển cho các vệ tinh của Liên Xô ở Đông Âu và Trung Âu để nhanh chóng hoà nhập toàn diện vào xã hội dân chủ và kinh tế thị trường mà khỏi bỡ ngỡ. (2) Lào, Việt Nam, Cambodia vẫn giữ nguyên thể chế cộng sản độc tài và nền kinh tế phi-thị-trường. Ai cũng biết họ là vệ tinh không-tuyên-bố của Trung Quốc.

Sự thiển cận của giới lãnh đạo trong ASEAN đã đẩy vùng này vào một nguy cơ bất ổn mới: (1) Bắc Kinh sẽ kiểm soát chặt chẽ EEZ và Thềm Lục địa “Quần đảo Tứ Sa” chưa bị PCA bác bỏ có thể thu hẹp EEZ của các quốc gia duyên hải Đông Nam Á. (2) Bắc Kinh đã cho chạy thử tàu nạo vét Thiên Côn Hiệu, lớn nhất ở Châu Á, hôm 7 tháng 11 năm 2017 có thể dùng xây đảo nhân tạo ở Scarborough Shoal, hoặc ở Trường Sa, hoặc nối các đảo nhỏ ở Hoàng Sa thành đảo nhân tạo lớn hội đủ điều kiện về "Đảo".
Nguy cơ vô cùng to lớn trên Biển Nam Trung Hoa đã đặt các dân tộc trong ASEAN một chọn lựa lịch sử: TỰ CHỦ hoặc TÔI TỚ.
                                           
Đại-Dương
Nov 20, 2017
 
__._,_.___

Posted by: bebeliem@aol.com

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen