Donnerstag, 30. November 2017

Nỗi đau đớn của Đoàn Văn Toại

27-11-2017
Ông Đoàn Văn Toại. Ảnh chụp ngoài căn nhà ông ở California ngày 27/10/2015. Nguồn: internet
Tôi nhận lãnh trách nhiệm về những thảm kịch xảy ra cho đồng bào của tôi. Và nay tôi chỉ còn cách đóng vai nhân chứng cho sự thật này hầu các người đã từng ủng hộ Việt Cộng trước kia có thể cùng chia sẻ trách nhiệm với tôi“. – Đoàn Văn Toại (1945-2017)
Đó như là lời sám hối của ông Đoàn Văn Toại, một người đã lầm tin vào Cộng sản, được chính quyền Cộng sản Bắc Việt xếp vào dạng “Thành phần thứ 3” viết trong bài chính luận “Thổn thức cho Việt Nam”. Có rất nhiều người sẽ không biết ông Toại, nhưng với những lớp người lớn tuổi, từng sinh sống, hoạt động ở Saigon trước 1975 đã từng nghe đến tên ông. Ông từng là phó Chủ tịch Tổng hội sinh viên Saigon trong hai năm 69-70, ủng hộ triệt để Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (MTDTGPMN) được lãnh đạo bởi luật sư Nguyễn Hữu Thọ, mà thực sự đằng sau đó là CS Bắc Việt.
Trong “Thổn thức cho Việt Nam”, ông Toại đã bày tỏ sự hối hận của mình khi đã đặt niềm tin vào những đề cương của MTDTGPMN đưa ra. Với việc thừa nhận như vậy, ông đã hơn hẳn rất nhiều người, trong đó có từng là cấp trên của ông trong Tổng hội sinh viên Saigon Huỳnh Tấn Mẫm.

Nếu đọc các tác phẩm của nhà văn Đào Hiếu, mà nhất là qua hai tác phẩm được ông viết sau này, “Lạc Đường” và “Cuộc cách mạng bị thất lạc” sẽ cho thấy ông này luôn muốn trốn tránh trách nhiệm, không coi việc ủng hộ MTDTGPMN đã dẫn đến tấn thảm kịch cho dân tộc Việt Nam. Ông luôn đổ thừa cho thời cuộc. Theo tôi, đó là lối từ thoái trách nhiệm khôn ngoan, nhưng là việc làm của những kẻ không đủ dũng khí.
Không riêng gì Huỳnh Tấn Mẫm, Đào Hiếu mà còn rất rất nhiều những lãnh đạo phong trào sinh viên thuộc Thành phần thứ 3, hay lãnh đạo của MTDTGPMN không chịu nhận trách nhiệm cho những gì mà họ đã gây ra. Cho dù, tấn thảm kịch của dân tộc, quốc gia Việt Nam hiện nay một phần đến từ những việc làm dốt nát của họ trong quá khứ. Đó là ủng hộ Cộng sản.
So với những người khác, lời sám hối hay thú tội của ông Đoàn Văn Toại được coi là can đảm.
Ông Toại không chỉ bị tù dưới thời VNCH, mà sang thời Cộng sản-khi Cộng sản Bắc Việt đã chiếm được Saigon, ông cũng bị chính những người “đồng chí” của mình bỏ tù. Với hai tháng ngồi biệt giam, và những tháng tù tiếp theo ông đã được “Đảng cho ta sáng mắt sáng lòng”. Từ đó, ông nhận ra con đường đã đi là sai lầm. Sau khi ông ra tù, không rõ bằng cách nào đã vượt biên thành công, qua Pháp rồi sau đó đến Hoa Kỳ. Ngay tại Hoa Kỳ, vào khoảng cuối thập niên 80s, ông đã bị những người đồng hương của mình 2 phát đạn. Nhưng cuộc đời của ông không chấm dứt ở đó, nó chỉ chuyển sang lặng lẽ cho đến những phút cuối đời.
“Tất cả những ai từng ủng hộ MTDTGPMN trong cuộc chiến đấu chống chế độ Sài Gòn đều có thể cảm nhận sự bị phản bội và nỗi tuyệt vọng của họ.”- (Thổn thức cho Việt Nam-Đoàn Văn Toại)
Trong khoảng chục năm đổ lại, tại Saigon thành lập ra một số hội đoàn mà thành viên là những người từng thuộc thành phần thứ 3 trước đây. Đáng kể trong đó có Huỳnh Tấn Mẫm, Hồ Ngọc Nhuận, Lê Hiếu Đằng…Lúc này, họ không còn được coi là “thành phần thứ 3”, ủng hộ cho Cộng sản, mà được gọi bằng cái tên mỹ miều là lực lượng “phản tỉnh”. Dù vẫn còn nhận được sự ưu ái đáng kể từ chính quyền CS, nhưng với CS, lực lượng “phản tỉnh” lúc này trở thành cái gai.
Những kẻ phản tỉnh ấy, liệu có bao giờ cảm thấy hối hận vì nhũng việc làm của mình trong quá khứ? Liệu họ ân hận vì đã góp tay đẩy dân tộc, quốc gia này xuống bờ vực thẳm, ngày càng bị xiềng sâu vào gót giày của Trung Cộng? Điều đó dư luận không rõ, chỉ có thể một số thân hữu của họ mới biết. Song, cho đến nay khi chúng ta vẫn chỉ thấy toàn những lời ngụy biện, bào chữa trốn tránh cho những việc làm xuẩn ngốc của lực lượng “thành phần thứ 3” hay những lãnh đạo trong MTDTGPMN trong quá khứ, phần nào cho thấy những kẻ “phản tỉnh” ấy chưa bao giờ thực sự tỏ ra hối hận về những việc mình đã làm.
Ở một góc độ nào đó, về nhân cách tôi tôn trọng Đoàn Văn Toại, Trương Như Tảng hơn là những người như Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Hữu Thọ…
Trong bài chính luận “Thổn thức cho Việt Nam”, ông Đoàn Văn Toại đã dũng khí nói rằng:
– Bây giờ nhìn lại cuộc chiến Việt Nam, tôi chỉ cảm thấy buồn rầu cho sự ngây thơ của mình khi tin rằng cộng sản là những người cách mạng và xứng đáng được ủng hộ. Trên thực tế, họ đã phản bội nhân dân Việt Nam và làm thất vọng các phong trào tiến bộ trên toàn thế giới.
Những lời thú nhận ấy thôi cũng đủ xếp tư cách Đoàn Văn Toại hơn hẳn những người mà tôi đã nêu trên. Tôi phỏng đoán trong những ngày cuối cùng trong cuộc đời làm người, khi mà ông Toại đã nhận ra bộ mặt thật của Cộng sản- những kẻ không hề có tinh thần quốc gia, dân tộc hẳn ông phải đau đớn lắm. Đau đớn vì lý tưởng, tuổi xuân, những năm tháng ngồi tù, niềm tin mình đặt vào bị đánh lừa. Cái thể chế mà ông Toại hay rất nhiều người khác tin rằng nó: Của dân, do dân và vì dân lại chẳng đúng như vậy. Đó là chính quyền thừa hành theo sự chỉ thị từ Soviet. Nhiều người tin rằng, chính quyền CS Bắc Việt độc lập với Soviet, trong đó có Toại cuối cùng đã té ngửa ra, nhưng lúc đó đã không còn kịp nữa. Cái giá cho sự ngây thơ chính trị của ông Toại là những năm tháng tù đày và sau đó phải trốn khỏi Việt Nam.
Ông Toại đau đớn nhận ra rằng, ngay cả dưới chế độ mà bị CS Bắc Việt tuyên truyền là “bù nhìn” (puppet) của Hoa Kỳ thì không hề có bất cứ lãnh tụ nào của Mỹ được giăng trên đường phố, trong nhà. Nhưng, Saigon từ sau 1975 hay miền Bắc trước đó trên đường phố, nhà cửa hình lãnh tụ Soviet, từ Carl Marx, Lenin, Stalin, cho đến Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh… được vẽ vời, treo khắp trên đường phố. Vậy, đâu là chế độ bù nhìn?
Cái hối hận của Đoàn Văn Toại là đã góp tay gây ra thảm họa kinh hoàng từ sau khi Saigon thất thủ, hàng triệu người, không phải chỉ là quân nhân, mà ngay cả đến những người tu hành, trẻ em cũng phải vào tù, chịu sự trả thù của chính quyền mới. Hàng trăm ngàn người đã chết, hàng trăm ngàn gia đình phải chịu cảnh ly tán. Thảm họa ấy, nếu những người thuộc thành phần thứ 3, hay MTDTGPMN gây ra thì chính họ cũng góp tay vào.
Ông Đoàn Văn Toại cũng đã trở thành người thiên cổ, nỗi đau đơn của ông cũng không còn, nhưng vết xe đổ mà ông để lại liệu có bao nhiêu người trong quốc gia này học được để mà né tránh?

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen