Donnerstag, 23. November 2017

Sau APEC Việt Nam Được gì?

Lão Gà Tre tổng hợp & bình luận
Cứ 10 năm một lần,  mỗi nước thành viên đều được thay phiên nhau tổ chức Hội Nghị APEC. Năm nay, nhà cầm quyền CSVN tới phiên “làm cái” tổ chức APEC 2017 tại Đà Nẵng, — từ ngày 6 đến 11 tháng 11 năm 2017.  So với lần tổ chức APEC 2006 tại Hà Nội, lần này CSVN đã dồn khá nhiều tài chánh để phô trương sự phát triển của Việt Nam, nhất là thành phố Đà Nẵng, nơi được mô tả là đã phát triển dữ dội sau 30 năm mở cửa … từ năm 1986 đến nay.

Không may,  ngay trước thềm Hội Nghị APEC, trận bão Damrey quái ác đã tàn phá các tỉnh miền Trung  khiến cho nhiều sinh mạng và tài sản người dân bị thiệt hại rất nặng nề.  Damrey cũng không tha cho những công trình trang trí chuẩn bị cho “6 Ngày Hội Nghị” đáng nhớ. Tuy cơn bão đã ngừng (tha) đúng lúc để cho Đà Nẵng chuẩn bị lễ khai mạc hôm mồng 6 tháng 11, nhưng cũng đã làm cho hơn 10 ngàn đại biểu và phóng viên quốc tế đến dự Hội Nghị, thấy rõ bóng dáng thật (giả) của một đất nước đã và đang trên đà phát triển, dù những hình ảnh xơ xác của thành phố vẫn còn hiện rõ đâu đó sau trận bão.
APEC là diễn đàn hợp tác kinh tế của 21 quốc gia thành viên, được coi là quy mô nhất thế giới,  chiếm tổng cộng 39% dân số toàn cầu, 59% GDP thế giới, 48% thương mại quốc tế và chiếm khoảng 53% tổng số nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).
CSVN muốn bày tỏ mong ước được chung tay xây đắp sự thịnh vượng trong khu vực Á Châu – Thái Bình Dương với hai nỗ lực chính yếu là tự do hóa thương mại và an ninh khu vực. Để làm được điều này, Chủ Tịch Trần Đại Quang đã khẳng định “Chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng trong thời gian tới.

Với APEC, Hà Nội được cho là đã đạt được những điều mong muốn từ Tổng thống Trump trong chuyến công du dài ngày nhất của một nguyên thủ siêu cường tới thăm Á châu trong suốt hơn 1/4 thế kỷ qua.
Cũng như các nước khác ở Á châu mà Tổng thống Trump đến thăm, Việt Nam đã trải thảm đỏ để tiếp đón vị Tổng thống Mỹ đầu tiên công du trong nhiệm kỳ đầu của ông.

Trong 3 ngày ở Việt Nam để dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng và sau đó thăm chính thức Hà Nội, ông Trump mô tả Việt Nam là “trái tim của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và ca ngợi Việt Nam là một trong những “phép lạ” trên thế giới.
Tổng thống Trump và Thủ tướng Phúc đã chứng kiến việc ký kết các hợp đồng thương mại trị giá 12 tỷ mỹ kim giữa 2 nước. Với các hợp đồng thương mại trị giá hơn 12 tỷ được ký kết, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng “Việt Nam lấy làm hài lòng” về chuyến thăm của vị Tổng thống Mỹ.
“TT Trump đã dành nhiều thời gian nhất cho Việt Nam,” theo ông Doanh. “Các cuộc hội đàm và tuyên bố chung đã đạt được một sự đồng thuận và 2 bên sẽ nỗ lực để thúc đẩy các quan hệ thương mại, đầu tư cũng như các thỏa thuận và hợp tác khác như là quân sự và an ninh. Cuộc thăm viếng của ông Trump đáp ứng kỳ vọng của cả 2 bên.”
Mặc dù trong thời gian ở Việt Nam, Tổng thống Trump nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp rằng Hoa Kỳ không còn tham gia các hiệp định thương mại đa phương như hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng ông đã mở ra triển vọng cho một hiệp định thương mại song phương.
Trong thông cáo chung mà Bạch Ốc đưa ra sau cuộc gặp giữa TT Trump và Chủ tịch nước Trần Đại Quang hôm 12-11,  hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ đào sâu và phát triển hơn mối quan hệ thương mại và đầu tư 2 chiều.
Theo tạp chí Forbes những cam kết đó khiến cho các nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu rằng,  Hoa Kỳ dưới quyền lãnh đạo của ông Trump,  vẫn quan tâm đến thương mại tự do,  dù đã rút ra khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP.
Thương mại chiếm gần 90%, tức 201 tỷ mỹ kim, trong GDP của Việt Nam năm ngoái. Thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ – chiếm hơn 22% tổng giá trị xuất cảng của Việt Nam, theo Tiến sĩ Doanh, người từng tư vấn cho Bộ Kế hoạch và đầu tư. Cũng như các nhà lãnh đạo Việt Nam, kinh tế gia Lê Đăng Doanh nói,  ông kỳ vọng Mỹ sẽ quay trở lại TPP bởi vì hiệp định này là “một sân chơi có tầm chiến lược, quan trọng cho châu Á Thái Bình Dương và còn có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược đối với Hoa Kỳ.”
Cũng trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Trump tái khẳng định cam kết của Mỹ sẽ hợp tác sâu rộng hơn về quốc phòng; nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của việc tiếp cận mở trên biển Đông, cũng như tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không trong vùng biển trong vòng tranh chấp.
Tổng thống Trump đã gợi ý với Chủ tịch Trần Đại Quang rằng ông sẽ làm trung gian hòa giải cho các tranh chấp này. “Việc ông Donald Trump cho rằng muốn đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Việt Nam và Trung Cộng (TC) trên vùng biển Đông cho thấy TC đang chiếm phần thượng phong ở khu vực biển Đông,” theo luật sư Hoàng Việt chuyên về các vấn đề biển đảo và hải đảo.
Đây cũng chính là điều mà Việt Nam hy vọng trước chuyến thăm của Tổng thống Trump, theo nhận định của tạp chí Forbes.
Kể từ khi Tổng thống Barack Obama, dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng 5 năm 2016, chưa có một hợp đồng vũ khí nào được ký kết giữa 2 bên. Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam muốn tăng cường sức mạnh để phòng thủ trước sự bành trướng ngày càng tăng của TC ở biển Đông.
Nhận định về lợi ích mà Việt Nam có được từ chuyến thăm của Tổng thống Trump, tạp chí Forbes cho rằng “Việt Nam là bên được hưởng lợi nhiều nhất” từ chuyến công du Á châu của ông Trump, vì Việt Nam “đạt được 2 thứ mà họ mong muốn từ Washington dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Trump”. Đó là an ninh biển Đông, và thương mại tự do.
Chiến Lược Mới Của TT Trump: Ấn Độ, Á Châu

Bài diễn văn của Tổng thống Trump tại APEC khá dài, do đó chúng tôi chỉ xin trích một số đoạn chính mà ông đề cập tới một chiến lược mới đó là: “Ấn Độ-Thái Bình Dương” để chống lại bất cứ quốc gia nào với ý đồ xâm lăng các nước nhỏ trong vùng.
Ông đã lập đi lập lại rất nhiều lần cái “thế chiến lươc…” mới này đề giữ vững Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, tức là đối đầu với ông Kẹ nào đây thì chúng ta đã biết. Thật ra, chiến lược mới có tên liên minh “Ấn độ Dương & Thái bình Dương thì rõ ràng là: Ấn Độ, Úc, Nhật và Mỹ sẽ bao sân đã manh nha từ lâu rồi.
“Thật vinh dự khi tôi được đến đây, tại Việt Nam – ngay giữa trung tâm Ấn Độ-Thái Bình Dương để phát biểu trước người dân và các vị lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực này.
Đây là một tuần đáng nhớ của Hoa Kỳ tại một nơi tuyệt vời của thế giới. Bắt đầu từ Hawaii, Melania và tôi đã đến Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Cộng và giờ đây là Việt Nam, để có mặt cùng với tất cả quý vị ngày hôm nay.
Trước khi bắt đầu, tôi muốn nói với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi cơn bão Damrey. Người Mỹ cầu nguyện cho quý vị và cho sự phục hồi của quý vị trong những tháng sắp tới. Trái tim của chúng tôi hòa cùng những người Việt Nam bị mất mát do hậu quả của cơn bão khủng khiếp này.
… Ít ai hình dung được chỉ cách đây một thế hệ các vị lãnh đạo của những quốc gia này có thể cùng nhau đến đây, tại Đà Nẵng để thắt chặt tình bạn, mở rộng hợp tác, và kỷ niệm thành tựu đáng kinh ngạc của người dân chúng ta.
Thành phố này trước đây từng là ngôi nhà của căn cứ quân sự Mỹ, tại một quốc gia mà nhiều người Mỹ và Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến tranh đẫm máu.
Ngày nay, chúng ta không còn là kẻ thù nữa; chúng ta là bạn bè. Và thành phố cảng này đang rộn ràng với nhiều tàu cập bến từ khắp thế giới. Những công trình thiết kế kỳ công như Cầu Rồng, đón chào hàng triệu người đến thăm những bãi biển tuyệt đẹp, cảnh quan lộng lẫy và vẻ đẹp cổ xưa của Đà Nẵng.
Vào đầu thập niên 1990, gần một nửa người dân Việt Nam sống chỉ với một vài đô la một ngày, và cứ một trên bốn người không có điện. Ngày nay, nền kinh tế Việt Nam mở cửa là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Kinh tế tăng gấp 30 lần và học sinh Việt Nam nằm trong số những học sinh giỏi nhất thế giới. (Vỗ tay.) Và điều này rất đáng phục.
Tại khu vực rộng lớn hơn, các quốc gia ngoài APEC cũng có nhiều tiến bộ lớn trong chương mới dành cho Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Ấn Độ đang kỷ niệm 70 năm ngày độc lập. Đây là một quốc gia dân chủ có chủ quyền, cũng như – hãy nghĩ về điều này – hơn 1 tỉ người. Đây là nên dân chủ lớn nhất trên thế giới. Kể từ khi Ấn Độ mở cửa kinh tế, quốc gia này đã phát triển đáng kinh ngạc và có nhiều cơ hội mở rộng tầng lớp trung lưu. Và thủ tướng Modi đã dày công đưa quốc gia khổng lồ này, và tất cả những người dân của họ, trở thành một. Và ông đã rất, rất thành công.
(Tuy ông Trump không đề cập đến tên ai lạm dụng thương mại, (dưới đây) nhưng …có thể hiểu, đó là chú Ba đỏ.)

Chúng ta không dung thứ cho những hành động lạm dụng thương mại lâu dài này nữa, và chúng ta sẽ không dung thứ cho họ. Dù không giữ cam kết hàng năm trời, chúng ta biết rằng một ngày không xa, mọi người sẽ cư xử công bằng và có trách nhiệm. Người dân tại Mỹ và trên khắp khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương chờ đợi ngày đó sẽ đến. Nhưng điều này chưa bao giờ có, và là lý do tôi đến đây hôm nay – để nói thật lòng về những thách thức và hợp tác cho tương lai tươi sáng hơn cho tất cả chúng ta.
Tôi sẽ thực hiện thỏa thuận thương mại song phương với bất cứ quốc gia Ấn Độ-Thái Bình Dương nào muốn là đối tác của chúng tôi và sẽ tuân thủ nguyên tắc thương mại công bằng và có lợi đôi bên. Những gì chúng tôi không thực hiện nữa là tham gia những thỏa thuận lớn mà trói tay chúng tôi, từ bỏ chủ quyền, và làm cho việc thực thi có ý nghĩa trở thành gần như là điều không thể được.
Thay vào đó, chúng ta sẽ thỏa thuận trên căn bản tôn trọng và có lợi cho nhau. Chúng tôi sẽ tôn trọng độc lập và chủ quyền của quý vị. Chúng tôi muốn quý vị vững mạnh, thịnh vượng, và tự tin, gắn chặt vào lịch sử, và vươn đến tương lai. Đây là cách chúng ta phát triển và cùng nhau lớn mạnh, trên giá trị hợp tác thực sự và dài lâu.
Nhưng đối với điều này – và tôi gọi là giấc mơ Ấn Độ-Thái Bình Dương – nếu trở thành sự thật thì chúng ta phải bảo đảm rằng tất cả cuộc chơi đều phải theo luật lệ, vốn hiện tại không như vậy. Những ai làm vậy sẽ là đối tác kinh tế gần nhất của chúng tôi. Những ai không làm vậy thì chắc chắn rằng Hoa Kỳ sẽ không còn phớt lờ những vi phạm, lừa gạt, hay gây hấn kinh tế. Những ngày như thế này đã chấm dứt.
Vì vậy, chúng ta hãy chung nhau góp phần vào vào việc tạo một Ấn Độ-Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng và tự do. Tôi tin tưởng rằng, cùng nhau, mọi vấn đề chúng ta đã nói hôm nay đều có thể được giải quyết và mọi thách thức mà chúng ta phải đối mặt đều có thể vượt qua.
Đối với CSVN, TT Trump đã xiển dương và thức tỉnh tinh thần chống Tàu của Hai Bà Trưng qua lịch sử nước nhà VN gần 2000 trước. Hỏi tức là tự trả lời lấy!

“Đó là tình cảm cháy bỏng trong trái tim của mọi người yêu nước và mọi quốc gia. Nước chủ nhà của chúng ta ở đây, tại Việt Nam đã biết đến tình cảm này không chỉ trong 200 năm qua, mà tôi nghĩ là trong gần 2000 năm. Vào khoảng năm 40 sau Công nguyên, hai chị em người Việt, Hai Bà Trưng, lần đầu tiên đã đánh thức tinh thần của người dân vùng đất này. Sau đó, và cũng là lần đầu tiên, người dân Việt Nam đã đứng lên tranh đấu cho sự độc lập và niềm tự hào của quý vị.
Ngày nay, những người yêu nước và những anh hùng – trong lịch sử của chúng ta đã nắm giữ câu trả lời cho các câu hỏi quan trọng về tương lai và thời đại của chúng ta. Họ nhắc nhở chúng ta để nhận biết chúng ta là ai và được kêu gọi để làm gì.
Cùng nhau, chúng ta có khả năng để nâng cao con người và thế giới của chúng ta lên những tầm cao mới – đến tột đỉnh mà chưa ai từng đạt được,
Vậy chúng ta hãy chọn một tương lai của lòng yêu nước, thịnh vượng, và niềm tự hào. Hãy để chúng ta lựa chọn sự giàu có và tự do chứ không phải sự đói nghèo và tôi tớ. Chúng ta hãy chọn một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở cửa.

Cuối cùng, đừng bao giờ quên rằng thế giới có nhiều nơi, nhiều ước mơ, và nhiều con đường. Nhưng trên khắp thế giới, không có nơi nào như nhà mình...”
Lời Kết
Sau Thượng Đỉnh APEC , về mặt đầu tư của các nước thành viên dĩ nhiên sẽ có tiến triển tốt, thế nhưng, tất cả chỉ là muối bỏ biển:
  • Về kinh tế vẫn không thể trổi dậy để trả hết nợ công mà cán bộ đảng CSVN đã vơ vét tài sản quốc gia bao nhiêu năm nay đến cạn kiệt. Nạn tham nhũng lan tràn từ cấp nhỏ tới cấp lớn trong guồng máy nhà nước & đảng sẽ đi đến tình trạng phá sản không chóng thì chầy.
  • Muốn xây dựng đất nước tiến lên, giàu mạnh, văn minh, ngẩng cao đầu với nhân loại để hãnh diện là người Việt Nam, hãy can đảm đứng dậy vứt bỏ vòng kim-cô của Tàu cộng đã và đang tròng lên đảng, nhà nước và toàn dân Việt Nam,  càng nhanh càng tốt. Nếu không thì quá trễ trước đại họa bị Hán hóa (Siniczation) đang ở thời kỳ trầm trọng.
  • Hãy cùng với toàn dân đứng dậy chống Tàu Cộng, đuổi những tên thái thú Việt Cộng về Tàu! Đó là con đường duy nhất để cứu dân tộc Việt Nam ra khỏi kế sách diệt chủng như dân tộc Tây Tạng đang gánh chịu trong gần 70 năm qua. Hãy mở mắt ra, dậy mà đi hởi đồng bào ơi!
Lão Gà Tre. –Tham khảo: Reurters, VOA,BBC News
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" <pwillay@orange.fr>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen