Sonntag, 19. November 2017

Trận bão Damrey gợi nhớ trận bão miền Trung năm 1964

Soạn giả Nguyễn Phương

Tin internet bão số 12 Damrey đổ vào đất liền ven biển các tỉnh Nha Trang, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định từ ngày 4 /11/2017, sức gió mạnh nhứt ở vùng trung tâm bão lên hơn 100 cây số giờ; vùng ven biển các tỉnh Phú Yên đến Ninh Thuận nước ngập cao trên 1 thước, sóng biển vùng tâm bão số 12 lên tới 6 – 10 thước, ven bờ Quảng Ngãi – Bình Thuận sóng biển cao từ 3 đến hơn 5 thước.
Tính đến ngày 8/11, tính chung các tỉnh Nha Trang, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định, Quy Nhơn có hơn 100 người chết vì bão, 23 người mất tích, 1.486 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hàng ngàn nhà khác tróc nóc, bị bão thổi sập một phần. Nước ngập nhiều vùng, mưa lớn liên tiếp nhiều ngày, nước tràn như lũ cuốn sạch hoa quả ruộng vườn, nhiều trụ điện và cây cối ngã đổ ngổn ngang, giao thông đứt đoạn…Nhìn phim trên Youtube, tôi thấy nhiều nhà tróc nóc, đồ đạc chìm dưới nước ngập, dân chúng có người ôm mặt khóc ròng khi cơ đồ sản nghiệp tiêu tan. Ở Nha Trang, bão thổi gẫy trụ điện, nhiều mái tole, bảng hiệu ngã đổ, đường phố vắng người, nhiều xe gắn máy bị thổi lật ngang, bị đẩy cày trên đường lộ, không một ai dám bước ra đường dưới cơn bão để đem xe vô nhà…
Hình ảnh thành phố ngổn ngang cây đổ, mái sụp khiến tôi nhớ lại cảnh tôi và các nghệ sĩ đoàn Thanh Minh Thanh Nga cũng đã từng bị khốn khổ trong tâm bão năm 1964 ở Quy Nhơn, miền Trung.

Còn nhớ…Sau cuộc đảo chánh tháng 11 năm 1963, đô thành Saigon Chợ Lớn và Gia Định luôn luôn bị biến động vì những cuộc xuống đường của sinh viên học sinh, của giáo hội Phật giáo và các Phật tử, chánh phủ mới do Hội đồng quân nhân lãnh đạo bị nhiều lần đảo chánh, chỉnh lý nên lệnh giới nghiêm từ 10 giờ tối được ban hành ở đô thành Saigon và các tỉnh.
Trong tình hình đó, các đoàn hát không thể hát ban đêm mà hát ban ngày thì không có khán giả. Thêm nữa, chánh phủ ban hành lệnh tổng động viên, các nghệ sĩ trong tuổi quân dịch đều bị bắt đi quân dịch.
Đầu tháng 8 năm 1964, đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga của bà bầu Thơ bán dàn đi hát các tỉnh miền Trung, trạm hát đầu tiên là tỉnh Biên Hòa ở rạp hát Biên Hùng. Sau đó đoàn Thanh Minh Thanh Nga  được chủ dàn hát đưa đi hát các tỉnh Phan Thiết, Nha Trang, Tuy Hòa, Ninh Hòa… đi dần ra Trung hướng đến kinh thành Huế.
Vào trung tuần tháng 10 đoàn Thanh Minh Thanh Nga  hát ở rạp Quy Nhơn. Đêm đó chưa mở màn hát thì giông bão ào ạt thổi đến. Khán giả nhốn nháo muốn chạy ra ngoài khi nghe nóc rạp hát bị gió giật làm bể ngói và mái tôn bị gió giật bung, đập vô tường kêu loảng xoảng, nhưng khán giả không mở cửa rạp hát được. Gió thổi mạnh đến nỗi bốn anh placeur lực lưỡng gom sức lại mà vẫn không đẩy cửa ra được. Khi bớt gió, mọi người hè nhau xô bung được cánh cửa rạp hát, ai nấy tuôn chạy ra ngoài đường như một bầy ong bị vỡ tổ.
Chúng tôi cũng chạy mau về khách sạn bên kia đường đối diện với rạp hát. Ánh đèn đường chao đảo, tôi thấy một chiếc xe hơi bị gió thổi bê bê trên đường. Xe hơi đụng vô góc cây, lật ngang chổng bốn bánh xe lên. Xe hơi vẫn không dừng được mà bị gió đẩy tới trước, tự xoay như cái chong chóng. Đồ đạc trong nhà ai đó bị thổi tung toé trên đường. Chúng tôi sợ bị gió thổi bay đi như các đồ vật kia và sợ những bàn ghế do gió cuốn bay sẽ trúng mình nên nhanh chân chui vào khách sạn và đóng ập cửa lại.
Bên ngoài tiếng gió rít mạnh, từng cơn, từng luồng. Mưa tuôn xối xả. Nước không biết từ đâu tràn đến, ngập đường, nước tràn vô nhà, ngập nền nhà độ vài ba tấc. Bên ngoài gió bão vẫn thổi mạnh, chưa có dấu hiệu cơn bão sẽ giảm cường độ. Hữu Phước, vợ chồng Hoàng Giang, vợ chồng Ngọc Nuôi và tôi xuống cầu thang tầng trệt, ngồi trên cầu thang cao hơn mặt nước một chút để chờ xem tình hình cơn bão coi nó sẽ êm hay nổi cơn thịnh nộ hơn nữa. Nếu gió bão thổi sập mấy căn phòng của khách sạn này thì chúng tôi cũng có thể nhanh chân thoát ra ngoài được. Ba bầu Thơ ngồi nhai trầu, có vẻ bình tĩnh nhưng tôi chắc bà cũng lo âu dữ lắm vì bà bão Thanh Nga cứ yên tâm mà ngủ để cho có sức khoẻ. Nếu cơn bão dữ dội hơn thì thức hay ngủ cũng là ở trong tình trạng phải đương đầu với hiểm họa. Vậy thì ngủ cho khoẻ, cho có sức trước khi tai họa ập đến, há chẳng phải là tốt hơn hay sao?
Ông bà chủ khách sạn thay phiên nhau bắt sóng đài phát thanh của tỉnh để theo dõi các thông tin về tình hình cơn bão đang quay cuồng đảo lộn cả tỉnh Quy Nhơn này. Thỉnh thoảng radio mất làn sóng điện, khi nào có thông tin rõ ràng, ông chủ chạy vô báo cho chúng tôi biết là cái nắp bằng ciment cốt sắt đậy cái tháp citerne nước của thành phố bị bão thổi bay đi xa vô trong miệt chân núi, may mà không có người bị thương. Lúc sau bà chủ vô báo là tin đài phát thanh cho biết sức gió đã dịu xuống, mưa bớt nặng hột, nước không dâng lên cao thêm nữa…
Đêm đó chúng tôi thức gần trắng đêm, khi mệt quá thì ngủ gà ngủ gật ở cầu thang của khách sạn vì sợ cơn bão lại nổi lên bất ngờ…
Sáng hôm sau ra phố, tôi thấy mặt tiền của rạp hát bị cơn bão bóc trần trụi. Các tấm panneaux vẽ hình quảng cáo tuồng hát căng trên nóc rạp bị gió xé rách bươm. Hình nghệ sĩ lồng trong khuôn kiếng treo trước cửa rạp hát bị bể kiếng, rách nát. Một cánh cửa của rạp hát bị gió bóc ra, quăng bên kia đường. Ngoài đường phố cảnh vật hoang tàn thê thảm. Nhiều nhà bị bão thổi sập, những thân cây to, trụ điện bị xô ngã đổ ngổn ngang, giây điện như lưới nhện giăng che cả một đoạn phố. Rác rến, bùn đất tràn đầy trên đường và vô cả trong phố xá, nhà cửa. Đã sáng trắng rồi mà không có hàng quán nào mở cửa. Dân chúng trong thành phố Quy Nhơn kéo đi thành một dòng người, mang theo tay nải đựng áo quần, đồ tế nhuyễn hay thức ăn đi di tản vô miệt chân núi. Họ dùng đủ mọi phương tiện xe cộ mà họ có được. Người già, trẻ nít nheo nhóc, chạy lúp xúp, hối hả như chạy giặc.
Bà chủ mua dàn hát bàn với bà Bầu Thơ là phải dời đoàn hát đi về Đà Nẵng ngay. Người dân ở đây có kinh nghiệm là thường thường sau cơn giông bão, trời êm lại mà không khí nóng hầm hập như hôm nay thì tiếp theo đó thế nào cũng có mưa dầm. Mưa sẽ kéo dài vài ngày đêm thì nước lũ trên nguồn đổ xuống, ruộng, vườn, đường phố gì cũng sẽ ngập lụt, có khi nước dâng lên tới nóc nhà, ngọn cây. Nếu không di tản vào chân núi hoặc ở những vùng đất cao, người nào còn ở trong vùng nước lũ thế nào cũng bị nước lũ cuốn trôi ra biển. Bà Bầu có tính quyết đoán nên lập tức ra lệnh toàn đoàn tập hợp và lên đường ngay, bỏ lại tất cả dàn panneaux mặt tiền và panneaux quảng cáo bị gió bão làm hư hỏng. Chỉ độ nửa giờ sau, xe đò chở nghệ sĩ, xe camion chở cảnh và các xe nhà riêng của Bà Bầu, Thành Được, Hữu Phước, Hoàng Giang, Việt Hùng nối thành một đoàn dài, chạy về Đà Nẵng. Đoàn xe chạy chậm chậm vì cây cối bên vệ đường bị gió lốc xô ngã khiến cho việc di chuyển khó khăn. Nhiều ngôi nhà ngói đổ vỡ, nhà lá bị bay nóc, tường vách xiêu vẹo. Cảnh hoang tàn sau trận bão ở ngoại ô còn thê thảm gấp mười lần hơn trong thành phố Quy Nhơn.
Đêm đó chúng tôi đến Đà Nẵng, toàn đoàn hát tạm trú trong rạp hát Trưng Vương. Bà Bầu và các đào kép chánh cũng ở rạp hát chớ không mướn phòng khách sạn như mọi khi để mọi người cùng sống tập trung một chỗ, dễ tiếp cứu nhau khi có bão lụt.
Sáng ra mây đen phủ kín bầu trời Đà Nẵng, mưa bắt đầu rơi, mỗi lúc một nặng hạt hơn, một trận mưa dầm báo hiệu phải nhiều ngày đêm mới dứt…
Đoàn hát không thể hát được. Bà Bầu Thơ cho người đi mua thêm gạo, đồ hộp, cá mòi hộp, thức ăn dự trữ cho toàn đoàn: một nhân số hơn sáu mươi người dưới quyền của bà. Chúng tôi mỗi người cũng đi chợ mua những phần lương khô, nước uống và đèn pin để thủ phần riêng cho mình.
Đài phát thanh loan tin mưa lũ làm ngập lụt các huyện Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc…Nước đã ngập trong nhà dân, những nơi bị ngập cao nhất có đến cả thước nước. Dân trong các thị xã đó và vùng đồng ruộng chung quanh phải dời đi đến nơi khác
Ba ngày mưa dầm, nước như từ trên trời trút xuống liên miên bất tuyệt. …Theo tin đài phát thanh, sông Trà Bồng, Quảng Ngãi nước đã tràn bờ, tràn vô thành phố, có nơi nước cao tới mái nhà, hàng ngàn gia đình dân chúng rơi vào cảnh trắng tay vì nước cuốn trôi tất cả hoa mầu, sản nghiệp, của cải của họ. Những người dân không di tản kịp, phải trèo lên nóc nhà hay bám vào những cành cây cao ở suốt ngày đêm dưới trời mưa lạnh với hy vọng được canô của chánh quyền đến cứu mạng. Thừa Thiên, Huế, Quảng Bình, Bình Định như chìm trong một biển nước mênh mông. Nước lũ từ thượng nguồn chảy mạnh như thác đổ, lôi cả ghe cộ, tàu bè, nhà cửa, con người và súc vật trôi phăng phăng ra biển.
Chúng tôi mặc áo mưa chạy ra bờ sông Hàn trong thành phố Đà Nẵng để xem mực nước lên đến đâu để rồi về báo cho anh em trong đoàn hát biết để mà tìm nơi lánh lũ. Thật là không tưởng tượng nổi những thảm cảnh đang diễn ra trước mắt mọi người mà người ta đành bất lực không đủ sức để cứu đồng bào của mình trong cơn nước lũ. Sông Hàn nước lớn gần sát mé bờ đá. Dòng nước chảy xiết, nước chảy băng băng lôi theo dòng nước nhiều mái nhà nổi một phần trên nước với một vài nạn nhân bám trên mái nhà nổi đó mà không có cách gì để tạt được vô bờ. Họ chắc sẽ chết nếu mái nhà chìm dần hoặc khi mái nhà bị dòng lũ cuốn trôi ra biển lớn thì khó có ai còn được sống sót.
Hai chiếc trực thăng bay quần theo các mái nhà trôi trên sông Hàn, tìm cách cứu người nhưng nước chảy quá mau, khi trực thăng thả thang dây cho người leo xuống, một cơn gió lốc thổi mạnh tới, trực thăng chao đảo, tưởng bị rơi xuống sông nhưng may mà trực thăng bay vút lên cao, người quân nhân bám theo thang dây cũng bay lên như một cánh diều căng phồng theo cơn lốc. Trực thăng đành bay vào các đồng ruộng ngập nước để tìm cách cứu những người khác.
Dân chúng đứng trên bờ sông phía chợ Đà Nẵng theo dõi việc trực thăng cứu người bám trên mái nhà, họ reo hò, hồi hộp, lo sợ cho nạn nhân lũ lụt trên mái nhà đang trôi trên sông Hàn và lo cho cả phi hành đoàn trên trực thăng khi họ làm công việc nhân đạo đầy nguy hiểm.
Tôi thấy các anh thủy quân lục chiến đem xuồng cao su, có gắn máy xuống định chạy ra giữa dòng sông cứu người, nhưng xuồng máy cũng bị dòng nước cuốn đi phăng phăng. May là các anh lính có sức mạnh và nhờ chiếc xuồng cao su có máy mạnh nên họ lái vào bờ, bám theo những tàu lớn đang neo gần bờ mà thoát nạn. Nếu không thì chiếc xuồng máy và bốn anh thủy quân lục chiến đó có lẽ cũng theo dòng chảy mà trôi ra biển lớn.
Đêm đó chúng tôi thao thức, phần lo cho mình thì ít vì dù sao giữa thành phố Đà Nẵng, mưa to gió lớn cách mấy thì chúng tôi cũng còn có chỗ trú ẩn, chưa đến nỗi như những đồng bào đang đeo trên máy nhà mà bị nước cuốn trôi phăng phăng trên sông Hàn. Họ thấy cái chết trước mắt, cầm chắc cái chết trên tay mà không có một tia hy vọng cỏn con nào khiến cho họ có thể sống sót.
Bà Bầu Thơ, Thanh Nga, Hữu Phước, Thành Được, Hoàng Giang cùng chúng tôi bàn cách tổ chức lạc quyên cứu trợ. Chúng tôi định khi hết mưa, nước rút đoàn sẽ hát một tuần lễ liên tục, nghệ sĩ không lãnh lương, bao nhiêu doanh thu đều tập trung giao cho nhà cầm quyền địa phương giúp cho đồng bào các vùng bão lụt. Bà Thanh, chủ rạp hát Trưng Vương cũng không thu tiền cho mướn rạp hát trong tuần lễ hát cứu trợ đó.
Đà Nẵng dứt mưa, mực nước sông Hàn bớt chảy mạnh, hết dâng cao, bà Bầu Thơ, thầy Bảy Quản Lý và Nguyễn Phương đại diện đoàn hát đến dinh Đại Tá tỉnh trưởng xin phép tổ chức hát cứu trợ. Bà Thơ đề nghị Đại Tá tỉnh trưởng cho phép nghệ sĩ ban ngày đi từng đoàn bốn người mang thùng tiền đi quyên tiền cứu trợ nạn nhân bão lụt.
Đại Tá hoan nghênh việc nghệ sĩ đoàn Thanh Minh Thanh Nga  tự nguyện làm việc từ thiện nên cho phép và thông báo cho sở cảnh sát và quân cảnh giúp khi nghệ sĩ mang thùng đi quyên tiền.
Thanh Nga, Hữu Phước, Hề Kim Quang, Minh Điển và tôi đi một nhóm, có hai anh công nhân dàn cảnh bưng theo hai thùng quyên tiền.
Ba nhóm nghệ sĩ khác đi quyền tiền có nhóm 1: Út Bạch Lan, Thành Được, Bích Sơn, …, nhóm 2: Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Phương Ánh…nhóm 3: Hoàng Giang, Kim Giác, Bé Hoàng Vân… mỗi nhóm đều có hai cảnh sát và hai quân cảnh đi theo giúp giữ an ninh trật tự.
Dân chúng trong chợ Đà Nẵng, đường Phan Đình Phùng, đường Độc Lập, dọc theo bờ sông Hàn đã quyên tiền rất nhiều. Nhiều cô gái ở quanh đó cũng theo các nhóm nghệ sĩ, góp lời kêu gọi giúp nạn nhân bão lụt. Kết quả tài chánh thật là khả quan, chúng tôi mang tất cả các thùng tiền lạc quyên về dinh tỉnh trưởng. Đại tá tỉnh trưởng ra kiểm nhận, chụp hình chung với các nghệ sĩ để làm kỷ niệm và đăng các nhật báo địa phương và báo ở Saigon.
Tôi còn giữ trong nhật ký của tôi bài thơ “Câu Hát Tình Thương” mà tôi đã sáng tác nói về trận bão lụt đó và cả việc nghệ sĩ đoàn Thanh Minh Thanh Nga  đi quyên tiền cứu lụt:
Mồng 7 tháng 10 âm lịch,
Giáp Thìn, lại cũng năm Thìn
Và những đêm ngày kế tiếp
Gió mưa gieo rắc điêu linh.
Mưa tuôn thác đổ,
Núi lở đá nhào,
Biển dậy ba đào,
Sóng trào bọt khói.
Nước lột da đất sỏi
Gió xô ngã tường dầy,
Tám trăm ngàn mẫu đất,
Chìm dưới trận thủy tai.
Xác súc vật lềnh bềnh mặt nước
Thây người trôi bít lối sông dài
Ruộng vườn, nhà cửa…Thương thay!
Mồ hôi nước mắt dân gầy miền Trung!
Mồng 7 tháng 10 năm nay
Mưa cuồng gió loạn đêm ngày
Miền Trung kêu gào bão lụt
Tám ngàn người chết bỏ thây!
Quảng Nam, Quảng Ngãi
Bình Định, Phú Yên
Quảng Tín, Thừa Thiên
Kontum, Phú Bổn…
Từ duyên hải đến Cao Nguyên
Người trôi mặt nước, kẻ chìm đáy sông,
Đất bằng thành biển cả
Đồi núi hóa cù lao
Kẻ sống đói gạo châu
Mái hiên là khách sạn
Quán cốc như cao lầu!
Phà Châu Ổ trở thành Châu thủy,
Nước sông Hàn ngập mí bờ cao
Hảo Sơn, Đại Lãnh, Sông Cầu
Đường rầy đứt khúc, hoa mầu thúi om!
Cầu sắt cuốn theo dòng
Đá hàn trường lên bến!
Cột điện gục xuống sông
Cây rừng trôi ra biển
Đèo Hải Vân rùng mình nứt nẻ
Núi Trường Sơn chuyển xé khăn sô
Đá An Khê xuống đầy xa lộ
Nước Mỹ An xóa bỏ địa đồ!
Năm vạn mái nhà sụp đổ
Bảy mươi vạn người cơ hàn
Đêm đông màn trời chiếu đất
Ngày hạ vất vả lầm than.
Ông già bà lão nằm thoi thóp
Trẻ nít lang thang chật phố phường
Đà Nẳng trở thành nơi cứu đói
Hội An tiêu biểu những tình thương.
Tin điện loan truyền
Bốn phương xúc động
Nghệ sĩ đang tìm cuộc sống
Cũng lâm vào cảnh lũ lụt ngửa nghiêng.
Nhưng cùng một nhịp tim
Xót đồng bào ruột thịt
Cứu trợ là khẩn thiết
Nhất tề mở lạc quyên…
Thanh Nga – Hữu Phước
Thành Được – Út Bạch Lan
Rời sân khấu “xuống đường” khất thực
Với câu hát tình thương: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Lần đó tuy các nghệ sĩ hát không có được tiền lương, chỉ được ăn cơm hội của đoàn nhưng mọi người rất vui vì đã giúp được những gia đình kém may mắn hơn mình.
53 năm qua rồi, từ cơn bão Damrey hôm nay, tôi như thấy lại cảnh miền Trung lũ lụt ngày xưa…
Soạn giả Nguyễn Phương
11/2017
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" <pwillay@orange.fr>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen