Dienstag, 7. November 2017

SHINZO ABE và DONALD TRUMP ĐỒNG MINH CHÍ CỐT, BẠN BÈ THÂN THIẾT

                                 Đại-Dương

Dư luận quốc tế, đặc biệt trong giới chính trị gia lão luyện không ngớt chê bai Tổng thống Donald Trump thiếu kinh nghiệm ngoại giao, ăn nói bạt mạng.
Họ cố tình quên, doanh nhân Donald Trump từng thương thảo nhiều hợp đồng kinh tế với các quốc gia trên thế giới để bành trướng sự nghiệp. Trump đã điều hành một chương trình truyền hình The Apprentice từ năm 2004 được nhiều người xem, chứng tỏ đương sự rất thông hiểu về ảnh hưởng của truyền thông.
Chuyến công du Arab Saudi đã đưa Vương Quốc dầu hoả số 1 trên thế giới không còn e dè với Hoa Kỳ như suốt nhiều thập niên qua.
Tại Thượng đỉnh NATO, Tổng thống Donald Trump với lời lẽ cứng rắn, tuy làm mích lòng Tể tướng Angela Merkel và các nhà lãnh đạo chính, nhưng, cuối cùng Tổ chức này cũng phải gia tăng chi phí quốc phòng từ 2% lên 4,3% theo đòi hỏi bp chát của Trump.
Kết quả ngoại giao chẳng đến từ những lời lẽ trau chuốt, thái độ lịch thiệp, nụ cười làm dáng của giới chính trị gia mà phải mang lại lợi ích nhiều hay ít cho quốc gia và dân tộc hay không.
Trong chuyến công du Châu Á để dự 2 hội nghị thượng đỉnh quốc tế, thăm 5 quốc gia trong 12 ngày, Tổng thống Trump đã chọn Nhật Bản làm điểm dừng chân đầu tiên.
Đổi từ thù sang bạn sau năm 1945, Hoa Kỳ và Nhật Bản vẫn gắn bó keo sơn và góp phần duy trì nền an ninh, ổn định, phát triển kinh tế thần kỳ ở Đông Bắc Á.
Nhưng, tham vọng bành trướng bá quyền của Trung Quốc ngày càng quyết liệt và lộ liễu khiến cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sặc mùi thuốc súng và bất-bình-đẳng trong thương mại.
Ngăn chặn chiến tranh và tạo điều kiện làm ăn công bình cho mọi dân tộc Châu Á trở thành ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe.
Họ tay bắt, mặt mừng trên Xứ Hoa Anh Đào làm cho Tờ The Ashasi Shimbun ngày 6 tháng 11 ví “Abe và Trump như hai hạt đậu trong cùng một cái vỏ”. Và nhận  xét “Các chỉ số kinh tế đều thuận lợi tại Hoa Kỳ và Nhật Bản bất chấp các vụ bê bối chính trị đang gây tranh cãi”.
Họ chơi golf, ăn trưa, ăn tối, bàn chuyện quốc sự như hai người bạn thân thiết và hiểu biết những điều cần làm có lợi cho hai quốc gia liên quan đến nền an ninh, ổn định, hoà bình và phát triển trong khu vực đầu tàu kinh tế thế giới.
Bắc Triều Tiên dưới sự nuôi dưỡng, hỗ trợ của Trung Quốc đã hung hăng cực độ khi khoe “sức mạnh nguyên tử và hoả tiễn đạn đạo liên lục địa biểu kiến”.
Vì thế, Trump và Abe đã yêu cầu Bắc Kinh phải làm nhiều hơn nữa, chứ không nói suông, để kiềm chế Bình Nhưỡng. Quả bóng đang rơi vào sân của Trung Quốc!
Trung Quốc, Nga, Châu Âu kêu gọi đàm phán với Bắc Triều Tiên. Nhưng, Trump cho rằng “Thời gian kiên nhẫn chiến lược 25 năm đối thoại đã qua”. Abe hoàn toàn tán thành “Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ tăng cường áp lực cao nhất thông qua mọi phương tiện trong khi hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm buộc Bình Nhưỡng thay đổi chính sách”.
Hôm 7 tháng 11, Nhật Bản phong toả tài sản của 9 tổ chức và 26 cá nhân liên quan đến các ngân hàng của Bắc Triều Tiên tại Trung Quốc, Nga, Libya, Các Tiểu Vương quốc Á Rập Thống nhất. Tổng cộng, đã có 84 tổ chức của Bắc Triều Triều Tiên và 108 cá nhân bị phong toả tài sản. Quyết định của Nhật tăng thêm sức mạnh cho lần trừng phạt Bình Nhưỡng hồi tháng trước của Mỹ.
Nhằm tăng cường sức mạnh quân sự, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera tuyên bố hôm 7 tháng 11 “Nhật Bản đang mua thêm phi cơ tàng hình F-35A và hệ thống chống hoả tiễn SM-3 Block IIA của Hoa Kỳ”. Tokyo sẵn sàng mua thêm mọi loại vũ khí tối tân nhất của Hoa Kỳ. Onodera sẽ có mặt tại Hawaii vào tháng 1-2018 để chứng kiến việc thử nghiệm hệ thống Aegis trên bờ.
Điều này tạo ra hai hiệu ứng: (1) Nhật Bản sẽ có khả năng quân sự vượt trội Trung Quốc. (2) Giúp cho nền kinh tế Mỹ phục hồi.
Vòng đàm phán kinh tế thứ hai tại Hoa Thịnh Đốn giữa Phó tổng thống Mike Pence và Bộ trưởng Tài chính Taro Aso hồi tháng trước vẫn chưa san bằng được khác biệt về các vấn đề thương mại gai gốc. Năm 2016, Nhật thặng dư mậu dịch 69 tỉ USD với Mỹ.
Trong cuộc gặp mặt các doanh nhân Nhật, Mỹ tại Tokyo hôm 6 tháng 11, Trump nói thẳng “Chúng tôi muốn thương mại hỗ tương và tự do mà ngay bây giờ mậu dịch với Nhật vẫn không đối ứng và chẳng tự do. Nhưng, tôi tin điều này sẽ được thực hiện nhanh chóng và rất thân thiện”.  
Hôm 7 tháng 11, Trump líu lo “hàng loạt đơn đặt hàng quân sự và năng lượng được hai bên ký kết đem lại nhiều lợi nhuận cho Hoa Kỳ”. Hai bên đồng ý hợp tác để giúp các công ty tư nhân thắng nhiều hợp đồng xây dựng những cơ sở năng lượng trong các nền kinh tế đang nổi ở Á Châu, kể cả việc xuất cảng khí đốt của Mỹ.
Sức mạnh kinh tế và quân sự của Nhật Bản rất cần thiết để chia sẻ trách nhiệm với Hoa Kỳ trong việc bảo vệ và duy trì phát triển và hoà bình trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt ở Đông Bắc Á.
Từ nay, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên không chỉ đương đầu với Hoa Kỳ mà còn với cả Nhật Bản đang vươn lên vị trí cường quốc quân sự đúng với thực trạng sức mạnh sát nách của con cháu Thái Dương Thần Nữ.
Tổng thống Donald Trump đã thực hiện một chuyến công du nhẹ nhàng tại Nhật Bản, ít lý thuyết rườm rà và hợm mình kiểu các chính trị gia nói nhiều mà chẳng được bao nhiêu, đem lại sức mạnh cần thiết cho một quốc gia đồng minh chí cốt và điều kiện khởi sắc cho nền kinh tế cần hưng thịnh của Hoa Kỳ.
“Hàng không mẫu hạm Trump” đang cặp bến Đại Hàn để chuẩn bị cho Liên minh Quân sự Hàn-Mỹ-Nhật nhằm đối phó hữu hiệu với kiểu thảo khấu của Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
                                     Đại-Dương 
__._,_.___

Posted by: bebeliem@aol.com

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen