Ngọc Ánh
Xin giới thiệu đến quý bạn đọc thiên hồi ký bi hùng, thương tâm, đầy nước mắt của một đôi vợ chồng mang bản án phản động, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng sau ngày 30/4/75.
Mời đọc bài viết của Trần-Mộng-Lâm, giới thiệu cuốn:"Ngày Tháng Buồn Hiu ".
(Nhật-ký của Ngọc-Ánh)
Cuốn nhật ký “Ngày Tháng Buồn Hiu” đến với tôi rất tình cờ.. Một buổi sáng tôi đến chơi nhà người bạn, thấy cuốn sách mầu tím mới tinh nằm trên bàn, tôi lật cuốn sách ra coi trong khi chờ bạn sửa soạn ly cà phê buổi sáng. Đọc qua vài trang, tôi bị cuốn nhật kthu hút đến nỗi nhất định phải mượn về nhà tuy người bạn cũng chưa có dịp đọc. Và tôi đã tìm được những gì mà tôi tìm kiếm mấy chục năm nay, sau cuộc chiến.
Cái mà tôi muốn tìm, là một cuốn nhật ký tương tự như nhật ký của Anne Frank. Sau Thế Chiến Thứ Hai, và khi những tội ác của Đức Quốc Xã đối với dân Do Thái đã được nhân loại phanh phui, thì cuốn nhật ký của một cô gái người Do Thái tên Anne Frank được người ta tìm thấy và phổ biến trên toàn thể Thế Giới. Cuốn nhật ký của Anne Frank được nhân loại tìm xem và là một trong những cuốn sách được in ra nhiều nhất, số bản in có lẽ chỉ thua kinh thánh, mà thôi.
Cuộc chiến Việt Nam được chấm dứt tháng tư năm 1975 sau 20 năm người Việt tàn sát lẫn nhau. Kể từ tháng tư năm đó, người dân Miền Nam đã bị đầy đọa, cầm tù hàng triệu người, kỳ thị và ngược đãi đến nỗi họ phải liều chết ra đi để rồi hàng triệu người bỏ mạng tại Biển Đông, gia đình ly tán, và khổ nạn đó kéo dài đến ngày hôm nay, khác với Dân Do Thái chỉ bị nạn Quốc Xã có 6 năm, từ 1939 đến 1945.
Tôi vẫn tự hỏi có ngày nào được đọc những trang nhật ký của một người thiếu nữ Miền Nam, nạn nhân vô tội của chiến tranh, , trong trắng, vô tư và trạc tuổi của Anne Frank, khi bạo lực đã không cho họ có được một cuộc đời an lành như họ ước mơ. Sở dĩ tôi mong mỏi như thế, vì tôi đã sống trong trại cải tạo, đã đọc những hồi ký viết về thời gian đó, nhưng chúng tôi là những người lính, đã tham dự chiến tranh, đã trưởng thành khi Sài Gòn thất thủ. Đối với tôi, mọi sự rất giản dị, thua trận thì bị cầm tù và hành hạ, dẫu sự thua trận đó có nhiều lý do chứ không vì thiếu can trường. Cái mà tôi thắc mắc là những thanh thiếu niên Miền Nam, chưa tới tuổi 20, họ tiếp nhận sư thua trận của chúng tôi ra sao ??
Cuốn nhật ký của Ngọc Ánh, đã giải tỏa cho tôi phần nào những thắc mắc đó, nhưng lời giải đáp không vui chút nào, đúng như tôi suy nghĩ, vì tựa đề của cuốn nhật ký là Ngày Tháng Buồn Hiu.
Vài Hàng Về Tác Giả.
Ngọc Ánh là con của một người Cộng Sản, đã tham gia cả trong cái mà họ gọi là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cả gia đình của Ngọc Ánh đều là "ViCi" (Việt-Cộng), trừ tác giả. Lý do là từ khi còn nhỏ, ba má ruột của cô (người thứ năm trong gia đình), đem cho người em gái của cha cô nuôi. Bởi lý do ấy nên cô gọi cha mẹ nuôi là Ba Má Sáu, trong khi cha mẹ ruột cô gọi là Ba Má Năm. Và được Ba-Má Sáu, nuôi cô rất tận tình . Cô viết :
Cái tình nghĩa hai mươi năm dưỡng dục, ta nhớ như in con đường đất trơn trợt trong hẻm mà hai ông bà đã thay nhau cõng ta đến trường đầu tiên, rồi những lần ta ốm đau quặt quẹo thuốc Bắc thuốc Nam, mái tóc ta chỉ có mỗi Ba Sáu cắt, áo quần ta mặc chỉ có mỗi Má Sáu may. Ba Sáu hớt tóc, Má Sáu bán hàng rong, chắt chịu nuôi ta khôn lớn, cơm rau hiu hẩm cả nhà cùng chia sẻ ngọt bùi bấy nhiêu năm.
Nhưng cái éo le của số mệnh là ông bà Sáu có một người con là sỹ quan VNCH.. Sau khi Miền Nam thua trận, cha ruột của tác giả cuốn nhật-ký là ông Năm, tìm đến nhà người em gái của mình đòi con lại, ông nói :
" -Nhà cô dượng bây giờ là sỹ quan ngụy. Con Ánh không thể có tương lai được.. Bây giờ tôi bắt nó về Sài Gòn cho nó tiến thân trong xã hội mới, nhưng nói trước để cô dượng đừng có thơ từ kêu réo nó trở lại đây nhe, bây giờ nó là con tôi, tôi sẽ làm khai sanh nó lại họ của tôi."
Dĩ nhiên ở tuổi 20, tác giả không còn nhỏ nữa. Cô đã biết suy nghĩ. Suy nghĩ để đi tới một kết luận.
Kết luận là : Bài học đầu tiên mà người cha cách mạng dạy cho cô là bài học phản bội..
Đem con về, người cán bộ CS đó cương quyết nhuộm đỏ tuổi trẻ của cô khi bắt cô phải tham gia cách mạng trước và gát lại chuyện học hành, nhưng cô phản kháng để quyết thi vào đại học, cần có bản Sơ Yếu Lý Lịchnhờ cha chứng, ông chỉ chịu ký với điều kiện ghi sơ sơ vài hàng thành thậtcó thằng anh sỹ quan ngụy (Con ba má Sáu), lý do thay tên đổi họ.. Những hàng thành thực ông Năm ghi thêm vào là :
-Vì hoàn cảnh đau khổ của chiến tranh, cha con ly tán. Tôi là nạn nhân của thời cuộc do Mỹ Ngụy gây ra. Nay nhờ cách mạng cứu sống lại đời tôi nói riêng, thế hệ nói chung. Nay tôi nguyện trọn đời hy sinh cho cách mạng….
Về người sỹ quan ngụy, Trần Văn Tùng,con trai duy nhất của má Sáu, người em ruột của ông, người CS chơn chính là ông Năm không muốn bị liên lụy, có hại cho tiền đồ của ông, ông đã viết thêm :
Tên Tùng quá nguy hiểm cho cách mạng. Khi tôi thấy không thể tuyên truyền được nó, tôi có đề nghị với các đồng chí cho ban công tác thành bắn nó, nhưng các đồng chí vẫn còn do dự. Tôi nghĩ rằng nó là một thằng nguy hiểm, việc nó làm có phương hại đến cách mạng không nhỏ. Cần phải dứt khoát hạ nó….
Đứng trước hoàn cảnh đó, người con gái Miền Nam không thể không bất mãn với người cha ruột CS của mình. Cô ghi lại trong nhật ký :
-Cộng sản là thế đó ư ? Cậu ruột có thể tìm mọi cách giết thằng con trai duy nhứt của em mình, cháu của mình ? Trời ơi, ta đau đớn có thể chết được.
Và cuối cùng, cô đã có một quyết định là xé bỏ tờ sơ yếu lý lịch và gọi cha ruột CS của mình là đồng chí Ba. thực quá đắng cay, thê thảm.
-Trời ạ ! Chèn ép nhân dân phải không, đã thế không thèm đề gì hết, cùng lắm bỏ thi, tội gì phải đặt sự tiến thân của mình vào dăm câu lếu láo nịnh bợ đó. Ta nguyện trọn đời dâng con tim chai đá không bao giờ biết đến nói dối cho bồ ta thôi, ta hổng hưỡn hy sinh phi lý vô lý cho cách mạng à nhe. Nản quá, rút sơ yếu lý lịch về để nghĩ lại xem, cái lối dồn người ta vào chân tường của đồng chí Ba này không khá, hổng lẽ đời ta từ nay chỉ còn biết quỵ lụy và dựa hơi thôi sao???
....
Cảm Nghĩ người đọc Nhật Ký Ngày Tháng Buồn Hiu của Ngọc Ánh.
Những gì tôi viết trên đây chỉ là để mọi người biết qua về thân thế, tâm trạng của Ngọc Ánh, một thiếu nữ còn rất trẻ khi Cộng Sản xâm chiếm Miền Nam chỉ mới là một học sinh trung học.Khi Miền Nam sụp đổ, thì cô chưa vào đời, chưa có khuynh hướng chính trị, chưa phân biệt được thế nào là Cộng Sản, thế nào là Quốc Gia, là dân chủ, là độc tài Đảng trị. Chỉ những tháng năm sau đó, nhờ ở sự quan sát đời sống những người Miền Nam, bạn bè, thầy học cũ, tác giả mới cảm thấy cái sự giả dối và phi nhân của những người CS. Cô ngột ngạt trong không khí gia đình, với người cha và hai người chị đã bị nhuộm đỏ từ trái tim cho tới khối óc. Cô cũng nhận thức được là sự thống nhất Việt Nam chỉ là một ván bài tháu cáy với những người gọi là đại biểu dân tộc. Bà thắc mắc :
-Có thực là những đại biểu dân tộc đó có nhiệt tình yêu dân, yêu nước không ? Hay chỉ là cái cớ để xâm chiếm Miền Nam theo chính sách độc tài Đảng trị ??
Với cái suy luận như vậy, với sự quan sát tinh tế của một người con gái Miền Nam thông minh, ta không lạ gì thấy tác giả của cuốn nhật ký trở thành người phản kháng cái chế độ phi nhân phi nghĩa mà người Miền Nam phải gánh chịu như một định mệnh tàn tệ. Trả giá cho sự cứng đầu đó là trên mười năm lăn lóc trong những nhà tù, với một đứa con tật nguyền, và một người chồng đã bị Cộng quân xử bắn vì chống lại chế độ.
Tập nhật ký mà tác giả còn gọi là “nhật ký mực tím” còn dài. Nếu phải trích đăng, có lẽ tôi không làm được vì trang nào cũng hay, cũng có giá trị, cũng khéo vẽ cảnh tượng xã hội Miền Nam trong thời kỳ đen tối đó, như một bức tranh rất thực, rất chân thành, làm người xem có thể khóc được vì nó tả chân quá, không lẽ chép luôn cuốn nhật ký vào đây, điều đáng tiếc là đến nay cuốn sách vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, chạm vào nổi đau đã qua có lẽ tác giả rất buồn .
Sau ba chìm bẩy nổi, Ngọc Ánh cuối cùng cũng đến được bến bờ Tự Do của nước Mỹ, nhờ người chồng sau, một cựu giáo sư Miền Nam mà cô rất biết ơn, vì ông đã mở rộng bàn tay để ôm cô vào lòng, như bản tính đôn hậu của người Nam Việt đã từng sống dưới sự giáo dục nhân bản của người Quốc Gia chúng ta. Tuy nhiên những kỷ niệm với người chồng đầu không bao giờ phai nhạt. Người chồng đầu tiên của Ngọc Ánh là anh Trần Thắng Tài. Năm 1979, anh Tài bị biệt giam trong ngục tù Cộng Sản, và anh bị xử Tử Hình vào ngày 14 tháng sáu năm 1982 tại Phan Thiết. Trong tù, anh viết bài thơ sau đây đề tặng vợ
Ta nay thất thế bị giam cầm.
Nghiến răng ngậm miệng nuốt hờn căm.
Một lòng vì nước vì dân tộc.
Sá chi tù ngục chốn ta nằm.
Đêm nghe tiếng cuốc chiêu hồn nước.
Ngày thấy hoàng hôn phủ núi sông.
Miền Nam tan tác đau lòng khóc.
Án tử, chung thân, gió thoảng lòng.
Cái chết của anh Trần Thắng Tài sẽ không bao giờ rơi vào quên lãng. Tập Nhựt Ký mực tím của người vợ anh đã làm anh trở thành bất tử, và Miền Nam tan tác sẽ có ngày trở thành Một Miền Nam tràn đầy nắng ấm, một khi nạn CS qua đi. Nó sẽ phải qua đi vì nó gây ra quá nhiều tội ác.
Tôi đã đọc xong cuốn Ngày Tháng Buồn Hiu của tác giả Ngọc Ánh, và tôi cũng đã xúc động chân thành như khi tôi đọc Nhật Ký Anne Frank. Xin được gọi Ngọc Ánh là một Anne Frank của Miền Nam, và mong cuốn nhật ký này sẽ được phổ biến sâu rộng .
Trân trọng.
Trần Mộng Lâm
__._,_.___
Posted by: Hank Music <music.hank@yahoo.com>
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen