Luân Lê
Cùng tác giả:
Tôi chưa biết ngư dân rồi sẽ nhận được bao nhiêu tiền trong số tiền
ít ỏi mà Formosa hứa là sẽ bồi thường cho người dân vùng biển miền
Trung thông qua Chính phủ, và với lời hứa của chính quyền nước sở
tại, họ nói, sẽ hỗ trợ các chi phí để đào tạo chuyển đổi nghề cho
các ngư dân, nhưng hôm nay đọc báo mới thấy đau xót, khi chính họ
lại lên kế hoạch "ưu tiên cho các ngư dân vùng biển đi xuất khẩu
lao động".
Phụ nữ nước mình đi bán trôn nuôi miệng bao nhiêu người ở nước
ngoài rồi? Bao người bị bán sang bên kia đường biên giới không có
cơ hội quay lại quê hương rồi? Bao người đi xuất khẩu để hàng tháng
gửi về những đồng đô la đầy cực nhọc mà người ta gọi là kiều hối
rồi? Và giờ, sẽ bao nhiêu ngư dân thất học, không thạo biết nghề gì
- ngoài bám biển để vừa đánh bắt hải sản mưu sinh, vừa bảo vệ chủ
quyền cho đất nước, vừa trợ giúp tìm kiếm cứu nạn khi có sự kiện
như đã thấy - được ưu tiên bỏ xứ mà đi (?). Cay đắng làm sao khi
mảnh đất của mình mà không thể sinh tồn và dung chứa được chính
mình nữa. Tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, giờ đến sức người cũng
phải "bán tháo" thì đất nước không nghèo mới là điều khó hiểu.
Trung Quốc, nó cho người vào thẳng trong lãnh thổ của Việt Nam để
xuyên tạc lịch sử, cướp bóc, hành xử côn đồ, đánh đập người dân một
cách trắng trợn, vậy mà không bắt bỏ tù những kẻ đó và xét xử theo
luật pháp rồi trục xuất chúng khỏi lãnh thổ của mình. Mà người dân
mình vì đâu lại còn sợ cả bọn chúng nên không cả dám làm nhân chứng
hay lên tiếng tố cáo những hành vi côn đồ đó của chúng. Phải chăng,
chúng ta đã bị giáo dục và tuyên truyền để trở nên nhu nhược, cam
chịu chứ không được khơi dậy hay giáo dục đúng nghĩa về lòng yêu
nước, sự tự tôn dân tộc cũng như lòng dũng cảm nên bây giờ mới
thành kẻ hèn mạt ngay trên đất của mình?
Chúng đánh đập dân ta, là để kiếm cớ mà triển khai thi hành điều
luật về đưa quân tham chiến ở nước ngoài mà chúng vừa mới thông qua
cách đây không lâu. Chỉ cần một hành động bạo lực không theo pháp
luật của chúng ta đối với công dân của chúng thì rất có thể chúng
sẽ có cớ đem "quân lính" sang để thực thi nghĩa vụ quốc tế hoặc với
lý do bảo vệ công dân của mình mà can thiệp vào các hành động của
nước khác. Biển đảo thì chúng trắng trợn chiếm, không chỉ diễn tập
quân sự công khai đầy thách thức mà bây giờ là các tuyên bố sẽ hành
động ngay tức khắc nếu có bất kỳ sự phản ứng nào của nước khác về
hành vi mang tính không đồng thuận với chúng trong các khẳng định ý
chí đơn phương về vấn đề biển đông.
Quan chức, hết chê dân trí thấp (lý do của một số đại biểu quốc
hội, Bộ trưởng nêu ra để trì hoãn chính sách hay giải thích có lợi
cho mình khi bị chất vấn), rồi lại chửi người dân thiếu kiến thức
(lời của một vài ông Thứ trưởng các bộ khác nhau), nhưng đến khi
cần thì người ta lại ra sức huy động hàng trăm tấn vàng trong dân
để cứu nền kinh tế đang trên bờ vực nguy cấp, hay để gìn giữ độc
lập dân tộc, chủ quyền, lãnh thổ thì quan chức lại vỗ về bằng một
lệnh thức tuyên ngôn: "nhân dân sẵn sàng hy sinh để bảo vệ độc lập,
tự do của tổ quốc" (Nguyễn Chí Vịnh), rồi ông Thủ tướng cũng kêu
gọi: người dân hãy cùng chung tay để bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Nhưng khi người dân đi biểu tình vì cuộc sống, thể hiện lòng yêu
nước, lên tiếng bảo vệ tổ quốc, thì bị bắt bớ, đánh đập, trù dập,
nên đã tạo ra những nỗi sợ hãi vô hình cho những người khác, dần dà
rồi người ta trở nên vô cảm với những sự kiện của xã hội bởi những
nỗi sợ hãi luôn thường trực đè nén họ khi đã chứng kiến những cảnh
bạo lực hoặc hành xử bất chấp ấy.
Vậy là, khi người ta muốn làm điều gì đó có lợi cho mình thì họ lại
hạn chế và cố gắng đổ lỗi cho người dân, còn khi cần dân để cứu
mình (sức người, trí tuệ hoặc tài sản) thì họ lại cạy nhờ đến dân
với những ngôn từ hết sức mỹ miều đầy cám dỗ, thông qua tình yêu
quê hương, đồng loại và lòng khoan dung, độ lượng.
Còn một nghịch lý nữa, không thể không nói đến vì nó hiển hiện sừng
sững quá, như một cú giáng quá mạnh vào tâm thức của những người có
tự trọng, liêm sỷ và yêu nước. Đó là chuyện, người ta tham nhũng,
vơ vét, đục khoét bằng mọi cách có thể, ăn không từ thứ gì của dân,
như nhà máy giấy 3.000 tỷ xây xong mà không sản xuất được giấy rồi
phải xóa sổ bỏ đi. Tượng đài vua Đinh Tiên Hoàng với 1.500 tỷ xây
xong rồi bỏ hoang. Miếu thờ dựng lên gần 300 tỷ xong không biết thờ
ai mà lúc trước đã dự tính đó là ông Khổng Khâu của người Tàu. Rồi
chuyện đường xá ngàn tỷ làm xong sạt lở mới vỡ ra là bên trong dùng
hàng tá "xốp" để lót ở giữa, mà người ta giải thích là để sau này
"sửa đường cho tiện". Hay hàng loạt các tin đã đưa về việc rất
nhiều tỉnh, thành nâng cấp hệ thống toilet công cộng, xây công
trình tượng đài, đền chùa cả trăm, ngàn tỷ, nhưng khi nói về khoa
học và cần sự tham gia của công nghệ đối với và để giải quyết các
sự kiện quốc gia nào đó quan trọng thì họ lại thản nhiên rằng,
không có kinh phí hay vượt quá khả năng của nước nhà.
Vì nơi nào mà những thứ dành cho người chết to lớn nhất, thì nơi đó
người sống sẽ thiếu thốn và khổ sở nhất.
Có đất nước nào lại lạ lùng và nhiều nỗi xót xa đến thế không? Khi
người dân trở thành những đối tượng mà dễ cả tin, dễ bị mù quáng và
cũng dễ bị đổ lỗi nhất không?
Một dự án tầm cỡ quốc gia, mà hơn thế là quy mô quốc tế như Formosa
(với hơn 10 tỷ usd đầu tư), thì theo Luật Đầu tư dự án này phải
được sự chấp thuận, phê duyệt của chính Thủ tướng chính phủ với sự
tham gia thẩm tra của 08 bộ, ngành liên quan, trong vòng gần 1 năm,
nếu có đảm bảo đủ các điều kiện đầu tư thì mới được chấp thuận và
triển khai. Nhưng đến nay, khi xảy ra sự kiện thảm họa cá chết ở
miền Trung, Thanh tra chính phủ mới vào cuộc và người ta mới ngỡ
ngàng với các kết luận rằng "việc cho thuê đất là vượt quá thẩm
quyền của tỉnh". Và Bộ tài nguyên môi trường lại sửng sốt khi thừa
nhận: bộ mình không được thẩm tra dự án này (!?). Quả thực là một
sự vô pháp, lạm quyền, hoặc dung túng trong lúc đương thời của
người tiền nhiệm trước. Quả là kinh hoàng, khi một nhánh quyền lực
lớn nhất được gọi là hành pháp của một đất nước, ở cấp trung ương,
người ta lại bị qua mặt một cách dễ dàng đến thế.
Và với thảm họa đặc biệt nghiêm trọng đe dọa an ninh, kinh tế quốc
gia mà Formosa đã vừa gây ra, có lẽ cần - mà chính xác là phải, vào
cuộc một cách toàn diện, mạnh mẽ và tiến hành khởi tố vụ án, khởi
tố bị can đối với tất cả các cá nhân, tổ chức có liên quan từ đầu
khi chấp thuận dự án, đến giám sát, quản lý và cả khi xảy ra hành
vi gây hậu quả đầu độc biển miền Trung với hiểm họa khôn lường và
lâu dài này.
Pháp luật, nếu được thượng tôn và duy trì một cách minh bạch, thì
quốc gia mới ổn định, thịnh vượng và được tôn trọng trong con mắt
người dân cũng như cả những bạn bè quốc tế nữa.
Còn nếu diễn tiến theo chiều ngược lại, thì đó chính là lý do của
câu nói nổi tiếng mà ông Thomas Jefferson đã nói cách đây gần hai
thế kỷ trước: Khi bất công trở thành luật pháp, chống đối trở thành
nghĩa vụ.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen