Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 247 (15-07-2016)
Tối ngày 09-07-2016, 50 “chiến sĩ công an chống phản động” tỉnh
Quảng Bình hí hửng chia nhau 8 Smartphone, 3 điện thoại thường,
vàng bạc, đồng hồ, ngoại tệ và tiền mặt, tổng trị giá gần
110.000.000 VNĐ, chưa kể 6 bộ quần áo nam còn mới. Đó là “chiến lợi
phẩm” thu được sau cuộc tấn công bất ngờ “đám phản động” gồm 6 nam
và 2 nữ đang trên đường đến Cửa Lò để dự một đám cưới ngày hôm đó.
Ngoài việc chia nhau chiến lợi phẩm, “các chiến sĩ” còn khoe tài đã
tung bao nhiêu đòn tay, đòn chân, đòn gậy trí mạng vào đầu, vào
bụng đám “kẻ thù của nhân dân, của đảng, của chế độ” và lột trần
bọn chúng! Những đòn đã tung ra với tất cả sự căm hờn (do đảng
truyền lực) để trả thù cuộc biểu tình ngày 07-07-2016 của đồng bọn
và đồng đạo chúng tại Cồn Sẻ Quảng Bình, để đánh cho tan tác “tổ
chức phản động” của chúng mang tên “Hội Anh em Dân chủ”, để chặn
trước những cuộc biểu tình vì môi trường mà chúng dự tính sẽ tổ
chức tiếp để gây rối loạn xã hội, để răn đe chúng đừng có giở trò
hí hửng trước phán quyết e rằng sẽ bất lợi cho đại đồng chí Trung
Quốc tại tòa án quốc tế về Biển đông vào ngày 12 tháng 07.
Kính thưa
Quý vị, đó là cái nhìn từ phía đám côn an “chỉ biết còn đảng còn
mình, còn quyền còn lợi” về cuộc tấn công dã man được ghi lại chi
tiết trong “Bản lược thuật v/v 8 nạn nhân bị chặn đường đánh đập
cướp của tại Nghệ An” mà nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Trung Trực
đã đưa lên mạng hôm 14-07. Những ai sống ngoài nước hoặc là người
ngoại quốc như bà Barbara Lochbihler (thuộc nhóm các nghị sỹ đối
ngoại phụ trách khu vực Đông Nam Á của Nghị viện Âu châu) thì hết
sức ngạc nhiên về những chuyện công an đánh đập và cướp bóc dân
lành như thế mà chẳng bao giờ (hay hiếm khi) bị thụ lý xét xử rồi
bị xử lý đúng luật. Chỉ người trong chế độ cộng sản man rợ thì mới hiểu nổi Người ta
thấy rõ việc công an khủng bố, bạo hành, tước đoạt các nhà hoạt
động nhân quyền, các dân oan tranh đấu, hay thậm chí các thường dân
(có khi đến tử vong và bại sản) đều nằm trong chủ trương của cả một
bộ máy cai trị, đểu có cả một hệ thống bao che cho nhau từ trung
ương đến cơ sở. Nếu không phải thế, tại sao công an cứ mặc nhiên
hoành hành mà không kẻ thủ ác nào bị làm sao cả, ngược lại còn được
cất nhắc, đề bạt. Ai đã biến những con người được gọi là công an
nhân dân thành những kẻ khát máu, mất hết nhân tính như thế? Câu
hỏi không khó trả lời: đó là đảng Cộng sản Việt Nam!
Bên cạnh
hành vi bạo tàn đối với một số cá nhân hay một vài tập thể như thế,
còn phải kể đến hành vi bạo tàn đối với cả dân tộc, mà ví dụ mới
nhất là vụ nhà nước bằng lòng nhận số tiền 500 triệu USD “đền bù”
của tập đoàn tội ác sinh thái Formosa (còn cho đó là thành tích
tranh đấu quyết liệt của bộ công an đối với nó), rồi kêu gọi (đúng
ra cưỡng bức) toàn dân xóa hết tội lỗi tày trời cho nó, dựa trên
cái gọi là “lòng nhân thứ khoan hồng của dân tộc Việt đánh kẻ chạy
đi không đánh người chạy lại” !?!
Về vụ này,
trước hết chúng ta hãy nhắc lại một sự việc liên quan: Ngày
20-4-2010 một vụ hỏa hoạn trên giàn khoan biển của công
ty British Petroleum (BP) khiến dầu thô tràn ra vịnh Mexico
(bên Hoa Kỳ). Sự cố đã khiến một số người thiệt mạng, gây ảnh
hưởng nặng nề đến động thực vật hoang dã trong khu vực, đến
ngành ngư nghiệp, du lịch và đời sống người dân ven
biển. Ban đầu tập đoàn BP đã phải chi 28 tỷ USD khắc
phục hậu quả cũng như một số khoản bồi thường khác. Thế nhưng,
trước phản ứng của người dân và nhà cầm quyền địa phương bị
ảnh hưởng vụ tràn dầu, chính phủ Hoa Kỳ đã phải vào
cuộc. Thẩm phán Liên bang Mỹ đã chấp thuận khoản bồi
thường tiếp 20,8 tỷ USD của BP, trong đó có 5,5 tỷ USD chi cho
khoản phạt liên quan tới Đạo luật nước sạch của Mỹ, số tiền còn lại
chia cho các bang vùng Vịnh như Alabama, Florida, Louisiana,
Mississippi và Texas, nhằm đền bù những thiệt hại do sự cố tràn
dầu. Tổng số tiền mà BP phải bỏ ra cho đến nay là gần 50
tỷ USD. Cần lưu ý rằng sự cố mà BP phải chịu trách nhiệm
là sự cố kỹ thuật, nằm ngoài ý muốn của hãng dầu khí
này, lãnh đạo BP không hề cố ý gây ra sự cố, nó khác về
bản chất với hoạt động mà tập đoàn Formosa gây ra tại Vũng
Áng, Hà Tĩnh.
Vụ xả chất độc từ Formosa ra biển Vũng Áng có dấu hiệu không phải vô tình mà là chủ ý. Chẳng ai không lắc đầu (trừ nội các Nguyễn Xuân Phúc) trước lời biện bạch của họ: do mất điện trong ít ngày đầu tháng 4! Vấn đề là Formosa chỉ nhằm tiết kiệm chi phí hay còn có chủ ý đẩy ngư dân Hà Tĩnh ra khỏi Vũng Áng và vùng biển miền Trung, khiến vùng biển này không còn sự hiện diện của ngư dân Việt? Những kẻ đứng đầu Formosa có nhận thức được rằng các chất xả ra biển (đặc biệt từ nhà máy thép) nguy hại tới môi trường sống của con người, của sinh vật biển cũng như các hoạt động kinh tế liên quan hay không? Rồi một khi chất độc lắng đọng xuống các trầm tích đáy biển, tác hại của nó không thể chỉ là vài năm, không phải chỉ là cá tôm bị chết mà còn là toàn bộ hệ sinh thái biển bị tiêu diệt. Nếu các rạn san hô ven biển miền Trung bị chết vì chất độc thì cũng có nghĩa không còn môi trưởng sinh sống cho thủy sản ven bờ. Điều này vừa được xác nhận qua bài “Độc tố phenol, cyanur tàn phá đáy biển miền Trung thế nào?” đăng trên VN Express 04-07-2016, trong đó cho biết: “Lặn xuống đáy biển 4 tỉnh miền Trung khảo sát, thu mẫu tìm nguyên nhân cá chết, các nhà khoa học đã chứng kiến những rạn san hô bị tàn phá và nhiều loài hải sản vắng bóng do độc tố phenol, cyanur”.
Do đó, trước hết cần phải truy tố Formosa về tội cố ý hủy
hoại môi trường, phá hoại nền kinh tế Việt Nam, đồng thời đe
dọa an ninh quốc gia của Việt Nam khi ngư dân không thể ra
biển, bởi lẽ đây là hành động khẳng định chủ quyền, quyền
chủ quyền của Việt Nam trên Đông Hải. Thứ đến: mức đền bù
thiệt hai phải do một tòa án độc lập quyết định chứ không
phải do Formosa tự nguyện rồi được sự bao biện hết sức ngu xuẩn
và vô trách nhiệm của Trần Hồng Hà, bộ trưởng bộ tài nguyên và môi
trường: “Đây là mức đưa ra dựa trên mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống
người dân, môi trường. Còn những tổn thương lớn hơn đến tâm lý,
nhưng chúng tôi thấy rằng không cần thiết là bao nhiêu” (Cuộc họp
báo hôm 30-06). Thứ ba: về mặt khoa học, cần tìm hiểu
ảnh hưởng đối với môi trường biển, các rạn san hô, tảo
biển, rong biển, các loại chim biển, rừng ngập mặn ven
bờ… Dự đoán phạm vi ảnh hưởng có thể xảy ra với các
tỉnh phía Bắc (từ Hà Tĩnh đến Quảng Ninh) nếu dòng hải
lưu ven bờ đổi hướng từ Nam ra Bắc, đặc biệt là ảnh hưởng
có thể đến vịnh Hạ Long, di sản được UNESCO công
nhận. Thứ tư: cần quan tâm đến trầm tích đáy
biển, tồn dư chất độc ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của
các rạn san hô như thế nào; cần kiểm tra ảnh hưởng
của chuỗi thức ăn đến chất lượng sản phẩm biển khu vực
miền Trung, ví dụ yến sào, chim biển, rong biển… Thứ
năm: trước mắt chấp nhận số tiền 500 triệu USD mà Formosa
đưa ra như khoản đền bù ban đầu để giải quyết khó khăn cho
ngư dân ven biển bị ảnh hưởng. Yêu cầu Formosa chuyển
ngay số tiền này vào tài khoản một Quỹ hỗ trợ ngư dân và
giải ngân ngay cho họ chứ không để Formosa nhỏ giọt mỗi năm
một ít. Thứ sáu: không đặt vấn đề chuyển đổi nghề
nghiệp của ngư dân nếu chẳng phải do chính họ đề xuất. Ngư
dân Việt ra khơi ngoài mưu sinh cho gia đình còn là lực
lượng khẳng định chủ quyền (nhà nước gọi là “cột mốc chủ quyền
di động”) của Việt Nam trên Đông Hải. Ngư dân cũng là lực
lượng tham gia tích cực vào công tác tìm kiếm cứu nạn trên
biển (thành tích mới nhất là việc tìm ra hai phi công chiếc phản
lực cơ lâm nạn hôm 14-06, chưa kể vô số lần khác phải thay lực
lượng hải quân và hải cảnh chuyên bám bờ). Ngư dân vắng bóng sẽ
là thời cơ tốt cho những tàu cá vỏ sắt hay tàu quân sự trá
hình của Trung Quốc xâm nhập sâu vào vùng biển nước ta, theo
ý đồ của giới lãnh đạo Bắc Kinh muốn đẩy người Việt khỏi
Biển Đông, biến vùng biển Đường lưỡi bò thành ao nhà của
họ. Thứ bảy: bảo đảm sự công bằng, minh bạch đối với
những gia đình ngư dân bị thiệt hại về kinh tế, hoặc thiệt
mạng do sự cố xả thải gây ra. Khoản tiền 500 triệu USD chỉ
nên xem là khoản tạm đền bù cho ngư dân. Tiếp theo phải là
quyết định của Tòa án về các khoản khác liên quan đến môi
trường, môi sinh, các hoạt động kinh tế biển… (theo Xuân Dương, Làm biển chết, Formosa đền 500 triệu USD là hết
trách nhiệm? 2-7-2016).
Thế nhưng, cho đến lúc này, chẳng có dấu hiệu gì
chứng tỏ đám chóp bu Ba Đình đang thực hiện những đề nghị xác đáng
trên đây. Đó là chưa kể đến việc các quan lớn CS không hề nói đến
trách nhiệm của những người trong guồng máy nhà nước đã chẳng làm
đủ bổn phận khiến tai họa xẩy ra. Không một viên chức nào xin lỗi
người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình, cho tới Thừa Thiên Quảng Trị. Chẳng
một lời nào nói đến tội đàn áp những người đi biểu tình đòi làm
sáng tỏ nguyên nhân gây tai họa, trái lại còn tiếp tục đàn áp cách
thô bạo, cụ thể đối với giáo dân giáo xứ Cồn Sẻ hôm 07-07 và đối
với nhóm anh em dân chủ nói trên. Tên thứ trưởng bộ TN-MT đã mở
miệng nói dối, chạy tội cho Formosa ngay từ đầu vẫn ngồi đó; và vẫn
bình chân như vại tên bộ trưởng TT-TT từng kết án các công dân yêu
nước, đòi hỏi “cá cần nước sạch, nước cần minh bạch” là “làm nhiễu
loạn thông tin, ảnh hưởng đến quá trình điều tra”, là bị kích động
bởi “một số thế lực thù địch”, là “sử dụng bức xúc để chống đối
Đảng” (cuộc họp báo 30-06). Mới đây, ngày 5-7-2016, Trương Minh
Tuấn còn kết tội 7 tờ báo nhà nước là cung cấp thông tin “sai định
hướng” mà nếu cứ tiếp tục “sẽ bị cộng tội” trong báo cáo để trừng
phạt. Ba tờ Tuổi Trẻ, Giao Thông và Giáo Dục bị phê bình về việc
bình luận Formosa bồi thường 500 triệu USD là “quá ít” và có ý chê
trách nhà cầm quyền khi đặt câu hỏi bồi thường rồi “là hết trách
nhiệm?”. Tờ Lao Động thì bị buộc tội trích thuật lời một số luật sư
kêu gọi khởi tố Formosa…
Đó chính là thứ bạo hành đối với toàn thể nhân dân, đồng
bào, tiếp tay cho cuộc bạo hành lâu dài và mọi mặt do “ông anh 4
tốt” của đảng chủ trương đối với Dân tộc, nhằm tiêu diệt nòi An
Nam. Một cuộc bạo hành chắc chắn sẽ gia tăng cường độ sau vụ Bắc
Kinh mất mặt vì phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực, và chắc
chắn sẽ được tiếp tay bởi đám đám đồ đệ ở Hà Nội vốn đang thấy sự
chống đối của nhân dân ngày càng lớn. Vì đối với cả 2 đảng CS,
không có đồng loại, không có đồng bào, không có đồng chí mà chỉ có
đồng lõa, cùng cấu kết với nhau để giữ ghế quyền lực mà tha hồ phạm
tội ác trên nhân dân: đàn áp đồng bào, cướp bóc đất
nước.
BAN BIÊN TẬP
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen