September 5, 2014
Thiên An/Người Việt
GARDEN GROVE (NV) – Nhiều độc giả lên tiếng cho biết từng bị lừa như ông Nguyễn
Trung Đức, nhân vật trong bài “Ông gốc Việt nói bị kẻ lạ ‘thôi
miên’ lừa $48,000”. Những câu chuyện khác nhau được thuật lại cho
thấy “thiên hình vạn trạng” của hình thức lừa đảo điêu luyện
này.
Hình ảnh người ông Đức mô tả là kẻ lạ mặt lừa $48,000, thu được từ
máy quay an ninh. (Hình: Người Việt)
Trong số những câu chuyện của các độc giả đã “chia sẻ để bà con
cảnh giác,” có ông Kevin Đỗ, từng bị “giống ông Đức 100%” nhưng mất
số tài sản gấp đôi, ông Peter Lê, bị lừa đưa hết tiền trong ngân
hàng, ông Hoàng C. Phạm “hoa mắt” bởi số tiền gói trong giấy báo
rất tinh vi, ông Nguyễn Báu, “may mắn” thoát được vào phút chót…
Người nói bị “thôi miên”, người tự nhận vì “tham lam và cả tin,”
mỗi người thuật lại một câu chuyện tuy khác nhau nhưng cùng có
nhiều điểm tương đồng để người đọc có thể nhận diện và
tránh trở thành nạn nhân tiếp theo.
Kevin Đỗ, cư dân Garden Grove
Ông Kevin Đỗ, một kỹ sư máy tính, là một trong những người nhanh
chóng liên lạc với Nhật Báo Người Việt sau khi bài báo đăng. Ông
nói: “tôi là người bị hại giống như ông Đức 100%” nhưng “mất gấp
đôi.”
Ông cho biết sự việc xảy ra vào ngày 20 Tháng Chín năm 2013 cũng
tại Garden Grove, nhưng nay nghe chuyện ông Đức, ông mới chính thức
báo cảnh sát.
“Trường hợp của tôi giống anh Đức, và (thủ phạm) là người trong
video của anh Đức,” ông Kevin khẳng định. “Số tiền tôi mất là
$25,000 tiền mặt và một số vòng vàng, hột xoàn, đồng hồ Rolex và
vàng cây tôi để trong két an toàn của ngân hàng Wells Fargo ở góc
đường Harbor và Garden Grove.”
Ông Kevin cho biết kẻ lạ mặt cũng đưa lá thư và nói phải mang cho
nhà thờ các bao thư $1,000 đóng kín. Khác một chút, ông Kevin nói
người kia đã đợi sẵn trước nhà, và khi được đưa đến một nhà thờ thì
mới đưa lá thư “thôi miên.”
“Nó đã chờ sẵn trước nhà tôi mà tôi không biết, khi tôi mở cửa thì
nó nói hãy giúp nó vì nó lạc đường… Tôi nói tôi chở nó đến sở cảnh
sát thì nó nói không cần. Nó nhờ tôi đưa đến nhà thờ gần nhất. Tôi
đồng ý chở nó đến nhà thờ St. Columban (gần nhà).”
“Khi vào xe, nó luôn luôn nắm tay nói ‘God bless you’ lập đi lập
lại… Sau khi đến nhà thờ thì nó không chịu xuống, mà đưa tôi lá thư
đại ý như thư của anh Đức đã đọc. Sau đó nó hỏi tiền để ở đâu.”
“Tôi không biết tại sao lại trả lời và làm mọi điều nó muốn mà
không hỏi tại sao… Nó nói tôi đi tới ngân hàng lấy tài sản cho nó
xem.”
“Tôi là một kỹ sư nhu liệu máy tính, mỗi ngày làm việc đều phải suy
luận thế mà tôi không hiểu tại sao lại làm theo ý nó mà không chần
chờ gì cả. Tôi lấy toàn bộ số tiền vòng vàng, hột xoàn, đồng hồ lấy
từ nhà bank đưa cho nó. Nó nói tôi đi một vòng rồi lại đây đón nó.
Vậy mà tôi cũng làm theo. Đến lúc đi một khoảng rồi tôi mới nhận ra
mình mất hết tài sản rồi.”
Ông Kevin cho biết đã cảnh báo hàng xóm để không bị tương tự. Về
việc trình cảnh sát, ông cho rằng cảnh sát không tin mình, mãi một
năm sau đến khi đọc được câu chuyện của ông Đức, ông Kevin mới
thuật lại câu chuyện này với Sở Cảnh Sát Garden Grove. “Nhiều người
không tin mình còn nói những câu vô ý thức rất đau lòng.” Ông nói.
Ông Peter Lê, chuyên viên địa ốc, cho biết “bị
lừa rất giống ông Đức.” (Hình: Peter Lê cung cấp)
Peter Lê, cư dân San Bernardino
Ông Peter Lê, chuyên viên địa ốc, cho biết “bị
lừa rất giống ông Đức” và “mất khoảng $5,000 là tất cả số tiền tôi
có lúc đó trong Bank of America” cách đây hơn 12 năm. Ông nói những
kẻ lạ mặt cầm theo rất nhiều tiền mặt khiến ông tin tưởng.
“Hai người ‘ngoại quốc’, không phải Phi Châu, phát âm không phải
người Mỹ, đến nói chuyện với mình.” Ông Peter nói hai người này
chúc mừng ông đã “trúng số.”
“Mình cũng ham tưởng thiệt vì nó cầm tiền mặt rất nhiều và sẵn sàng
giúp đỡ cho phía từ thiện mà mình muốn.”
“Sau khi một người lên xe, người kia lái xe theo sau. Tụi nó cho
mình biết chiếc xe kia đậu ở đâu và nói vào ngân hàng rồi hẹn gặp ở
đó. Tại Bank of America, nó còn nói mình là nên lấy hết tiền vì
mình cho nhiều tiền thì nó cũng cho nhiều tiền.”
Ông Peter kể sau khi đưa tiền, người lạ mặt nói ra xe chỉ một lát
nhưng đã không trở lại. “Khi mình tới chỗ đậu xe của đồng bọn mình
không thấy xe đâu nữa, khi đó mới hoảng hồn.”
Hoàng C. Phạm, cư dân San Jose
Ông Hoàng C. Phạm, cựu sĩ quan VNCH và đang là giáo viên tại một
trường tiểu học, cho biết cũng bị lừa tương tự ông Đức, nhưng hình
thức tinh vi hơn với ba kẻ lạ mặt tổng cộng, tại gần một ngôi chùa
Việt. Ông kể “bị gạt vô bank lấy $10,000 rồi sang bank kế cận rút
$3,000 nữa, tất cả $13,000.”
Ông kể qua một bài viết chi tiết:
“Buổi trưa tôi đang lái xe vô chợ Lion kiếm tờ báo đọc thì một
thằng Mỹ đen ốm yếu nhỏ con cỡ 25 tuổi hốt hoảng dang hai tay như
muốn chận xe lại.” Người này cũng nói mới từ Nam Phi sang Mỹ lãnh
tiền tử nạn phi cơ của người anh “tới ba trăm ngàn”, nhưng bị một
chiếc taxi lừa không chở đến nơi mà lại thả xuống tại đó.
“Tôi còn đang sửng sốt thì thằng nhóc móc từ trong hai túi áo ra
hai cọc tiền toàn giấy 100 đô và một mảnh giấy con có ghi địa chỉ
một ông mục sư Tin Lành ở San Jose, nhờ tôi chở tới giúp.”
Tương tự trường hợp ông Đức, kẻ lạ mặt cũng nói đang tìm cách số
tiền thừa kế cho các quỹ từ thiện.
“Tôi càng lạ lùng, tính chỉ cho nó mua một cái bản đồ và giúp nó
tìm lấy địa chỉ, nhưng hỏi thăm mấy người đứng đó thì không ai biết
đích xác có nhà thờ nào ở gần đây, bèn nảy ý định chở nó tới chùa
Đức Viên để nó cúng 50 ngàn cho chùa. Chùa đang cần tiền xây cất
trại đường.”
“Vừa vào cổng chùa đột nhiên hai mắt tôi tối xầm lại, và nghe tiếng
Mỹ đen lao xao của hai người khác trên một chiếc xe theo sau đậu
lại trước chùa. Linh tính tôi hễ có tai họa xảy ra là hai mắt tôi
xầm, tôi toan bỏ mặc thằng bé lái xe về nhà thì thấy một tay Mỹ đen
cao ráo trạc 50 tuổi đeo kính đen bước vô đi rẽ lên điện Phật.”
“Thằng bé kêu to “Ồ, ông kia là người cùng quê với tôi đó, có thể
giúp tôi được. “Tên Mỹ già quay lại. Tôi ngạc nhiên, và lấy làm
phật ý. Tại sao nó đã nhờ tôi giúp lại còn nhờ tên Mỹ xa lạ này
giúp nữa” Và tại sao hai tên này trông có vẻ như quen biết từ trước
rồi.”
“Tôi ngồi yên trong xe, thấy tên Mỹ già móc túi cho thằng trẻ tờ
giấy 5 đôla để đi mua thức ăn, nhưng thằng trẻ lại móc cọc tiền
$50,000 ra khoe và trình bày sự việc y như đã kể với tôi lúc nãy.”
“Thằng nhóc bắt đầu đưa địa chỉ nhờ thằng già… Tuy vậy, “thằng già”
nói không có xe.”
“Tôi thấy có cái gì kỳ kỳ trong này nên muốn bỏ đi, nhưng lại hơi
tiếc số tiền lớn sắp lọt vào tay tên già này nếu bỏ hai đứa lại
đây.”
“Đang do dự thì thằng già đề nghị chở tới nhà bank gần đây bỏ hết
số tiền vào một safety box đứng tên tôi và hắn, để sau khi tên trẻ
về nước rồi, muốn làm việc từ thiện thì cả hai tới rút ra.”
“Tôi nghĩ chả mấy khi có cơ hội dùng tiền người khác làm việc từ
thiện vun bồi phước đức, nên đồng ý cho hai đứa lên xe.”
Khi này, “thằng trẻ” bắt đầu đưa lá thư thừa kế ra đọc, trước khi
gợi ý “hai anh có thể dùng tiền này giúp gia đình hai anh trước rồi
giúp người nghèo sau cũng được.”
“Nói xong, nó chồm lên nhét một cọc tiền $50,000 dưới đùi tôi, và
một cọc tiền khác dưới đùi tên già kia. Tôi thấy lâng lâng khoái
chí, nhưng sau khi kích thích lòng tham tôi rồi, nó lại lấy lại số
tiền đút vào túi và hỏi làm sao cố thể tin được nhà bank. Nếu nhà
bank không cho rút ra làm sao.”
“Tôi toan mở miệng trả lời thì thằng già cười vui vẻ, ‘Ồ, mày đừng
lo, tao có gửi tiền trong đó, để tao vào rút ra cho mày xem. Một
khi gửi tiền vào rồi, mày muốn rút ra lúc nào tùy ý.’ Tôi tự hỏi
tại sao phải làm chi vậy, mình làm việc phước giúp cho nó, nó không
tin thì thôi, hơi sức nào mất thì giờ.”
“Rồi hắn bảo tôi lựa một chỗ kín đáo đậu xe, xa tầm mắt của bảo vệ,
bảo tôi với thằng trẻ ngồi chờ. Tôi chờ rất lâu, đôi lúc sốt ruột
muốn đuổi tên trẻ xuống để đi về, vì thằng này con mắt cứ lom lom
quan sát tôi, miệng dặn dừng cho ai biết chuyện này hết, lại liên
tục hỏi tôi làm sao rút tiền ra.”
“Tôi bực mình, mở bóp, chìa cái thẻ nhà bank ra, làm rớt cái credit
card ra, cắt nghĩa. Mãi một lúc sau thằng già mới trở lại với một
cọc tiền 30 ngàn toàn giấy 100 mới toanh. Tôi hỏi ‘Cắt nghĩa được
rồi, tại sao mày phải rút tiền ra như vậy.’ Thằng già cười, nói
‘tại nó không tin tao’.”
“Trong bụng tôi lúc đó rất hoang mang…Giữa lúc đó thì thằng già bảo
tôi ‘Bây giờ tới phiên anh… Rút ra cho nó coi nó đưa 50 ngàn cho
anh.’ Tôi ngạc nhiên… Nếu nó thực sự muốn đưa tiền cho mình để giúp
kẻ nghèo và gia mình, thì cứ đưa đây.”
“Thấy tôi phân vân, hai đứa cùng nói ‘chúng ta đều là người tốt,
chúng ta phải tin nhau.’ Rồi đập hai bàn tay vào tay tôi như một
lời thề thốt. Tự nhiên thằng già nói gì tôi nghe nấy.”
“Thằng già thân mật cười vui vẻ bảo tôi vô rút ra, và đi theo tôi
vô Bank of America. Vừa đi hắn vừa huyên thuyên cười nói trên cell
phone với một người nào khác. Tôi lấy làm ngạc nhiên sao hắn lại có
vẻ vô tư như thế…”
“Khi cô nhân viên ngân hàng đếm tiền bạc trăm trải ra từng hàng
trước mặt tôi, tiền nhiều quá làm tôi chóa mắt, cảm thấy thằng già
vui vẻ đứng sau lưng cách tôi hai bước. Tôi có cảm giác như nó bùa
ếm tôi, thôi miên tôi… Tôi thấy tôi nhét cọc tiền ($10,000) vào túi
rồi theo thằng già ra xe.”
“Thằng nhỏ thấy tiền, đưa cọc 50 ngàn ra, tôi bảo ‘Mày thấy tiền
tao chưa, nào đưa 50 ngàn đây!”
“Nó lại nói để nó gói cả 2 thứ tiền vô khăn mùi xoa nó, rồi đem bỏ
vào cốp xe đằng sau. Tôi hỏi tại sao phải bỏ đằng sau, nhưng thấy
trước sau gì tiền cũng nằm trong xe mình nên bấm nút mở cốp xe cho
nó mang ra sau.”
Chưa hết, hai người lạ mặt “khuyên” ông Hoàng C. rút thêm tiền mặt
từ thẻ tín dụng, và tiếp tục đưa tiền ra trước mặt ông. “Lòng tham,
hay sức mạnh của bùa ngải vẫn lôi cuốn mình nghe lời thằng già lái
xe tới Citibank gần đó, vào trong rút thẻ tín dụng thêm $3,000
nữa.”
“Rồi thằng già ra lịnh tôi đi cùng thằng trẻ vòng quanh nhà bank
một vòng… Dọc đường tôi bảo thằng nhỏ, ‘Tao coi thằng giả có vẻ
đáng nghi, nó không phải là người tốt ‘ Thằng nhỏ giật mình sửng
sốt nhìn kỹ hai mắt tôi, tưởng tôi biết sự thực, vội vã bảo về xe.”
“Về xe, thằng già bảo tôi đứng chờ, nhưng độ 30 giây sau là giật
mình lạnh toát cả người, vội vàng chạy rượt theo, không thấy bóng
dáng chúng nó đâu cả, lại vội vàng hấp tấp về xe, lôi chìa khóa ra
mở cốp xe, thì thấy khăn mùi xoa cột gói tiền trong đó, nhưng nó
cột tới 3 gút, khi mở được xong gút cuối cùng thì một gói giấy báo
cũ cắt dài bung ra trước mặt tôi.”
“Hỡi ôi, không có một đồng bạc thật nào trong đó. Tôi toát đẫm mồ
hôi, hoa cả mắt. Thôi rồi, cái xe ở chùa Đức Viên đã theo chúng tới
đây và đón hai tên này rồi. Mất công chạy đi tìm kiếm chúng nó ở
đâu nữa.”
“Thảo nào thằng già luôn luôn hí hửng liên lạc trên cell phone chỉ
đường chỉ xá, báo cáo tình hình cho tên đồng bọn thứ ba.”
“Tôi bàng hoàng lái xe về nhà, kể chuyện cho người cùng nhà, và nhờ
anh ta lái xe chở tôi tới đồn cảnh sát trình báo… Hy vọng police có
thể nhờ nhà bank rút cái phim chiếu trên camera tìm ra thằng già
mang kính đen. Trời đất, thảo nào mà hắn mang kính đen từ đầu tới
cuối. Tới đồn, cảnh sát nghe xong câu chuyện, đã không giúp còn
mắng tôi ngu vì cho người lạ lên xe đi cùng.”
“Đúng là thế. Nó có áp dao vào cổ tôi lấy tiền tôi đâu. Chính tôi
vô nhà bank rút tiền đưa cho nó mà. Đúng là tình ngay mà lý gian.
Cắt nghĩa bùa ngải làm sao với cảnh sát Mỹ trắng đây… Mà sao thằng
trẻ đóng kịch ngây ngô tài tình đến thế. Thằng già đóng vai xởi lởi
tiền bạc vui vẻ đến thế.”
Ông Nguyễn Báu nói từng bị lừa giống ông Đức nhưng “may mắn” thoát
được vào phút chót. (Hình: Nguyễn Báu cung cấp)
Nguyễn Báu, cư dân San Diego
Ông Nguyễn Báu là một người suýt bị lừa bởi thủ đoạn tương tự 5 năm
trước đây. Ông Báu kể đã cho kẻ lạ mặt lên xe và đã đọc “thư di
chúc,” nhưng nhờ cảnh giác vào phút chót nên thoát được cú lừa này.
“Nếu tham một chút” thì cũng bị lừa rồi, ông nói.
Những gì ông Báu thuật lại cũng tương tự như những người khác. Khi
ông đang đậu xe tại một ngôi chợ thì một người lạ mặt tiếp cận, nói
từ Phi Châu qua phân phát tiền thừa kế nhưng bị taxi lừa nên đi
lạc. Người này nhờ ông chở đến nhà thờ, và trên đường đi thì lấy
“thư di chúc” và tiền mặt để thuyết phục.
“Mình thấy nó nói có lý, và nó có nhiều tiền như vậy, thì chắc
không phải ăn cướp. Thế là mình cho nó lên xe. Trong đầu mình nghĩ
nó đưa mình $20 tiền chở đi cũng được, coi như giúp người hoạn
nạn.”
“Nó kêu mình giữ tiền và phân phát tiền giùm nó vì sắp phải về Phi
Châu. Miễn sao mình là người có tiền trong nhà bank, chứng tỏ là
người đàng hoàng để nó tin được.”
“Mình hơi nghi ngờ, nói nó lấy ID hay passport cho coi, thì nó nói
là giấy tờ và vé máy bay để trong locker ở phi trường hết rồi.”
“Ngay lúc đó thì có thằng thứ hai đi tới. Thằng này Mỹ đen lai,
cao, trắng trẻo hơn, đẹp trai và nói Tiếng Anh chuẩn. Thằng cao này
mặc
đồng phục tiệm Carl Jr. Burger, nói là người quản lý tiệm. Thằng
nhỏ mới nói thằng cao những gì nó nói với mình thì thằng cao hồ hởi
chịu ngay.”
“Thằng cao bỏ đi một hồi thì quành lại. Trên tay nó cầm một xấp
tiền cũng giấy $100, nói là mới lấy từ ngân hàng ở gần đó. Thằng
cao nói tôi đi rút tiền đi, rồi thằng nhỏ đưa hai chúng ta mấy trăm
ngàn.”
“Tôi hơi nghi ngờ, từ chối, thì thằng thứ hai mới mở xấp tiền ra
đếm, tỏ ra đây là tiền thật nè, không lừa đâu. Và thúc giục tôi vào
ngân hàng rút tiền ra cùng với nó.”
“Tôi thấy cách thức nó cố chứng tỏ như vậy thì càng nghi ngờ hơn.
Tôi mới nói tới giờ tôi đi đón con rồi, tôi thả thằng nhỏ con
xuống. Và lái xe đi.”
“Vụ của tôi thì chúng nó chỉ lừa đảo thôi. Nếu thuốc ‘thôi miên’ có
thật và tụi nó sử dụng thì chắc mình cũng khó mà thoát được.”
Ông Nguyễn Trung Đức là người đầu tiên đồng ý thuật lại
sự việc cho Nhật Báo Người Việt “để mọi người cảnh
giác.” Câu chuyện và hình ảnh liên quan được đăng trong bài “Ông
gốc Việt nói bị kẻ lạ ‘thôi miên’ lừa $48,000.”
(Hình: Thiên An/Người Việt)
(Hình: Thiên An/Người Việt)
Đã và sẽ còn nữa
Trong vòng một tuần sau khi câu chuyện của ông Đức được đăng, phóng
viên Nhật Báo Người Việt được nghe nhiều nữa những câu chuyện tương
tự từ độc giả, ở California cũng như tại các tiểu bang khác. Thiên
hình vạn trạng, hình thức lừa đảo trên tuy không phải lúc nào cũng
thành công, nhưng một khi đã tìm được đối tượng, thì nhanh chóng
lấy sạch tài sản nạn nhân có rồi cao chạy xa bay.
Theo một thông cáo của sở cảnh sát San Franciso, nơi cũng từng có
nhiều trường hợp bị lừa dạng này, đối tượng mà kẻ xấu nhắm vào
thường có một hoặc cả ba tính chất “3G”: “Goodliness,
Gullibility, Greed”, tạm dịch là “tốt bụng, cả tin, tham lam.”
Với những thủ đoạn tương tự như trong các câu chuyện mà những nạn
nhân Việt đã gặp, cảnh sát cho biết kẻ xấu dễ dàng lừa được hàng
ngàn đồng chỉ sau vài giờ đồng hồ tập luyện “ngón nghề” đánh tráo
và tìm đối tượng ra tay.
Hình thức lừa đảo này không mới, cũng theo cảnh sát San Francisco,
xuất hiện đầu tiên ở miền Nam Hoa Kỳ từ hơn 100 năm trước, đến nay
vẫn dễ dàng lừa được những người “3G”.
Liên lạc tác giả: vu.an@nguoi-viet.com
Bài liên quan:
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen