Từ ngày thảm họa cá chết xuất hiện tại Vũng Áng, Hà Tĩnh
(6.4.2016), sau đó đến lượt Quảng Bình, Thừa Thiên, Huế, Quảng Trị
đến nay đã đúng ba tháng. Nạn nhân trực tiếp đầu tiên, chết vì ăn
phải cá ngộ độc là một bé gái ở xã Quảng Phú, Quảng Trạch, Tỉnh
Quảng Bình, rồi một người nữa đã chết khi lặn dưới biển gần ống dẫn
chất thải đỏ lòm từ nhà máy gang thép của Formosa.
Trong khi đó, ngụy quyền Hà-nội đã làm mọi cách để chạy tội cho
Formosa, nào là cá chết vì thủy triều đỏ, nào là vì thay đổi khí
hậu… cuối cùng sự thật vẫn là sự thật không thể chối cãi. Chiều
ngày 30.6.2016, Trần Nguyên Thành, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công
ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cùng các thành viên khác
cúi đầu xin lỗi trong cuộc họp báo của ngụy quyền Hà-nội nhìn nhận
chính nước thải từ nhà máy của Formosa đã gây ra thảm họa cá chết.
Đầu tháng 6, Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt tới thăm Hà Tĩnh và nói:
“Từ lâu, tôi đã được tiếp xúc với bà con Giáo dân thuộc Giáo xứ Đông
Yên ở Vũng Áng. Bà con bị giải tỏa đất để xây dựng công ty Formosa
thì Giáo dân rất đau khổ và bức xúc, họ đã đi khiếu kiện ở các cấp
lãnh đạo kể cả trung ương nhưng chưa có cấp thẩm quyền nào giải
quyết thỏa đáng cho họ. Tôi rất là thương họ và không biết làm sao
để giúp đỡ.
Tình cảnh của bà con Giáo dân quá đau khổ, xót quê hương, kể như họ
rất cô đơn trên lối tối tăm thì họ bày tỏ một cảm xúc rất mãnh liệt
cũng là một tình cảm quý mến. Đồng thời nói lên được một tình cảm
họ được an ủi khi có người đến thăm bởi vì họ cảm thấy tủi, bị bỏ
rơi, bị hắt hủi. Cho nên họ đã dành cho tôi một sự đón tiếp cảm
động nhưng rất chân tình và tôi cũng hết sức cảm động khi gặp gỡ bà
con Giáo dân.
Khi chứng kiến tất cả đời sống của họ cũng như đi thăm tất cả các
bờ biển, tôi cảm thấy đau xót, có thể nói là một cảnh chết chóc.
Tôi vào một nhà nghỉ khá lớn của Hà Tĩnh thấy khách vắng hoe, chả
thấy khách đâu cả. Rồi đi ra bãi biển thấy thuyền nằm chất đống ở
đó, có những con thuyền chỉ còn đậy những tấm vải y hệt như những
thân thể bị liệt thì đúng là một cảnh chết chóc. Ở bờ biển không có
một sinh vật nào cả, trên bãi cát không có một con dã tràng nào.
Tôi thấy ở các bãi biển đều có những con vật nhỏ li ti như con dã
tràng, con cua, con ốc thì bãi biển này hoàn toàn chết hết rồi,
không còn một tí gì là sự sống nữa. Khi chúng tôi xuống biển, tất
cả mọi người đều hết sức đề phòng để cho nước biển không được dính
vào chân. Họ kéo thuyền thật cao trên bãi cát, xong rồi thì có thể
bước lên bờ để chân mình khó có thể dính nước biển… Cả một sự chết
chóc như vậy.
Trong làng trong xóm sự chết chóc đang dần mòn đi tại vì những
người dân đánh cá đã ba tháng nay không ra biển thì chả còn thu
nhập gì cả. Thành ra chúng tôi thấy sự chết dần mòn. Người ngư dân
chết trực tiếp, cá chết thì người đánh cá cũng chết, những người
làm nghề liên quan đến nghề cá như người bán xăng cho những tàu
đánh cá cũng chết, những người làm chài lưới cũng chết, những người
buôn bán hải sản cũng chết, những người chế biến hải sản cũng chết,
ngành du lịch cũng chết, bao nhiêu sự chết kéo theo. Người ta đoán
là có ít nhất là 5 triệu người bị ảnh hưởng bởi vụ cá chết này. Hết
sức là đau xót, xung quanh đó hết sức là hoang tàn, không còn sức
sống, người ta ai cũng mệt mỏi, rã rời và buồn chán.
Tôi thấy cái chết của biển cũng như của cá nó chỉ là cái ngọn vấn
đề, cái chính gây ra cái chết này là do cái chết của tâm hồn con
người. Tôi thấy có ít nhất có bốn cái chết: cái chết của lương tâm,
cái chết của luân lý, cái chết của lý trí, cái chết của chính trị.”
(ngưng trích)
Thật vậy, thảm họa đang diễn ra tại các bờ biển miền Trung Việt Nam
không phải chỉ có cá chết và người chết, hay sẽ chết. Và, quả thật
đây chỉ là “cái ngọn của vấn đề”.
Vụ “cá chết” đã phơi bày cái “thây ma chính trị” của một chế độ độc
quyền về chính trị, rao giảng rất nhiều về chính trị, nhìn đâu đâu
cũng thấy chính trị, cái gì cũng chính trị. Một thứ chính trị đồng
nghĩa với chết chóc, chết từ trong tâm hồn tới ngoài xã hội. Chết
của lương tri. Chết của đạo đức. Chết của chữ nghĩa.
Chính trị, nghĩa chính xác là quản trị đất nước làm cho dân giàu
nước mạnh đã biến thành một tà đạo hắc ám lấy bạo lực và lừa dối làm phương tiện để dựng lên một chế độ khốn
kiếp cho phép thiểu số nắm toàn quyền sanh sát, mặc sức làm giàu
trên sự thống khổ của người dân và sự suy tàn của đất nước.
Vụ “cá chết” chỉ là thảm họa mới nhất, rõ rệt nhất, tai ương lớn
nhất, đánh mạnh nhất vào đời sống của mọi người, đã khiến mọi người
không thể ngồi yên, từ thôn quê tới thành thị, từ già tới trẻ, nam
hay nữ. Trừ bọn công an, đồng phục hay giả dạng côn đồ, những tên
tôi tớ không còn nhân tính, trực tiếp đánh đập người dân tay không
xuống đường đòi quyền sống cho cá và cho người. Trừ những kẻ học
cao, bằng lớn nhưng tâm hồn đã chết, những bồi bút văn nô cam tâm
làm thân trâu ngựa phục vụ ngụy quyền tiếp tay che giấu sự thật,
bênh vực thủ phạm, lừa dối người dân.
Sau 3 tháng, sự thật đã không còn che đậy được. Formosa đã nhận
lỗi, xin lỗi và bằng lòng “bồi thường” 500 triệu Mỹ kim. Sự bồi
thường này và số tiền bồi thường có ý nghĩa gì? Có được nạn nhân, những nạn nhân, và người dân Việt Nam chấp nhận hay
không và coi như thảm họa “cá chết” đã được giải quyết thỏa đáng?
Về vấn đề này đã có nhiều người lên tiếng. Ông Tuấn Khanh từ Việt
Nam viết trong bài “Quê hương này không thể bán”:
Vậy câu hỏi ở đây là, những nhà lãnh đạo Việt Nam hài lòng với số
tiền ấy, hay nhân dân Việt Nam đồng ý với số tiền 500 triệu USD ấy? Những lời xin lỗi và con số khoán vội ấy, chắc vẫn chưa kịp tính
vào 84 ngày người dân cả nước sôi sục đòi minh bạch, bị công an,
thanh niên xung phong, trật tự đô thị… đánh đập, giam cầm,
kết tội theo lệnh trên vì cho là bị “xúi giục”. Ba tháng mà Bộ
trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà nói rằng ông “nặng trĩu”,
liệu có giải quyết được những lời nói dối thô bỉ của các cấp chính
quyền đã lừa gạt nhân dân về việc biển sạch và cá an toàn?
Hàng loạt ngôn luận lừa dối nhân dân như của Phó chủ tịch UBND Hà
Tĩnh Đặng Ngọc Sơn hay của thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Võ Nhân Tuấn vẫn còn đó. Ai sẽ từ chức vì lòng tự trọng hay bị cách
chức vì danh dự của đảng mà họ đang phục vụ? Nếu họ vẫn tiếp tục
tại vị và phát ngôn, thì mọi điều lừa dối trơ tráo ấy, là chủ
trương lớn của ai?
Thật bất ngờ, không phải là Formosa Hà Tĩnh xin người Việt Nam tha
thứ, mà chính phủ Việt Nam lại là phía cất tiếng kêu gọi nhân dân
hãy độ lượng và tha thứ. Đại nghiệp Formasa Hà Tĩnh lại cứ như trẻ
nhỏ, đáng thương đến mức chính phủ Việt Nam phải đứng sau lưng,
dùng phương thức cấu bám vào lòng thương người của dân tộc Việt
Nam, cố dàn xếp một thảm họa. Biết tả làm sao nhỉ? Giờ đây, những
người Việt bị đẩy đến khốn cùng ấy, lại phải vuốt thẳng áo rách, bị
thúc đứng lên, cố mỉm cười nhân ái đến kiệt sức trên quê hương
mình.
Có lẽ trong tư duy của những người lãnh đạo hiện nay, tiền là giải
pháp quan trọng nhất, có thể đổi được mọi thứ. Việc đổi tương lai
của người Việt bằng tiền, qua kịch bản giải quyết khủng hoảng cho
Formosa, lại gợi nhớ rất nhiều về chuyện người dân bị chết nơi đồn
công an, bị đánh đập vô cớ, bị nhổ vào mặt, luôn được giải quyết
đơn giản bằng nụ cười thành khẩn đểu giả của kẻ gây tội, và một số
tiền.
Mạng người hay số phận một quốc gia đâu thể đổi bằng tiền như suy
nghĩ của những kẻ quen thói phủi tay. Tiền chỉ là đáp án của những
kẻ trọc phú, lừa lọc, toa rập muốn xóa nhanh sự kiện. Việt Nam là một dân tộc có lòng tự trọng và có quốc pháp. Phương thức chọn
đáp án nhanh, quy đổi đơn giản bằng tiền chính là một cách gây tổn
thương cho lòng tự trọng của người Việt và sỉ nhục quốc pháp. Hãy
nhớ, quê hương và tương lai dân tộc không bao giờ có thể để bị mặc
cả bằng tiền! (ngưng trích)
Ông Ngô Nhân Dụng từ California, trong bài “Formosa: Đánh bùn sang ao, miệng ăn tiền”, viết:
Tìm mọi cách biến thảm họa môi trường thành một chuyện nhỏ, chuyện
bình thường, chính quyền Việt Cộng chỉ muốn người dân dễ dàng vui
vẻ chấp nhận mấy lời xin lỗi và một món tiền đền bù thiệt hại
11,500 tỷ đồng Việt Nam, 500 triệu Mỹ kim!
Những ngư dân ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, mất nghiệp vì tai họa biển
nhiễm độc, không biết một triệu Mỹ kim nó lớn đến thế nào. Ðồng bào
không biết rằng hai ngày trước đó, công ty xe hơi Volkswagen mới
chịu bồi thường cho các khách mua xe ở Mỹ và cho chính phủ Mỹ gần
15 tỷ Mỹ kim, con số cao gấp 30 lần số tiền Formosa chịu bỏ ra!
Mà tội lỗi của công ty Volkswagen là cái gì? Tội làm cho máy xe VW
chạy diesel của họ “biết nói dối.” Một bộ phận điện tử được gắn
trong máy xe biết đánh lừa cả những máy trắc nghiệm, xe thả nhiều
khói nhưng vẫn thấy có vẻ thả ít khói. Ðây là một tội “nói dối để
bán hàng,” họ phải đền bù cho khách hàng. Nhưng vì nhiều người Mỹ
đã dùng loại xe biết nói dối này, cho nên Volkswagen còn bị chính
phủ Mỹ kết tội làm hại cho môi trường không khí của nước Mỹ.
Fomorsa cũng phạm cả hai loại tội đó: Thứ nhất là phạm tội với các
ngư phủ Việt Nam, phạm tội với cả những người đã ăn cá không biết
cá đã bị nhiễm độc. Thứ nhì là tội tàn hại môi trường biển của nước
Việt Nam.
Ðể đền tội, hãng Volkswagen, gốc ở nước Ðức, chịu mua lại tất cả
những chiếc xe đã bán ở Mỹ, giá từ 12 ngàn đến 44 ngàn Mỹ kim. Với
những khách hàng không thích bán xe lại, công ty Ðức này sẽ đứng ra
thay thế mấy bộ phận để cái máy xe phải “nói thật;” đồng thời, mỗi
chủ xe sẽ được “bồi thường thiệt hại” bằng tiền mặt, mỗi chiếc xe
đền từ năm đến mười ngàn đô la Mỹ! Ðối với chính phủ Mỹ, hãng
Volkswagen sẽ trả hai tỷ Mỹ kim để nhà nước Mỹ cổ động cho loại máy
xe không phun khói, cộng với 2 tỷ 700 triệu Mỹ kim để làm cho môi
trường sạch hơn! Số tiền hai tỷ bảy này sẽ được phát cho các tiểu
bang, họ sẽ đi mua xe mới thay thế những chiếc công xa cũ thả nhiều
khói quá! Nhưng Volkswagen chưa hết nợ! Chính phủ Mỹ có thể sẽ đưa
công ty này ra tòa về tội vi phạm luật lệ môi trường! Bộ Tư Pháp Mỹ
cũng đang nghiên cứu xem có đưa Volkswagen và các cá nhân liên hệ
ra tòa về các tội hình sự hay không! (ngưng trích)
Lời xin lỗi và 500 triệu Mỹ kim “bồi thường” của Formosa sẽ không
phải là chấm hết cho thảm họa “cá chết” mà có thể là khởi đầu cho
đám tang chôn vùi cái “thây ma chính trị” CSVN. Nếu tinh thần quật
khởi của dân Việt Nam chưa chết.
Ký Thiệt
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen