Hoá chất bảo vệ thực vật hiện đang được dùng rộng rãi ở Việt Nam,
trong đó DDT lại được chiếu cố nhiều nhất, vì ngoài tính chất diệt
trừ sâu rầy có mặt trong hầu hết các hỗn hợp “hóa chất bảo vệ thực
vật” trong nông nghiệp, DDT còn được xử dụng như một hoá chất hữu
hiệu nhất trong công tác diệt trừ muỗi, nguyên nhân chính của bịnh
sốt rét.
DDT là tên viết tắt của hoá chất có công thức
1,1,1-trichloro-2,2-bis-(p-chlorophenyl) ethane, một loại bột trắng
đã được tổng hợp vào năm 1874; nhưng mãi đến năm 1930, Bác sĩ Paul Muller (Thụy Sĩ) mới xác nhận DDT là một hóa chất hữu hiệu trong việc trừ
khử sâu rầy và từ đó được xem như là một thần dược, nhưng trong
giai đọạn nầy, ảnh hưởng lên sức khỏe của con người chưa được lưu ý
đến.
Khám phá trên mang lại cho ông giải Nobel về y khoa năm 1948. Ngay sau đó, DDT đã được xử dụng rộng rãi khắp thế giới trong
việc khử trùng và kiểm sóat mầm mống gây bịnh sốt rét. Nhưng chỉ
hai thập niên sau đó, một số chuyên gia thế giới đã khám phá ra tác hại của DDT lên môi
trường và sức khỏe của người dân.
Do đó, tại Hoa Kỳ hoá chất nầy đã bị cấm xử dụng hẳn từ năm 1972.
Lý do là sau khi được xử dụng, DDT vẫn tiếp tục tồn tại trong nguồn
nước, lòng đất và bụi DDT vẫn lơ lững trong không khí. DDT không
hoà tan trong nước nhưng hòa tan trong dung môi hữu cơ và được Cơ
quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ xếp vào danh sách hóa chất cần phải
kiểm soát vì có nguy cơ tạo ra ung thư cho người và thú vật.
Năm 1998, đại diện của 92 quốc gia trên thế giới nhóm họp tại
Montreal (Canada) để bàn thảo về những biện pháp như cấm sản xuất
và xử dụng 12 hoá chất độc hại còn được gọi là "hóa chất dơ bẩn"
trong đó có DDT vì tính độc hại của chúng do sự tích lũy lâu dài
trong không khí, lòng đất và nguồn nước, kết tụ vào các mô động
thực vật, nguồn thực phẩm chính của con người.
Con người bị tiếp nhiễm DDT như thế nào?
DDT xâm nhập vào cơ thể con người bằng nhiều cách khác nhau:
- Hấp thụ xuyên qua các lỗ chân lông trên da;
- Đi vào thực quản qua thức ăn hoặc nước uống;
- Đi vào khí quản qua đường hô hấp.
Tùy theo vùng sinh sống và cách sinh hoạt, con người có thể bị
nhiễm độc trực tiếp hay gián tiếp như sau:
* Người dân sống trong vùng nông nghiệp chuyên canh về lúa có thể
bị nhiễm độc qua đường nước.
* Người dân sống trong vùng chuyên canh về thực phẩm xanh như các
loại hoa màu thường bị nhiễm qua đường hô hấp.
* Còn người dân ở đô thị bị nhiễm khi tiêu thụ sản phẩm đã bị nhiễm
độc.
TS Dick Irwin, một chuyên gia Hoa Kỳ nổi tiếng về ngộ độc đã nhận định rằng: "Hoá chất đã thay thế vi khuẩn và siêu vi khuẩn trong những nguy cơ
ảnh hưởng lên sức khoẻ của con người. Bịnh tật bắt nguồn từ hóa
chất đang trở thành nguyên nhân hàng đầu trong tử xuất của loài
người vào cuối thế kỷ XX và sẽ qua cả thế kỷ XXI nữa".
Còn ảnh hưởng của DDT lên con người ra sao?"
- Ảnh hưởng lên con người được mô tả từ nhẹ đến nặng tùy theo mức
độ tiếp nhiễm DDT như sau: Con người cảm thấy nhức đầu, người yếu dần, bị tê các đầu ngón tay,
ngón chân, thường hay bị chóng mặt.
Và khi bị nhiễm nặng thì bị mất trí nhớ, sống trong tâm trạng hồi hộp thường
xuyên, bắp thịt ngực bị co thắt, không kiểm soát được đường tiểu,
thở rất khó khăn và bị động kinh.
Nếu bị tiếp nhiễm dài hạn, những chứng dưới đây cho chúng ta thấy
mức độ tác hại của DDT:
- Ung thư: Trong nhiều thập kỷ, đã có rất nhiều mối quan tâm và tranh luận xung quanh thuốc trừ sâu và chất gây ung thư. Trong một nỗ lực để giám sát các ảnh hưởng sức khỏe và hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của thuốc trừ sâu, Cơ quan Bảo vệ Môi trường đánh giá thuốc trừ sâu có tiềm năng nảy sinh ra ung thư tùy teo mức độ bị tiếp nhiễm.
- Biến chứng nội tiết (Endocrine Complications): Một tác dụng nữa của DDT là những biến chứng nội tiết, hormon nam như testosterone và androgen bị ngăn chặn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản con người.
- Vô sinh và triệt sản (Infertility and Sterility): Tiếp xúc với thuốc trừ sâu và các dung môi có thể là nguyên nhân của mức độ tinh trùng thấp và tăng nồng độ của vô sinh ở nam giới làm việc trong các trang trại và những người tiếp xúc với thuốc trừ sâu một cách thường xuyên.
- Suy não bộ (Brain Damage): Thuốc trừ sâu cũng có liên quan đến tổn thương não ở những người sử dụng các hóa chất này một cách thường xuyên. Người làm vườn và nông dân là nguy cơ cao nhất cho việc phát triển suy lâu dài.
- Các khuyết tật bẩm sinh (Birth defects): Dị tật bẩm sinh do tiếp xúc với thuốc trừ sâu là một mối quan tâm ngày càng tăng về mong các bà mẹ, người lớn và trẻ em. Các bà mẹ đang mang thai cần phải tránh xa việc tiếp xúc với thuốc trừ sâu.
- Rối loạn hô hấp (Respiratory Disorders): Một tác dụng phụ liên quan đến việc tiếp nhiễm với thuốc trừ sâu là chứng rối loạn hô hấp, bao gồm thở khò khè, viêm phế quản mãn tính, hen suyễn và phổi của người nông dân.
- Kích ứng da (Skin Irritation): Kích ứng da là một tác dụng phụ của thuốc trừ sâu vì da là có khả năng nhất để tiếp xúc với các hóa chất độc hại. Kể từ thuốc trừ sâu có thể được hấp thụ qua da và vào máu, nó có thể dễ dàng gây độc da, phát ban và nhiễm trùng da như hắc lào.
Vấn đề hôm nay được đặt ra cho Việt Nam là, DDT là một hóa chất độc hại đã được xếp vào danh sách 12 hóa chất
dơ bẩn qua Công ước Stockholm và đã bị cấm xử dụng. Tại sao cho đến
ngày nay, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn dùng trong đó có
Việt Nam?
- Tuy đã bị cấm xử dụng từ năm 1973 vì những khám phá ảnh hưởng lên môi trường và con người, hiện nay, hóa chất trên vẫn được dùng rộng rãi ở Phi Châu, Indonesia, Ấn Độ, Châu Mỹ La tinh và Việt Nam trong công tác diệt trừ muỗi, tác nhân của bịnh sốt rét do ấu trùng Plasmodium falciparum, một trong 4 loại ấu trùng nguy hiểm nhất của bịnh chuyển từ muỗi sang người.
- Riêng tại Việt Nam, DDT đã được dùng ngoài công tác trên, còn được xem như là hóa chất nền (buffer) chính trong việc pha chế hầu hết hóa chất bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp và chăn nuôi.
Sở dĩ, DDT vẫn còn được chiếu cố ở các quốc gia đang phát triển vì
cho đến hôm nay, hoá chất nầy vẫn còn hữu hiệu trong việc phòng
chống bịnh sốt rét. Theo thống kê mới nhất của Cơ quan Phát triển
Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), hàng năm có khoảng từ 300 đến 500 triệu
người bị bịnh sốt rét trên tòan cầu, và có khoảng 1,2 triệu tử
vong, đa số là trẻ em vùng sa mạc Sahara, Phi Châu. Thêm nữa, kinh
phí cho việc chữa trị cho số bịnh nhân còn lại ước tính lên đến 1,7
tỷ Mỹ kim.
Tuy nhiên, việc xử dụng DDT để phòng bịnh không còn là một phương
pháp hữu hiệu nữa vì ấu trùng bịnh sốt rét ngày càng tăng thêm sức
đề kháng kể từ khi con người lần lượt dùng thuốc chloroquine, sulfadoxine, chuyển qua artemisinine, và gần đây
pyrethroids. Do đó, hiện nay, việc tổng hợp thuốc sau cùng với DDT mới đạt
được mức hữu hiệu trong công việc đề phòng bằng cách phun xịt lên
các bức tường trong nhà.
Còn Việt Nam thì sao?
Tại sao Việt Nam lại xử dụng DDT ngoài công tác diệt trừ bịnh sốt
rét còn dùng trong việc pha chế các hoá chất bảo vệ thực vật?
Ở Việt Nam trước năm 1975, Miền Nam đã xử dụng DDT thuần túy trong
công tác diệt trừ sốt rét, do đó hàng năm chỉ nhập cảng từ 8 đến 10
ngàn tấn mà thôi. Tuy nhiên, trong hiện tại, Việt Nam nhập hàng năm trung bình trên 100 ngàn tấn. Lý do là, đa số DDT được dùng trong việc pha chế thuốc bảo
vệ thực vật vì giá rẻ và có hiệu quả tương đối tốt so với các hoá
chất bảo vệ thực vật khác. Tại Tp Sài Gòn, hiện có 3 công ty sản xuất (thực ra là pha trộn) hóa chất bảo vệ thực vật
lớn là Xí nghiệp thuốc sát trùng Bình Triệu và Tân Thuận, và xí
nghiệp thuốc trừ sâu Sài Gòn.
Như vậy, DDT vẫn còn là một đề tài tranh cãi trong việc bảo vệ sức
khỏe con người và nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Qua Công ước Stockholm, DDT bị cấm xử dụng trong nông nghiệp vì ảnh hưởng của chúng lên con
người về lâu dài. Báo cáo khoa học vào tháng 6,2006 ở Đại học Y tế Công cộng,
Berkeley cho thấy rằng trẻ sơ sinh bị tiếp nhiễm gián tiếp trong bụng mẹ sẽ
bị chậm phát triển cả về cơ thể và thần kinh, cũng như tỉ lệ tử
vong trong bụng mẹ rất cao.
Qua nhiều báo cáo khoa học khác, nhiều nhà khoa học đã bắt đầu nghi
ngờ việc xử dụng DDT trong công tác diệt trừ sốt rét bằng cách phun
xịt lên tường trong nhà ở.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng từ năm 1945 trở đi việc xử dụng DDT đã làm cho 19 loài muỗi có mang ấu trùng sốt rét tăng thêm sức
đề kháng, do đó cần phải phun xịt một liều lượng cao hơn. Vì vậy việc xử
dụng hóa chất nầy không còn được các nhà khoa học hưởng ứng nữa so
với tác hại của chúng lên môi trường.
Việc đem DDT vào nông nghiệp và chăn nuôi ở Việt Nam và một số quốc
gia đang phát triển là một việc làm có tính cách nhất thời.
Vì sao?
Vì DDT sẽ tồn tại lâu dài trong môi trường, sẽ chuyển hoá thành DDE
và có độc tính tương đương như dioxin, do đó còn có tên là dioxin-tương đương. Vì vậy, ảnh hưởng lên môi trường của DDT trong việc pha chế các thuốc bảo
vệ thực vật cần phải được loại trừ, vì hiện nay, ngành công nghệ sinh học tiên tiến có khả năng tạo
giống mới cho cây trồng có sức đề kháng cao. Công nghệ nầy áp dụng cấy mô hay tế bào vào cây trồng hay
động vật để tạo ra kháng thể tự nhiên cho các thế hệ về sau, do đó
cây cỏ và gia súc sẽ có tính miễn nhiễm và đề kháng cao đối với sâu
rầy.
Một thí dụ về ô nhiễm môi trường biển ở Hoa Kỳ được ghi nhận cho
đến ngày hôm nay.
Cty Montrose Chemical Corp. có trụ sở tại Palos Verdes, CA (gần Los
Angeles) là một công ty sản xuất hóa chất DDT, một hóa chất diệt
trừ muỗi. Cty nầy đã ngưng sản xuất từ năm 1973, ngay sau khi có
lệnh cấm của LHQ. Nhưng trong suốt thập niên 1960, Cty trên đã thải
hồi 1.700 tấn phế thải lỏng có chứa dư lượng của DDT vào vùng biển
nơi đây. Mãi đến năm 2000, EPA Hoa Kỳ mới hoàn tất vụ phạt công ty
lên đến 100 triệu Mỹ kim để làm sạch vùng đáy biển (sediment) bị ô
nhiễm và tái tạo môi trường sống của biển. Ngày nay, trên toàn vùng
bờ biển chạy từ Long Beach đến Santa Monica, chúng ta vẫn còn thấy
những bảng thông báo cho biết nguồn cá nơi đây đã bị nhiễm Thủy
ngân, Arsenic, và Chì…
Hơn 50 năm qua, hiễm họa ô nhiễm ở Palos Verdes vẫn còn…
Kết luận
Đứng về phương diện phòng bị và diệt trừ sốt rét, DDT vẫn là một
tác nhân hữu hiệu trong công tác trên. Nhưng trong hoàn cảnh hiện
tại, trước sức đề kháng ngày càng tăng của muỗi và ấu trùng, chúng
ta cần phải thay đổi phương cách và dùng các hỗn hợp hoá chất trừ
sâu rầy khác trộn lẫn với DDT.
Thêm nữa, việc phòng bịnh vẫn tốt hơn là việc trị bịnh, do đó, cần
phải phát triển nhanh hơn và rẻ hơn những loại thuốc chủng ngừa sốt rét. Hiện nay, Quỹ Bill và Melinda Gates đã tài trợ một ngân khoản lớn
cho việc sản xuất thuốc chủng nầy. Và đây cũng là một giải pháp hợp
lý cho việc phòng ngừa bịnh sốt rét thay thế cho việc xử dụng DDT.
Riêng về khía cạnh phát triển nông nghiệp, DDT cần phải được loại
bỏ để tránh cho môi trường ở các quốc gia đang phát triển giảm
thiểu được một phần nào mức độ ô nhiễm ứng hợp với chiều hướng toàn
cầu hóa của thế giới.
Việt Nam cần nên nhớ kinh nghiệm của Cty Montrose Chemical Corp.
Câu chuyện Vũng Áng chỉ là sự bắt đầu của âm mưu thâm độc của TC là
hủy diệt nguồn protein cá của dân tộc Việt.
Mai Thanh Truyết
Hôi Khoa học & Kỹ Thuật Việt Nam tại Hoa Kỳ (VAST)
Tháng bảy, 2016
_____________________________________
Mai Thanh Truyết
“The Love of my Country will be the ruling
Influence of my Conduct." - George Washington
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen