Donnerstag, 21. Juli 2016

Âu Châu phải mạnh tay với hàng hóa made in China


Anh Vũ

Bên cạnh hàng loạt các bài viết về chủ đề khủng bố an ninh của nước Pháp sau vụ tàn sát tại Nice, nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đặc biệt đến sự kiện hôm nay, 20/07/2015, Ủy ban Âu châu bắt đầu thảo luận để đưa ra kết luận đánh giá nền kinh tế Trung Quốc có phải là nền kinh tế thị trường hay không ? Đây là dịp để Bruxelles thể hiện hành động cứng rắn hơn với hàng hóa Trung Quốc. Tờ báo ghi nhận « Bruxelles đánh bài ngửa với hàng made in China ».

Sau nhiều tháng im lặng, dè dặt, phiên họp của Ủy Ban  Âu  châu phải có một quyết định có ý nghĩa ấn định tương lai quan hệ thương mại với Trung Quốc. Les Echos đưa ra các khả năng về lập trường của Bruxelles.
Về lý thuyết, Bruxelles có 3 lựa chọn : Thứ nhất là không thay đổi gì, lấy lý do là có rất nhiều điều khoản gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới ( WTO) của Trung Quốc liên quan đến các cải cách đến giờ vẫn chưa được thực thi. Vì vậy kinh tế Trung Quốc giờ về cơ bản vẫn được tiếp sức bằng nhiều loại trợ cấp của nhà nước, không thể gọi là kinh tế thị trường. Quyết định này có thể khiến Trung Quốc tức giận tìm cách trả đũa Âu châu.

Giải pháp thứ 2 là chấp nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường. Thế nhưng giải pháp này có nghĩa là mở rộng cửa để hàng hóa made in China ồ ạt tràn vào Âu châu  trong khi mà suốt nhiều năm qua các nước Âu châu  vẫn phải loay hoay với các biện pháp chống phá giá của hàng hóa Trung Quốc từ tôn, thép, pin mặt trời rồi hàng vải sợi…

Còn lại giải pháp cuối cùng, tức là tìm một hướng dung hòa, không chấp nhận hiện trạng nhưng cũng không công nhận quy chế kinh tế thị trường. Quyết định trung dung đó mở ra một hướng bình thường hóa dần dần về quy chế của Trung Quốc để giúp Âu châu  có thời gian trang bị thêm các công cụ tự vệ thương mại vững vàng.

Les Echos nhận xét : « Bruxelles, sau thời gian dài tỏ ra hào hiệp với người khổng lồ Á châu, giờ đây dường như đã hiểu ra rằng chỉ có mạnh tay thì Bắc Kinh mới lắng nghe và hiểu. Đó là chiến lược mà Hoa Kỳ đã áp dụng từ rất lâu nay » trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Âu  châu phải hành động như một cường quốc tập thể dám chơi mạnh tay với Trung Quốc. Đó cũng là một thách thức đặt ra cho Âu châu ngày nay.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen