Montag, 18. Juli 2016

Việt Nam cần làm gì trước thắng lợi của Philippines

Nguyễn Tường Thụy

    

        
Philippines dám kiện còn Việt Nam thì không
Tham vọng về đường 9 đoạn của Trung Quốc (TQ) là nguyên nhân gây khủng hoảng ở Biển Đông từ nhiều chục năm nay. Vì vậy, phán quyết của Tòa trọng tài thường trực tại La Hay đã đóng góp quan trọng cho mục tiêu chung giải quyết tranh chấp Biển Đông trong hòa bình.
Nguyên nhân thắng lợi của Philippines (PLP) trước hết là ở lẽ phải, đồng nghĩa với việc TQ không có chính nghĩa. Xét về mặt lịch sử, TQ chưa bao giở thực hiện chủ quyền với tư cách nhà nước trên vùng biển đảo được khoanh bởi một đường lưỡi bò chiếm tới 85% diện tích Biển Đông. Xét về địa lý, những vùng mà TQ nhận chủ quyền cách lục địa tới 2000 km, vào sát bờ biển các quốc gia khác như Việt Nam (VN), Malaysia, PLP, Brunei trông thật khó coi, chồng lên cả vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia này.
Nguyên nhân thắng lợi của PLP còn ở chỗ họ dám kiện. Đầu năm 2013, Manila đã đưa TQ ra Tòa án của Liên Hiệp Quốc căn cứ vào Công ước Luật Biển để thách thức các yêu sách của TQ.
Với yêu sách đường 9 đoạn, TQ muốn phong tỏa toàn bộ đường ra đại dương suốt chiều dài biển của VN, trong khi PLP với tính chất một quần đảo, họ chỉ bị ảnh hưởng từ phía tây.
Bản đồ vùng tranh chấp trên Biển Đông. Ảnh: AFP
Trên thực tế, xung đột trên Biển Đông chủ yếu xảy ra giữa TQ và VN, nóng lên từ Hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Sau đó là Hải chiến Trường Sa 1988 và tiếp theo là các cuộc đụng độ khác liên tục cho đến nay. TQ ngang ngược bắn giết, đánh chìm tàu, cướp cá và ngư cụ của ngư dân VN mà không một sự phản đối nào của VN làm chúng chùn bước. Trong khi đó, xung đột giữa TQ và PLP chỉ là vụ TQ chiếm bãi đá ngầm Vành Khăn của PLP năm 1995 và bãi cạn Scarborough vào giữa năm 2012. Cũng chính vì vụ tranh chấp bãi cạn Scarborough mà gần như ngay lập tức, PLP đã khởi kiện TQ vào tháng 1/2013.
Nhắc lại như thế để thấy một điều kỳ lạ là tham vọng đường 9 đoạn của TQ ảnh hưởng đến VN hơn PLP nhiều lần nhưng PLP lại là nước dám đưa TQ ra Tòa án quốc tế và đã thắng kiện, còn VN thì không.
Thắng lợi không chỉ của riêng nhân dân Philippines
Cùng với việc không dám đưa TQ ra Tòa án quốc tế, VN còn đàn áp những cuộc biểu tình chống TQ rất khốc liệt. Nhiều cuộc biểu tình người tham gia đã bị hốt gọn về đồn công an. Nhiều người biểu tình chống TQ bị đánh đập tàn nhẫn, bị mất việc làm cùng với những sách nhiễu khác. Nạn nhân điển hình của việc cấm biểu tình chống TQ là Bùi Thị Minh Hằng. Chị đã bị đưa đi cải tạo ở trại Thanh Hà và sau đó là án 3 năm tù.
Người dân Philippines và công dân Việt Nam tại Philippines vui mừng trước phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về biển Đông sáng 12/7/2016.
Bất chấp đàn áp của nhà cầm quyền, Phong trào Mùa Hè 2011 vẫn được duy trì, giữ lửa cho đến hôm nay. Ngày 30/10/2011, đội bóng NO-U đã được thành lập, ra sân đều đặn trong mỗi chủ nhật, đến nay đã được 200 buổi. Đội bóng cũng từng nhiều lần bị gây khó khăn, sách nhiễu, bị đuổi hết từ sân này đến sân khác. Nhiều bữa ăn sau trận đấu, sau buổi luyện tập hoặc kỷ niệm ngày thành lập bị cắt điện, ném chai lọ, bị đánh trên đường về làm nhiều người bị thương tích.
Đội bóng NO-U và Phong trào NO-U với biểu tượng cắt đường lưỡi bò được duy trì trên khắp mọi miền đất nước. Phong trào được hun đúc bởi tinh thần yêu nước, lúc âm ỷ, lúc thì bùng cháy đã góp phần làm nên chiến thắng ở Tòa trọng tài ngày 12/7/2016. Tòa đã tuyên bố đường chín đoạn của TQ là vô giá trị. Hơn ai hết ở VN, những người vui mừng nhất phải là những người kiên trì đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh đòi xóa bỏ đường lưỡi bò trong suốt 5 năm qua. Lê Dũng, một thành viên tích cực của Phong trào NO-U đã viết trên trang facebook của mình:
“Trong nửa thập kỷ qua, chúng tôi bền bỉ với cuộc đấu tranh cắt lưỡi bò mà Tàu cộng vẽ ra hòng chiếm đoạt biển Đông của Việt Nam chúng ta.
Nhiều người trong chúng tôi đã bị tấn công, đã đổ máu, bị bôi nhọ, bị bỏ tù, bị chính quyền vu khống là phản động, là dở hơi, là bị thần kinh, là những kẻ đánh bóng tên tuổi....
Và cách đây vài giờ, Toà án Quốc tế đã phán quyết điều mà chúng tôi đã hy sinh thầm lặng, làm không mệt mỏi trong suốt nửa thập kỷ qua: chúng tôi đã là người chiến thắng bọn Tàu cộng!
Chính quyền Việt Nam nợ chúng tôi một lời xin lỗi”.
Bà dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Loretta Sanchez người bạn lớn của phong trào dân chủ Việt Nam cũng vui thay:
“Tôi hoan nghênh phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế, đã tuyên bố Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý nào để tuyên bố chủ quyền trong khu vực Biển Đông. Đây là một thắng lợi quan trọng cho người dân Phi Luật Tân cũng như người dân Việt Nam mà chủ quyền lãnh thổ của họ đã bị liên tục đe dọa khi Trung Quốc hung hăng xâm lấn các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Thắng lợi này không chỉ của riêng nhân dân PLP, nhưng nhất định không phải là của những kẻ chủ trương đàn áp phong trào NO-U, không phải của những kẻ phá rối và đe dọa, sách nhiễu những người tham gia các buổi lễ tưởng niệm ngày mất Hoàng Sa, Gạc Ma hàng năm cũng như lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược TQ ở biên giới phía Bắc.
Việt Nam phải làm gì?
Phán quyết của tòa La Hay đóng góp quan trọng cho mục tiêu chung giải quyết tranh chấp Biển Đông trong hòa bình, tạo nên nền tảng pháp lý cho cuộc đấu tranh với TQ ở Biển Đông. Vấn đề ở chỗ, nhà cầm quyền VN có biết và dám lợi dụng điều kiện thuận lợi đó hay không.
Ngay sau phán quyết của Tòa, Người phát ngôn Bộ ngoại giao VN Lê Hải Bình nói:
“Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016”.
Tại cuộc họp báo ngày 14/7, ông Lê Hải Bình cũng cho biết: “Việt Nam đề nghị Tòa đặc biệt quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông và Việt Nam sẽ xem xét các bước đi tiếp theo để bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia”.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình
Thật khó biết thực tâm của nhà cầm quyền như thế nào vì họ nói, làm và suy nghĩ rất khác nhau. Việt Nam đã lệ thuộc quá nặng nề vào TQ bởi một hệ tư tưởng quái đản trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị văn hóa, tới mức khó tin được họ có muốn chống TQ, muốn thoát khỏi vòng cương tỏa của TQ hay không. Trong xã hội, đã có quá nhiều giọng tuyên truyền rằng, TQ mạnh lắm, làm sao chống nổi, rằng VN cũng không vừa, đuổi cả dân TQ đi để chiếm đảo của nó, rằng VN vong ân bội nghĩa, nó đánh cho là phải… Từ sau Hội nghị Thành Đô, người ta còn đồn đoán về một cuộc chuyển giao vào năm 2020 với bức tranh tồi tệ nhất từ khi lập nước. Cầu cho điều ấy mãi mãi chỉ là đồn đoán.
Nếu thực sự hoan nghênh phán quyết của Tòa trọng tài, thì nhà cầm quyền VN phải làm gì? Sau phán quyết của Tòa, TQ đang bị cô lập. Mặc dù TQ khoe có tới 60 nước ủng hộ mình nhưng con số công khai đứng về phía họ chưa đếm hết đầu ngón tay. Việc Tòa bác bỏ tham vọng đường 9 đoạn là cơ sở để giải quyết những xung đột ở Biển Đông, tạo cho VN vị thế mới trên bàn đàm phán. Một nội dung trong phán quyết vô cùng quan trọng là Tòa không công nhận 7 bãi đá mà TQ chiếm đóng ở Trường Sa là đảo dân sinh. Nó là những bãi đá được tôn tạo làm hỏng hệ sinh thái biển. Vì vậy, TQ không có quyền tuyên bố về lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế ở các đảo này. Chính vì tuyên bừa, nhận bậy mà nhiều chục năm nay, TQ đã ngang ngược hoành hành, bắt giết, cướp bóc ngư dân VN.
Tuy nhiên, vì là đơn kiện của Philippines nên Tòa không phán quyết những gì không liên quan đến Philippines. Vì vậy, liệu VN có noi theo Philippines khởi kiện TQ về một vụ tương tự về Hoàng Sa để có một kết quả tương tự như không có một cấu trúc nào ở Hoàng Sa được phép có lãnh hải hay đặc quyền kinh tế để ngư dân VN tiếp tục được đánh bắt cá ở ngư trường quen thuộc từ ngàn đời nay.
Một điều cần phải làm gấp nữa là kiện TQ ra Tòa quốc tế về vụ họ đánh chiếm toàn bộ Hoàng Sa của VN năm 1974 và đảo Gạc Ma năm 1988 khi các đảo này đang được quân đội VN trấn giữ. Việc bác bỏ yêu sách 9 đoạn của TQ cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho VN trong vụ kiện này.
Có ý kiến cho rằng, theo luật quốc tế, nếu có tranh chấp lãnh thổ mà giữa các kháng nghị có một khoảng gián đoạn 50 năm hoặc nhiều hơn thì những đòi hỏi lãnh thổ trở nên vô hiệu. Nếu đúng là như vậy thì việc TQ xâm lược Hoàng Sa đến nay đã 42 năm, chỉ còn 8 năm nữa thì VN sẽ vĩnh viễn mất Hoàng Sa. Việc kiện ra tòa án quốc tế để đòi lại Hoàng Sa, một phần Trường Sa trở nên cấp bách.
Nếu nhà cầm quyền VN thực sự vì đất nước, vì dân tộc thì những việc làm trên phải tiến hành ngay. Lúc này là thời cơ vô cùng thuận lợi cho họ làm những việc đó để ổn định tình hình ở Biển Đông, thu hồi biển đảo về cho Tổ quốc, chuộc lại những sai lầm mà họ đã gây ra.
Mặc dù Trung Quốc đe phán quyết của Tòa trọng tài sẽ làm gia tăng xung đột và có thể dẫn tới đối đầu nhưng điểm yếu của chúng là không có chính nghĩa và đang bị cô lập. Nếu Đảng và Chính phủ VN đứng hẳn về phía nhân dân, đặt lợi ích của Tổ Quốc, của Nhân dân lên trên hết thì không có gì phải sợ TQ. Lịch sử chiến đấu chống quân xâm lược TQ của cha ông ta đã chứng tỏ điều đó.
Nguồn: RFA
__._,_.___

Posted by: ly vanxuan <lyvanxuan2006@yahoo.de>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen