Một tác giả Trung Quốc, ông Tiết Lực giải
thích về Đường Chín Đoạn hình thành ra sao từ thời Tưởng Giới Thạch và
cho biết cả chính sách liên quan từng bị Tổng thống Trần Thủy Biển của
Đài Loan xóa bỏ.
Thế nhưng, trong bối cảnh tranh chấp tại
Biển Đông lên cao, Đường Chín Đoạn mà người Việt Nam hay gọi là Đường
Lưỡi Bò, lại được Trung Quốc 'tiếp quản', và đề cao.
Trả lời trang
The Diplomat hôm 06/07/2016, trước ngày phán quyết của Toà Trọng tài
Thường trực (PCA) tháng này, ông Tiết Lực (Xue Li) từ Viện Hàn lâm Khoa
học Xã hội Trung Quốc giải thích ngọn nguồn vụ việc:
"Ý tưởng
rằng Đường Chín Đoạn phân định ra vùng nước lịch sử là do Đài Loan đề
ra, và sau được đưa vào trong 'Nam Hải Chính sách Cương lĩnh - Nanhai
Zhengce Gangling' năm 1993.
"Vùng nước lịch sử giống vùng nội thủy nhưng có ý nghĩa pháp lý thấp hơn."
"Tổng
thống Trần Thủy Biển đã bác bỏ chính sách này vào năm 2003 khi ông lên
cầm quyền, nhưng Đài Loan chưa bao giờ ra tuyên bố về vùng nước nằm
trong Đường Chín Đoạn, nên các vùng nước này vẫn có thể bị cho như là
vùng nước lịch sử."
Mơ hồ vì vẽ bản đồ kém?
Ông
Tiết Lực nêu quan điểm rằng Đường Chín Đoạn chỉ nên được coi là đường
phân định chủ quyền của các hòn đảo vì cách hình thành với các lý do kỹ
thuật khiến chúng thiếu chính xác:
"Khi đường này được chính
quyền Trung Hoa Dân quốc của Quốc Dân Đảng vẽ ra năm 1947, Trung Quốc
không có khả năng đo lường các hòn đảo để xác định mọi địa hình tạo
đường phân định cho khu vực hành chính xung quanh."
"Vì thế, họ vẽ
ra đường chạy qua điểm giữa các hòn đảo và vùng đất lân bang để chỉ ra
rằng các đảo nằm bên trong đường vẽ ra là lãnh thổ Trung Hoa."
"Đường này nói chung chạy qua điểm trung tuyến giữa
các điểm nhô ra nhất của các hòn đảo và địa hình của đất liền xung
quanh. Không hề có các vị trí địa lý cụ thể được nêu ra, và những bản đồ
mỗi thời in một kiểu lại có chút ít khác biệt về điểm chính xác của
đường chín đoạn này."
Theo ông Tiết Lực, Trung Hoa lục địa sau này
đưa Đường Chín Đoạn và Luật lãnh hải năm 1992 và ra công bố ngoại giao
khẳng định "chủ quyền không tranh cãi" về các đảo ở biển Nam Trung Hoa
và mọi vùng nước xung quanh.
Nhưng theo ông, "đường chín đoạn nên được coi như là ranh giới chủ quyền của các hòn đảo" mà thôi.
Ông cũng giải thích vì sao Trung Quốc cho xây cất trên các bãi đá ở Biển Đông.
"Trung
Quốc chỉ làm những gì các nước khác đã làm. Ở quần đảo Nam Sa (Trường
Sa), có 50 đảo hiện đang được chiếm giữ thì 29 do Việt Nam, 5 do
Malaysia, 8 do Philippines, và 7 do Trung Quốc, và 1 do Đài Loan chiếm."
Trung
Quốc không muốn ở vào vị trí bất lợi nên bắt đầu xây đắp từ 2013, và
điều khác biệt là chương trình bồi đắp của Trung Quốc lớn hơn [các nước
kia] về tầm vóc, ông nói.
Bản tiếng Trung bài phỏng vấn với ông Tiết Lực được đăng trên trang
21ccom.net.
Ông Tiết Lực, hiện giữ chức chủ nhiệm Ban nghiên
cứu chiến lược quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc,
không phải là người đầu tiên và duy nhất trong giới chuyên gia tiếng
Trung lên tiếng về tính thiếu chính xác của Đường Chín Đoạn.
Một học giả khác, giáo sư Uông Tranh từ Đại học Seton Hall, Hoa Kỳ, cũng có bài gần đây nói về tính mơ hồ của Đường Chín Đoạn.
Cũng viết trên trang
The Diplomat, ông nói ông chưa tìm thấy bất cứ sách nào xuất bản ở
Trung Quốc "phân tích cụ thể, đầy đủ và khách quan về cả sự kiện và
lịch sử Biển Nam Trung Hoa cũng như quá trình hình thành bản đồ Đường
Chín Đoạn và ý nghĩa của nó".
Hôm 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực tại Hague, Hà
Lan đã ra phán quyết chung cuộc vụ Philippines kiện Trung Quốc về Đường
Chín Đoạn.
Tòa nói không có bằng chứng lịch sử cho thấy Trung Quốc
có thể kiểm soát đặc quyền các vùng biển và nguồn tài nguyên ở Biển
Đông.
Trung Quốc nói sẽ không công nhận phán quyết của Tòa và tiếp tục bảo vệ quyền lợi của mình.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen