Dienstag, 5. Juli 2016

TPB Biệt Động Quân đến tự do sau hành trình dài hơn ¼ thế kỷ

Gia đình tị nạn từ Thái Lan được đồng hương Atlanta đón tiếp trong tình nồng ấm

Mạch Sống, ngày 27 tháng 5, 2016
Trải qua bao mệt mỏi, hồi hộp, đợi chờ do chuyến bay dài từ Thái Lan và 18 tiếng đồng hồ bị đình trệ của máy bay và phải ngủ qua đêm ở Chicago, cuối cùng một thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà cùng vợ và người con 3 tuổi đặt chân xuống phi trường Atlanta lúc 2:30 chiều hôm qua.
Ông Nguyễn Văn Nguôn cùng gia đình lần đầu tiên hít thở không khí tự do kể từ ngày 30 tháng 4, 1975. Khi thấy đồng hương, trong đó có nhiều bác cựu quân,cầm hoa, cờ và biểu ngữ chờ sẵn để chào mừng, Ông Nguôn biết rằng hành trình tìm tự do của mình và gia đình kéo dài 26 năm cuối cùng đã đến đích.
Sinh năm 1954, Ông Nguôn nhập ngũ tháng 2 năm 1972 và được điều chuyển về Tiểu Đoàn 42, Liên Đoàn 4, Biệt Động Quân, Số quân: 74/510/100.  Trong một cuộc chạm súng ở Quận Tam Quan, Tỉnh Quy Nhơn, Vùng 2 chiến thuật năm 1974, Ông bị thương và phải cưa mất chân trái, trên đầu gối.
Nhiều đồng hương chào đón TPB Nguyễn Văn Nguôn và gia đình, ngày 26/05/2016 (ảnh BPSOS)
Trước sự đàn áp của chính quyền cộng sản đối với các cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hoà, Ông Nguôn đã vượt biên sang Thái Lan năm 1990 nhưng rồi bị cưỡng bách hồi hương năm 1996. Tháng 8 năm 2010, Ông lại tìm đường vượt thoát sang Thái Lan lần thứ hai cùng với gia đình. Lần này may mắn hơn, năm 2012 gia đình Ông được Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc công nhận tư cách tị nạn.
Dù được công nhận bởi LHQ, tất cả người tị nạn đều bị chính quyền Thái Lan xem là cư trú bất hợp pháp. Vì ở Thái Lan ngày nay không còn trại tị nạn, những người xin tị nạn đều phải sống lẩn lút ở các thành phố và lén lút kiếm sống bằng những việc tạp. Họ có thể bị bắt và tống giam bất kỳ lúc nào.
Dù lúc nào cũng nơm nớp sợ bị cảnh sát bắt, Ông Nguôn vẫn hàng ngày phải đi bán bong bóng ở lề đường của thành phố Bangkok để nuôi gia đình.
Khi sức khoẻ của Ông Nguôn giảm sút vì thương tật và tuổi tác, người con trai đầu phải thay thế. Xui xẻo, chẳng bao lâu anh ta bị cảnh sát bắt và tống giam vào Trung Tâm Giam Giữ của Sở Di Trú, còn được gọi là IDC (Immigration Detention Center). Gia đình Ông Nguôn phải chạy vạy vay tiền thế chân trên 1,400 Mỹ kim để người con được tại ngoại.
TPB Nguyễn Văn Nguôn chào quốc kỳ VNCH khi vừa về đến khu chung cư, ngày 26/05/2016 (ảnh BPSOS)
Từ đó, người con lớn không còn dám ra ngoài kiếm kế sinh nhai. Cả gia đình trở nên vô cùng túng thiếu. BPSOS lập tức kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình Ông Nguôn về tài chánh trong khi luật sư của BPSOS vận động Toà Lãnh Sự Hoa Kỳ sớm định cư gia đình này.
Một số mạnh thường quân nhanh chóng hưởng ứng lời kêu gọi của BPSOS. Chẳng hạn, Bà Hạnh Nhơn, người luôn quan tâm đến các thương phế binh VNCH, đã trích quỹ để giúp cho gia đình Ông Nguôn. Tiếp liền sau đó, Ông Phan Ngọc Lượng, cựu thiếu sinh quân, đã thay mặt Hội H.O. ở Quận Cam gởi tiền trợ giúp. Nhóm cựu Biệt Động Quân ở Bắc Virginia cũng giúp đỡ. Ngoài ra một số mạnh thường quân đó đây cũng phụ vào. Những giúp đỡ quý báu ấy giúp gia đình Ông Nguôn sống cầm hơi để chờ ngày định cư.
Cách đây 10 ngày, Ông Nguôn cùng vợ và người con 3 tuổi được lệnh trình diện tại IDC, nơi mà trước đây người con trai đầu bị giam giữ. Họ phải bị giam một tuần và phải đóng tiền phạt vì đã nhập cảnh và sống bất hợp pháp ở Thái Lan.
Ts. Nguyễn Đình Thắng cùng với gia đình Ông Nguyễn Văn Nguôn, Bangkok, Thái Lan, 27/09/2015 (ảnh BPSOS)
Tối ngày 24 tháng 5 Ông Nguôn, vợ và người con nhỏ được đưa ra phi trường quốc tế của Bangkok. Lúc 6:40 sáng hôm sau máy bay cất cánh. Họ phải chuyển máy bay, ở Hồng Kông và ở Chicago, và dự trù sẽ đến Atlanta vào lúc 10:30 tối ngày 25 tháng 5.
Nhưng rồi chuyến bay từ Chicago bị huỷ. Một nhóm đồng hương đã chờ sẵn ở phi trường với hoa và biểu ngữ sau nhiều giờ chờ đợi đã phải ra về.  Qua ngày hôm sau họ trở lại phi trường.
Ông Nguôn, vợ và người con trai nhỏ cuối cùng đã đến Atlanta lúc 2:30 chiều sau hơn hai ngày đường.
Họ hoàn toàn bất ngờ và hết sức cảm động trước sự đón tiếp nồng ấm của phái đoàn người Việt cùng với một số cơ quan truyền thông cũng đã chờ sẵn ở phi trường.
Khi về đến căn chung cư mà tổ chức định cư đã thuê sẵn, hành động đầu tiên của Ông Nguôn là chào lá cờ Việt Nam Cộng Hoà ngay trước cửa nhà.
Ông Nguôn cùng các bạn cựu chiến binh đã từng biết nhau từ Việt Nam, ngày 26/05/2016 (ảnh BPSOS)
Bước vào căn chung cư lại là một ngạc nhiên mới cho Ông Nguôn và gia đình.
Trước đó cả tuần, khi được văn phòng pháp lý của BPSOS ở Thái Lan báo tin, các thành viên của BPSOS –Atlanta,  nhân viên của tổ chức CPAC,  một số cựu chiến sĩ và các thiện nguyện viên trong cộng đồng đã nhanh chóng phối hợp công việc để chuẩn bị đón tiếp gia đình người thương phế binh VNCH này. Các thông báo kêu gọi tiếp tay trên đài phát thanh địa phương Việt Sống và Tiếng Nước Tôi đã nhận được sự hưởng ứng tận tình của đồng hương.
Nhiều bác cao niên, nhiều cựu chiến sĩ VNCH, nhiều người trẻ đã đem gởi tại văn phòng BPSOS mì gói, bún, gạo, nước mắm, bánh tráng, thịt cá, rau quả… và nồi niêu, xoong chảo, máy vi âm, TV, bàn ghế và các vật gia dụng khác. Các món quà ân tình này đã được nhóm thiện nguyện viên đem đến chất chật cả căn chung cư.
Một phụ nữ Việt Nam tình nguyện nấu món ăn nóng hổi để gia đình Ông Nguôn thưởng thức hương vị nồng ấm của quê hương, đánh dấu ngày dừng chân trên hành trình tìm đến tự do đã kéo dài 26 năm tính từ lần đầu tiên họ vượt biên đến Thái Lan, hay trên 41 năm nếu tính từ ngày cộng sản xâm chiếm miền Nam.
Ông Nguôn nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Tất cả như ngoài sự tưởng tượng của tôi. Sự tự do, tình đồng hương, tình đồng đội…xin tất cả mọi người hãy nhận nơi gia đình tôi lời tri ân.”
Người con trai lớn của vợ chồng Ông Nguôn bị kẹt lại Thái Lan vì đã quá tuổi vị thành niên và do đó bị tách thành một hộ riêng biệt. Hiện nay văn phòng pháp lý của BPSOS tiếp tục can thiệp cho người này sớm được đoàn tụ gia đình.
Người con trai nhỏ của Ông Bà Nguôn đang say mê các đồ chơi do những trẻ em trong cộng đồng quyên tặng (ảnh BPSOS)
Năm 2008, BPSOS bắt đầu gởi luật sư đến Thái Lan để can thiệp và bảo vệ đồng bào từ Việt Nam chạy sang tị nạn, phần lớn là do bị đàn áp tôn giáo thô bạo trong những năm gần đây. Đến nay văn phòng pháp lý của BPSOS ở Thái Lan đã giúp khoảng 800 đồng bào. Hơn phân nửa đã được xét là tị nạn và đã lên đường định cư ở nhiều quốc gia.
“Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng 800 đồng bào ở Thái Lan,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, cho biết. “Cứ 1 người đi định cư thì lại có 1 hay 2 người tị nạn mới đến.”
Trong số đồng bào đang xin tị nạn ở Thái Lan có không ít cựu quân cán chính VNCH.
“Từ năm 2008 chúng tôi vẫn âm thầm can thiệp và bảo vệ pháp lý cho họ, nghĩa là lập hồ sơ để chuẩn bị cho LHQ cứu xét quy chế tị nạn,” Ts. Thắng chia sẻ.
Văn phòng này hiện có 3 luật sư làm việc toàn thời với sự trợ giúp của 3 sinh viên luật và 3 thông dịch viên.
__._,_.___

Posted by: Hinh Tran <nhancach2013@gmail.com>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen