Donnerstag, 14. Juli 2016

Kyodo: Nhật Bản sẽ kiện Trung Quốc ra PCA



(Ảnh minh họa: AP)

Đảng cầm quyền Nhật Bản quyết định yêu cầu nội các của Thủ tướng Shinzo Abe tiến hành thủ tục khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài thường trực (PCA).

Kyodo News (Nhật Bản) ngày 13/7 đưa tin, Ủy ban về khai thác tài nguyên biển Hoa Đông thuộc đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền Nhật Bản do chính trị gia Yoshiaki Harada làm chủ tịch, đã cơ bản quyết định sẽ yêu cầu chính phủ Nhật đệ trình trình tự pháp lý ở Tòa trọng tài thường trực (PCA), căn cứ theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Động thái này nhằm ngăn chặn và buộc Trung Quốc dừng hoạt động khai thác tại các mỏ dầu khí trên biển Hoa Đông.
Theo Kyodo, sau khi phán quyết của PCA về vụ kiện Philippines-Trung Quốc hôm 12/7 bác bỏ căn cứ pháp lý của "Đường chín đoạn" mà Trung Quốc áp đặt trên biển Đông và khẳng định Bắc Kinh không có chủ quyền lịch sử ở vùng biển này, LDP tin rằng cần vận dụng một cách đầy đủ cơ quan tư pháp quốc tế.
Trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, LDP đặt kế hoạch hoàn thành nội dung cụ thể của phương án kiện Trung Quốc ra PCA, và gửi yêu cầu tới Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong tháng 7.
Nội dung chủ yếu của thỏa thuận Trung-Nhật năm 2008 gồm: Hai nước cùng khai thác tài nguyên ở một khu vực được xác định bằng hiệp thương; Hoan nghênh pháp nhân Nhật Bản tham gia khai thác ở mỏ dầu Xuân Hiểu theo quy định của luật pháp Trung Quốc về hợp tác đối ngoại để khai thác dầu khí đại dương.
Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai nước bùng phát tháng 9/2010 khi Nhật bắt giữ một tàu đánh cá của Trung Quốc do tàu này va chạm với hai tàu tuần tra biển của Nhật gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung, Nhật cùng tuyên bố chủ quyền.
Căng thẳng ngoại giao khiến thỏa thuận về khai thác chung trên biển bị gác lại cho đến nay.
Xoay quanh vấn đề các mỏ dầu khí, dù Trung-Nhật đã đạt thỏa thuận khai thác chung vào năm 2008, song hiện tại Bắc Kinh đang đơn phương thúc đẩy hoạt động khai thác trên biển Hoa Đông.
Đảng cầm quyền Nhật Bản nhận định hành động của Trung Quốc vi phạm Điều 74 của UNCLOS, quy định về nghĩa vụ nỗ lực thực hiện thỏa thuận đã ký kết giữa các nước. Tokyo sẽ khởi kiện Bắc Kinh dựa trên cơ sở này.
Ông Yoshiaki Harada đã lắng nghe ý kiến từ Bộ ngoại giao và Bộ tư pháp Nhật trong giai đoạn thảo luận trước ngày 13.
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, Bộ ngoại giao Trung Quốc trước đó từng nhiều lần tuyên bố hoạt động khai thác dầu khí mà nước này tiến hành trên biển Hoa Đông "nằm ở vùng biển thuộc quyền quản lý không tranh cãi của Trung Quốc", đồng thời cảnh cáo Nhật Bản "không có quyền phát ngôn bừa bãi".
Trả lời phỏng vấn của Hoàn Cầu, Giáo sư Đại học ngoại ngữ Thượng Hải, Trung Quốc, ông Liêm Đức Khôi cho biết mâu thuẫn giữa Nhật và Trung Quốc trong vấn đề dầu khí biển Hoa Đông chủ yếu nằm ở việc phân giới trên biển mà UNCLOS không đưa ra tiêu chuẩn quy định cụ thể.
Có quan điểm cho rằng, nếu hai nước cùng khai thác trên một vùng biển thì có thể phân chia theo "đường trung gian" - tức mỗi bên một nửa.
Quan điểm khác nhận định có thể phân giới căn cứ theo thềm lục địa kéo dài. Theo ông Liêm, Trung Quốc là quốc gia nằm trên thềm lục địa nên chủ trương phân giới bằng cách này, trong khi Nhật Bản phản đối và muốn sử dụng biện pháp "đường trung gian".
Học giả người Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh có đầy đủ căn cứ trong vấn đề khai thác tài nguyên biển Hoa Đông và điều này cho phép chính phủ Trung Quốc có hành động và thái độ cứng rắn hơn với Nhật Bản.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen