Jeffrey Tucker
Phạm Nguyên Trường dịch
Phạm Nguyên Trường dịch
Chỉ cần đi theo con đường của Venezuela. Tấn công vào quyền sở hữu
và thương mại, cướp bóc những người giàu có, bãi bỏ hệ thống giá
cả, bắt tù những người bất đồng chính kiến, nghiền nát phe đối lập,
phá hủy hệ thống tự do tự nhiên, tức là hệ thống đã nuôi sống thế
giới này. Đấy là chủ nghĩa xã hội. Đấy là con đường dẫn tới địa
ngục trần gian.
"Chủ nghĩa xã hội Venezuela": người dân phải bới rác tìm đồ ăn
Một trong những thành tựu vĩ đại của tâm trí con người là tìm được
giải pháp cho thách thức lớn nhất đối với sự sống trên trái đất:
tìm được đủ thức ăn. So sánh với ăn thì chỗ ở và quần áo chỉ là
chuyện vặt. Chỉ cần tìm được một cái hang và lột một tấm da là
xong.
Nhưng tìm kiếm thức ăn là vấn đề thường trực, không bao giờ chấm
dứt. Kho đụn chưa đủ, phải có một hệ thống sản xuất liên tục.
Năm 2016, cuối cùng, chúng ta đã có hệ thống như thế, nó có thể
nuôi sống 7,4 tỷ người. Hiện nay hệ thống này mạnh đến nỗi các nước
phát triển gặp vấn nạn ngược lại: bệnh béo phì.
Việc tạo ra hệ thống này - bạn có thể nhìn thấy nó ở bất kỳ cửa
hàng tạp hóa nào trong khu phố bên cạnh nhà bạn – là thách thức
trước kì vọng của rất nhiều người trong thế kỷ XIX. Dân số đang
bùng nổ với tốc độc không thể tin nổi. Làm sao nuôi được? Hầu hết
các nhà trí thức đều không thể tưởng tượng nổi, làm sao chuyện như
thế lại có thể xảy ra được!
Nhưng nó đã xảy ra. Thị trường lương thực thực phẩm toàn cầu phức
tạp, phát triển sâu rộng và năng suất cao đến nỗi khó mà phá vỡ
được nó. Phải có nỗ lực phi thường thì mới tạo ra được nạn đói vào
năm 2016. Phải có một hệ thống cưỡng bức toàn diện, tức là hệ thống
tấn công tất cả các thiết chế đã làm cho sự thừa mứa trở thành khả
thi: quyền sở hữu, thương mại quốc tế, hệ thống giá cả uyển chuyển,
quyền được đổi mới trong lĩnh vực thương mại.
Chủ nghĩa xã hội ra đòn
Nhưng, có một hệ thống như thế. Tên của nó là “chủ nghĩa xã hội”.
Người ta đang thử nghiệm nó trong một đất nước từng là quốc gia
giàu có, dễ chịu và văn minh: đất nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất
thế giới.
Vâng, nghe như là chuyện bịa. Nhưng không phải. Trong một đất nước
đặc biệt, trong quá trình hủy diệt không ngừng nghỉ - kéo dài 16
năm - quyền sở hữu và quyền con người, từng bước một, chủ nghĩa xã
hội đã dẫn đến những cảnh đau khổ không thể nào tưởng tượng nổi.
Đấy là Venezuela. Bắt đầu dưới chính quyền của Hugo Chavez và bây
giờ tiếp tục nằm dưới quyền cai trị của người kế nhiệm ông ta,
Nicolás Maduro. Dù ý của họ có độc tài và xấu xa đến đâu, dường như
họ cũng không muốn gây ra nạn đói. Không những thế, họ tìm cách
mang lại tất cả những lời hứa của chủ nghĩa xã hội: công bằng, bình
đẳng, chấm dứt nạn người bóc lột người, công lý..v.v... Nhưng xung
quanh chỉ là sự cáo chung của tất cả mọi thứ mà chúng ta gọi là văn
minh.
Tốt nhất, tôi xin trích dẫn một đoạn khá dài của tờ New York Times,
số ra ngày hôm qua:
"Xe tải thường xuyên bị tấn công, lương thực thực phẩm của đất nước
này hiện được vận chuyển dưới sự bảo vệ của lực lượng vũ trang.
Binh lính canh các ló nướng bánh. Cảnh sát bắn đạn cao su vào đám
đông tuyệt vọng đang tràn vào các cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc và
cửa hàng thịt. Một bé gái 4 tuổi bị bắn chết khi các băng đảng
đường phố đánh nhau để tranh giành thực phẩm.
Venezuela đang rối loạn vì đói.
Venezuela đang rối loạn vì đói.
Hàng trăm người dân trong thành phố Cumaná - quê hương của một
trong những anh hùng trong cuộc chiến đấu giành độc lập của khu vực
– tràn vào một siêu thị trong những ngày gần đây, vừa đi vừa la hét
đòi lương thực thực phẩm. Họ buộc người ta phải mở cánh cổng sắt
khá lớn và lao vào bên trong. Họ giật những thùng đựng nước uống,
thùng bột mì, bột ngô, muối, đường, khoai tây, bất cứ thứ gì có thể
tìm được, để lại đằng sau những chiếc tủ lạnh bị phá hỏng và những
kệ hàng bị lật nhào.
Và họ đã cho người ta thấy rằng, ngay cả trong đất nước có trữ
lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, người dân cũng có thể nổi loạn vì
không có đủ thức ăn.
Chỉ trong hai tuần qua, đã có hơn 50 cuộc bạo động vì lương thực,
những vụ biểu tình và cướp bóc với khối lượng lớn đã nổ ra trên cả
nước. Nhiều doanh nghiệp bị cướp sạch hoặc phá hủy. Ít nhất đã có
năm người đã thiệt mạng ....
Vụ sụp đổ kinh tế diễn ra trong những năm gần đây làm cho nước này
không thể tự mình sản xuất đủ lương thực hoặc nhập khẩu nhu yếu
phẩm từ nước ngoài. Các thành phố đã bị thiết quân luật, theo sắc
lệnh về tình trạng khẩn cấp của Tổng thống Nicolás Maduro, người
được Chávez – trước khi qua đời cách đây ba năm - chỉ định tiếp tục
dẫn dẵn cuộc cách mạng của ông ta.
“Nếu không có lương thực thì sẽ có thêm nhiều cuộc bạo loạn nữa”,
Raibelis Henriquez, 19 tuổi, người đã chờ mua bánh mì suốt ngày ở
Cumaná, nơi ít nhất đã có 22 doanh nghiệp đã bị tấn công trong một
ngày vào cuối tuần qua, nói như thế.
Nhưng, trong khi các cuộc bạo loạn và xung đột là nỗi lo của đất
nước này thì đói khát vẫn là nguồn gốc của bất ổn thường xuyên.
Đánh giá gần đây nhất về mức sống, do Đại học Simón Bolívar tiến
hành, đã phát hiện được con số đáng kinh ngạc: 87% người dân
Venezuela nói rằng họ không có tiền để mua thực phẩm đủ dùng.
Khoảng 72% tiền lương hàng tháng được dùng để mua lương thực thực
phẩm, đấy là theo Trung tâm Tư liệu và phân tích xã hội - một nhóm
nghiên cứu liên kết với Liên đoàn giáo chức Venezuela.
Tháng Tư, người ta phát hiện ra rằng mỗi gia đình sẽ cần tương
đương với 16 mức lương tối thiểu thì mới sống khả dĩ được.
Nếu hỏi người dân trong thành phố này, bữa ăn gần đây nhất là vào
lúc nào thì nhiều người sẽ trả lời rằng không phải là ngày hôm nay.
Trong đó có Leidy Cordova, 37 tuổi, và năm đứa con - Abran,
Deliannys, Eliannys, Milianny và Javier Luis - tuổi từ 1 đến 11
tuổi. Tính đến tối thứ năm, cả nhà đã không ăn gì từ trưa ngày hôm
trước, đấy là bữa mà bà Cordova nấu súp bằng da gà và mỡ giá rẻ mà
bà tìm được cửa hàng thịt.
“Các con tôi nói rằng chúng đang đói”, bà Cordova nói. “Và tôi chỉ
có thể nói với chúng là cười lên và chịu đựng”.
Những gia đình khác phải chọn, ai được ăn. Lucila Fonseca, 69 tuổi,
bị ung thư máu, còn con gái bà, Vanessa Furtado, 45 tuổi, bị u não.
Mặc dù cũng bị ốm, Furtado không ăn một ít thức ăn mà mấy ngày mới
có để mẹ không bị nhỡ bữa.
“Trước đây tôi rất béo, nhưng không còn béo nữa”, người con gái
nói. “Chúng tôi đang chết dần chết mòn”.
Bà mẹ nói thêm: “Chúng tôi đang sống bằng khẩu phần của Maduro:
không thức ăn, không có gì hết”…
Những cánh đồng mía ở khu vực trung tâm nông nghiệp của đất nước bị
bỏ hoang vì không có phân bón. Máy móc thiết bị không được sử dụng,
nằm han gỉ trong những nhà máy quốc doanh bị đóng cửa. Các sản phẩm
chủ yếu như ngô và gạo, từng được xuất khẩu, bây giờ phải nhập khẩu
và không đáp ứng được nhu cầu.
Đáp lại, Maduro nắm chặt hơn công tác cung cấp lương thực thực
phẩm. Sử dụng nghị định khẩn cấp mà ông vừa ký trong năm nay, vị
tổng thống này đưa hầu hết việc phân phối lương thực thực phẩm vào
tay của các binh đoàn công dân trung thành với cánh tả, một biện
pháp mà những người phê bình nói là tương tự như phân phối lương
thực ở Cuba.
“Họ bảo, nói cách khác, anh sẽ có thực phẩm nếu anh là bạn tôi, nếu
anh là người có cảm tình với tôi”, Roberto Briceño-León, giám đốc
của Cơ quan quan sát bạo lực Venezuela - một tổ chức nhân quyền -
cho biết như thế.
Đấy là tất cả thực tế mới đối với Gabriel Márquez, 24 tuổi, người
trưởng thành trong những năm bùng nổ, khi Venezuela là nước giàu có
và quầy hàng trống rỗng là điều không thể tưởng tượng nổi. Anh ta
đứng trước siêu thị bị đám đông tràn tới Cumaná phá hủy, bây giờ
trở thành một bãi trống mênh mông đầy chai lọ vỡ, hộp giấy và kệ
nằm rải rác khắp nơi. Mấy người, trong đó có một cảnh sát, đang tìm
kiếm thức ăn thừa trong đống đổ nát.
“Trước đây, trong những buổi lễ hội, chúng tôi thường lấy trứng ném
nhau”, anh ta nói. Bây giở quả trứng chẳng khác gì cục vàng”…
Trong khi đó, chính phủ nói rằng thiếu thốn là do “chiến tranh kinh
tế” mà ra. Chính phủ cáo buộc các chủ doanh nghiệp giàu có đầu cơ lương thực thực
phẩm và nâng giá cắt cổ, vì vậy mà tạo ra tình trạng thiếu thốn
nhân tạo để kiếm lợi nhuận trên sự đau khổ của đất nước.
Chính phủ làm cho các chủ cửa hàng cảm thấy như bị bao vây, nhất là
những người không có tên bằng tiếng Tây Ban Nha.
“Xem cách chúng tôi làm này”, Maria Basmagi - gia đình bà này di cư
từ Syria tới Venezuela các đây một thế hệ - vừa nói vừa chỉ tay vào
tấm kim loại che bên ngoài cửa sổ của cửa hàng giày của mình.
Cửa hàng của bà này nằm trên đại lộ buôn bán ở Barcelona, một thị
trấn ven biển vừa rơi vào tình trạng bất ổn trong tuần trước. 11
giờ trưa ngày hôm trước, có người hét lên rằng người ta đang tấn
công vào một nhà ăn quốc doanh ở gần đó. Tất cả cửa hàng trên đường
phố nơi bà Basmagi buôn bán đều đóng cửa vì sợ.
Mấy cửa hàng khác cũng mở, tương tự như các tiệm bánh ở Cumaná, cả
trăm người đang xếp hàng. Mỗi người chỉ được phép mua khoảng một
pound (450 gam) bánh mì.
Robert Astudillo, người cha 23 tuổi của hai đứa con nhỏ, không tin
là mình sẽ mua được bánh mì. Anh ta nói rằng ở nhà có bột ngô để
làm bánh ngô - món ăn chủ yếu ở Venezuela - cho các con của mình.
Họ không được ăn thịt đã mấy tháng nay rồi.
“Chúng tôi làm những cái bánh ngô nhỏ”, anh nói.
“Chúng tôi làm những cái bánh ngô nhỏ”, anh nói.
Trong tủ lạnh của gia đình Araselis Rodriguez và Nestor Daniel
Reina, cha mẹ của bốn đứa con nhỏ, không có cả bột ngô - chỉ còn
vài quả chanh và mấy chai nước.
Gia đình này ăn sáng với bánh mì và ăn trưa với món súp cá mà ông
Reina bắt được. Bữa tối không còn gì.
Không phải lúc nào cũng biết rõ nguyên nhân gây ra bạo loạn. Chỉ do
đói? Hay còn do sự tức giận dữ dội hơn, được hình thành trong một
đất nước đã sụp đổ?
Inés Rodríguez không biết rõ. Bà nhớ đã gọi điện thoại cho đám đông
đang đến cướp bóc nhà hàng của bà đêm thứ ba, nói rằng sẽ cho họ
tất cả gà và gạo trong nhà hàng, chỉ xin họ để lại đồ gỗ và máy
tính tiền. Họ không thèm nghe và đẩy bà sang một bên, Rodriguez nói
như thế.
“Đói khát và tội phạm liên kết với nhau”, bà nói.
Trong khi bà nói, có ba chiếc xe tải với cảnh sát vũ trang đi
ngang, mỗi cái đều có ảnh của Chavez và Maduro.
Đấy là đoàn xe chở lương thực, thực phẩm.
“Cuối cùng thì xe cũng đã tới”, bà Rodriguez nói. “Họ đã làm gì để
có những thứ này. Phải nổi loạn thì chúng tôi mới có thức ăn đấy”.
(Hết trích)
Đôi khi người ta tự phải tự hỏi vì sao những người như tôi rất
thích nói về thị trường tự do và tất cả những thứ mà nó ngụ ý. Nói
cho cùng, đấy là nói về chất lượng của đời sống trên trái đất này.
Chúng ta sẽ thịnh vượng hay chúng ta sẽ chết đói? Đấy là những điều
mà kinh tế học bàn. Và đấy không phải là vấn đề trừu tượng.
Nước nào trên trái đất này cũng có khả năng gây ra nạn đói. Chỉ cần
đi theo con đường của Venezuela. Tấn công vào quyền sở hữu và
thương mại, cướp bóc những người giàu có, bãi bỏ hệ thống giá cả,
bắt tù những người bất đồng chính kiến, nghiền nát phe đối lập, phá
hủy hệ thống tự do tự nhiên, tức là hệ thống đã nuôi sống thế giới
này. Đấy là chủ nghĩa xã hội. Đấy là con đường dẫn tới địa ngục
trần gian.
Jeffrey Tucker là giám đốc phụ trách nội dung trang mạng Foundation
for Economic Education và là tác giả của 5 cuốn sách và hàng ngàn
bài báo, tác phẩm mới nhất của ông "Bit by Bit: How P2P Is Freeing
the World"
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen