Thứ tư, 13/7/2016 | 19:30 GMT+7
"Bị
đâm chìm, tàu cá chỉ nổi phần mũi, 5 người vội leo lên ngồi co ro trên
đó. Tàu Trung Quốc không cứu chúng tôi mà đứng vây quanh suốt từ 11h30
đến 18h mới rời đi", thuyền trưởng Võ Văn Lựu kể lại.
15h30 ngày 13/7, tàu cá QNg 95001 của thuyền trưởng Huỳnh Văn
Khanh (31 tuổi) đã cập cảng cá Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi), đưa 5 nạn nhân
vụ chìm tàu ở Hoàng Sa 5 ngày trước về bờ. Bà Nguyễn Thị Năng nhờ người
chở xe máy từ xã Bình Châu (Bình Sơn) sang đón 5 người thân, nhưng không
ra cầu cảng mà chờ ở đồn biên phòng vì vừa phải truyền nước. Gặp được
chồng, con, bà Năng đôi mắt đỏ hoe, hai tay siết chặt lấy con trai Võ
Văn Cầu (học lớp 11).
Thuyền trưởng tàu cá QNg 90479 TS Võ Văn Lựu (52 tuổi) động viên
vợ bằng cái ôm vội, pha chút bẽn lẽn của người dân làng chài. Các thuyền
viên sau đó được lực lượng biên phòng Trạm Sa Kỳ lấy tường trình. Khi
nhìn thấy hình ảnh tàu Cảnh sát biển 46102 do phóng viên cung cấp,
thuyền trưởng Lựu nói: "Chính con tàu này tông chìm tàu chúng tôi".
Ông Lựu kể, khoảng 8h sáng 9/7, tàu cá do ông cầm lái cùng tàu của anh
Khanh đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa thì bị hai tàu Cảnh sát biển
Trung Quốc mang số hiệu 46102 và 56103 từ phía xa tiến lại xua đuổi. Tàu
46102 đuổi tàu ông Lựu, còn 56103 đuổi tàu anh Khanh, đồng thời hạ hai
canô áp sát tàu cá. Cả thuyền trưởng Lựu và Khanh đều tăng tốc, đánh lái
tránh né sự truy đuổi.
Đến khoảng 11h, ở tọa độ 16,09 vĩ độ Bắc, 111,36 kinh độ Đông, 6 người
Trung Quốc trên canô đã nhảy lên tàu ông Lựu, trong đó có một người biết
nói tiếng Việt. "Trên tay họ cầm theo dùi cui điện. Tôi bị tát hai cái
và bị khống chế ngay tại cabin. 4 người còn lại bị đưa ra phía mũi tàu,
bắt úp mặt xuống sàn, tay bỏ ra sau gáy, không được nhìn ngó gì", ông
Lựu kể.
Nhóm người trên tàu Cảnh sát Trung Quốc sau đó lục soát, đập phá nhiều
đồ đạc trên tàu cá Quảng Ngãi. "Họ dí dùi cui, ép tôi phải tăng tốc đuổi
theo tàu anh Khanh. Đi bên cạnh là tàu cảnh sát biển Trung Quốc 46102,
phía sau còn có canô của họ. Chạy được khoảng 30 phút, tàu cá của ông
Lựu bị tàu 46102 tông.
Trở về từ Hoàng Sa khi bị Trung Quốc tông chìm con tàu trị giá 3 tỷ
đồng, câu chuyện của ông Lựu thu hút sự quan tâm của giới truyền thông.
Ảnh: Nguyễn Đông.
|
"Sau tiếng rầm, nước biển chảy vào khoang máy. Lúc đó, một người Trung
Quốc biết nói tiếng Việt đã bảo chúng tôi dùng máy bơm hút nước ra
ngoài. Nhưng do máy đã bị ngập nên không thể bơm nước được nữa", ông Lựu
nhớ lại. Con tàu chìm dần. 6 người Trung Quốc nhảy xuống canô bỏ về tàu
46102.
Chừng 30 phút sau, tàu chìm nhưng do máy nặng hơn nên kéo ngược phần
đầu nổi lên mặt nước. Ông Lựu nhanh tay với được chiếc bộ đàm làm phương
tiện liên lạc. 5 người ngồi co ro trên mũi tàu, trong khi các tàu Trung
Quốc vẫn vây quanh. "Họ không cứu mà nói chúng tôi gọi tàu cá Việt Nam
đến. Nhưng họ cứ đứng ở đó nên anh Khanh không dám qua", ông Lựu nói
thêm.
Thuyền trưởng Huỳnh Văn Khanh kể, tàu Trung Quốc áp sát nhưng không
nhảy lên được nên dùng nhiều chai nước ném lên boong và cabin. Đề phòng
tàu bị đâm, anh Khanh lệnh cho các thuyền viên đứng ra hai bên mạn, sẵn
sàng nhảy xuống nước, không được ở trong ca bin dễ mắc kẹt nếu tàu chìm.
"Khi tông chìm tàu ông Lựu, tàu Trung Quốc không đuổi theo tàu chúng
tôi nữa. Nhưng họ cho tàu đứng ở đó, tôi không dám vào cứu vì nhỡ họ
tông chìm cả tàu tôi, hay bắt bớ", anh Khanh nói.
Anh Khanh neo tàu ở bãi cạn, cách nơi tàu ông Lựu chìm chừng 5 hải lý
và thường xuyên giữ liên lạc qua bộ đàm. Đến hơn 18h, các tàu Trung Quốc
rút đi. "Khi tôi đến, các thuyền viên trên tàu gần như đã kiệt sức, mặt
nhợt nhạt. Chúng tôi vội đưa mọi người lên tàu thay áo quần, ăn cơm,
uống nước, họ mới tỉnh táo dần và nói chuyện được", anh Khanh kể.
Bà Năng ôm chầm lấy con trai Võ Văn Cầu, mắt đỏ hoe nhưng không còn sức khóc thành tiếng. Ảnh: Nguyễn Đông.
|
Thoát nạn sau chuyến đi biển đầu tiên, anh Nguyễn Trung Hậu (giáo viên
trường THCS Sơn Dung, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) cho biết do đang là
giáo viên hợp đồng, nghỉ hè không có lương nên vừa muốn đi biển làm thêm
kiếm tiền, vừa muốn trải nghiệm thực tế cuộc sống của ngư dân nên xin
bố vợ cho đi.
Sau 7 ngày trên biển, anh Hậu chứng kiến cảnh tàu của gia đình bị tàu
Cảnh sát biển phía Trung Quốc to gấp nhiều lần truy đuổi, bao vây. "Họ
khống chế chúng tôi, không cho ngước mặt lên, nên không nhìn thấy gì.
Chỉ đến khi tàu bị tông, chúng tôi lao ra tìm cách bơm nước nhưng không
được, những người Trung Quốc cũng rời đi. Năm người trong gia đình đứng
trên mũi tàu chìm, người run lên vì đói nhưng phía Trung Quốc không
cứu", anh Hậu nói và cho biết những gì đã trải qua sẽ kể cho học sinh và
bạn bè.
Nguyễn Đông
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen