Ls Lê Công Định |
Khi xảy ra một hành vi có dấu hiệu phạm pháp, việc điều tra xác
minh thuộc về một cơ quan chuyên trách thuộc ngành hành pháp.
Trong thảm hoạ môi trường do Formosa gây ra, Chính phủ - cơ quan
hành pháp - đã uỷ quyền cho hai bộ phận trực thuộc mình là Bộ Tài
nguyên Môi trường và Bộ Công an tiến hành điều tra nguyên nhân và
xác minh thủ phạm.
Do tính chất nghiêm trọng của thảm hoạ này, chắc chắn thủ tục điều
tra không chỉ dừng ở cấp độ xem xét xử phạt vi phạm hành chính đơn
thuần, mà xa hơn phải khởi tố vụ án theo thủ tục tố tụng hình sự.
Tất nhiên, theo Bộ Luật Hình Sự hiện hành, pháp nhân thương mại như
Formosa không phải chịu trách nhiệm hình sự để bị khởi tố bị can,
nhưng hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải bị khởi tố
vụ án để Toà án xác định thiệt hại và ấn định mức giá bồi thường.
Không hiểu vì sao nhà cầm quyền lại bỏ qua thủ tục tố tụng hình sự
lẽ ra phải được khởi động một cách đương nhiên này? Đây là nghi vấn
thứ nhất.
Kế tiếp, nếu tuân thủ đúng thủ tục tố tụng hình sự luật định tại
Việt Nam, sau khi có kết quả điều tra ban đầu, Cơ quan điều tra
phải chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát xem cần thiết hay không truy
tố hành vi phạm pháp ra trước Toà án.
Dựa vào kết luận điều tra của Cơ quan điều tra, cáo trạng của Viện
Kiểm sát và yêu cầu của các nạn nhân về bồi thường thiệt hại, chỉ
Toà án - cơ quan tư pháp - mới có quyền xác định thiệt hại và ấn
định mức giá bồi thường.
Tuy nhiên, những gì đã diễn ra trong 84 ngày kể từ khi xảy ra thảm
hoạ cho thấy Chính phủ đã bỏ qua tất cả trình tự luật định cần
thiết để tự mình điều tra và kết luận điều tra, qua đó tự mình xác
định thiệt hại mà hoàn toàn không tạo điều kiện cho các nạn nhân
thảm hoạ chính thức yêu cầu đòi bồi thường, rồi cũng tự mình làm
việc riêng với thủ phạm và dễ dàng chấp nhận mức giá bồi thường 500
triệu USD mà thủ phạm đề xuất.
Điều gì đã khiến Chính phủ ngang nhiên vi phạm luật pháp và tự trao
cho mình quyền của cơ quan tư pháp là Toà án trong việc xác định
thiệt hại và ấn định mức giá bồi thường 500 triệu USD vừa vội vã,
vừa đơn giản, đồng thời bất chấp mọi cơ sở pháp lý và khoa học như
vậy? Mặt khác, Chính phủ đã được nhân dân uỷ quyền đại diện thương
lượng về việc bồi thường thiệt hại với Formosa hay chưa? Đây là
nghi vấn thứ hai.
Bởi lẽ nhà cầm quyền vi phạm luật pháp nghiêm trọng như nêu trên,
các nạn nhân của thảm hoạ môi trường vẫn bảo lưu quyền luật định
yêu cầu Toà án xét xử vụ án gây ô nhiễm môi trường này để tuyên
những bản án công minh ấn định mức giá bồi thường thực tế và thoả
đáng, ngõ hầu thực thi công lý.
Chúng tôi vẫn cố tin Việt Nam là nước tôn trọng luật pháp, nên bất
kể nhà cầm quyền tuân thủ pháp luật hay không và bất kể Chính phủ
đang nài xin người dân độ lượng đối với hành vi phạm pháp của
Formosa, các nạn nhân hãy hành xử quyền khởi kiện đòi bồi thường
của mình ra trước cơ quan tư pháp.
Lê Công Định
(FB Lê Công Định)
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen