Sonntag, 6. März 2016

NHỮNG CÂU CHUYỆN HOANG ĐƯỜNG VÀ TẦM NHÌN THIỂN CẬN VỀ BIỂN ĐÔNG Đại-Dương

     
Hoa Kỳ đã điều động Hải đội Xung kích Hàng không mẫu hạm USS John Stennis vào Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông Nam Á, Biển Đông, Biển Tây Phi Luật Tân) làm tăng thêm điều kiện xung đột vốn nóng bỏng từng ngày.
Hàng không mẫu hạm cùng với 2 khu trục hạm, 2 tuần dương hạm với một số tàu yểm trợ đã tiến vào Biển Đông kể từ 01-03-2016 và sẽ tập trận chung với Đại Hàn trong tuần lễ tới.
Soái hạm Blue Ridge của Đệ thất Hạm đội cùng tháp tùng với Hải đội này như dấu hiệu rõ ràng nhắn tới Bắc Kinh về phối hợp tác chiến trên Biển Đông.
Lần đầu tiên, Hoa Kỳ bố trí 2 hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và John Stennis vào Biển Đông Á như lời nhắn nhủ của Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter “Chúng ta cho họ thấy sẽ không chịu nỗi tổn thất nếu chọc giận Mỹ”.
Phát ngôn viên Hải quân Hoa Kỳ tuyên bố “Phi cơ và chiến hạm của chúng tôi hoạt động thường xuyên ở Tây Thái Bình Dương từ nhiều thập niên qua. Chỉ riêng trong năm 2015 đã có 700 ngày hoạt động phối hợp tại vùng này”.
Sự hiện diện của Hải đội này đã làm bộc lộ những chuyện hoang đường được loan truyền thường xuyên về vấn đề Biển Nam Trung Hoa.
Thứ nhất, trả lời chất vấn của phóng viên CBS tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Phát ngôn viên Phó Oánh của Quốc hội Trung Quốc nói “Phi cơ, chiến hạm ra vào Nam Hải hầu hết của Hoa Kỳ. Sự bố trí Hải quân Mỹ vào ‘khu vực của chúng tôi’, chẳng phải quân-sự-hoá hay sao”.
Biển Nam Trung Hoa được coi như vùng biển quốc tế nên bất cứ loại tàu bè, phi cơ nào của một quốc gia trên thế giới đều được quyền tự do hàng hải và hàng không theo đúng quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Nó không phải chiếc ao của bất cứ quốc gia nào, dù cường quốc hay nhược tiểu.
Sau đệ nhị Thế chiến, Hải quân Hoa Kỳ vẫn thường xuyên tuần tiễu tại Biển Đông để giữ gìn an ninh và trật tự, ngăn ngừa xung đột. Hoa Kỳ chẳng hề chiếm đoạt bất cứ vùng biển, đảo, đá, bãi ngầm nào trên Biển Đông.
Ngược lại, Bắc Kinh cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974 và đã bố trí binh sĩ, 2 hệ thống phòng không HQ-9 tối tân cùng một số chiến đấu cơ. Từ 1988 đến 1995, Bắc Kinh đã cưỡng đoạt một số vị trí do Việt Nam, Phi Luật Tân trấn đóng tại Trường Sa, và đã bồi đắp 7 vị trí chiếm đóng mà 3 trong số đó đã xây phi đạo dài 3,000 mét cho các loại phi cơ quân sự sử dụng cùng với các dàn radar cao tầng, hải cảng và căn cứ quân sự. Năm 2012, Trung Quốc cũng cưỡng đoạt Bãi cạn Scarborough của Phi Luật Tân.
Thứ hai, Trung Quốc yêu sách “chủ quyền lịch sử” trên Biển Nam Trung Hoa dựa vào 2 yếu tố: (1) Biển Nam Trung Hoa được quốc tế thừa nhận có nghĩa của Trung Hoa. Thực sự, kỹ thuật hàng hải ngày xưa còn quá thô sơ nên thuỷ thủ quốc tế đặt tên biển theo “hướng” không hề hàm ý công nhận chủ quyền. Mặc dù, họ gọi tên Biển Nam Trung Hoa, nhưng, trong các ký sự hoặc nhật ký hải hành, hoặc văn kiện giao thương vẫn coi biển này thuộc quyền của nước An Nam hoặc xưa hơn là Vương quốc Chàm. (2) Nam Hải do tổ tiên để lại. Thực tế, bản đồ đời Nhà Thanh chỉ rõ Đảo Hải Nam là điểm cực Nam Trung Quốc. Bắc Kinh không trưng được chứng cớ nào đã cai quản Biển Nam Trung Hoa và những thực thể trong đó bằng các biện pháp có tính cách nhà nước và liên tục. 
Thứ ba, Trung Quốc sử dụng thuật ngữ “vùng nước lịch sử” để vẽ Đường 9 Đoạn choáng hơn 80% Biển Đông bao trọn cả 2 Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, Luật Biển 1982 quy định “vịnh lịch sử” nằm bên trong đường căn bản của mỗi quốc gia duyên hải. Bắc Kinh cố tình đánh tráo khái niệm mặc dù đã ký Công ước từ năm 1982 và phê chuẩn 1996.
Như thế, Biển Nam Trung Hoa không phải “khu vực của chúng tôi” mà là “vùng biển quốc tế” nên Bản đồ Đường 9 Đoạn do Bắc Kinh đệ trình vào năm 2009 không được Ủy ban Thềm lục địa Liên Hiệp Quốc chấp thuận.
Bắc Kinh không thể phúc đáp yêu cầu của Uỷ ban muốn làm sáng tỏ mục tiêu và toạ độ của Đường 9 Đoạn nên từ chối sự tài phán của Toà án Trọng tài Thường trực về Luật Biển 1982 và có thể đang chuẩn bị rút khỏi Công ước này.
Thứ tư, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông liên quan đến Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Phi Luật Tân, Brunei, Mã Lai Á, Indonesia (về Đảo Natuna), và hoạt động hàng hải quốc tế.
Nhưng, Trung Quốc chủ trương “đàm phán song phương”, trái lại, các cường quốc có quyền lợi trực tiếp về hải lộ mậu dịch và các quốc gia duyên hải Đông Nam Á muốn quốc-tế-hoá Biển Đông để tránh trường hợp “mạnh hiếp yếu”.
Với sức mạnh quân sự, kinh tế, ngoại giao vượt trội, Trung Quốc thừa sức ép các đối tượng tranh chấp chủ quyền phải thừa nhận công thức “thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông Nam Á rồi mới đàm phán”. Với đàm phán song phương, Bắc Kinh có thể cưỡng đoạt chủ quyền của nước khác mà chẳng cần tới vũ lực.
Thứ năm, Bắc Kinh đang tự đóng một hàng không mẫu hạm, hàng loạt chiến hạm, phi cơ các loại với tốc độ nhanh hơn bất cứ nước nào trên thế giới, sản xuất nhiều loại vũ khí, đóng các phi cơ không người lái cao độ và phóng hoả tiễn. Bố trí nhiều loại hoả tiễn đạn đạo quy ước, kể cả DF-21D có khả năng tiêu diệt hàng không mẫu hạm. Tổ chức Quân đội chuyên nghiệp, tăng cường sức mạnh cho lực lượng bán quân sự trên biển, xây dựng “vạn lý trường thành trên biển”. Chủ tịch Tập Cận Bình từng hiểu thị binh sĩ “phải biết đánh và phải đánh thắng” bất cứ kẻ thù nào được giới truyền thông Trung Quốc hô hào “sẵn sàng đụng độ, kể cả với Hoa Kỳ”.
Cựu thủ tướng Mã Lai Á, ông Mahathir tuyên bố trên Đài truyền hình Bloomberg “Trung Quốc mạnh hơn Mỹ,
Chi phí quốc phòng của Trung Quốc tăng 10% trong năm 2015 lên tới 135 tỉ USD so với 573 tỉ của Hoa Kỳ. Do kinh tế lao đốc nên chi phí quốc phòng của Trung Quốc chỉ tăng 7% trong năm 2016. 
Quân uỷ Trung ương đánh giá Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) có 2 khuyết điểm: (1) Không đáp ứng yêu cầu của “Nhiệm vụ Lịch sử Mới”. (2) Không có khả năng đánh và thắng các trận chiến trong điều kiện tin học.
Vì thế, giới chuyên gia Trung Quốc đề nghị tăng chi phí quốc phòng lên 20%, nhưng, quá sức trước nguy cơ suy thoái kinh tế hoặc bị cấm vận.
Biển Đông không ngăn cản bất cứ ai biết tuân thủ luật pháp quốc tế và tập tục hàng hải. Và, ngược lại.
Do đó, muốn làm đại ca thì Trung Quốc phải có đạo đức “thấy người hoạn nạn thì thương, gặp kẻ gian ác tuốt gươm tức thời”.
Cộng đồng quốc tế đã tỏ rõ thái độ. Tuỳ thuộc thái độ của Trung Quốc mà hoà hay chiến.
                                     
Đại-Dương
Mar 6, 2016
__._,_.___

Posted by: bebeliem@aol.com

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen