Mittwoch, 16. März 2016

Người lính Việt Nam Cộng Hòa sau 30 tháng Tư


Mũ Xanh Quái Điểu
                        1

Nghe tin ông Dương Văn Minh đầu hàng, như lưỡi dao sắc lẻm, chặt đứt hết mọi hy vọng mong manh còn sót lại trong chúng tôi. Lúc đó, tôi và gia đình đang tạm trú ở trong một căn lều tạm được dựng lên ở ngoài Ấp chiến lược khu Minh Đức, nay là khu Suối Tiên, Thủ Đức, ngang Trường Đại học Nông nghiệp. Cách Căn cứ Sóng Thần của TQLC chừng 5 cây số.

Nhìn ra xa lộ, xe tăng Việt cộng đang chạy vào Sài Gòn. Pháo binh VNCH kéo pháo chạy trong đoàn xe tăng! Khi nhận ra mình đi lạc trong đội hình địch. Mấy anh pháo binh tách vội khỏi đoàn, cho xe chạy kéo pháo vào khu làng Đại học hạ càng súng, tiếp tục chiến đấu bắn vào đoàn xe tăng. Dân đông quá, mấy xạ thủ chỉ chơi đạn nổ chụp thật chính xác, nhưng không hiệu quả. Không kẹt dân chúng, mấy anh chơi trực xạ khối cua T 54 phải đổ kềnh ngổn ngang trên xa lộ là cái chắc.


Vậy là cùng đường! Chúng tôi ngao ngán dọn đồ để chuẩn bị trở về nhà. Ra đường, đám bộ đội mặt xanh bủng, non choẹt, quần áo lính khác lạ, đầu đội nón cối, đã vượt qua sông Đồng Nai, đang hàng một, súng gườm gườm tiến về Sài Gòn. Thế là hết, cuộc chiến gần như chấm dứt!

Chẳng riêng gì chúng tôi, mà hầu như mọi người dân Miền Nam thảy đều thất vọng. Đoàn quân cướp xâm lược hùng hổ đến mà lại khoác lên mình danh hiệu đoàn quân giải phóng. “Giải phóng” cái tên nghe nó đểu đểu làm sao! Cứ như hồi nhỏ mình đang đứng vững vàng ở đâu đó, bị một thằng đến xô cho một cái chúi nhủi, xong nó lại giữ mình lại miệng nhoẻn cười nói: “Không có tao mày ngã nhá.”

Buồn rũ rượi, nhưng tự an ủi, thôi cũng xong, chiến tranh hết và hòa bình trở lại, dù gì cũng là người Việt Nam cả. Đúng vậy, họ đúng là người Việt Nam, cũng máu đỏ da vàng, nhưng tất cả đã lầm! Phải mãi sau này mới biết, mới hiểu, thì đã muộn! Những người Việt Nam ấy không còn máu Việt Nam, vì họ được gột rửa và nhồi nhét chất Cộng sản mà họ tự hào là mang tính đảng!

Trên đường về, trời hâm hâm nóng, dù chiều hôm trước có một trận mưa lớn. Không gian như vương vấn khói lửa và mùi thuốc súng của cuộc chiến vẫn còn, lác đác những tràng súng, những tiếng nổ của những người lính không chịu đầu hàng, họ vẫn chiến đấu. Trên Cầu Đồng Nai những bánh TNT cột vào nhau ngang cầu xô dạt, Những chiếc M 113 gài ngang chắn đường không cho VC tiến qua cầu đã bị kéo ra một lối nhỏ đủ chỗ cho xe đi lại. Xác những chiến sĩ Thiết giáp anh dũng hy sinh còn nằm bên cạnh, trông thật tội nghiệp! Đường xa lộ thưa thớt đến điêu tàn! Phải hơn 1 giờ sau, chúng tôi mới đưa được gia đình trở lại căn nhà cũ. Đến nhà, một cảnh tượng buồn hơn hiện ra, lửa của những trái B 40 được quân giải phóng bắn bậy, đã giải phóng sạch cả khu xóm tôi ở, đen thui bình địa! Heo gà chúng tôi không mang hay bán kịp cũng đã hy sinh vì sự nghiệp “giải phóng.”

Đang là lính, buông súng rã ngũ, chúng tôi bị coi còn tệ hơn dân thường, mặc dù dân thường bây giờ cũng chẳng thể được coi là công dân của một đất nước vừa mới có hòa bình. Quân chiến thắng huênh hoang đi giải phóng, nhưng họ lo lắng thấy rõ. Đi đâu cũng súng ống gườm gườm, giương đôi mắt cú vọ soi mói, nghi ngờ! Họ mua bán bất cứ thứ gì thì ghi chép tên từng người bán, bán thứ gì, từ bó rau, đồng muối, con cá, miếng thịt, nhất nhất đều phải ghi rõ, chỉ sợ những người mang ơn giải phóng lại đầu độc, giết hại mình, hại đoàn quân giải phóng!

1

Sau khi ổn định tình hình, những cán bộ xã ấp hình thành với sự trợ lực của đám bộ đội và đặt trong tình trạng quân quản, họ bắt đầu tìm cách quản lý chúng tôi. Sau khi kêu gọi mọi người đăng ký, trình diện, các sĩ quan thì đi tập trung, còn lại binh sĩ và HSQ cải tạo tại chỗ. Hàng ngày, mọi người cứ sáng đến sân nhà thờ ngồi nghe quản giáo thuyết giảng, nghe mà tức như bò đá vì họ nói ngược, nói bắt phải nghe, rồi cùng bắt chúng tôi tìm kiếm để kể tội ác của Mỹ Ngụy có nghĩa là tội ác của chính mình! Chiều chiều, thì lại phải rủ nhau đi họp do Cán bộ xã ấp chủ trì, về nhà thì trời đã khuya.

Những việc họ làm lúc đó, mình cứ nghĩ là đi họp để được cho biết về chủ trương đường lối chính sách của chính quyền mới, nhưng thực ra là phải đến để họ kiểm soát những hoạt động của mình, ai ở nhà với lý do gì hoặc có ý đồ chống đối lại chính quyền cách mạng. Những cuộc họp, sinh hoạt buổi tối cứ tổ chức liên tục từ ngày này tiếp ngày khác mà chẳng có cuộc họp nào mới hơn cuộc họp trước. Cũng chỉ ê a như vẹt, cái “đểu” là nó sợ chúng tôi không hiểu.

Khi mọi việc mà họ tạm gọi là nắm hết lý lịch mọi người xong, chúng tôi phải đi lao động cho cuộc sống gia đình. Trước khi là lính, chúng tôi là những thanh niên lao động, làm đủ thứ nghề để kiếm tiền mưu sinh. Khi vào lính, chúng tôi có một số được học nghề chuyên môn, còn lại hầu hết là những người lính chiến, nay quay về với ruộng vườn, những việc thật quen thuộc khi xưa, nhưng nay phải lao động theo lối khác, vì ruộng vườn không còn được máy móc hỗ trợ.

Trâu không có, bò cũng hiếm, vì trước kia đã quen với máy móc trợ giúp. Giờ với chính quyền mới, máy móc cũng đã được cải tạo để giác ngộ Cách mạng và đã bị tập trung, mà các chủ máy cũng không ai muốn đầu tư thêm vào ngành nghề của họ để phát triển thêm. Chưa nói, ai cũng muốn rút bớt vốn đầu tư để giảm những rủi ro vì bị nhà nước chú ý quản lý! Do đó, máy móc hư hỏng dần vì không được tu bổ và kể cả bị phá cho hư. Nên cũng công việc làm ruộng trồng lúa như xưa, thì nay chúng tôi phải bỏ công sức ra mà hăng say lao động. Hình ảnh những con người kéo cày bừa thay trâu bò của thời xa xưa mà chúng tôi chỉ được biết qua sách vở, giờ lại thấy xuất hiện nhìn thấy rõ ràng trên những cánh đồng quê hương “giải phóng.” Lao động sản xuất với cái bụng đói, vì lúa không phân bón và các loại thuốc trừ sâu giả!

Những chuyện vui và tiếng lóng: chà đồ nhôm (chôm đồ nhà), bảng đỏ sao vàng (bỏ đảng sang giàu), bán đồ ăn (mang đồ nhà đi bán để ăn), những câu chuyện tiếu lâm mới về người dân Miền Nam như lời cầu nguyện của một người, cầu Chúa thì Chúa chỉ ngón tay lên, nhìn lên thấy nhà mình lợp tôn, ý Chúa mách bảo giỡ tôn bán mà ăn, loanh quanh đến lúc chẳng còn gì và cuối cùng ra Bến Bạch Đằng cầu Đức Trần Hưng Đạo, sau khi khấn xong, ngước mắt lên, thấy tay ngài chỉ xuống sông, mới ngộ ra là ngài bảo ra sông mà vượt biên. Những chuyện vui tiếu lâm như vậy được dân Miền Nam kể cho nhau nghe lén rồi cười với câu tục ngữ mới: “Con nuôi má, hay con nuôi cá. Còn con bị bắt thì má nuôi con!” Để chỉ những người vượt biên, vượt biển.

Là những người lính, lúc đó chúng tôi mong được các vị lãnh đạo trong quân đội mà mình đã một thời được vinh dự đứng trong hàng ngũ xưa tổ chức đứng ra tập họp chúng tôi về dưới cờ để tiếp tục chiến đấu. Nhưng tất cả chỉ là ảo mộng. Lợi dụng lòng mong ước đó, VC lợi dụng tổ chức ra những tổ chức ma để tóm gọn những người lính với hào khí còn đầy, nhiều mẻ lưới chúng giăng sẵn để bắt anh em. Chúng còn lợi dụng tình huynh đệ chi binh của người lính quốc gia đưa những tên cò mồi ra làm bẫy.

Ai ở Hố Nai mà không biết tên Khởi. Trước làm trong Ban 2 Chi khu Đức Tu. Tay này đã nhẫn tâm bán đứng anh em chỉ để được chúng ban cho cái chức Quản lý chợ (coi chợ)! Khởi đã giăng bẫy đưa rất nhiều anh em trong Ban 2 cũ của Chi khu Đức Tu vào tù CS! Tưởng với thành tích đó, mà chúng cho Khởi làm việc dưới quyền chúng mãi. Nhưng không, chỉ điếu đóm được vài năm, Khởi không còn làm cò mồi được nữa, chúng cho lô đất ở bên xa lộ về ngồi bán cơm, không biết Khởi còn được giao công tác gì nữa không! Khởi chỉ là 1 trong nhiều trường hợp điển hình ở Miền Nam sau 30 Tháng 4 Năm 1975.

Khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa còn hùng mạnh. Chắc ai có ý tưởng huấn luyện cho người lính VNCH cách chiến đấu khi thua trận là một ý tưởng điên rồ. Chúng ta là một quốc gia với chính nghĩa sáng ngời. Chuyện thua một vài trận nhỏ thì có, chứ nghĩ đến ngày tang thương như Ngày 30 Tháng 4 Năm 1975 chắc chưa bao giờ có ai nghĩ tới! Vì thế, khi điều đấy xẩy đến, toàn thể mọi người đều bất ngờ đến sững sờ! Sau đó, phải sống trong lòng địch, chúng ta đã chẳng thể làm gì hơn. Để chúng gọi một tiếng đau hơn là “Ngụy”! Một sự phân biệt đối xử với quyền lợi thì không, mà trách nhiệm thì nặng. Có công tác gì như đào mương, đắp đập v.v... thì chúng ưu tiên gọi đi làm. Khi cần phải đóng góp gì như đóng góp lương thực, góp quỹ này nọ, thì chúng luôn luôn nhớ tới! Ngược lại, khi phân phối nhu yếu phẩm thì chúng lờ đi. Lòng đau như cắt, khi bị đối xử bất công, vì ăn còn thiếu mà chúng còn bắt nộp! Nếu những hy sinh của người lính cũ như chúng tôi mà làm cho xã hội tốt đẹp hơn thì cũng đáng, nhưng điều trớ trêu là chúng chỉ làm cho đất nước ngày càng lụn bại! Nhớ tới cấp chỉ huy oai dũng năm xưa thì tất cả đã bị chúng lùa vào tù.

Anh em cùng binh chủng cũ gặp nhau chỉ còn biết ngồi thở than, nuối tiếc lại thời oanh liệt cũ. Nhiều khi gặp bọn cắc ké kỳ nhông, bọn theo voi ăn bã mía mà dân chúng gọi là bọn 30 Tháng 4. Chúng làm nhiều chuyện bất nhân, thất đức cũng nổi máu muốn cho chúng một trận, để dạy cho chúng một bài học làm người. Không thiếu gì anh em đã săn tay áo chỉ vào mặt ba thằng nhãi ranh, bất chấp hiểm nguy cho bản thân và gia đình mà nói. Đ.m mày coi tay bố mà đây này TQLC Sát Cộng. Cỡ oắt con như mày, bố chỉ vặn cổ một cái là chết tươi nhe con.

Mãi sau này, khi kinh tế ổn định, chúng tôi lại gặp nhau để ôn chuyện cũ. Nay qua nước người, nhờ tự do, được đọc các hồi ký của những đàn anh trong binh chủng. Thấy chúng hèn hạ trả thù các anh bằng nhiều cách. Riêng chúng tôi ở ngoài cũng chẳng sung sướng gì hơn. Kiếm miếng ăn cũng vô cùng khó khăn, với sự dàn dựng trả thù tinh vi với mọi người dân Miền Nam, bằng mọi thủ đoạn như ngăn sông cấm chợ, tự túc lương thực, chính sách công an trị, sưu cao thuế nặng v.v... Chỉ hơn các đàn anh là còn có thể tìm đường vượt nhà tù lớn ra biển, vượt biên giới đi tìm tự do đích thực.

Sắp qua 41 năm kể từ biến cố đau thương đó. Người lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nói chung và những Chiến binh Thủy Quân Lục chiến Việt Nam nói riêng, đã phải sống qua một thời kỳ đen tối nhất của lịch sử! Chúng ta cùng đồng hành theo Dân tộc Việt Nam nên vẫn còn phải chịu sống trong nền cai trị hà khắc của nhà cầm quyền cộng sản Việt nam, và liệu chúng còn cai trị Dân tộc ta cho đến bao giờ?


Mũ Xanh Quái Điểu
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" <pwillay@orange.fr>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen