Dienstag, 1. März 2016

NỀN GIÁO DỤC THỜI HƯU TRÍ Ở CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM


Đại-Dương

Các lĩnh vực chính trị, kinh tế tại Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ phát hiện những ý kiến phản biện quyết liệt, nhiệt tình đổi mới sôi sục khi cán bộ đã nghỉ hưu.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng không ngoại lệ, vì thế tác động lên nền giáo dục cứ như gió thoảng qua tai, chẳng có kết quả cụ thể gì!
CHXHCNVN đã tiến hành ít nhất 3 đợt cải cách giáo dục thông qua hoạt động tuyên truyền đến trời long đất lỡ mà gần nữa thế kỷ qua chẳng có trường đại học nào trên thế giới công nhận văn bằng do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cấp phát. Và, chẳng có trường đại học nào lọt vào tốp 100 trong các bảng xếp hạng trên thế giới.
Câu hỏi tại sao mãi vang vọng mà giải pháp cứ vô hiệu và tàn dần theo tháng năm!
Thứ nhất, trí thức xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam nhào nặn, bảo vệ, bố trí vào tất cả các guồng máy trong chính quyền và ngoài xã hội. Vì thế, mục tiêu duy nhất của họ là phục vụ và trung thành với quyền lợi của ĐCS và bản thân. Trong lĩnh vực giáo dục cũng thế.
Trí thức xã hội chủ nghĩa dù đào tạo trong Khối Cộng sản hoặc được tu nghiệp tại Khối Dân Chủ vẫn không bao giờ có ý định xây dựng cho Việt Nam một nền giáo dục nhân bản, dân tộc, khai phóng vì trái với học thuyết Mác-Lê.
Họ giống như Hồ Chí Minh, Tạ Quang Bửu, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình dù có đi năm sông bảy núi, hoặc mục kích các nền giáo dục khai phóng trên thế giới cũng không đem áp dụng vào Việt Nam và Trung Quốc.
Họ triệt để học tập và noi gương Hồ Chí Minh để giữ vững và duy trì quyền lãnh đạo độc tôn của ĐCS và lợi ích của bản thân.
Nền giáo dục Việt Nam thời cộng sản đều do đảng viên phụ trách phần quản lý và điều khiển mọi cơ sở giáo dục đào tạo từ trung ương cho chí địa phương.
Vì thế, đổi mới, cải tổ giáo dục ở Việt Nam chỉ loanh quanh trong mớ học thuyết Mác-Lê mà nhân loại đã ném vào sọt rác lịch sử từ lâu lắm rồi.
Thứ hai, đường lối giáo dục và đào tạo do Ban Tuyên giáo Trung ương đại diện Bộ Chính trị ban hành nên chẳng bộ trưởng giáo dục nào dám “chệch hướng” nếu muốn giữ ghế. Cũng thế, chẳng ai trong dàn lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo làm trái ý để mất địa vị “ngồi mát ăn bát vàng”.
Vài con én bé nhỏ, cô đơn vẫn không đủ khả năng đuổi bầy quạ “tham ăn, tục uống” đang say mồi.
TS.Nguyễn Tiến Luận, Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Nguyễn Trãi nhận xét trên của báo Giáo dục Việt Nam hôm 27-02-2016 “phụ huynh mong con thành đạt, nhưng, vài trăm ngàn cô cậu tốt nghiệp đại học, cao đẳng phải đi làm công nhân do kỹ năng yếu kém … nhiều trường đại học công lập, các trường do một số Bộ hoặc Trung ương Đoàn thanh niên, phụ nữ tuy không đủ điều kiện vẫn đào tạo sinh viên đủ mọi ngành … tôi từng khuyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cơ cấu lại hệ thống, đẩy mạnh giáo dục ngoài-công-lập để tiết kiệm ngân sách … Cơ chế xin-cho vẫn ỳ ra đó”.
GS Hồ Ngọc Đại, con rễ Tổng bí thư Lê Duẩn, du học Liên Xô năm 1968, tốt nghiệp tiến sĩ năm 1976 và về nước nhân lúc đang phát động cải cách giáo dục 1978, từng từ chối chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Hồ Ngọc Đại muốn áp dụng “công nghệ giáo dục” nên cho rằng kế hoạch cải cách giáo dục soạn thảo từ 20 năm trước (1958) đã lỗi thời tất nhiên phải thất bại. Và xin đi dạy lớp 1.
Gần 50 năm sau ông nói với Viettimes “Nền giáo dục của chúng ta quá lạc hậu … nghiệp vụ sư phạm không thay đổi mà còn tệ hơn … trước thầy giảng, trò ghi còn giờ thầy đọc, trò chép … từ lớp mẫu giáo cho tới bậc tiến sĩ đều có phương pháp dạy giống nhau”. 
Thứ ba, một số cán bộ giáo dục sau khi hưu trí mới mạnh miệng chỉ trích có chọn lựa vài sai lầm hầu lưu lại ít tiếng thơm trong cuộc đời “vì đảng vì mình”. Lẽ ra họ đã hành động thay vì ngậm miệng ăn tiền suốt thời gian quyền cao chức trọng.
Hôm 25-02-2016, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm và làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội rất hài lòng vì trường đã nằm trong nhóm 191-200 trường đại học quốc gia hàng đầu ở Châu Á.
Nhân dịp này, GS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội mong mỏi “Đảng và Nhà nước phải có thể chế, chính sách, môi trường cộng với vật chất tối thiểu để các nhà khoa học không còn đau đầu chuyện cơm áo gạo tiền … coi nhà khoa học xuất sắc là tài năng của đất nước, trọng dụng đúng … tránh tình trạng trả tiền theo bằng cấp … mặc dù được kiến nghị nhiều lần mà thực tế chưa diễn ra được bao nhiêu”.
GS. Lưu Văn Bôi than đã phục vụ khoa học 41 năm mà chỉ 3 năm sau cùng mới có tiền đưa cho vợ … từ khi được phong hàm giáo sư thì hệ số lương tăng lên 8 phẩy, nhưng, tới nay vẫn ở mức 6.4 không đổi”.
Thứ tư, đa số du học sinh không trở về, nếu có thì phần lớn cũng làm việc cho các công ty ngoại quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Những người tham gia vào guồng máy đảng, nhà nước, chính phủ, đoàn thể đều thuộc thành phần con ông cháu cha cả.
ĐCSVN chỉ sử dụng chất xám thấm nhuần đến cuồng tín chủ nghĩa Mác-Lê mà bỏ rơi đại đa số trí tuệ của dân tộc nên mắc từ sai lầm đến sai lầm khác, thất bại tiếp nối thất bại mà không biết, hoặc cố tình che đậy.
Dân tộc phải chịu kiếp nạn học thật bằng giả, học giả bằng thật, kiến thức rỗng, tị hiềm làm cho đất nước không thể ngóc đầu, dân trí tê liệt.
Con đường cải tổ giáo dục không bao giờ đến bến bờ nếu ĐCSVN chỉ trông chờ vào đám trí thức xã hội chủ nghĩa, bỏ rơi nguồn chất xám vô tận của dân tộc.
Tập đoàn CSVN vì quyền lợi ích kỷ mà độc quyền lãnh đạo nên toàn dân Việt Nam không còn con đường nào khác, ngoại trừ phải cắt bỏ khối ung nhọt này bằng mọi giá nếu muốn sống cuộc đời như một con người.
Đại-Dương
Mar 1, 2016

Tài liệu tham khảo:

- “Cứ cung cách dạy dỗ kiểu này thì cử nhân không ngóc đầu lên được” (GDVN)
-   Nhà khoa học mong mỏi được toàn tâm cống hiến (VNEpress)
-   GS Hồ Ngọc Đại: Tôi thấy đau xót vì không ai nhìn thẳng vào sự thật (Viettimes)
-   Cán bộ phường ở Hà Nội cũng có bằng tiến sĩ nên... khó tinh giản (Dân Trí)
-   Chuyện ông đảng viên chưa tốt nghiệp THCS đã có bằng cử nhân (Một Thế Giới).

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen