Mittwoch, 10. Mai 2017

Mười Phút Lội Ngược Dòng


Vào khoảng giữa tháng 9/ 2016 tôi rất bất ngờ nhận một cú phôn của một cô gái trẻ tuổi nhận mình là nhân viên của DOMID (viết tắt của Dokumentationszentrum und Museum ber die Migration in Deutschland có nghĩa là Trung Tâm Tư Liệu và Bảo Tàng di dân ở Đức, nằm ở Kưln) muốn tiếp xúc để phỏng vấn về đề tài di dân của người Việt tại Đức trong một dự án của DOMID. Là người làm việc cho Cộng Đồng Tỵ Nạn nên chuyện phỏng vấn của các phóng viên báo chí… là chuyện thường tình nên tôi sẵn sàng nhận lời. Ngày 28.9.2016 cuộc phỏng vấn đã diễn ra trong không khí thân mật tại nhà riêng. Cô gái 28 tuổi là một người Việt di dân, đã từ Hà Nội đến Đức một mình từ khi còn nhỏ để đi học. Cô ta sở dĩ biết đến tôi là qua một trang Wordpress. Sau cuộc phỏng vấn chúng tôi thỉnh thoảng vẫn liên lạc với nhau.

Cho đến đầu tháng 3/2017 cô ta báo cho tôi biết là cơ quan DOMID sẽ phối hợp với Phòng Đối Thoại Di Dân và Hội Nhập của Quỹ Friedrich Ebert để tổ chức buổi ra mắt cuốn sách „ Vô Hình-Càc Hiện Thực Việt-Đức „ vào ngày 25.4.2017 tại Friedrich Ebert Stiftung Berlin. Cuốn sách này là một công trình kết hợp các buổi phỏng vấn nhiều thành phần người Việt ở Đức và người Việt từ Đức hồi hương, trong đó có phần nhỏ viết về buổi phỏng vấn với tôi.
Khi nhận được thư mời chính thức và chương trình buổi hội thảo thì tôi mới biết rõ là mình sẽ tham dự với tính cách hội thảo viên trong một phần khoảng 40 phút của chương trình. Tôi sẽ là một trong 4 nhân chứng di dân Việt, mà trong đó 3 người kia là nhân chứng cho tầng lớp thợ khách, thợ khách đã hồi hương và du sinh trẻ đến từ Hà Nội; chỉ có tôi là người duy nhất là nhân chứng thuyền nhân trong phần chương trình đó và cả trong suốt buổi hội thảo với 14 hội thảo viên người Việt Nam ( phải nhắc lại là trong tổng số người Việt trên đất Đức dưới thống kê chính thức mới nhất là 176.000 người, người Việt tỵ nạn được đánh giá thành công trong hội nhập nhất và chiếm khoảng 1/3 tổng số đó). Ngoài ra trong danh sách khách mời còn có tên của Đại Sứ CSVN Đoàn Xuân Hưng. Khi nhìn thấy thư mời thì phản ứng đầu tiên của tôi là muốn từ chối không đến tham dự buổi hội thảo vì hai lý do: thứ nhất là vì ban tổ chức không công bằng với tập thể người tỵ nạn với bằng chứng là họ chỉ mời một thuyền nhân duy nhất trong số 14 người đến nói chuyện trong buổi hội thảo, thứ hai là vì sự có mặt của viên đại sứ CSVN chỉ làm cho buổi hội thảo mất tính cách khách quan. Nhưng sau khi tham khảo ý kiến của Ban Chấp Hành Liên Hội và các thân hữu thì tôi phải đổi ý kiến, vì thực sự tuy bị lép vế trước các thành phần khác nhưng tôi phải lấy đó làm cơ hội nói lên tiếng nói trung thực của người tỵ nạn trước hành vi man rợ độc tài của đảng CSVN từ gần 70 năm nay.

Để nói được tiếng nói trung thực tôi phải cần thời gian. Mà trong phạm vi chương trình tôi chỉ được tham dự trên bục diễn đàn 40 phút chung với 3 người khác dưới hình thức phỏng vấn bởi một MC; tính ra là phần của tôi chỉ có 10 phút và nếu có phỏng vấn qua lại thì tôi chỉ còn 5-7 phút để phát biểu. Vì thế tôi phải mặc cả với ban tổ chức là sẽ chỉ nhận lời tham dự làm hội thảo viên nếu họ cho tôi phát biểu tự do 10 phút và không phỏng vấn. Tôi đoán vì chương trình đã phổ biến nên ban tổ chức đã chẳng đặng đừng mà phải chấp nhận một cách miễn cưỡng điều kiện của tôi.

Mười phút để kể lại câu chuyện của một đời người đã là không phải là đơn giản. Huống chi đây là một đời người nổi trôi theo một khúc quanh đen tối của lịch sử dân tộc. Ngoài chuyện „dinh tề“, di cư vào Nam … các thảm kịch của nhà cầm quyền CS Bắc Việt tạo nên cho mỗi gia đình miền Nam sau ngày 30.4.1975 đã không giấy bút nào kể xiết, thế mà tôi chỉ có 10 phút để mô tả lại; thảm trạng vượt biên của những con người đi tìm cái sống trong sự chết cũng phải gom lại trong 10 phút; hội nhập và vươn lên trong một nơi xa lạ cũng chỉ gói ghém trong 10 phút; hệ lụy bi thương của dân tộc cho tới ngày nay cũng chỉ nằm trong 10 phút; nói với tuổi trẻ sanh sau chiến tranh cũng chỉ 10 phút đó. Tôi viết rồi gạch bỏ vài hàng, viết lại rồi gạch bỏ vài câu, viết thêm rồi gạch đi vài đoạn.. cứ thế rồi bấm đồng hồ đọc đi đọc lại sao cho đúng 9-10 phút phát biểu, quá 10 phút thì lại phải cắt đi vài câu vài chữ nhưng ý chính không thể thiếu….

Cuối cùng tôi hoàn chỉnh được bài diễn văn với thời gian đọc nhanh nhưng đủ cho người nghe và hiểu là 9-10 phút. Bài văn được thâu gọn tới mức không thể ngắn hơn nữa, nhiều chi tiết giá trị cũng phải gạt bỏ bớt.

Không những tôi bị sức ép về thời gian mà còn chịu lực ép về nội dung bài phát biểu, vì tôi biết chắc rằng những lời tôi nói sẽ đi ngược chiều với các lời tuyên truyền của CSVN từ bấy lâu nay và do đó sẽ không làm vừa lòng những nhân vật đang muốn giao hảo với CSVN. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, hãy trả lại sự thật cho lịch sử khi mà các chứng nhân còn sống sờ sờ đây. Friedrich Ebert Stiftung thuộc vào đảng SPD, một chính đảng trong guồng máy chính trị Cộng Hòa Liên Bang Đức. Thế nên tôi cũng tin tưởng phần nào vào tính cách dân chủ của những người điều hành ở Friedrich Ebert Stiftung và hy vọng họ sẽ để tôi nói đến câu cuối.

Khi bước chân vào khỏi cửa Friedrich Ebert Stiftung tôi đã được ông Gnther Schultze, đại diện Friedrich Ebert Stiftung, tiếp đón. Ông hoan hỷ báo cho tôi biết ngay là viên Đại Sứ Việt Cộng đã từ chối đến tham dự hôm nay. Nhìn nét mặt ông trong lúc nói chuyện tôi có cảm tưởng như ông đã trút được một gánh nợ.

Sau khi thỏa thuận với ban tổ chức và MC một lần nữa thì cuộc họp được bắt đầu khá đúng giờ. Phần đối thoại với các nhân chứng mở đầu chương trình sau các nghi thức khai mạc của ban tổ chức. Theo đúng giao hẹn tôi được phép đọc diễn văn 10 phút. Mười phút quý báu để nói với những người bạn Đức, những thế hệ Việt sinh sau cuộc chiến về những điều mà có lẽ họ chưa nghe bao giờ hoặc có nghe nhưng chỉ nghĩ là tin giả (Fake News). Tôi đọc nhanh và nhanh hơn vì muốn đề phòng sự trễ giờ sẽ bị cắt mất phần cuối là phần quan trọng nhất trong bài. Thế mà sau khi trình bày đến đoạn nói về giải thưởng nhân quyền của Hội Đồng Thẩm Phán Đức trao tặng khiếm diện cho Luật Sư Nguyễn Văn Đài, từ trên bục giảng tôi nhìn xuống thấy bà Katharina Deriks, thư ký trong Friedrich Ebert Stiftung, bước tới cạnh ông Schultze nói nhỏ điều gì, ngay sau đó ông Schultze tiến lên bục giảng đẩy một tờ giấy nhỏ ghi „ hết giờ“ cho tôi thấy. Vì đã dự đoán trước sẽ có tình huống này xảy ra nên tôi phản ứng nói lớn liền „ hãy để tôi nói hết, chỉ còn hai giòng nữa „ và tôi tiếp tục trình bày những giòng cuối về thảm họa ô nhiễm môi trường.

Khi bước xuống hội trường tôi bất ngờ nhận được những vòng tay ôm, những cái bắt tay, những lời khuyến khích tinh thần của một số bạn Đức Việt, họ bảo „ bà phải nói lên sự thật như vậy cho chúng tôi biết „, „ cám ơn bà „, „ chúng ta phải nói lên sự thật“ ….hoặc là mỉa mai ban tổ chức „ tự do phát biểu mà như thế ấy à !!! „. Đặc biệt là sự cổ vũ của một Linh Mục người Đức cũng có mặt tại đó.

Tôi cũng gặp các bạn trẻ Việt trong Ban Tổ Chức trong giờ giải lao và bảo với họ:“ cô đòi hỏi tự do dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam là muốn tạo cho tương lai của các em có một cuộc sống nhân bản pháp lý ở quê hương, riêng cho đời cô thì đã quá muộn để được hưởng những giá trị này tại VN. Hãy nhớ rằng cô không tranh đấu cho cô mà là cho thế hệ các em „.

Tôi cũng gặp ông Schultze để than phiền về sự việc tôi là người duy nhất trong suốt buổi hội thảo đã nhận thẻ đỏ của ông; ông ta chỉ cười gượng gạo „ bà đừng nói nhiều, nói nhiều người ta không nghe đâu „. Nếu biết người ta không nghe thì tại sao ban tổ chức mở hội thảo làm gì, nhất là khi phải chi tiêu một số tiền thuế không nhỏ cả vào việc mua vé máy bay, đặt phòng Hotel cho nhiều người từ VN sang dự hội thảo.Tôi cũng không trách riêng gì ông Schultze, một ông chủ nhà muốn làm vừa lòng người đến đẹp lòng người đi. Nhưng chỉ vì muốn làm vừa lòng hết tất cả mọi người từ tả đến hữu mà họ đã quên những giá trị nhân bản nhất của con người, đó là giá trị chân chất của lịch sử, thì đó là một điều khó chấp nhận được trong một xã hội Đức dân chủ vững mạnh

Ngoài ra tôi cũng được biết đây là lần thứ ba Friedrich Ebert Stiftung mở hội thảo cho người di dân Việt Nam, nhưng hai lần trước hoàn toàn không có bóng dáng người tỵ nạn. Có lẽ sau lần này họ sẽ „ rút kinh nghiệm „ về nhân chứng thuyền nhân và sẽ cẩn thận hơn khi chọn lựa khuôn mặt người tỵ nạn để không phải nghe những lời „ trung ngôn nghịch nhĩ „

Berlin ngày 10.05.2017

BS Hoàng Thị Mỹ Lâm

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen