Donnerstag, 18. Mai 2017

Gìn lòng giữ lửa

BS.Trần Văn Tích

Gìn vàng giữ ngọc cho hay,
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời
(Truyện Kiều)

Hội thảo Quốc tế về Thảm họa Formosa
Ngày thứ tư 10.05.2017 một hội nghị mệnh danh là hội nghị quốc tế được triệu tập tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn để thảo luận về thảm hoạ môi trường do công ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây nên tại các tỉnh miền Trung Việt Nam từ tháng tư năm ngoái. Các nhân vật tham dự đến từ Hoa Kỳ, Canada, Úc. Theo bản tường trình của đài RFA, mục tin Hoa Thịnh Đốn, hôm Thursday, May 11, 2017, thì nhiều thành viên tham dự hội nghị chủ trương kiện Formosa. Bản tin liên hệ còn có cả một mục quan trọng mang nhan đề “Cần phải kiện Formosa“. Mục này tường thuật lời phát biểu của ba chuyên gia luật học : Luật sư Warren Perrin đến từ Hoa kỳ, Bà Giáo sư Luật học Malaika Bacon Dussault đến từ Canada và Chuyên gia John Purdy cũng đến từ Canada. Tuy đây là những nhân vật đáng kính – có thể xem như là những thành phần thượng thặng, cự phách trong lĩnh vực chuyên môn về công pháp quốc tế – nhưng thực ra, những ý kiến do họ đóng góp không có gì mới lạ đối với những ai từng hết sức quan tâm theo dõi và nghiên cứu vấn đề.
Tìm đọc thêm những bản tin khác bên cạnh bản tin của RFA, thấy quanh đi quẩn lại cũng vẫn chỉ là Toà Hình sự Quốc tế International Crime Court, ICC với ba lĩnh vực tài phán của nó, cũng vẫn chỉ là những vụ kiện ô nhiễm môi trường từng xảy ra trong quá khứ mà chủ yếu là ở Hoa kỳ. Dẫu rằng tiểu mục của bản tin nêu bật lên hẳn một trong những mục tiêu của hội nghị là “phải kiện Formosa“ nhưng sự qui tụ của những trí tuệ siêu việt Hoa Kỳ-Gia nã đại vẫn chỉ có thể đưa đến một kết quả không ai muốn nói ra. Cái kết quả không ai muốn nói ra đó là : không thể kiện Formosa. Khi nghe tin hội nghị được triệu tập, một đồng nghiệp của kẻ viết những dòng này hiện ở Hoa kỳ đã có thắc mắc gửi hội nghị xin được đem ra thảo luận khoáng đại. Thắc mắc đó là : Formosa đã nhận lỗi gây ô nhiễm môi trường bốn tỉnh Miền Trung và đã thương lượng với chính phủ Việt Nam (tức Việt cộng) để bồi thường năm triệu Mỹ kim và giặc đã nhận tiền bồi thường rồi, như vậy thì còn kiện tụng gì được nữa hay không? Thắc mắc này đã không được hội nghị chiếu cố đưa ra bàn bạc. Lý do thực hết sức dễ hiểu : còn bàn bạc gì nữa khi ngay chính người nêu câu hỏi đã thấy rõ câu trả lời rồi!

Riêng Giáo sư Luke Wilson thuộc khoa Luật Trường Đại học George Washington còn đề xuất giải pháp gọi là “cơ chế bêu xấu“ (schaming mechanism), một cách để nêu tên và bêu xấu trước cộng đồng quốc tế “những hành vi đáng xấu hổ“ của một chính quyền nào đó. Ý kiến này cũng không phải là mới lạ nốt. Ví dụ năm 2009 tổ chức bảo vệ môi trường ethecon ở Đức đã có giải thưởng phỉ báng The Black Planet Award trao cho hai ông Lý Chí Thuyên và Vương Vĩnh Khánh, được xem như sở hữu chủ công ty Formosa ở Đài Loan. Ethecon đặt tên cho giải thưởng là Internationaler ethecon-Schmähpreis, có thể chuyển sang Anh ngữ là International Defamatory ethecon Award, chính là một hình thức schaming mechanism. Cá nhân tôi đã liên lạc rất chặt chẽ với ethecon và đã yêu cầu họ phát cho bạo quyền Việt cộng Giải thưởng Hành tinh Đen nhưng được trả lời là tổ chức này của Đức chỉ phát giải cho tư nhân và cơ sở kinh doanh chứ không phát cho chính quyền một quốc gia. Có th đánh giá sáng kiến của Giáo sư Luke Wilson nm ở khía cạnh này, tc lá phát gii ph báng cho bn chóp bu Vit cng1,.
Gần như ngẫu nhiên mà thành song hành là chuyến hành trình sang Âu Châu  của Ban Hỗ trợ Nạn nhân Ô nhiễm Môi trường Biển thuộc Giáo phận Vinh để trình bày chi tiết về thảm hoạ Formosa đồng thời trao một thỉnh nguyện thư với gần 200.000 chữ ký cho các giới chức chính quyền và tôn giáo một số quốc gia thuộc Liên Âu do Đức Giám mục Paulus Nguyễn Thái Hợp lãnh đạo; cùng tham gia phái bộ với Đức Giám mục còn có năm Linh mục. Phái đoàn đã đến Na Uy, Đức, Thụy sĩ v.v.. Rất tiếc ở Đức phái đoàn chỉ có dịp tiếp xúc với một địa chỉ hữu trách duy nhất là Deutsche Bischofkonferenz, Hội đồng Giám mục Đức; không rõ vì không được giới thiệu đến những nhân vật hay cơ quan hữu quyền Đức khác hay vì thiếu thì giờ2. Vì đối tượng của bài viết này là cộng đồng lưu vong Việt Nam nên chúng tôi không viết thêm về hoạt động của phái đoàn đến từ trong nước.
Cộng đồng lưu vong Cuba
Hiện nay khắp nơi trên mặt đất dễ có đến cả trăm cộng đồng lưu vong nhưng mang đặc tính chống cộng triệt để như cộng đồng lưu vong Việt Nam thì chỉ có cộng đồng lưu vong Cuba. Thực vậy, trên thế giới chỉ còn Bắc Hàn, Trung cộng, Việt cộng và Cuba là còn theo chế độ cộng sản. Tuy nhiên tập thể chống đối Trung cộng còn có mảnh đất dung thân – nếu muốn – là Đài Loan, còn Bắc Hàn thì hầu như không có nổi một cộng đồng chống đối xứng với tên gọi. Do đó, chỉ có thể thử so sánh hoạt động đề kháng của cộng đồng lưu vong tỵ nạn Việt Nam với diaspora Cuba.
Khoảng một triệu rưỡi người Cuba chống độc tài cộng sản đang sinh sống ở nước ngoài, chủ yếu – có thể đến một nửa – là ở Hoa Kỳ và tập trung là ở Miami, tiểu bang Florida. Từ thành phố cách xa đảo quốc nguyên quán lối chín mươi dặm, người Cuba lưu vong thường xuyên và kiên trì chống độc tài Fidel Castro. Thoạt tiên họ ủng hộ chính sách cấm vận đối với Cuba của các chính quyền Hoa Kỳ nhưng đến tháng chạp năm 2014, khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố tái lập bang giao với Cuba thì tập thể người tỵ nạn Cuba chỉ biết công khai bày tỏ thái độ hoài nghi rất mực. Họ cũng nêu ra những luận điệu quen thuộc : tái lập bang giao không bảo đảm cho người dân Cuba tại quốc nội thêm được chút tự do dân chủ nào, trái lại biện pháp giao hảo với cộng sản chỉ gây tai hại lên tiến trình đấu tranh cho dân chủ tự do nơi đảo quốc. Liên tục từ khi Fidel chiếm quyền năm 1956, và nhất là từ 1965 đến 1972, khi làn sóng thuyền nhân Cuba dâng cao đưa đến hình thành cộng đồng lưu vong Cuba, nhiều hình thức đấu tranh chống cộng đã được áp dụng. Có thể xem cao điểm kháng cự cộng sản Cuba là chiến dịch vũ trang tấn công đảo quốc qua vụ Vịnh Con heo năm 1961, chiến dịch này thất bại. Chuyển qua các hình thái đấu tranh khác, người Cuba lưu vong vận động hành lang chính trị, phản đối thiết lập cơ sở ngoại giao (ví dụ chống thiết lập Lãnh sự quán Cuba ở Miami), ngang nhiên đương đầu với bộ máy cầm quyền cộng sản qua vụ cháu bé Elián González dưới sự lãnh đạo của tổ chức CANF, Cubanese American National Front, hân hoan đón nghe lời tuyên bố dõng dạc của nữ ca sĩ Gloria Estefan khi cô được mời về nước hát mừng Đức Giáo hoàng Paul II : “Tôi chỉ về lại Cuba hát cho đồng bào tôi nghe khi chế độ cộng sản không còn trên đất nước tôi.“
Nga Xô từ 1917, Cuba từ 1956, Việt Nam từ 1975
Người Nga đã di tản theo nhiều đợt kể từ năm 1917, sau cái gọi là Cách mạng Tháng mười. Đợt di tản thứ nhất bao gồm những người không chấp nhận chế độ bôn-sê-vích. Đợt di tản thứ hai xảy ra năm 1948, sau Đệ nhị Thế chiến và qui tụ các tù nhân xô viết, các nạn nhân bị đày biệt xứ không chịu trở về nguyên quán. Đợt di tản thứ ba vào thập niên 70 có đối tượng là những di dân xô-viết, các trí thức Do Thái, các nhân vật “đối kháng“. Nhưng dẫu ly hương theo làn sóng trước sau và trong tư cách khác nhau, cộng đồng tỵ nạn lưu vong Nga luôn luôn đứng dưới lá cờ ba màu trắng-xanh-đỏ. Và năm 1990 lá cờ đó đã trở về. Nó đã trở về sau khi chế độ cộng sản bị xoá sổ và Liên bang Xô viết tan rã. Trong quốc hội nước Nga ngày nay, tỷ số giữa các dân biểu đảng viên cộng sản so với các dân biểu phe quốc gia và phe tự do thay đổi nhưng tất cả đều ngồi họp chung dưới lá cờ ba màu trắng-xanh-đỏ của chế độ Sa hoàng xưa. Trên đỉnh điện Kremlin, cũng ngọn quốc kỳ tam sắc thời Nga hoàng đang lộng gió tung bay.
Cộng đồng lưu vong chống cộng Cuba xem như hình thành từ năm 1956 còn cộng đồng tỵ nạn chống cộng Việt Nam thì ra đời kể từ năm 1975. Thời gian cộng đồng chống cộng Nga ly hương kéo dài 73 năm. Cho đến năm nay, thời gian cộng đồng chống cộng Cuba ly hương đã được 61 năm và thời gian cộng đồng chống cộng Việt Nam ly hương chỉ mới có 42 năm.
Người tỵ nạn chống cộng Nga xem như đã được trở về bản quán. Người tỵ nạn chống cộng Cuba và người tỵ nạn chống cộng Việt Nam thì chưa; cả hai đang bền bỉ thường xuyên tiếp tục chống cộng không hề ngưng nghỉ.
Nếu khẩu hiệu “Cần phải kiện Formosa“ dẫu mang tính trang trí nhưng vẫn có sức động viên thì lời khuyên do Hội nghị Quốc tế chống Formosa tại thủ đô Hoa Kỳ năm nay đưa ra “Đừng bỏ cuộc“ là một lời khuyên chí lý. Như hai cộng đồng Nga trước đây và Cuba hiện nay, chiến lược chống cộng của tập thể lưu vong người Việt là chiến lược “bếp ủ trấu“, là chiến lược gìn giữ lòng chống cộng và duy trì lửa đấu tranh dưới nhiều hình thức đa dạng và đa din.
18.05.2017
1 Một nhân vật hoạt động bảo vệ môi sinh từng nhận giải tuyên dương Blue Planet Award (Giải Hành tinh Xanh) của ethecon là Bà Diane Wilson ở Texas, Hoa Kỳ. Tôi từng trao đổi thư từ nhiều lần với Bà. Tôi không rõ Bà có liên hệ quyến thuộc gì với Giáo sư Luke Wilson không.
2 Giữa tháng 5 năm 2016, Bà Bộ trưởng Liên bang Đức phụ trách Môi trường, Bảo vệ Thiên nhiên, Xây dựng và An ninh Lò Phóng xạ đã được Liên Hội Người Việt Tỵ nạn tại Cộng hoà Liên bang Đức báo động về vụ Vũng Áng. Đồng thời Toà Đại sứ Đức tại Hà nội cũng nhận được thư lưu ý của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản và đã trả lời là người Đức sẽ thường xuyên quan tâm đến vấn đề liên hệ cùng các hậu quả (nguyên văn : wir werden das Thema und seine (Rand)Erscheinungen weiter im Auge behalten).
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" <pwillay@orange.fr>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen