Freitag, 19. Mai 2017

Ăn tôm, uống vitamin C bị ngộ độc?

Vũ Thế Thành

 Một độc giả chuyển cho tôi đường link, dẫn tới một báo (mạng) đưa tin, một phụ nữ Đài Loan chết đột ngột với dấu hiệu chảy máu mũi, miệng, tai và mắt do ăn tôm cả vỏ và uống vitamin C cùng lúc. Lý do được giải thích là vỏ tôm chứa thạch tín (asen), ăn chung với vitamin C đã xảy ra ngộ độc trầm trọng”. Sự thật thế nào?
Bài báo này có tựa đề Ăn tôm không đúng cách có thể chết người?, viết:
“…Theo các nhà nghiên cứu ở đại học Chicago (Mỹ), vỏ mềm của tôm chứa nhiều postasium 5 tổng hợp với thạch tín Arsenic Oxide (As2O5).
Những thực phẩm tươi này không độc đối với cơ thể con người, nhưng nếu ngay lúc đó uống Vitamin C thì phản ứng hoá học sẽ xảy ra: Arsenic Oxide sẽ chuyển thành ADB arsenic anhydride (As203 là chất thường dùng để vẽ viền vàng các loại bát đĩa). Chất Arsenic độc hại sẽ làm tê liệt các mạch máu nhỏ của tim gan, thận, ruột và biểu mô, gây xuất huyết tai, mắt, mũi, miệng…”.
Một kiểu ngụy biện gây sợ hãi

Đoạn văn trên viết đúng,
  • Trong tôm có arsenic pentoxide (As2O5), mà chẳng cứ gì tôm, loài thủy hải sản nào cũng có.
  • Vitamin C (ascorbate) là chất chống oxid hóa, nên sẽ khử arsenic pentoxide (As2O5) thành arsenic trioxide (As2O3). Chất As2O3 mới là thạch tín, chứ không phải As2O5 như tác giả viết.
Nhưng đoạn văn trích dẫn đã mắc sai lầm nghiêm trọng.
–        Dù arsenic trioxide độc hơn arsenic pentoxide, nhưng cả hai đều được Cơ quan an toàn Mỹ đưa vào danh sách những chất cực độc (1)
  • Bài báo đã không đề cập đến dư lượng các oxid arsenic trong tôm là bao nhiêu, để đến nỗi nạn nhân bị ngộ độc cấp tính, chết chảy máu miệng máu mũi như thế.
Arsenic trong thủy sản hầu hết đều ở dạng arsenic hữu cơ, đến hơn 90%. Loại arsenic arsenosugars có nhiều trong các loài rong biển (rất ít độc), còn loại arsenic arsenobetaine (không độc) có nhiều trong hải sản tôm cá cua mực nghêu sò ốc hến.
Còn arsenic vô cơ (trioxide hoặc pentoxide) trong thủy sản có rất ít. Ít đến độ Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) đã ấn định luôn lượng arsenic vô cơ đương nhiên có trong cá biển là 0,03 mg/kg, và 0,1 mg trong các hải sản khác khi tính toán mức độ tiêu thụ arsenic trong các loại thực phẩm ở người (2).
Các cơ quan an toàn trên thế giới, trong thực tế không quan tâm đến lượng arsenic có trong thủy hải sản, trừ vùng ô nhiễm vì lo ngại ngộ độc mãn tính, chứ không phải cấp tính.
Ngoại trừ uống thuốc rầy
Độc tính của arsenic vô cơ là điều không bàn cãi nữa, và nguồn e ngại nhất, đó là arsenic trong nước uống. Mỗi ngày uống 2 lít, có thể gây ngộ độc về lâu dài do tích lũy arsenic. Do đó, arsenic được quy định rất khắc nghiệt trong nước uống, không được quá 0,01mg/lít.
Còn để gây ngộ độc cấp tính, nghĩa là chết trào máu cả gần hết thất khiếu, tai mắt mũi miệng như bài báo nêu thì phải cần lượng arsenic vô cơ khá cao. Theo Bộ Y tế Hoa Kỳ, liều gây tử vong với trioxide arsenic (thạch tín) từ 70-180mg (3)
Nếu theo áp đặt của Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) thì mức arsenic vô cơ có trong tôm là 0,1 mg/kg. Và giả dụ, tất cả arsenic vô cơ (pentoxide) đều bị vitamin C khử hết thành dạng trioxide độc hại nhất, thì nếu muốn trào máu thất khiếu phải ăn tới 700 kg tôm trong một ngày mới có nguy cơ tử vong.
Giả dụ tôm ở trong vùng ô nhiễm arsenic, cũng không thể chứa nhiều arsenic đến mức gây ngộ độc cấp tính. Muốn ngộ độc cấp tính arsenic cũng không phải chuyện dễ, ngoại trừ uống thuốc rầy.
Sự thật về nguồn tin
Câu chuyện ăn tôm và uống vitamin C bị ngộ độc cấp tính arsenic chỉ là chuyện nhảm nhí, khởi đầu bằng email của ai đó, kèm hình ảnh một phụ nữ Đài Loan nằm chết, mặt mũi đầy máu, lan truyền từ những năm 2010, và rồi phổ biến qua những trang mạng lá cải, thích giựt gân.
Không có một báo cáo chính thức nào về ngộ độc arsenic do ăn tôm và uống vitamin C, không cơ quan an toàn nào trên thế giới cảnh báo, và cũng không một nghiên cứu nào được làm để kiểm chứng thông tin nhảm nhí đó. Hình ảnh người phụ nữ nằm chết với khuôn mặt máu me, không phải từ Đài Loan, mà được xác nhận là cô Neda Agha Soltan, bị bắn chết ngày 20/6/2009, trong cuộc biểu tình phản đối bầu cử tổng thống ở Iran (4)
Bài báo nào của đại học Chicago nghiên cứu vỏ tôm, arsenic và vitamin C gây ra ngộ độc như thế? Đề nghị tác giả bài báo cho biết nguồn.
Có điều khoa học đang nghiêu cứu sử dụng kết hợp vitamin C và arsenic trioxide (thạch tín) trong điều trị một loại ung thư máu (5).
Đừng khai thác sự sợ hãi để câu view
Tôm ngoài chuyện ăn ngon miệng, là nguồn cung cấp protein tốt và chất béo không no, thì tôm còn chưa nhiều vi chất  mà con người thường thiếu hụt như selenium, đồng, kẽm, niacin, choline,… Ngoài ra tôm còn chứa astaxanthin, một chất chống oxid hóa giúp sửa chữa tế bào não và mô cơ. Astaxanthin chính là chất làm cho tôm có màu đỏ khi hấp.
Tác giả bài báo (tiếng Việt) đã mượn lời “các nhà khoa học khuyến cáo: Tôm là thực phẩm ngon bổ, được nhiều người ưa chuộng, nhưng không nên uống vitamin C trước và sau khi ăn vì có thể gây tử vong”. Xin cho biết các nhà khoa học nào dám phát biểu khuyến cáo đó?
Còn tác giả bài báo khuyên: “Nếu ăn tôm/tép vắt chanh có ngon miệng thì cũng nên ăn vừa phải, tránh trường hợp đáng tiếc mà ảnh hưởng tới sức khỏe”.
Trong thực tế, ăn tôm vắt chanh, sốt cà chua, tép xào khế chua,…là những rau quả chứa nhiều vitamin C, là chuyện thường, và chẳng có ai bị ảnh hưởng sức khỏe vì chuyện ăn uống lành mạnh này cả.
Bài báo Ăn tôm không đúng cách có thể chết người? được đăng trên 2 tờ báo trong nước (6) & (7). Đây là 2 tờ báo mạng có lượng độc giả cao.
An toàn thực phẩm trong nước là một vấn đề nhức nhối, nhưng đang từng bước cải thiện, dù rất chậm. Nâng cao nhận thức về vấn đề an toàn thực phẩm để người dân tự bảo vệ mình là điều cần thiết, nhưng thông tin lấy sự sợ hãi làm phương tiện để câu độc giả thì có cần thiết không?
Vũ Thế Thành (vuthethanh202@gmail.com)
======
(1) https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_extremely_hazardous_substances  – List of extremely hazardous substances
(2) http://www.efsa.europa.eu/en/efsajournal/pub/1351 Scientific Opinion on Arsenic in Food  – EFSA Journal 2009; 7(10):1351 [199 pp.]
(3) https://www.atsdr.cdc.gov/csem/csem.asp?csem=1&po=12 Arsenic Toxicity Clinical Assessment

(4) Neda Agha Soltan, killed 20.06.2009, Presidential Election Protest, Tehran, IRAN

(5) http://web.archive.org/web/20120427120804/http:/www.ncrr.nih.gov/publications/ncrr_reporter/summer-fall2011/cancer_therapy.asp  – A Cancer Therapy Odd Couple: Vitamin C and Arsenic Trioxide
(6) http://dantri.com.vn/suc-khoe/an-tom-khong-dung-cach-co-the-chet-nguoi-1429393898.htm
(7) http://giadinh.net.vn/song-khoe/an-tom-khong-dung-cach-co-the-chet-nguoi-20150409235935288.htm
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" <pwillay@orange.fr>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen