Donnerstag, 9. Juni 2016

Tôn Nữ Thị Ninh, đại biểu xuất sắc của “trí thức xã hội chủ nghĩa”

Inline image 1
Khi phê bình đảng CS, có người mạnh miệng nhận xét “Đảng CS thực tế chỉ là một đảng Mafia”. Ý nói đảng CS chỉ là tổ chức tội ác giết người cướp của trên một tầm vóc quốc gia chứ chẳng còn ý thức hệ CS như thời Liên Xô chưa tan rã. Thật ra, nói vậy không đúng và nếu có cũng chỉ một góc cạnh “giết người cướp của”.  Nếu đảng CS là đảng Mafia thì đã sụp đổ lâu rồi
Định nghĩa đúng nhất cho trường hợp chế độ CS Trung Cộng và Việt Nam là định nghĩa của giáo sư sử học Roderick Macfarquhar, thuộc đại học Harvard  khi ông gọi là chủ nghĩa CS hiện nay là một loại chủ nghĩa Lenin không có Marx.

Chủ nghĩa Lenin do hai bộ phận cấu thành (1) một nhà nước chuyên chính sắt máu và (2) tuyên truyền lý luận tư tưởng tinh vi.
Bộ phận nhà nước chuyên chính rất rõ nét và gần như ai cũng thấy, nhưng đảng CS không tồn tại chỉ bằng nhà tù sân bắn mà còn được che chở bằng một hàng rào lý luận tuyên truyền vô cùng tinh vi thâm độc.  Tuyên truyền là cột xương sống của chế độ CS. Như người viết đã có dịp trình bày trong những bài trước, sau cách mạng CS Nga 1917, công việc đầu tiên Lenin là thành lập cơ quan tuyên truyền Agitprop và trong giai đoạn đầu còn do chính ông ta đích thân lãnh đạo. Tại Trung Cộng cũng vậy, trong đại hội đảng CS Trung Quốc lần đầu vào năm 1921 chỉ bầu ra vỏn vẹn ba ủy viên trung ương nhưng một trong ba ủy viên đó chịu trách nhiệm tuyên truyền.
Tầng lớp “trí thức xã hội chủ nghĩa”
Bộ máy tuyên truyền sẽ không chạy được nếu thiếu đi một tầng lớp có học, có địa vị xã hội tự nguyện làm xăng nhớt. Thành phần đó gọi chung là “trí thức xã hội chủ nghĩa”.
Trước khi viết tiếp, người viết xin dừng lại ở đây để bày tỏ lòng biết ơn dành cho những trí thức chân chính và xứng đáng được kính trọng. Họ là những người có trình độ văn hóa giáo dục cao, những văn nghệ sĩ đang công khai hay âm thầm tranh đấu cho một nước Việt Nam mới, tốt đẹp, tự do và dân chủ trong điều kiện và hoàn cảnh riêng của họ. Họ không thuộc thành phần mà người viết sắp bàn.
Thành phần  “trí thức xã hội chủ nghĩa” chia sẻ ba đặc điểm chung: (1) có học, khoa bảng (2) chủ nghĩa cơ hội, (3) bồi bút, uốn lưỡi bảo vệ đảng trung thành. 
Một đại biểu xuất sắc trong tầng lớp này và có đủ ba đặc điểm vừa nêu là bà Tôn Nữ Thị Ninh.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh thỏa mãn đặc điểm thứ nhất dễ dàng vì bà thuộc thành phần khoa bảng, mang họ hoàng tộc. Phần lớn thời tuổi trẻ của bà lớn lên dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa và được đi du học tại các trường nổi tiếng tại Pháp, Anh. Bà về nước dạy đại học Sư Phạm Sài Gòn và từng là Phó Ban Anh Ngữ của trường.  
Trong thời gian ở Pháp, bà Ninh quen biết các thành viên của phái đoàn CS “Chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam”  và phụ giúp công việc phiên dịch tại những buổi gặp gỡ không chính thức của họ. Như bà kể lại trong bài báo Paris: 'Vườn ươm' lực lượng, bà “không được chứng kiến các cuộc đàm phán chính thức”, phần lớn những gặp gỡ đều qua trung gian của các “hội yêu nước” và được bà Nguyễn Thị Chơn, vợ ông Trần Bạch Đằng, “bồi dưỡng chính trị”.  Thành phần có học nhưng bị lá bùa “độc lập, tự do” của CS mê hoặc tại Pháp thời đó rất nhiều như bà thừa nhận với phóng viên Hoàng Thi trên báo Nhân Dân “tại Pháp, tôi đã tham gia phong trào phản chiến đang diễn ra rất sôi nổi nơi đây”.
Sau 30-4-1975, bà Tôn Nữ Thị Ninh cũng chỉ sinh hoạt trong “Hội trí thức yêu nước” như phần lớn các nhà giáo, văn nghệ sĩ thuộc “thành phần thứ ba” ở Sài Gòn như Lý Quí Chung, giáo sư Trần Văn Tấn, giáo sư Trần Phước Đường, nữ nghệ sĩ Phùng Há, nhà báo Tô Nguyệt Đình, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba chứ không đóng vai trò gì quan trọng. Thành phần này, trong đó có bà, được đảng thưởng công bằng chuyến “tham quan” các nước CS như Lý Quí Chung kể lại trong hồi ký của ông ta.
Đường công danh dưới chế độ CS của bà Ninh chỉ thật sự bắt đầu khi tình cờ gặp ông Xuân Thủy năm 1978. Từ đó, trong giai đoạn giao thời đảng đang cần người có khả năng giao tiếp với thế giới mà họ chưa từng biết qua, và bà nắm lấy cơ hội.  Không giống như những người CS theo đuổi mục đích CS, vào tù ra khám hiến thân cho canh bạc của cuộc đời họ, bà  chỉ là một kẻ cơ hội chủ nghĩa.
Hai đặc điểm, khoa bảng và chủ nghĩa cơ hội nói trên, dù không mấy tốt đẹp, cũng chỉ có tính cách cá nhân và không phải là tội ác, đặc điểm bồi bút trung thành và uốn cong ba tấc lưỡi để bảo vệ đảng CS của bà Ninh mới thật sự là một tội ác trí thức vì đã gây tác hại đến nhiều người. Dưới đây là vài ví dụ chứng minh bà Ninh bẻ cong ngòi bút.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh và nguyên tắc dân chủ kiểm soát và cân bằng (checks and balances)
Trong Tạp Chí Cộng Sản số tháng 6, 2007,  bà Tôn Nữ Thị Ninh viết về tình trạng tham nhũng tại Việt Nam: “Cần có một cơ chế "đối trọng" (phương Tây gọi cơ chế này là checks and balances). Đối trọng của ta là trong phạm vi chế độ, là sự kiểm tra giám sát của các đoàn thể quần chúng, chứ không phải là đối trọng về chính trị. Quốc hội có vai trò, tư pháp cũng phải độc lập, đoàn thể phải vào cuộc, nếu không hệ thống chính trị của ta sẽ không có cơ chế tự điều tiết.”  
Hẳn nhiên, với trình độ giáo dục cao và tiếp cận nhiều với sinh hoạt chính trị dân chủ Âu Châu trước đây, bà Ninh biết rõ khái niệm kiểm soát và cân bằng (checks and balances)  nhằm sự kiểm soát lẫn nhau để giữ sự cân bằng và công bằng giữa các ngành trong các chế độ dân chủ pháp trị. Nguyên tắc này ra đời nhằm giới hạn quyền hành của chính phủ (hành pháp) thường rất dễ bị lạm dụng. Sự đối trọng giữa các ngành trong cơ chế chính trị chỉ hữu hiệu khi các ngành đó có được sự độc lập về quyền hạn và trách nhiệm. Một sinh viên lấy lớp chính trị học nhập môn cũng nắm vững định nghĩa căn bản đó.
Thế nhưng bà uốn cong định nghĩa “checks and balances” giữa các ngành trong chế độ dân chủ pháp trị thành một khái niệm giữa quần chúng (không có tiếng nói) và nhà nước (nắm hết quyền lực). Tại Việt Nam ai đối trọng với ai, ai kiểm soát ai và ai cho phép tạo nên sự cân bằng quyền lực trong hệ thống chính trị bị chỉ đạo bởi một đảng duy nhất là đảng Cộng sản? 
Một người có hiểu biết căn bản nào cũng trả lời được, dưới chế độ CS không ai, không một tập thể, không một thành phần nhân dân nào đứng trên quyền lực của đảng CS. Thời gian 2006 bà Ninh là “Đại biểu Quốc hội” đơn vị Vũng Tàu và hơn ai hết bà biết chức “Đại biểu Quốc hội” của bà chẳng phải do người dân Vũng Tàu nào tự nguyện bầu bà lên mà chỉ là hư danh do đảng CS trả công cho bà.  
Bà Tôn Nữ Thị Ninh chống đối Bob Kerrey
Theo phóng sự điều tra của  Gregory L. Vistica trên New York Times phát hành ngày 25 tháng Tư, 2001, vào đêm 25 tháng Hai, 1969, đội SEALs (đơn vị đột kích tinh nhuệ của hải quân Mỹ viết tắt của chữ Sea, Air and Land Teams) dưới quyền chỉ huy của Trung Úy Bob Kerrey, 25 tuổi, tiến vào làng Thạnh Phong với mục đích tiêu diệt một phiên họp của Việt Cộng với sự tham gia của một lãnh đạo quân sự.  Sau khi thanh toán mục tiêu thứ nhất bằng dao để khỏi lộ mục tiêu, đơn vị SEALs bị trong làng bắn ra. Với tin tức tình báo nhận được, đội SEALs đinh ninh một phiên họp của lãnh đạo CS cao cấp đang diễn ra và đã bắn trả quyết liệt.  Đừng quên, lúc đó đã sau 9 giờ tối trong một đêm không trăng tại ngôi một làng hẻo lánh tối tăm chứ không phải trưa ban ngày giữa đồng rộng hay đường lớn để có thể nhận diện dễ dàng. Bob Kerrey kể lại ông ta không thấy ai hết. Khi phản công chấm dứt, toán SEALs tiến vào các chòi lá và hình ảnh mà Bob Kerrey sẽ nhớ đến giờ chết là không có một chỉ huy Việt Cộng nào mà chỉ toàn là thường dân, đàn bà và trẻ con bị giết. Tuy nhiên,  Gerhard Klann, một đội viên SEALs dưới quyền Kerrey kể khác rằng trong chòi lá thứ nhất không chỉ có đàn ông mà còn có đàn bà và trẻ em, và chính Bob Kerrey không những ra lịnh mà còn tham gia vào việc giết những người trong chòi lá thứ nhất. Lời kể của  Klann trùng hợp với kể của nhân chứng Việt Nam Pham Tri Lanh.  Bob Kerrey không đồng ý với Klann nhưng nhận lỗi lầm với tư cách chỉ huy. Các đội viên khác có người ủng hộ lời kể của Bob Kerrey và có người từ chối trả lời.  Nói chung các lời kể rất rời rạc, trước sau không thống nhất. Kerrey nhắc lại nhiệm vụ chính của các toán SEALs là tiêu diệt một mục tiêu được giao phó và nhiệm vụ của đội SEALs vào làng Thạnh Phong đêm đó là tiêu diệt chứ không phải bắt tù binh.
Sau khi bị thương và giải ngũ về nhà, Kerrey kể lại thảm sát Thạnh Phong cho mẹ nghe và mẹ ông ta khóc.
Với nhiều người khác, biến cố là một tai nạn giết lầm, đổ thừa cho tình báo, cho cấp chỉ huy, cho chiến tranh và rồi ăn ngon ngủ kỷ. Nhưng với Bob Kerrey, lương tâm ông bị cắn rứt  và đã làm rất nhiều trong lãnh vực giáo dục để xoa dịu vết thương giữa hai dân tộc cũng như đau đớn tinh thần của riêng ông. Với kinh nghiệm chín năm làm chủ tịch của New School University ở New York, ông hy vọng sẽ áp dụng những vốn liếng đó vào việc lãnh đạo Fulbright University Vietnam và nâng  trường lên đẳng cấp quốc tế.  Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng nhấn mạnh yếu tố chuyên môn kết hợp với tình cảm cá nhân trong diễn văn đầy tinh thần hòa giải của ông khi giới thiệu Fulbright Vietnam. Bob Kerrey  với kinh nghiệm lâu năm trong ngành giáo dục, một cựu Thượng Nghị Sĩ, cựu ứng cử viên tổng thống, nhà chính trị có quan hệ rộng rãi với chính giới Hoa Kỳ và gắn bó tinh thần với Việt Nam xứng đáng để lãnh đạo Fulbright University Vietnam.
Thay vì thuận theo tinh thần hòa giải được khơi dậy trong diễn văn của Ngoại trưởng John Kerry và mở rộng hơn cánh cửa giáo dục cho các thế hệ Việt Nam, máu cơ hội ”chống Mỹ cứu nước” trong bà Tôn Nữ Thị Ninh sôi sục lên và bà phán: “Ông Bob Kerrey là người đã trực tiếp tham gia vào cuộc thảm sát thường dân vô tội, phụ nữ, trẻ em, người già tại thôn Thạnh Phong vào tháng 2/1969. Điều này không thể chối cãi và chính ông Kerrey cũng thừa nhận. Có thể nhìn nhận vấn đề ở nhiều mức độ khác nhau, cả phía Việt Nam và phía Mỹ. Nhưng một điều chắc chắn, sự việc đó là đủ để kết luận Bob Kerrey, nói theo cách nhẹ nhất, hoàn toàn không thể giữ vị trí Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam. Và cũng không thể nhân danh tương lai mà bỏ qua sự thật đó.
Khi nhắc đến câu “không thể nhân danh tương lai mà bỏ qua sự thật”, không biết bà có nhìn quanh thử mình đang sống ở đâu không. Bà đang sống trong một đất nước mà nơi đó sự thật chỉ là chiếc bánh tuyên truyền rẻ tiền và hư thối đến nỗi một đứa bé đói khát cũng không thèm cầm lấy. Chắc bà không lạ gì những nhãn hiệu “Nhà Xuất bản Sự Thật”, “Báo Sự thật” v.v.
Nếu bà thật sự quan tâm đến sự thật và căm ghét những kẻ đã giết dân vô tội, hãy về Huế một lần trong dịp Tết để hỏi thăm đồng bào Huế của bà những ai là kẻ giết người và những ai là người có thân nhân bị giết, không phải 24 người mà nhiều ngàn người.  Những kẻ chôn sống nhiều ngàn dân Huế không nói tiếng Anh như Bob Kerrey  mà có một giọng nói rất giống bà.
Nếu bà quan tâm đến sự thật hãy tìm đến các “Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân” và hỏi họ đã giết bao nhiêu “Mỹ Ngụy” còn mặc tả ở nhà hàng Mỹ Cảnh, bao nhiêu mái đầu xanh ở rạp hát Kinh Đô, bao nhiêu em bé chết trong tay còn ôm cặp ở tiểu học Cai Lậy v.v..  Hàng ngàn cuộc thảm sát do CS gây ra trên đất nước Việt Nam đang cần được đưa ra dưới ánh sáng sự thật và công lý.  
Bob Kerrey  có lỗi với ai?
Bà Ninh phát biểu bằng một giọng trịch thượng và hằn học “Việc ông hối hận về vai trò trong vụ thảm sát Thạnh Phong tôi không thể biết và chỉ có mình ông Kerrey biết. Không thể coi việc giữ vị trí lãnh đạo của đại học nhiều tham vọng như ĐH Fulbright là cách sửa sai cho những hành động trong quá khứ”. Việc bà “không thể biết” là tại bà kém thông tin nhưng cựu TNS Bob Kerrey  hay Ngoại trưởng John Kerry không cần phải báo cho bà biết. 
Người viết không binh vực cho Bob Kerrey. Bob Kerrey  dù trực tiếp ra tay, ra lịnh hay không vẫn là người có lỗi.  Nhưng ông ta chỉ có lỗi với nhân dân Việt Nam, với  thân nhân những người bị toán SEALs của ông giết chứ không có lỗi gì với đảng CS và nhà nước CS mà bà Ninh đang cung phụng. Dước các chế độ dân chủ, vai trò, chức năng và sự phân định giữa nhân dân và chính phủ rõ ràng chứ không đánh lận con đen đảng cũng chính là dân tộc, đảng cũng chính là tổ quốc như dưới chế độ CS.   
Một lỗi lầm của Bob Kerrey  trong chiến tranh không làm cuộc chiến bảo vệ tự do của miền Nam mất đi chính nghĩa và cũng không giúp đảng CSVN có chính nghĩa.
Hôm 27 tháng Năm vừa qua, trong chuyến viếng thăm Hiroshima, Nhật Bản, TT Barack Obama bày tỏ lòng thương tiếc đối với nạn nhân bom nguyên tử của Mỹ và cảm tình đối những người sống sót nhưng ông không xin lỗi. Cuộc chiến chống Phát Xít Nhật là cuộc chiến chính nghĩa. Những kẻ phải chịu trách nhiệm cho điêu tàn của nước Nhật và chết chóc của nhân dân Nhật là  lãnh đạo chế độ quân phiệt Phát Xít Nhật thời đó chứ không phải Mỹ.  
Tương tự, trong lúc không thể so sánh nỗi đau bằng một nỗi đau, thảm sát Thạnh Phong cũng phải được nhìn từ nguyên nhân đến hậu quả của cả cuộc chiến Việt Nam.
Cái chết của 24 người dân làng Thạnh Phong, phân tích cho cùng, cũng không khác gì cái chết của năm ngàn người dân Huế, của 32 học sinh trường tiểu học Cai Lậy, của 13 cô gái Thanh niên Xung phong ở Ngã Ba Đồng Lộc, của Nguyễn Văn Thạc, của Đặng Thùy Trâm, của bao nhiêu thế hệ thanh niên miền Bắc và nói rộng hơn của ba triệu người dân Việt khắp hai miền do âm mưu Bolshevik hóa Việt Nam bằng bạo lực của đảng CS.
Chủ trương CS hóa Việt Nam đã được in đậm trong cương lĩnh đầu tiên của đảng CS từ 1930 chứ không phải sau khi Mỹ đổ bộ xuống Đà Nẵng 1965.  Dù Mỹ có đến hay không thì mục tiêu tối hậu của đảng CSVN vẫn không thay đổi. Bà Ninh hãy trả lời giùm câu hỏi “Nếu đảng CSVN không chủ trương thôn tính miền Nam bằng võ lực thì thảm sát Thạnh Phong có xảy ra không?”
Thành phần “trí thức xã hội chủ nghĩa” như bà Tôn Nữ Thị Ninh chẳng những không đóng góp được gì vào việc làm thăng tiến xã hội, thúc đẩy nhanh hơn cuộc cách mạng tự do và nhân bản đất nước, giúp đưa dân tộc chúng ta vượt qua những bế tắc tư tưởng và chính trị để hội nhập vào dòng thác tiến bộ của nhân loại, mà với khả năng bồi bút, uốn cong ba tấc lưỡi, thành phần này đã trở thành bức tường chắn ngang tiến trình khai phóng đất nước và đó là một tội ác.
Trần Trung Đạo

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen