LÊ THỌ BÌNH - PHẠM ĐỨC BẢO 20/04/2016
VietTimes -- “Vẫn còn một bộ phận không nhỏ, kể cả một số quan chức các cấp vẫn lo sợ Trung Quốc. Khi nào mà vẫn còn tư tưởng sợ Trung Quốc thì không thể bảo vệ được đất nước và đất nước cũng không thể phát triển được”, Tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an nói.
Tướng Lê Văn Cương
Không có nước nào kìm hãm Việt Nam như Trung Quốc
Thưa ông, việc Trung Quốc đang từng bước khống chế biển Đông, xâm
phạm một cách trắng trợn lãnh thổ Việt Nam. Nếu xét về mức độ
“nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng” và “đặc biệt nghiêm trọng” thì
hành động của Trung Quốc hiện đang ở cấp độ nào?
- Trước hết chúng ta phải nói về nhận thức về tầm quan trọng của
biển Đông đối với an ninh và phát triển của Việt Nam, rồi sau đó sẽ
thấy việc Trung quốc đang làm ở biển Đông thuộc cấp độ nguy hiểm
nào.
Có thể nói, suốt thời kỳ thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ
và giải phóng đất nước năm 1945-1975 chúng ta tập trung vào giành
độc lập dân tộc. Các trận chiến chủ yếu trên đất liền, trên biển
cũng có, nhưng không lớn. Nhưng sau khi giải phóng miền Nam rồi,
biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa trở thành vấn đề đặc biệt quan trong
đối với an ninh và phát triển của Việt Nam. Từ trước đến nay phần
lớn chúng ta nhìn biển Đông dưới góc độ kinh tế.
Như vậy là chưa trúng và chưa đúng. Biển Đông là hội tụ hai vấn đề
quan trọng bậc nhất của Việt Nam là an ninh và kinh tế. Đúng hơn là
an ninh và phát triển. Nó có vai trò đặc biệt quan trọng ở
chỗ: Thứ nhất, đó là lối ra của Việt Nam. Năm 1956, Bác Hồ đã nói: “Đất liền là
nhà, biển là cửa”. Nếu cái cửa này mà bị bên ngoài người ta chặn
lại không ra được thì làm sao mà phát triển được. Tuy nhiên, tôi có
cảm giác rằng có không ít người trong chúng ta chưa nhận thức được
đầy đủ, đúng đắn vấn đề này.
Đáng ra, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
(30/4/1975) chúng ta phải định rõ chuyện này. Muộn nhất nữa thì đến
khi Trung Quốc đánh chiếm Trường Sa 14/3/ 1988 chúng ta cũng phải
có một chiến lược về biển. Tuy vậy phải 20 năm sau, năm 2008, chúng
ta mới có chiến lược về biển. Điều mà tôi muốn nhấn mạnh là những
người có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc phải có một nhận
thức đầy đủ, đúng đắn hơn về vai trò và vị trí của biển Đông đối
với an ninh và phát triển của Việt Nam.
Đấy là về nhận thức, còn việc làm của Trung Quốc về cấp độ nguy
hiểm thì đang ở mức nào, thưa ông?
- Việc làm của Trung Quốc trên biển Đông hiện nay là vấn đề hệ
trọng bậc nhất đối với an ninh của Việt Nam. Xét cho cùng thì không
có gì hệ trọng hơn thế. Có không ít người thường xuyên nói nguy cơ
chính là “diễn biến hòa bình”. Thì đúng rồi, bản chất của Mỹ là “dị
ứng” với cộng sản. Nhưng chỉ nói như vậy là không đầy đủ. Mỹ không
chỉ tìm cách lật đổ cộng sản, mà tất cả những chế độ mà Mỹ cho là
độc tài, không minh bạch, không rõ ràng, không dân chủ Mỹ đều ghét.
Tuy nhiên, nguy cơ này chưa nguy hại trực tiếp bằng việc Trung Quốc
đe dọa trên biển Đông. Mỹ chưa làm gì để kìm hãm sự phát triển của
Việt Nam cả. Còn Trung Quốc, từ nhiều hướng, bằng mọi cách, bằng
mọi thủ đoạn, trên nhiều phương diện, đều tìm mọi cách kìm hãm sự
phát triển của Việt Nam, kìm hãm cả về chính trị, cả về kinh tế, cả
về ngoại giao và cả về an ninh, quốc phòng.
Tôi đố các anh thấy trên thế giới này có nước nào lại cố tình kìm
hãm sự phát triển của Việt Nam như Trung Quốc không? Không có nước
nào cả! Không có một nước nào kìm hãm Việt Nam như Trung Quốc. Mà
chặn biển Đông chính là chặn con đường phát triển của Việt Nam.
Người Việt Nam phải nhận thức ra điều này.
Gạt bỏ tâm lý sợ Trung Quốc
Trên thực tế thì Trung Quốc là một nước lớn trong khu vực, vì vậy
tâm lý lo sợ Trung Quốc cũng là một thực tế dễ hiểu. Ông suy nghĩ
như thế nào về vấn đề này?
-Trung Quốc lớn, nhiều người, nhiều của, nhiều súng đạn…Nhưng không
có nghĩa là nước mạnh. Hơn nữa, trên biển Đông Trung Quốc đang thể
hiện họ yếu thế nhất. Họ không có cơ sở pháp lý nào cả. Hội nghị
G8, tháng 8/2015 ở Đức, trong tuyên bố chung lần đầu tiên có một
phần, tuy không nhắc đích danh Trung Quốc, yêu cầu phải có trách
nhiệm xử lý các vấn đề biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ
luật pháp quốc tế, không được gây hấn, không được thay đổi hiện
trạng.
Nhưng đến ngày 11/4/2016 mới đây, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao 7
nước công nghiệp phát triển, có đại diện Liên minh châu Âu tham dự,
đã ra một tuyên bố về an ninh hàng hải, nêu rõ: “Chúng tôi cực lực
phản đối mọi hành động gây hấn, cưỡng bức, đe dọa, thay đổi hiện
trạng trên biển Đông. Chúng tôi yêu cầu các bên tranh chấp có trách
nhiệm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật
pháp quốc tế”. Mặc dù tuyên bố này cũng không có một từ nào nói về
Trung Quốc cả, nhưng ai theo dõi tình hình chả biết là Trung Quốc.
Cộng đồng quốc tế đã nhận thức rất rõ về mối đe dọa của Trung Quốc
ở biển Đông.
Tôi nghĩ người Việt Nam đừng sợ Trung Quốc. Tồn tại trên đất nước
Việt Nam này vẫn có một bộ phận không nhỏ, kể cả một bộ phận quan
chức các cấp, vẫn sợ Trung Quốc. Khi nào mà vẫn còn tư tưởng sợ
Trung Quốc thì không thể bảo vệ được đất nước. Đất nước không thể
phát triển được. Họ mạnh hơn Việt Nam, nhưng trên biển Đông họ thua
Việt Nam về cơ sở pháp lý, thua về đạo lý. Hành động vũ phu, chèn
ép, cưỡng bức bằng vũ lực, như vậy là không thể chấp nhận được. Cái
thua của Trung Quốc nữa là cộng đồng quốc tế luôn đứng về phía Việt
Nam.
Thưa ông, có một thực tế là, lâu nay báo chí Việt Nam, người dân
Việt Nam phần lớn biết được những việc cụ thể mà Trung Quốc đang
làm trên biển Đông lại là từ… báo chí nước ngoài. Tại sao không có
một cấp có thẩm quyền nào của chúng ta cung cấp đầy đủ thông tin
cho người dân như quy định? Do chúng ta không nắm bắt được hay còn
vì một lý do nào khác nữa?
- Một mặt là chúng ta không có thông tin kịp thời, nhưng chủ yếu là
chúng ta biết nhưng dường như không dám nói ra. Nói ra, nhiều khi
cứ sợ mấy thứ luẩn quẩn đại loại như: vướng vào chuyện kích động
“chủ nghĩa dân tộc” bài Trung Quốc; ám ảnh bởi 16 chữ vàng như cái
“vòng kim cô”, trong khi phía Trung Quốc chả coi chuyện này là gì
cả. Vẫn là thế. Thực chất là thế. Điều 70 của Hiến pháp nói rằng
công dân có quyền được thông tin. Nhà nước có trách nhiệm thông báo
kịp thời: Tại giờ ấy, ngày ấy, tháng ấy, tại tọa độ ấy, Trung Quốc
đã hành động thế này thế kia. Người dân phải được biết, hệ thống
truyền thông phải thông báo kịp thời để người dân được biết. Điều
này hoàn toàn khác, không phải là kích động chủ nghĩa dân tộc chống
Trung Quốc. Người dân cần phải được biết an nguy của dân tộc ở đâu.
Nếu không làm chuyện này thì trách nhiệm thuộc về các cấp có thẩm
quyền.
Không ai làm thay được chúng ta
Nhiều người chúng ta đang có tâm lý mong chờ Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…
tham gia sâu hơn, mạnh hơn vào việc ngăn chặn Trung Quốc bành
trướng trên biển Đông. Tại sao chúng ta không ra hẳn một nghị quyết
về biển Đông thay vì ra “nghị quyết” hoan nghênh Quốc hội Mỹ ra
nghị quyết về tình hình biển Đông?
- Không ai làm thay được chúng ta cả. Nếu mà chọn một dân tộc lớn
tốt với Việt Nam thì không ai bằng Liên Xô trước đây và Ấn Độ cả.
Gần 70 năm, từ khi cách mạng thành công, Ấn Độ thực hiện chế độ đa
đảng, đa nguyên, lúc thì đảng này cầm quyền, lúc đảng kia cầm
quyền, nhưng tình cảm với Việt Nam thì luôn sâu đậm. Nhưng mà họ ở
xa và tiềm lực của họ cũng có hạn, nên không thể giúp đỡ chúng ta
như mong muốn. Người Nga cũng vậy. Rất tốt. Nhưng khi Trung Quốc
đánh chiếm 7 đảo chìm ở Trường Sa ngày 14/3/1988 thì Hạm đội của
Nga ở Cam Ranh có hành động gì đâu.
Một ông Thủ tướng Anh cuối thế kỷ 19 nói rằng, không có bạn bè vĩnh
viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn. Điều
này đúng với 5.000 năm trước và sẽ còn đúng với 5.000 năm tới. Nga
không hành động gì cả vì lợi ích. Đừng có mơ hồ. Trung Quốc có làm
gì đi chăng nữa thì các nước mạnh lắm cũng chỉ tuyên bố bằng mồm
thôi. Tuy nhiên, điều quan trọng mà tôi muốn nói ở đây là, các nước
họ ủng hộ Việt Nam đến đâu là do mình có làm được gì mà trong đó có
lợi ích của họ không. Việc của mình mà mình còn không làm thì ai
làm.
Tại sao khi ta chống Pháp, cả thế giới người ta ủng hộ chúng
ta? Xin thưa là vì chúng ta “nai lưng”, đổ xương máu ra chiến
đấu chống thưc dân để giành tự do và độc lập. Bao nhiêu năm chống
Mỹ cả thế giới đứng quanh Việt Nam là vì mình chống xâm lược. Còn
bây giờ mình mà không chống sự bành trướng của Trung Quốc trên biển
Đông thì ai ủng hộ. Bây giờ tôi chỉ nói đơn giản chuyện thế này
thôi. “Gã hàng xóm” đẩy cửa vào đập phá nhà “anh”, người dân xung
quanh đến giúp, “anh” lại bảo: “Không có chuyện gì đâu. Bạn bè chưa
hiểu nhau ấy mà”. Thế thì ai còn có thể giúp “anh” được nữa. “Anh”
phải lên tiếng phản đối với tổ trưởng dân phố thì bạn bè, bà con
hàng xóm người ta mới đến giúp “anh” chứ. Nó đến nó đập nhà phá
phách thế mà “anh” lại bảo không có chuyện gì cả thì thôi chứ còn
gì nữa.
Vừa qua cộng đồng quốc tế cũng phản ứng khá mạnh mẽ về hành động
ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc trên biển Đông, nhưng
Trung Quốc vẫn ngang nhiên thực hiện ý đồ khống chế biển Đông. Đâu
là nguyên nhân, thưa ông?
- Có hai nguyên nhân. Thứ nhất là, chính sách khống chế biển Đông của Trung Quốc là nhất quán và
không bao giờ thay đổi. Hai là, phản ứng của Việt Nam và cộng đồng
quốc tế chưa đủ sức răn đe Trung Quốc. Họ thấy như vậy nên họ càng
lấn tới. Chứ nếu Việt Nam và cộng đổng quốc tế phản ứng mạnh mẽ
hơn, tẩy chay Trung Quốc thì chắc chắn một năm sau mưu đồ của Trung
Quốc sẽ sụp đổ. Như vậy, muốn hay không muốn họ cũng phải dừng lại.
Phản ứng của Việt Nam chưa đủ mạnh, phản ứng của cộng đồng quốc tế
chưa đủ mạnh, chưa buộc Trung Quốc phải trả giá.
Trung Quốc đang ráo riết quân sự hóa các đảo nhân tạo xây dựng trái
phép ở Trường Sa (ảnh vệ tinh chụp Đá Gạc Ma đang được Trung Quốc
lắp đặt thiết bị quân sự)
Ngoài tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm, Trung Quốc đã triển
khai tiêm kích J-11B ra đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa thuộc chủ quyền của
Việt Nam.
Tôi nhắc lại một câu nói nổi tiếng của Napoleon đại ý rằng, thế
giới phải chịu sự tàn phá khủng khiếp chính là do những người tốt
không chịu hành động, chứ không phải do kẻ xấu gây ra. Trong trường
hợp biển Đông hoàn toàn đúng. Nếu 90 triệu người Việt Nam, 8 tỷ
người trên hành tinh nhất tề phản đối thì Trung Quốc không dám làm
càn.
Thưa ông, có ý cho rằng, muốn bảo vệ đất nước, muốn đất nước phát
triển thì đã đến lúc phải nhận thức được ai là bạn, ai là thù. Ông
có ý kiến gì về vấn đề này?
- Tư duy nước này là bạn, nước kia là kẻ thù là sai với Nghị quyết
của Đảng. Chính một số cán bộ, thậm chí cán bộ có trọng trách, đã
diễn giải sai Nghị quyết, làm mất phương hướng đấu tranh. Tôi là
một trong những người tham gia viết Nghị quyết về chiến lược bảo vệ
tổ quốc trong tình hình mới năm 2003. 10 năm sau, năm 2013, chúng
ta có Nghị quyết bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Nhưng có một
luận điểm mà Nghị quyết năm 2013 không thay đổi so với năm 2003. Đó
là ta không xác định ai là kẻ thù cả. Nghị quyết của Đảng nói thế
này: Những ai ủng hộ sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam,
ủng hộ đường lối đổi mới của Việt nam thì đó là đối tác của chúng
ta.
Bất cứ những ai xâm phạm đường lối đổi mới, phát triển theo định
hướng XHCN; bất kể những ai mà xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn
vẹn lãnh thổ của Việt Nam thì đấy đều là đối tượng đấu tranh. Vì
thế nghị quyết mới nói trong đối tượng có đối tác. Trong đối tác có
đối tượng. Ví dụ Mỹ là đối tác kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ
quan trọng nhất, nhưng nếu họ lại tìm mọi cách để xóa bỏ vai trò
lãnh đạo của Đảng thì về mặt này họ lại là đối tượng để đấu tranh.
Ngược lại, Trung Quốc là nước láng giềng, họ là đối tác về kinh tế,
nhưng họ lại xâm phạm chủ quyền của ta ở biển Đông nên họ là đối
tượng đấu tranh trong lĩnh vực này. Nghị quyết nói rõ ràng mạch lạc
thế cơ mà. Chứ còn ai nói rằng Mỹ là kẻ thù vĩnh viễn, Trung Quốc
là bạn vĩnh viễn thì đấy là ngụy biện, xuyên tạc Nghị quyết của
Đảng và phản bội lại lợi ích dân tộc.
Trung Quốc sắp khống chế toàn bộ Biển Đông
Trung Quốc cứ ngày càng lấn tới, nếu chúng ta cũng cứng rắn chống
lại thì điều tồi tệ nhất là sẽ dẫn tới chiến tranh. Liệu điều xấu
nhất ấy có xảy ra không, theo ông?
- Theo tôi thì Trung Quốc chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh.
Mà họ cũng chẳng dại gì lại đi phát động chiến tranh cả. Họ đang áp
dụng chiến lược của Quản Trọng (một chiến lược gia tài ba thời Xuân
Thu, 685 TCN- NV) “Không đánh mà vẫn thắng”.
Vậy, theo ông thì Trung Quốc sẽ hành động như thế nào trong thời
gian tới?
- Nếu chúng ta không có những hành động mạnh, quyết liệt thì chỉ
trong vòng 15 tháng nữa (đến nửa đầu năm 2017) Trung Quốc sẽ khống
chế toàn bộ biển Đông. 15 tháng còn lại kể từ tháng 4 năm 2016 này,
Trung Quốc sẽ hoàn thiện tất cả các căn cứ quân sự ở biển Đông, đưa
máy bay ném bom chiến lược H-6, H-6K xuống sân bay đá Chữ Thập, đưa
máy bay tiêm kích J-10, J-11 xuống sân bay Gạc Ma, lắp thêm hàng
chục ra đa tần số cao phục vụ quân sự ở các đảo ở Hoàng Sa và
Trường Sa; đưa thêm các tên lửa hành trình YJ-62 chống hạm, đưa một
loại tên lửa đạn đạo tầm bắn 1.400km đến Phú Lâm và các đảo khác
nữa. Coi như họ hoàn thiện hệ thống quân sự trên biển Đông và khống
chế hoàn toàn biển Đông.
Chẳng lẽ chúng ta chấp nhận điều ấy?
-Nếu ta cứ ngồi yên như hiện nay thì họ sẽ làm như vậy.
Trước tình thế như vậy, là người có nhiều năm nghiên cứu về tình
hình biển Đông, theo ông Việt Nam cần phải làm gì?
- Trung Quốc trắng trợn thay đổi hiện trạng như vậy trên biển Đông
mà ta phản ứng của chúng ta mới chỉ ở mức Người phát ngôn Bộ Ngoại
giao thì không được. Phải là ở cấp cao nhất. Phải là Bộ trưởng Bộ
Ngoại giao gửi công hàm cho Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. Phải
là Thủ tướng Chính phủ gửi công hàm cho Thủ tướng Trung Quốc. Phải
là Chủ tịch nước, Tổng Bí thư gửi cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước
Trung Quốc công hàm phản đối chuyện này, nhắc lại với họ rằng, Việt
Nam rất quý trọng quan hệ Việt- Trung, nhưng những việc làm của
Trung Quốc trên biển Đông đã đi ngược lại hệ thống luật pháp quốc
tế, đi ngược lại 7 lần Lãnh đạo Trung Quốc cam kết với Việt Nam.
Ông Hồ Cẩm Đào, ông Ôn Gia Bảo: 3 lần hứa với Việt Nam. Ông Tập Cận
Bình: 3 lần hứa với Việt Nam. Ông Lý Khắc Cường một lần hứa với
Việt Nam. 7 lần hứa, nhưng không thực hiện. Sau đó thông báo kịp
thời thực trạng biển Đông cho người dân biết.
Còn người dân có được quyền phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc bằng
các hình thức như biểu tình chẳng hạn?
- Quan điểm của tôi là cho phép người dân biểu tình trong trật tự
luật pháp. Ở nông thôn, ở thành phố người dân được biểu tình. Hàng
ngàn người xuống đường không ảnh hưởng đến các hoạt động của xã
hội, chỉ hô vang các khẩu hiệu: “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt
Nam!”, “Phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc xâm chiếm trái phép lãnh
thổ Việt nam!”. Hô khẩu hiệu rền vang từ núi rừng, nông thôn đến
thành phố phản đối Trung Quốc quân sự hóa biển Đông, xâm phạm chủ
quyền của Việt Nam.
Tuy nhiên không cho phép ai kích động người dân chống Trung Quốc
một cách cực đoan. Chúng ta phải phân biệt 1 tỷ 300 triệu người
Trung Quốc với nhà cầm quyền Bắc Kinh. Người dân Trung Quốc họ cũng
nhân hậu lắm, hòa hiếu như người Việt Nam thôi, chứ đừng có “vơ đũa
cả nắm”. Tại sao chúng ta lại không hoan nghênh những người dân
Trung Quốc ủng hộ Việt Nam? Đi biểu tình một cách văn minh, không
ảnh hưởng đến trật tự giao thông, không đụng chạm đến sứ quán và
các cơ quan đại diện, văn phòng, doanh nghiệp của Trung Quốc.
Xin cám ơn ông!
Thảm họa diệt chủng đã hiện ra trước mắt, không ai có thể cứu được dân tộc Việt Nam khỏi thảm họa này, ngoài 90 triệu người Việt. Mỗi người cần nhìn thấy cái chết đang đến với chính mình và con cháu mình, hãy chuyển tải thông tin này tới tất cả mọi người, tới mọi tờ báo, mọi phương tiện thông tin để mọi người cùng biết, cùng nhau đứng lên chống thảm họa diệt chủng đã đến trước mắt, để cả thế giới cùng biết và lên tiếng bảo vệ chúng ta.
HÃY XIẾT CHẶT VÒNG TAY LỚN – DÂN TỘC VIỆT NAM NHẤT ĐỊNH THẮNG!
Phạm Hồng Thúy
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen