Sonntag, 5. Juni 2016

Vũng Áng, người mình ở hải ngoại bết quá

Trần Văn Tích

Vụ cá chết ở Vũng Áng xảy ra đã hai tháng rồi. Việt cộng tìm mọi cách để đánh lạc hướng thông tin. Tin quan trọng nhất là vì nguyên nhân nào mà cá chết. Trả lời câu hỏi này vốn rất đơn giản : chỉ cần lấy mẫu nước biển và mẫu xác cá, xác tôm, xác mực – nói tóm lại là xác hải sản – nơi những vùng cá chết và lấy mẫu máu, mẫu nước tiểu của những nạn nhân bị tử vong hay ngộ độc mang ra xét nghiệm. Vì không ai tin Việt cộng nữa – kể cả người dân trong nước – nên cần kiểm chứng khách quan do các cơ sở thí nghiệm ở các quốc gia tân tiến thực hiện.

Do đó, tôi nghĩ nên liên lạc với hai nhân vật đồng hương ở hải ngoại hằng lưu tâm đến môi sinh để thỉnh ý xem có thể làm gì. Hai nhân vật đó là Tiến sĩ Mai Thanh Truyết ở Mỹ và Tiến sĩ Dương Hồng Ân ở Đức. Tôi gửi điện thư cho nhị vị, máy cho hay điện thư không thất lạc, nhưng tôi không hề nhận được hồi âm. Tôi quay qua cầu viện người ngoại quốc. Tôi viết thư cho tổ chức ethecon ở Düsseldorf (Đức quốc). Ethecon là một cơ quan tư nhân chuyên về bảo vệ môi trường. Hằng năm ethecon phát hai loại giải thưởng, giải thưởng Blue Planet Award cho những cá nhân hay tổ chức có thành tích bảo vệ môi trường và giải phỉ báng Black Planet Award cho những cá nhân hay tổ chức phá hoại môi trường. Năm 2006, Bà Diane Wilson, nữ công dân Hoa Kỳ ở Calhoun, Texas, được giải Blue Planet Award vì Bà chống tổ hợp Formosa Plastics Group gây ô nhiễm trầm trọng tại vùng vịnh Mexico. Chính tổ hợp Formosa này được ethecon trao giải phỉ báng Black Planet Award năm 2009. Các cơ sở kinh doanh khác được giải phỉ báng Black Planet Award là BP ở Anh, Tepco ở Nhật và Glencore ở Thụy sĩ. Thụy sĩ cũng có một cơ sở doanh thương sản xuất rất quen thuộc với người Việt được giải phỉ báng năm 2007, đó là hãng xưởng Nestlé. Cũng vẫn chính tổ hợp Formosa bị tình nghi là gây đại hoạ ô nhiễm biển tại Việt Nam. Khi nhận được điện thư thỉnh ý của tôi, Bà Diane Wilson trả lời ngay tức khắc. Tôi hỏi Bà theo kinh nghiệm của Bà thì chúng tôi, người Việt nạn nhân của Formosa, có thể và cần phải làm gì. Bà khuyên nên làm những việc mà Bà không dè là chúng ta đã làm rồi. Tôi tiếp tục gửi tài liệu, tin tức cho Bà. Tôi cũng gửi thư của Đại sứ Đức tại Hà nội, Ông Carl Georg Christian Berger trả lời tôi về vụ Vũng Áng cho Bà Diane Wilson. Để đáp lễ, Bà Wilson hứa sẽ viết thư cho Tổng Thống Obama nhân chuyến công du của Tổng Thống sang Việt Nam và Bà cũng hứa Bà sẽ chuyển cho tôi thư trả lời của Tổng Thống. Sau đó thì cho đến hôm nay Bà Wilson bặt tin, không rõ vì lý do gì.
Qua kiên nhẫn tìm kiếm, tôi bắt được liên lạc với một tập thể theo dõi chống đối Formosa khác. Nhóm này cho biết đã nhận được mẫu máu và nước tiểu của các nạn nhân đồng hương của chúng ta, những nạn nhân này có người đã tử vong, có người bị ngộ độc trầm trọng. Họ cũng đang chờ nhận các mẫu nước biển tình nghi bị ô nhiễm. Họ sẽ họp báo công bố kết quả điều tra trong tương lai gần. Trong nhóm này có một người Việt Nam.
*
Chúng ta rất tự hào là cộng đồng người Việt ở hải ngoại hội nhập rất thành công trên khắp trái đất. Thành quả rực rỡ nhất đạt được là ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên những thành quả đó chủ yếu chỉ mang lại lợi ích cho bản thân các cá nhân và cho gia đình họ. Những thành quả đó hầu như đóng góp rất ít – và nhất là không hề đóng góp trực tiếp – cho đại cuộc chống cộng, giải phóng quê hương.
Việc phân tích máu và nước tiểu thuộc thẩm quyền giới y khoa. Trong rất nhiều trường đại học, trong vô số các bệnh viện, chắc chắn chúng ta có những chuyên viên thí nghiệm đồng hương lỗi lạc về khoa độc chất học với những phương tiện phân tích hiện đại và hữu hiệu nhất. Chưa hề nghe có người áo trắng gốc Việt Nam nào lên tiếng sẵn sàng làm công việc đó đối với các phẩm vật lấy từ cơ thể những nạn nhân bị nhiễm độc ở Vũng Áng hay ở Lăng Cô.
Việc phân tích các mẫu nước biển hặc các mẫu xác động vật thuộc thẩm quyền giới chuyên gia hải dương học. Cũng chắc chắn là chúng ta có những nhà khoa học gốc Việt Nam phục vụ trong những viện hải dương học khắp năm châu; dẫu vậy, cũng chẳng ai nghe được tiếng nói nào của giới thẩm quyền gốc Việt. Trong khi đó thì một người Đức, Giáo sư Roberto Mayerle, thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Kỹ thuật Duyên hải Miền Tây [Forschung- und Technologie Zentrum West Küste (FTZ), Trường Đại học Kiel] tuyên bố sẵn sàng sang Việt Nam góp phần tìm kiếm nguyên nhân nhiễm độc biển. Cũng cần ghi nhận thêm rằng Việt cộng thoạt đầu cho biết sẽ có các chuyên viên Hoa Kỳ, Đức Quốc và Do Thái cùng nhau tham gia phân tích các mẫu nước biển và các mẫu xác thủy sản nhưng rồi chẳng thấy có khoa học gia Mỹ, Đức, Do Thái nào cả mà chỉ thấy có một nhân vật người Nhật Bản dính dáng ít nhiều đến tiến trình phân tích độc chất học xuất hiện trong một cuộc họp báo.
Tôi không nhắc đến giới luật sư hải ngoại vì hành động của giới này nếu có, chỉ có thể phát động sau khi các chuyên viên y khoa và hải dương học đạt được những kết luận khoa học cụ thể.
Mới đây có hai phụ nữ trẻ người Mỹ gốc Việt về Việt Nam tham gia đấu tranh và bị công an Việt cộng bắt giữ mấy ngày rồi sau đó tống xuất trở lại Hoa Kỳ. Nếu bên cạnh những hành động đáng ngưỡng mộ đó của thế hệ thứ hai được phổ biến rộng rãi trên mạng lưới, còn có một tổ chức đấu tranh hay một đảng phái chống cộng nào đó tạo cơ hội cho hai bạn trẻ về Việt Nam “du lịch“ nhưng âm thầm ra bờ Biển Đông xúc một ít nước biển rồi bí mật mang về lại Hoa Kỳ để giao cho một nhóm chuyên gia độc chất học đồng hương thử nghiệm phân tích thì quí giá biết bao! Tất nhiên nhóm hay người đứng ra nhận lãnh trách nhiệm thu thập mẫu thử nghiệm và tiến hành phân tích hoá-sinh học phải có danh tính phân minh, địa chỉ rõ ràng, uy tín danh vọng v.v..
Dường như chúng ta chỉ được cấp lai-xăng nói mà không hề có ý thức làm. Nói và viết thì thật tài thật hay. Nói rất khoa học, viết rất chi tiết. Nhưng chúng ta nói để chúng ta nghe, chúng ta viết để chúng ta đọc. Để rồi có vẻ chỉ cần như vậy là chúng ta cảm thấy an tâm yên trí rồi. Trong khi đó thì cá chết cứ chết tiếp và đồng bào đã ngộ độc thì vẫn cứ ngộ độc thêm.
Chúng ta buồn rầu ghi nhận là đồng bào trong nước chống đối Việt cộng chưa đủ mạnh nhưng có lẽ chúng ta cũng nên đồng thời thành thật ghi nhận là chúng ta ở ngoài này sống tiện nghi trong tự do đã tiếp tay với đồng bào khốn khổ trong nước chưa hề đủ và nhất là chưa hề đúng.

03.06.16

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen