Rằngay thì thiệt là hay,
Nghe
ra ngậm đắng nuốt cay thế nào! (ĐTTT, 489-490).
Vui
là vui gượng kẻo là,
Ai
tri âm đó mặn mà với ai ! (ĐTTT,
1247-1248)
Nỗi xót xa đó của Kiều
trong cuộc sống tha hương, hẳn nhiều người trong cộng đồng người Việt hải ngoại
chúng ta đã từng cảm nhận. Nhưng, nếu đại
thi phẩm của Nguyễn Du không phải chỉ là
câu truyện tình cảm, mà còn là một sứ điệp văn hóa, thì hoàn cảnh xa quê của
chúng ta hôm nay không chỉ là khổ đau, nhưng còn là cơ duyên để tiếp cận được một
sứ điệp về ý nghĩa và thân phận con người.
Trong khổ đau của kẻ xa
nhà, chúng ta khiêm tốn nhớ lại những bậc thánh hiền, những vị đã từng chuyển đạt
những chân lý hướng dẫn nếp sống văn hóa của chúng ta. Chúng ta sẽ ngạc nhiên
khi nhận ra rằng đời sống và chân lý mà các vị ấy chuyển đạt luôn gắn liền với
hoàn cảnh lưu đày nơi thân phận làm người.
Thái tử Tất Đạt Đa đã từ
biệt quê nhà và cung điện. Và nơi vùng đất xa lạ, sức mạnh Ánh Sáng bên kia bờ đã
thốt nhiên đến với kẻ tha hương, tôn vinh người ấy thành Phật, dẫn đưa người giác
ngộ đến gặp muôn người.
Lão Tử cảm hứng được
Ánh Sáng kỳ bí vượt lên trên ánh sáng trí năng hiểu biết của « thiên hạ »,
của bất cứ ai chỉ thấy việc trước mắt. Ngài mặc nhiên giới thiệu mình là người
của vùng đất xa lạ, theo lối nói thi ca của các bậc thánh hiền còn gọi là « Cõi
Bên Kia Bờ », là «Tâm duy vi », hoặc
là « Thời Xa Xưa ». Đạo, hay nói cách khác là Con Đường hoàn
thành nhân tính mà Ngài có phận vụ truyền
đạt, không còn là tập tục nhất thời, lề luật giả tạo do trí óc và ý muốn chướng
khí của con người bày ra, nhưng là Đạo Thường
được soi dọi bởi Ánh Sáng của vùng đất « tha hương, xa lạ » nầy.
Khổng Tử không tự sáng
chế, không tôn vinh nhân nghĩa do con người tùy nghi định đoạt, không cổ súy
« cái tâm duy nguy » mà mỗi người tự tìm kiếm theo sở thích. Nhưng, Ngài
chỉ truyền lại sứ điệp về ý nghĩa nhân tính của « Đạo Tâm duy vi », của
« Đạo Thời Thánh Hiền Ngày Xưa », Thời mà tai con người không
nghe được, mắt con người không thấy được.
Hầu như đồng thời với
các thánh hiền Đông phương nầy, thi hào Sophocle của Hy Lạp đã nói rõ hơn nữa về
thân phận lưu đày của con người, qua thi phẩm « Œdipe-Vua ». Œdipe là nguyên tượng con người tự mãn chỉ biết ỷ
lại vào tài trí của mình để tự định nghĩa nhân tính. Mang ánh sáng trí
năng trong tay, người « hiểu biết » Œdipe là « Vua », kẻ tự
mình làm nên chính mình và làm chủ quê hương mình. Nhưng Œdipe đó ngu muội
không biết ngay cả lý lịch thật của mình, không biết chính mình đã giết cha ruột
và lấy cả mẹ ruột làm vợ. (Mẹ ở đây tiêu biểu
cho nguồn suối yêu thương sinh thành của cha, Mẹ sinh thành ấy nay bị biến làm
vợ, là hình ảnh của dục vọng muốn mình là chúa tể cho chính mình). Con đường tìm lại ý
nghĩa nhân tính linh thiêng và chân thật, con đường giúp Œdipe nhận ra lý lịch của mình trong mối tương
giao phụ-tử với người cha mà mình không
thấy, con đường cứu độ đó chính là con đường tha hương, lưu đày ra khỏi vùng đất
mà kẻ lầm lạc tưởng là quê thât của mình. Với ánh sáng kỳ diệu của đôi mắt mù
lòa, ánh sáng « huệ nhãn » vượt lên trên ánh sáng của hiểu biết con
người, Œdipe rời xa quê cũ, khiêm tốn lần mò từng bước trong cuộc sống tha
hương, nhớ nhà, nhớ quê nơi cư ngư của người cha ẩn mặt, để hoàn thành trong khổ
đau nhân tính kỳ bí và linh thiêng.
Và Socrate, người thầy
của văn hóa Tây phương, lại là kẻ lưu đày ngay trên quê hương Athènes. Vì truyền
bá sứ điệp về ý nghĩa nhân tính thần thánh mà ông đã trực giác được nhờ nguồn
Ánh Sáng đến từ Bờ Bên Kia, Socrate bị xã hội đương thời, nhất là giới tự xưng
là tài trí khôn ngoan, kết tội là kẻ làm
hư hỏng con người, bôi nhọ Thần Thánh mà họ sùng bái. Cuối cùng vì trung kiên với
sứ mệnh truyền đạt chiều kích « linh ư vạn vật » của nhân tính mà người
hiền Socrate bị tòa án của chính quê
hương mình tuyên án phải chết.
Abraham trong Kinh
Thánh, Abraham tổ phụ của những ai tin vào mối Giao-Ước thần thánh giữa Thiên
Chúa siêu việt và con người, mối tương giao kỳ bí làm nên yếu tính linh thiêng
của nhân tính, Abraham đó là người dứt bỏ quê nhà cũ để tiếp nhận ân phúc làm kẻ
tha hương và lưu đày, làm kẻ vượt qua cuộc sống tự nhiên để đi vào mầu nhiệm của
con người được nâng lên hàng thần thánh.
Và hiện thân của kẻ tha
hương lưu đày nỗi bật là Con Người Giêsu, Người từng nói : « Chim có
tổ, chồn có hang, riêng Tôi là kẻ không có chổ tựa đầu ». Người đó tha
hương nơi quê mình, bị dân mình ruồng bỏ. Người đó bị treo lên khỏi đất và kêu
lên « Tôi khát, Tôi nhớ Thiên Chúa Cha tôi ». Và trong Cơn Khát, Nỗi
Nhớ đó, Ngài « hoàn thành công trình cứu độ nhân loại », giúp con người
vượt qua thân phận chỉ là « thể phách » hay chết, đi vào nguồn Sinh Lực
của chiều kích « tinh anh », siêu nhiên . Sinh Lực đó là Sinh Lực
yêu thương làm cho người trở thành thần thánh.
Trong khổ đau của hoàn
cảnh tha hương hôm nay, chúng ta nhớ quê
nhà, và hơn hết nhớ nguồn sinh lực làm nên hồn sống của Hồng Bàng Thị, dòng tộc
của chúng ta, dòng tộc cao cả, to lớn (Hồng) và toàn vẹn, chung khắp (Bàng). Trong bản văn huyền thoại khai
sinh dân tộc nầy, người Mẹ Âu Cơ được Thần dấu mặt Lạc Long Quân đưa ra khỏi vùng đất của một Đế-Lai chỉ biết say mê kim ngân, châu ngọc…,
và cho làm kẻ tha hương ở Long Trang,
quê hương thần thánh. Từ mối tương giao « Thần-Người » ấy phát sinh
ra dòng tộc cao cả và chung khắp, dòng tộc con người « linh ư vạn vật »
qua hình ảnh một trăm con phi thường : không ăn , không uống mà tự nhiên
trường đại. Người Mẹ Âu Cơ và trăm con phi thường ấy múc lấy nguồn sống linh
thiêng cao cả nơi nhân tính mình khi ngày đêm biết quay về nơi Tương Dạ, nơi
Tâm Duy Vi « Thần gặp Người », khi ngày đêm khao khát và thương nhớ
Thần dấu mặt Lạc Long Quân cư ngụ Bên Kia Bờ.
Nỗi nhớ nhà, nhớ quê của
cuộc sống tha hương chúng ta hôm nay mong sẽ cống hiến một cơ duyên giúp người
đồng bào trong cũng như ngoài nước nhớ lại sứ điệp của nỗi nhớ căn nguyên nơi
tâm sâu kín của mỗi người, nhớ lại giá
trị thiêng liêng của yêu thương và tình nghĩa
làm nên hồn dân tộc và hơi thở của văn hóa.
Nguyễn Đăng Trúc
·
Phát
biểu trong ngày ra mắt sách « NHỮNG KHUÔN MẶT VĂN HÓA VIỆT NAM PARIS, 1995-2015 » do Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN PARIS phát
hành Ngày 18-09-2016, Salle Conférence Hermès, Paris
XIIIe.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen