Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter (P) trên chiếc USS Theodore Roosevelt, ở Biển Đông. Ảnh ngày05/11/2015; Phía xa là chiếc USS LassenReuters
Được Hạ Viện Hoa Kỳ tham khảo ý kiến, ngày 21/09/2016, ba chuyên gia Mỹ về luật biển và Biển Đông đã khuyến nghị chính quyền là cần phải có một lập trường cứng rắn hơn, và những biện pháp mạnh mẽ hơn để trị các hành động phi pháp Trung Quốc tại Biển Đông. Họ kêu gọi gia tăng số lượng chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải trong khu vực, đặc biệt thách thức các yêu sách chủ quyền cũng như hành vi phi pháp của Trung Quốc, mà từ lâu nay chưa được chú ý.
Trang thông tin USNI News của Học Viện Hải Quân Mỹ ngày 22/09 đã lược ghi kế sách của các chuyên gia này trong bài « Các chuyên gia yêu cầu có lập trường cứng rắn hơn chống các yêu sách phi pháp tại Biển Đông » (Experts Advocate Harder Stance Against Illegal Claims In South China Sea).
Bài báo trước hết ghi nhận rằng trong cuộc điều trần tại Tiểu Ban Hải Lực thuộc Ủy Ban Quân Vụ Hạ Viện Mỹ, hai giáo sư James Kraska và Adam Erickson thuộc trường Hải Chiến Mỹ, cùng với bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, đều nhất trí rằng sự tuân thủ pháp luật hàng hải ở Biển Đông là điều quan trọng, không chỉ đối với an ninh khu vực, mà còn đối với việc duy trì luật biển ở những nơi khác trên thế giới.
Ngoài việc nhất trí ủng hộ khả năng Hoa Kỳ phê chuẩn Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, các chuyên gia cho rằng các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải của Hải Quân Mỹ (FONOPS) cần phải được tăng cường, cả về số lượng lẫn chất lượng, nhưng, như bà Bonnie Glaser đã góp ý, một cách «kín đáo và không phô trương.»
Đánh vào những yêu sách chưa hề bị thách thức
Một trong những kế sách độc đáo được đề xuất là cần phải đánh vào những yêu sách vô lý của Trung Quốc nhưng từ trước đến nay đã bị lơ là.
Tiến sĩ James Kraska, một giáo sư về luật quốc tế, luật đại dương và chính sách, ngoài việc yêu cầu chính quyền Mỹ kéo Nhật Bản vào cùng tham gia tuần tra, cũng đã khuyến nghị rằng : « các chiến dịch tuần tra nên ưu tiên đánh vào một số yêu sách bất hợp pháp (của Trung Quốc) vốn chưa bao giờ bị thách thức, chẳng hạn như các đường cơ sở thẳng cắt ngang Eo Biển Hải Nam mà Trung Quốc muốn tự nhận là vùng nội thủy của họ. Theo như tôi được biết, yêu sách đó chưa bao giờ bị thách thức, ít ra là từ thời Chiến Tranh Việt Nam đến nay. »
Ông Kraska ủng hộ việc Hoa Kỳ có thái độ cứng rắn hơn đối với các tuyên bố trái pháp luật của Trung Quốc về lãnh hải. Theo ông, nếu muốn tuyên bố một vùng lãnh hải, một nước trước hết phải thiết lập một đường cơ sở nơi bờ biển của họ kết thúc, từ đó mở rộng ra 12 hải lý để phân định lãnh hải của mình.
Vấn đề là không có bất kỳ đường cơ sở nào được vạch ra gần quần đảo Trường Sa và chỉ có đường cơ sở bất hợp pháp được thành lập gần quần đảo Hoàng Sa. Điều đó, theo giáo sư Kraska, có nghĩa là « không có lãnh hải hợp pháp nào xung quanh bất kỳ hòn đảo nào trong khu vực. » Đường cơ sở không thể được vẽ ra quanh các hòn đá, các bãi nửa chìm nửa nổi, do vậy, không thể có lãnh hải ở những nơi đó.
Giáo sư Kraska đã tự hỏi : « Tại sao chúng ta lại chấp nhận một giả định về lãnh hải xung quanh một bãi đá chỉ vì một số quốc gia khác tuyên bố rằng họ là sở hữu chủ của thực thể đó ? »
Để giải quyết vấn đề này, tiến sĩ Kraska kiến nghị : « Tôi sẽ đề nghị cho phi cơ bay ngang bãi Vành Khăn (Mischief Reef) ở quần đảo Trường Sa. Dù cho có nước nào đòi chủ quyền chăng nữa, thì thực thể đó vẫn không có không phận quốc gia bên trên, không có lãnh hải xung quanh, đó là những thực thể nơi mà quyền tự do lưu thông trên không và trên biển được áp dụng hoàn toàn ».
Hải Quân Mỹ sai lầm khi tuần tra theo thủ tục đi qua vô hại
Theo giáo sư Kraska, nhìn từ góc độ luật biển, Hải Quân Mỹ đã né tránh việc hành xử đầy đủ quyền trên biển của mình khi thực hiện chuyến tuần tra đầu tiên trong một loạt các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải vào năm ngoái với tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Lassen (DDG-82).
Hải Quân Mỹ và Lầu Năm Góc đã xác nhận là họ đã hành động theo thủ tục « đi qua vô hại », với chiếc chiến hạm không sử dụng bất kỳ loại vũ khí hoặc radar nào, cũng như không thực hiện bất kỳ một thao tác tập trận nào khi đi qua một khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là của riêng của họ.
Giáo sư Kraska nói : « Tôi thì tôi sẽ không chọn phương thức đi qua vô hại khi muốn thách thức một tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp, vì đó là chế độ quá cảnh hạn chế nhất trong luật biển. »
Điều đáng tiếc hơn nữa, theo giáo sư Kraska, là chính quyền Mỹ lại chọn phương thức đi qua vô hại đối với một số thực thể địa lý mà không một nhà nước nào có thể tự nhận chủ quyền vì là bãi cạn nửa chìm, nửa nổi, và thậm chí, ngay cả khi bị một nước tuyên bố chủ quyền, cũng không được quyền có lãnh hải bao quanh.
Vì vậy, giáo sư Kraska cho rằng tuần tra theo cách thức mà Hải Quân Mỹ đã làm gần một thực thể như vậy là điều hoàn toàn vô nghĩa, thậm chí lại còn hàm ý công nhận sự tồn tại của lãnh hải bao quanh.
Phải đánh vào việc Bắc Kinh dùng dân quân biển
Ngoài việc nhất trí rằng Hoa Kỳ cần phải dứt khoát hơn trong việc chống lại các yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc, các chuyên gia cũng thảo luận về việc Trung Quốc đã cố gắng áp đặt những tuyên bố này - không phải chủ yếu thông qua các tàu chiến vỏ xám của Hải Quân, mà còn bằng đội tàu Hải Cảnh vỏ trắng, và đội tàu vỏ xanh của lực lượng dân quân biển, hiếm khi được nhắc đến.
Theo tiến sĩ Andrew Erickson, một giáo sư về chiến lược tại Viện Nghiên cứu về Trung Quốc Trên Biển thuộc trường Hải Chiến Mỹ, « Đừng nên ngộ nhận, đó là lực lượng do Nhà Nước Trung Quốc tổ chức, phát triển và kiểm soát, hoạt động dưới quyền chỉ huy trực tiếp của giới quân sự. » Tàu của lực lượng dân quân biển Trung Quốc, chủ yếu là tàu đánh cá với vỏ cứng được gia cố, có lan can bảo vệ khi đâm vào tàu khác, và vòi rồng để quấy rối đối phương.
Tại phiên điều trần, giáo sư Erickson khẳng định : « Đây là một lực lượng phát triển mạnh trong bóng tối mà Bắc Kinh có thể dễ dàng phủ nhận sự tồn tại..., nhưng chúng ta có đủ khả năng lôi lực lượng này ra ánh sáng... »
Theo ghi nhận của giáo sư Erickson, trong cuộc tuần tra vào năm ngoái, chiến hạm Mỹ Lassen đã bị vô số « tàu thương mại nhỏ mang đặc trưng của các tàu dân quân biển tiếp cận và khiêu khích, tựa như đã đoán trước được sự hiện diện của tàu Mỹ ».
Mỹ phải vạch trần tính chất thâm hiểm của việc dùng dân quân biển
Đối với giáo sư Erickson : « Không ai biết được những gì Trung Quốc đã từng dự định thực hiện, hoặc sẽ thực hiện sau này, dựa trên những hình ảnh mà họ đã thu được. Vì vậy, trước khi Trung Quốc có thể đẩy chúng ta hoặc một trong các đồng minh hay đối tác của chúng ta vào một hoàn cảnh tế nhị là phải đối đầu với những ‘ngư dân vô tội’, thì chính quyền Mỹ phải vạch trần trước công luận bản chất và hành động thực thụ của lực lượng trên biển thứ ba này của Trung Quốc ».
Giáo sư Erickson rất lo lắng trước nguy cơ lực lượng dân quân biển Trung Quốc có thể tấn công một tàu chiến của Hoa Kỳ, dẫn đến kịch bản trong truyện Gulliver phiêu lưu ký, với việc chàng Gulliver bị những người tí hon ở xứ Lilliput bắt giữ.
Đối với chuyên gia Erickson, để tránh bị hạm đội tàu vỏ xanh này ngăn trở, chính quyền Mỹ tới đây cần phải công bố một báo cáo chính sách toàn diện về tự do hàng hải và xem xét cách Trung Quốc sử dụng tất cả các phương tiện trên biển của họ để ngăn chặn tự do trên biển.
« Chúng ta không thể chấp nhận một tình huống theo đó Hải Quân của họ thì ôm hôn Hải Quân của chúng ta để học cách vận hành tốt nhất và để giả vờ làm một loại cảnh sát tốt, trong khi hai lực lượng biển khác của họ - Hải Cảnh và dân quân biển - thì đóng vai trò của những cảnh sát xấu, làm những công việc bẩn thỉu ở Biển Đông ».
Các đề nghị khác
Chuyên gia Glaser đã đề nghị tài trợ đầy đủ cho Sáng Kiến An Ninh Hàng Hải, dự kiến khoảng 60 triệu đô la trong tài khóa sắp tới. Giáo sư Kraska thì đề nghị đưa thêm tàu chiến Hoa Kỳ đến Biển Đông và Thái Bình Dương để tăng cường sự hiện diện và chứng minh quyết tâm duy trì pháp luật hàng hải. Việc đồn trú các chiếc tàu cận chiến duyên hải LCS tại Singapore là một khởi đầu tốt, nhưng số lượng tàu triển khai trên mặt biển cần phải được tăng thêm nhiều hơn nữa.
Ông Kraska cũng cho rằng, trong trường hợp Thượng Viện Mỹ chưa phê chuẩn Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Mỹ nên tuân thủ một chính sách thời tổng thống Reagan, theo đó Mỹ « sẽ công nhận quyền của các nước khác, miễn là các nước đó tôn trọng các quyền hạn và quyền tự do của Mỹ được phản ánh trong Công ước ».
Giáo sư Kraska giải thích thêm : « Quan điểm của tôi là Hoa Kỳ phải trung thực hơn với chính sách của mình, và nếu cần, phải thực hiện các biện pháp đối phó hợp pháp, chống lại các nước như Trung Quốc, hầu tạo ra tình huống tuân thủ luật pháp quốc tế - có nghĩa là tôi khuyến cáo chính quyền Mỹ là không công nhận quyền của Trung Quốc được hoạt động trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ nếu tàu chiến, máy bay quân sự Trung Quốc cố phủ nhận quyền của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ cần thông báo cho tàu chiến và phi cơ quân sự Trung Quốc rằng họ không còn được quyền « đi qua vô hại » trong lãnh hải của Mỹ như từng làm ở vùng quần đảo Aleutian vào năm ngoái, hoặc tiến hành các hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế Mỹ như đang thường xuyên làm ngoài khơi Hawaii và Guam. Mỹ cũng cần thông báo với Trung Quốc rằng đó không phải là việc ăn miếng trả miếng, mà là một biện pháp đối phó, phù hợp với luật quốc tế.
Cuối cùng, Kraska gợi ý rằng nếu Trung Quốc không sẵn sàng chấp nhận phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực vào tháng Bảy 2016, cho rằng Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS với các yêu sách bất hợp pháp của họ, thì các tổ chức quốc tế khác có thể xét xử các vi phạm của Bắc Kinh mà tòa án đã nêu lên.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen