BS Hoàng Thị Mỹ Lâm
Câu chuyện bắt đầu từ một bài báo trên tờ báo Sächsische Zeitung của ký giả Sven Görner ra ngày 19.05.2016 đăng tin với tựa đề “theo dấu vết bác Hồ“. Bài báo tả lại cuộc gặp gỡ của Đại Sứ Đoàn Xuân Hưng và Doanh Nhân Võ Văn Long với ông Tỉnh Trưởng Joerg Haenisch, ông Giám Đốc trung tâm Hội Thánh Tin Lành địa phương Jen Knechtelvà ông Andreas Lämmel, Dân Biểu Quốc Hội thuộc đảng CDU vào ngày 18.05.2016 tại một công viên nầm trong Trung Tâm dạy nghề Moritzburg, một Trung Tâm trọ học và dạy nghề cho các thanh thiếu niên không phân biệt chủng tộc tôn giáo.
Câu chuyện xoay quanh việc trùng tu khu công viên này với mục đích hoàn trả lại vị trí một cái bảng đồng đã được treo tại đó thời Cộng Sản Đông Đức cũ. Trên bảng đồng đã hoen rỉ đó ghi hàng chữ: “tại đây tháng bảy năm 1957 những thiếu nhi Việt Nam sinh sống học tập tại trường Käthe Kollwitz đã đón tiếp chủ tịch Hồ Chí Minh “, nguyên văn tiếng Đức là“Im Juli 1957 empfingen hier die zeitweilig im Käthe Kollwitz Heim lebenden vietnamischen Kinder ihren Präsidenten Ho Chi Minh “.
Viên Sứ Quán Việt Nam đã vẽ vời một viễn tưởng là sau khi trùng tu hoàn thành nơi đây sẽ là một trung tâm du lịch đặc biệt lôi cuốn nhiều du khách từ Việt Nam sang thăm. Vấn đề cũng được nêu trong bài báo là sự trùng tu khu công viên này gặp phải khó khăn vì Viện Kỹ Thuật Xây Cất Đức tại địa phương không đồng ý cho xây một tường rào bao quanh công viên để bảo vệ tấm bảng đồng này.
Hai ngày sau đó, ngày 21.05.2016, báo Người Việt.de là một tờ báo điện tại Berlin cũng đăng lại tin này với một tựa đề hấp dẫn: “Khu tưởng niệm bác hồ sẽ được xây dựng tại Moritzburg“ và ghi rõ: “nhân kỷ niệm 126 năm sinh nhật chủ tịch Hồ Chí Minh đại sứ Đoàn Xuân Hưng … đã cùng trao đổi về cách thức để thúc đẩy dự án này”, ông ta: “bày tỏ lòng biết ơn đối với Chính Phủ Đức, nhân dân Đức và ngôi trường Moritzburg, nơi đã giúp đào tạo nhiều học sinh Việt Nam, đã đón tiếp chủ tịch hồ chí minh và lưu giữ những kỷ niệm chứng tích về bác hồ “, ông ta: “mong muốn phía Đức tạo điều kiện thuận lợi giúp tập đoàn Thăng Long nhanh chóng nhận được giấy phép để có thể tiến hành tôn tạo lưu giữ nơi đây như một di tích biểu tượng bền vững cho tình hữu nghị giữa hai nhân dân hai nước …. đề nghị phía Đức cân nhắc có thể cho xây dựng một ngôi nhà sàn thu nhỏ của bác hồ ở khu tưởng niệm để trưng bày lưu giữ những kỷ vật của bác … “. Trong một tấm hình chụp có ghi rõ chú thích “Ban lãnh đạo trường Moritzburg và chính quyền Moritzburg hoàn toàn ủng hộ ý tưởng quy hoạch tôn tạo khu tưởng niện bác hồ trong khuôn viên trường “.
Sở dĩ tôi phải dài dòng tường thuật như trên là để mọi người hiểu rõ căn nguyên của vấn đề và xin nhấn mạnh đây là một sứ mệnh đặc biệt của Đại Sứ Đoàn Xuân Hưng dưới sự cộng tác với viện Bảo Tàng hồ chí minh tại Việt Nam.
Những tin tức đó được loan đi tạo một làn sóng phẫn nộ trong giới người Việt tỵ nạn tại Đức và ngay cả trong giới trí thức Đức am hiểu lịch sử chiến tranh Việt Nam và lịch sử Cộng Sản Đông Đức.
Phản ứng đầu tiên là lá thư ngày 28.05.2016 của Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức gửi một loạt cho:
1.-ông Dân Biểu Andreas Laemmel, là người đã đến VN vào mùa hè 2015 gặp một nhóm người cựu học sinh ở trường Käthe Kollwitz /Moritzburg và đã bị thôi miên về “tình yêu quê hương Moritzburg “của nhóm người này.
2.- Tỉnh Trưởng Moritzburg là ông Joerg Haenisch
3.-ông Jens Knechtel, Giám Đốc Trung Tâm Hội Thánh Tin Lành Moritzburg.
Ngày 09.06.2016 chúng tôi viết thư phản đối gửi tiếp tục đến ông Matthias Rößler, Chù Tịch Quốc Hội Sachsen, và đến ông Otmar Schwalbe thuộc đảng CDU Sachsen.
Sau đó là một loạt thư phản đối của các nhân sĩ Đức Việt trên toàn nước Đức:
1.-của bà cựu Nghị Sĩ Vera Lengsfeld
2.-Kháng thư tập thể của bà Ute Junker, thu thập được 1800 chữ ký
3.-một loạt 18 lá thư phản đối của Tiến Sĩ Thanh Nguyen Brem
4.-một loạt thư phản đối của ông Bernhard Bannasch, một công chức cấp cao tại Sachsen, gửi cho Dân biểu Andreas Lämmel, Tỉnh Trưởng Moritzburg Jörg Hänisch, Chủ Tịch Hội Thánh Tin Lành Moritzburg Hans Christoph Postler, Mục Sư Friedrich Drechsler. Ông Bernhard Bannasch gửi cả thư cho Dân Biểu John Mac Cain tại Washington, Tòa Đại Sứ USA tại Berlin và tòa Lãnh Sự USA tại Leipzig.
5.-một loạt kháng thư của BS Trần Văn Tích, Nha Sĩ Lê Ngọc Túy Hương, Kỹ Sư Lê Ngọc Châu, Nhân Sĩ Phạm Trương Long … Một bài viết của BS Trân Văn Tích cũng được đăng trên báo Stacheldraht (Dây Kẽm Gai), một phưong tiện truyền thông của UOKG cơ quan bảo vệ nạn nhân Cộng Sản Đông Đức .
6.-thư phản đối của một Dân Biểu tại Darmstadt bà Irmgard Klaff-Isselmann
7.-môt loạt thư của người Việt toàn nước Đức gửi 18 Nhân Sĩ trong Hội Đồng Thành Phố Moritzburg theo sáng kiến của bà Jana Kellersmann, một Giáo Sư ngành Ngôn Ngữ Học. Hàng trăm thư này đã làm ứ nghẹt các hộp thư tại công sở Moritzburg.
8.-Thư phản đối của Tiến Sĩ Dương Hồng Ân gửi Tỉnh Trưởng Jörg Hänisch.
Phản ứng đầu tiên của Dân Biểu Andres Lämmel, Tỉnh Trưởng Jörg Hänisch là những lá thư trả lời dựa trên lý luận bảo vệ những trẻ em cần được bảo vệ “schutzsuchende Kinder “và khu kỷ niệm Moritzburg chỉ là nơi lưu niệm nhằm tạo cơ hội “suy tư về những tội ác mà trẻ emlà nạn nhân.
Lý luận sai lầm đó đã được Liên Hội và các bạn đồng hành chỉnh sửa nhiều lần, vì trong thời gian 1955-1957 thì tại VN hoàn toàn chưa có chiến tranh. Còn nếu là để cảnh báo tội ác mà trẻ em là nạn nhân thì còn sai lầm hơn nữa vì các du học sinh đến Moritzburg trong thời gian 1957 chỉ toàn là những thành phần ưu tú trong chế độ Cộng Sản được gửi đi để đào tạo thành cán bộ nòng cốt xây dựng và bảo vệ chế độ Cộng Sản VN trong tương lai.
Trước sự phản bác này Chủ Tịch Đảng CDU ở Moritzburg đã đồng tình viết bài trên trang nhà phản đối ông Tỉnh Trưởng Moritzburg vói lý do ông Hồ là nhân vật đã chà đạp lên văn hóa nghệ thuật VN, một nhà độc tài hiếu chiến điển hình là vụ thảm sát Mậu Thân tại Huế.
Phản ứng của Cộng Đồng VN cũng phúc tạp. Phức tạp nhất là có một phụ nữ ở Nam Đức lại có lời kêu gọi tẩy chay ký tên vào kháng thư của bà Ute Junker, rất may là sự phân hóa đó có ảnh hưởng rất nhỏ và không có hiệu quả đáng kể. Gần đây nhất là một bản thông cáo báo chí của nhóm Diễn Đàn 21 mà đại diện là Tiến Sĩ Dương Hồng Ân. Trong một cuộc gặp mặt với ông Tỉnh Trưởng Jörg Hänisch và ông Giám Đốc Trung Tâm Tin Lành Jens Knechtel vào ngày 23.08.2016 họ đã xác định với Tiến Sĩ Dương Hồng Ân là sẽ không có sự xây dựng ở khu công viên Moritzburg. Ngay sau đó Tiến Sĩ Dương Hồng Ân đưa ra một thông cáo báo chí phổ biến rộng rãi sang tận USA trong báo Đàn Chim Việt info đưa tin việc đấu trí chống lại dự án tái tạo khu tưởng niệm hồ chí minh đã đạt được thành công.
Đó là một sự lạc quan quá sớm và quá nông cạn, có khi lại còn nguy hiểm cho tinh thần kiên trì đấu tranh của Cộng Đồng người Việt Tỵ Nạn chống lại dự án của CSVN, vì cái lõi của vấn đề là tấm biển đồng vẫn được phe ủng hộ xem là minh chứng của một giai đoạn lịch sử cần đươc tái hiện.
Bằng chứng là trong một lá thư đề ngày 05.09.2016 gửi cho Liên Hội ông Jens Knechtel vẫn chưa hiểu tại sao người Việt chúng ta lại quyết liệt chống đối một việc mà đối với họ chỉ là một kỷ niệm quá trình đời người Biographie der Menschen và ông ta yêu cầu được giải thích tại sao có sự công phẫn gay cấn giữa người Việt tỵ nạn và Sứ quán CSVN.
Sự mù mờ về chiến tranh Việt Nam và hậu quả của nó của nhóm nhân vật và chính trị gia người Đức này làm cho chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên và khiến cho ông Bernhard Bannasch lấy làm bực bội gọi đó là Geschichtsklittterung = bôi bác lịch sử.
Chúng ta, những người Việt tỵ nạn đã tìm cái sống trong sụ chết, phải quyết tâm giải độc vụ này cho đến cùng. Ông Bernhard Bannasch viết trong một lá thư đề ngày 15.09.2016 những nhận xét gay gắt về phía ủng hộ việc trùng tu khu tưởng niệm như sau:
- một sự lừa lọc đánh tráo đối tượng của sự phản đối, cứ khư khư chối cãi không phải là bảng đồng lưu niệm hồ chí minh mặc dù tên hồ chí minh rành rành ghi trên đó.
- chưa khẳng định được sẽ loại bỏ tấm bảng đồng đó ra khỏi công viên Moritzburg.
Mới đây chúng tôi đã có một cuộc du hành đến Moritzburg để xem xét tận nơi tận mắt về địa điểm này. Đó là một khu công viên nhỏ với diện tích khoảng 10m2 nằm trên khoảnh đất vài trăm thước vuông. Khu công viên nhìn như mới trùng tu lại với các cột gạch sạch sẽ, nhưng toàn cảnh thì hoang tàn đầy cỏ dại rác rưởi. Người Đức dẫn đường của chúng tôi là người địa phương than phiền: “nếu họ có tiền sang nhượng miếng đất thì họ cũng phải có khả năng dọn rác cắt cỏ cho sạch sẽ“. Theo chúng tôi được biết thì khu đất này đã được Sứ Quán CSVN và doanh nhân trực thuộc Võ Văn Long ký giấy sang nhượng 10năm từ tháng 9 năm 2015 và họ đang muốn kéo dài thời gian sang nhượng đến 25-50năm. Khu công viên và miếng đất hoang tàn này nằm trong khuôn viên nhà dạy nghề của Hột Thánh Tin Lành Moritzburg rất hẻo lánh xa vùng thị tứ. Khi nhìn thấy địa điểm này thì người ta nghiệm ra ngay là tấm bảng đồng vinh danh hồ chí minh không thể nào treo lên lại mà không có tường rào bảo vệ vì tinh thần chống Cộng của dân địa phương ở vùng Đông Đức cũ rất cao. Ngược lại thì dự án xây tường rào nhà sàn của Sứ quán CSVN trên một công viên tại nước Đức là một vấn đề bất khả thi. Lý do đơn giản là công viên từ định nghĩa nguyên thủy là khu công cộng cho mọi người đến nghỉ chân, không ai có quyền rào lại làm của riêng cho mình. Nước Đức không phải là nước Việt Nam, nơi mà người có quyền chỉ cần bỏ tiền ra là có thể lấy đất công làm của riêng như việc lấn đất công viên Tao Đàn hoặc phi trường Tân Sơn Nhất… ở Saigon.
Nhưng mục đích của chúng ta không phải là chống bức tường rào mà chống lại cái dự án treo lại cái bảng đồng của Cộng Sản.
Để kết thúc bài viết này chúng tôi xin được nhấn mạnh ba lý do tại sao chúng ta phải quyết tâm phản kháng dự án này và tiếp tục giải độc các chính giới Đức đang bị CSVN lung lạc:
1.-Nước Cộng Hòa Liên Bang Đức ngày nay không phải là nước Cộng Hòa Dân Chủ Đông Đức của thời trước năm 1989. CSVN không thể tiếp tục làm cho người Việt ngộ nhận là thời gian không gian không thay đổi. Chế độ Cộng Sản hoàn toàn không tồn tại trong nước Đức ngày nay.
2.-Trong một thể chế Dân Chủ Tự Do và Đa Nguyên hiện tại ở Đức không ai chấp nhận sự việc vì một vài Viên chức Cộng Sản thành đạt ở Việt Nam muốn ghi lại dấu ấn vàng son dưới thời DDR Cộng Sản Đông Đức cũ mà nước Đức và dân Đức phải cúi đầu chấp nhận yêu sách của họ,
3.-Sự tái dựng tấm bảng đồng tại Moritzburg chẳng những có ý nghĩa tôn vinh chế độ Cộng Sản mà còn mang ám hiệu tôn thờ chủ nghĩa Cộng Sản muôn đời.
Trong những ngày mới đây chúng tôi cũng nhận được những lá thư yểm trợ tích cực của ông Hans-Albrecht M.-Schraepler, cựu Đại Sứ Đức tại miền nam VN từ 1967-1969, cũng như của cựu phóng viên chiến trường Việt Nam Uwe Simon-Netto. Họ là những nhân chứng sống về thảm trạng chiến tranh xâm lược của Cộng Sản gây nên trên đất nước Việt Nam.
Chúng tôi chấp nhận một sự đấu trí lâu dài để tuyệt nọc Cộng Sản trên một đất nước tự do dân chủ này và chúng tôi không cô đơn trong cuộc chiến tâm lý này.
Berlin 29.09.2016
BS Hoàng Thị Mỹ Lâm
Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức e.V.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen