Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 26 tháng 9, 2016
“Khi ở Đông Timor, tôi gặp nhiều tham dự viên đã đến được hội nghị. Họ lo sợ cho số phận của họ khi quay về. Dù thế họ vẫn có mặt. Họ đã có can đảm để lên máy bay đến hội nghị dù biết rõ rằng những gì chờ đợi họ khi quay về… Họ phải lo đối diện với bạo lực, tù đày hoặc tệ hơn… Được gặp họ là niềm vinh hạnh và ưu đãi cho tôi.” – Phát biểu của Cô Tina Mufford, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, tại hội nghị về tình hình tôn giáo ở Việt Nam do Hudson Institute tổ chức, ngày 12/09/2016, Washington DC.
Bất chấp các trắc trở khi ra đi và nhiều hiểm nguy khi trở về, 17 người đại diện cho xã hội dân sự và các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc ở Việt Nam đã tham dự Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin ở Đông Nam Á Lần 2, tổ chức ngày 1-2 tháng 8 ở Đông Timor. Hội nghị này là một phần của kế hoạch 10 năm dân chủ hoá Việt Nam, được chúng tôi khởi xướng năm 2010. Nó tạo môi trường cho sự liên kết giữa các cộng đồng tôn giáo/sắc tộc và đồng thời tạo sự nối kết giữa xã hội dân sự trong nước với các đối tác khu vực và quốc tế.
Hội nghị lần đầu được tổ chức ở Bangkok, Thái Lan trong 3 ngày 29 tháng 9 – 1 tháng 10, 2015. Lúc ấy có sự tham gia của 18 người đến từ Việt Nam và 15 tu sĩ thuộc các tôn giáo khác nhau trong số người đang lánh nạn ở Thái Lan. Chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị cho hội nghị lần 3, sẽ được tổ chức vào mùa Hè năm 2017 tại Philippines.
Lễ cầu nguyện đa tôn giáo mở đầu Hội Nghị ở Đông Timor, ngày 02/08/2016 (ảnh BPSOS)
Từ năm 2005 chúng tôi, BPSOS, đã sắp xếp cho nhiều phái đoàn quốc tế gặp gỡ những người hoạt động tôn giáo ở Việt Nam, và thu xếp để nhiều người hoạt động trong nước tham gia các hội nghị khu vực hay quốc tế. Tuy nhiên, Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin ở ĐNÁ mang ý nghĩa rất khác – nó là diễn đàn thường niên của các cộng đồng tôn giáo độc lập ở toàn vùng Đông Nam Á, mà Việt Nam là một bộ phận. Năm này qua năm khác, mỗi hội nghị bơm thêm sinh khí và tạo thêm cơ hội cho các tham dự viên hoạt động về tự do tôn giáo sau khi trở về; đến hội nghị năm sau gặp lại, họ chia sẻ kinh nghiệm và hoạch định những công tác cho năm kế tiếp. Giữa hai lần hội nghị, các tham dự viên tiếp tục hợp tác với nhau trong nhiều dự án.
Những sinh hoạt chính
Hội nghị TDTGNT năm nay có 85 tham dự viên đến từ 15 quốc gia: Miến Điện, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thailand, Đông Timor, Việt Nam, Hoa Kỳ, Pháp, Canada, Anh, Na Uy.
Ngoài 2 ngày hội nghị 1-2 tháng 8, phần lớn các tham dự viên còn tham gia:
(1) Buổi họp riêng của các thành viên xã hội dân sự Việt Nam để thảo luận về nhu cầu và phương hướng phát triển nội lực;
(2) Cuộc tiếp kiến Toà Đại Sứ Liên Âu để trình bày về tình trạng đàn áp tôn giáo;
(3) Gian triển lãm tại Diễn Đàn Người Dân ASEAN, ngày 3-5 tháng 8, để nêu lên những vi phạm nhân quyền đang diễn ra ở Việt Nam;
(4) Các tham luận đoàn tại Diễn Đàn Người Dân ASEAN để nêu lên các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam;
(5) Cuộc biểu tình bất ngờ tại Diễn Đàn Người Dân ASEAN cùng với các phái đoàn Campuchia và Lào để đòi trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân lương tâm.
Các sinh hoạt này vừa giúp các tham dự viên phối hợp với nhau, kết nối với bạn bè khu vực và quốc tế, làm quen với sinh hoạt nghị trường, và thực thi một số quyền chính đáng của mình mà ở Việt Nam không thể thực thi.
Cuộc biểu tình đòi trả tự do cho các tù nhân lương tâm, ngày 05/08/2016 (ảnh Lương Đỗ)
Những thành quả
Một mục đích của hội nghị thường niên này là tạo cơ hội hợp tác dài lâu giữa các cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam với bạn bè khu vực và quốc tế và các cơ quan chính quyền dân chủ. Hội nghị đã thành công trong mục đích này. Phần lớn các tham dự viên không chỉ đến với nhau trong 2 ngày hội nghị mà đã quây quần suốt một tuần lễ ở Đông Timor qua nhiều sinh hoạt khác nhau. Từ đó tình thân, mối cảm thông, và sự gắn bó đã nảy nở. Cô Tina Mufford thuộc Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế bày tỏ ý nghĩ về điều này một cách chân thành: “Thật là một kinh nghiệm xúc động cho tôi! Họ đã tự đặt mình trước mối nguy lớn… Họ phải lo lắng đối diện với bạo lực, tù đày hoặc tệ hơn nữa khi trở về nhà.Được gắp họ là niềm vinh hạnh và ưu đãi cho tôi.”
Cô Tina Mufford cùng với một số tham dự viên, ngày 02/08/2016 (ảnh Mỹ-Hạnh)
Mục tiêu thứ hai của hội nghị là tăng sự tự tin, hiểu biết và năng lực quốc tế vận của những cộng đồng tôn giáo và tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam. Chúng tôi cũng thành công trong mục tiêu này. Phần lớn các tham dự viên đến từ Việt Nam thoạt đầu tỏ ra e dè và bỡ ngỡ. Tuy nhiên họ đã tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm nhanh chóng trong 2 ngày hội nghị về tự do tôn giáo, để khi bước vào Diễn Đàn Người Dân ASEAN liền sau đó thì họ đã đủ tự tin để phát biểu và nối kết. Và khi trở về nhà, nhiều người trong số họ đã chủ động đề xướng công tác, huy động người khác nhập cuộc, và chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên trong cộng đồng của họ.
Mục tiêu thứ ba là báo động cho các tổ chức trong khu vực và trên trường quốc tế biết rõ thực trạng đàn áp tôn giáo và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Trong suốt 2 ngày Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo và 3 ngày Diễn Đàn Người Dân ASEAN, các tham dự viên đến từ Việt Nam đã thay phiên nhau trình bày về tình trạng đàn áp tôn giáo, tù nhân lương tâm, cưỡng chế đất đai… Ngay trong ngày đầu của Diễn Đàn Người Dân ASEAN, lời phát biểu của Cô Lê Thị Kim Thu, một “dân oan” thâm niên, đã làm ngỡ ngàng cả hội trường 850 người:
“Tôi bị 3 lần tù tổng cộng là 6 năm chỉ vì cái tội là đi đòi công lý. Tôi rất mong Quý Vị trong hội nghị ngày hôm nay hãy ủng hộ và lên tiếng để cho dân Việt Nam không chỉ riêng tôi mà còn rất nhiều người khác muốn ra dự hội nghị này nhưng mà khi vừa đến sân bay Tân Sơn Nhứt sẽ bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đuổi không cho đi và tịch thu hộ chiếu một cách vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Tôi cực lực lên án. Đất nước của chúng tôi không hề có nhân quyền. Nhân quyền theo cái kiểu giả tạo của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chứ không chứ không thực sự là nhân quyền, tự do và độc lập như mọi người.”
Mục tiêu thứ tư là chiếu ánh sáng lên các tổ chức xã hội dân sự quốc doanh do các chế độ độc tài nhào nặn ra để che mắt thế giới. Năm 2015 chúng tôi phát động chiến dịch “Not A GONGO” tại Diễn Đàn Người Dân ASEAN, tổ chức ở Kuala Lumpur, Malaysia. Lúc ấy từ “GONGO” chưa được nhiều người biết đến. Đó là chữ viết tắt của government-organized NGO, nghĩa là các tổ chức phi chính phủ do chính phủ tổ chức. Nói cách khác, đó là những tổ chức quốc doanh trá hình làm tổ chức xã hội dân sự. Chúng tôi cũng đã thành công trong mục tiêu này; bản tổng kết 10 năm Diễn Đàn Người Dân ASEAN, được công bố ngày 19 tháng 9 vừa qua, đã dành hẳn một chương về vấn nạn GONGO. Hầu như BPSOS là tổ chức duy nhất đã liên tục nêu lên vấn nạn GONGO – công cụ của các chính quyền độc tài nhằm thao túng xã hội dân sự.
Quầy thông tin của BPSOS về thế nào là GONGO tại Diễn Đàn Người Dân ASEAN năm 2015, Kuala Lumpur, Malaysia (ảnh BPSOS)
Quầy thông tin của xã hội dân sự độc lập tại Diễn Đàn Người Dân ASEAN năm 2016, Đông Timor (ảnh Lương Đỗ)
Hội Nghị Lần 3
Chúng tôi đã bắt đầu tiến trình hoạch định kế hoạch cho Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin ở ĐNÁ Lần 3, sẽ được tổ chức tại Philippines vào mùa hè năm 2017. Các cộng đồng tôn giáo độc lập ở Việt Nam được khuyến khích chuẩn bị nhân sự có sẵn passport, vững về tiếng Anh và am tường các vấn đề nhân quyền. Để hỗ trợ, chúng tôi cung ứng các buổi đào tạo về thế nào là tự do tôn giáo, các lớp dạy Anh văn, và chương trình kéo dài 12 tháng về hoạt động xã hội dân sự. Chúng tôi cũng xuất bản tập sách mỏng mỏng “Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin cho Mọi Người” để các cộng đồng tôn giáo độc lập tự tra cứu thêm.
Đồng thời chúng tôi đã bắt đầu nhắc nhở các nhóm “kết nghĩa” ở hải ngoại chuẩn bị gởi người tham gia. Theo công thức dân chủ hoá Việt Nam đã được trình bày, cứ mỗi cộng đồng ở trong nước chúng tôi lại tìm một nhóm người ở hải ngoại để kết nghĩa dài lâu. Qua đó hai bên phối hợp hành động và tương ứng với nhau. Tại hội nghị năm nay 21 người thuộc các nhóm “kết nghĩa” đã tự đài thọ chuyến đi Đông Timor. Trong suốt 5 ngày hội nghị họ đi kèm với các tham dự viên đến từ Việt Nam để giúp thông dịch và làm người hướng đạo như bóng với hình.
Tôi tin rằng tại Hội Nghị Lần 3 sẽ gặt hái nhiều thành quả hơn nữa.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen