VnMedia 13Sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân mới nhất hồi tuần trước, Hàn Quốc đã có phản ứng mạnh chưa từng có. Điều này cho thấy Seoul thực sự lo ngại về mối đe dọa hạt nhân từ nước láng giềng và họ cũng mất kiên nhẫn với tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Chính quyền Chủ tịch Kim Jong Un đang thổi bùng ngọn lửa căng thẳng trong khu vực bằng một vụ thử hạt nhân mới
Hôm 9/9, Triều Tiên đã thực hiện vụ thử hạt nhân thứ sáu của nước này, gây ra một cơn địa chấn mạnh 5,3 độ richter. Sức nổ của vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng được đánh giá có mức lên tới 10 kiloton - mạnh nhất từ trước đến nay. Có nguồn tin còn khẳng định sức nổ phải lên tới từ 20 đến 30 kiloton.
Khỏi phải nói, Triều Tiên đã hoan hỉ thế nào trước vụ thử hạt nhân mới nhất. Nước này đã nhanh chóng lên tiếng ca ngợi về thành công của họ trên con đường phát triển vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng khoe rằng, họ đã nắm trong tay công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để đưa lên tên lửa.
Không thể phủ nhận một thực tế là Triều Tiên đang đạt được những bước tiến mạnh mẽ trong chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này và đây là lý do khiến cộng đồng quốc tế thực sự lo ngại.
Vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên ngay lập tức vấp phải làn sóng chỉ trích, lên án giận dữ của nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hàn Quốc đã gây bất ngờ khi có phản ứng mạnh mẽ và “hung hăng” chưa từng có với nước láng giềng Triều Tiên. Seoul tuyên bố đã sẵn sàng cho kịch bản tồi tệ nhất và đe dọa sẽ biến Bình Nhưỡng thành “đống tro tàn”. Chưa dừng lại ở đó, Hàn Quốc đang lên kế hoạch mua thêm hàng chục vũ khí thiện chiến hàng đầu của siêu cường Mỹ cũng là cường quốc quân sự số 1 thế giới để đối phó với Bình Nhưỡng.
Ngày hôm qua (12/9), Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, nước này “đã chuẩn bị và sẵn sàng cho kịch bản tồi tệ nhất” sau khi Triều Tiên thực hiện vụ thử đầu đạn hạt nhân. Seoul tin rằng, chính quyền của Chủ tịch Kim Jong Un đang chuẩn bị nhấn nút cho vụ thử hạt nhân thứ bảy.
Hàn Quốc tuyên bố họ đã chuẩn bị sẵn các biện pháp để có thể biến Bình Nhưỡng – thủ đô của Triều Tiên – thành “tro tàn” nếu chính quyền của ông Kim Jong Un có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ có kế hoạch thực hiện một vụ tấn công hạt nhân.
"Tất cả các quận nằm trong thủ đô Bình Nhưỡng, đặc biệt là nơi giới lãnh đạo Triều Tiên ẩn nấp, đều sẽ hoàn toàn bị san phẳng bởi những quả tên lửa đạn đạo và những quả đạn pháo có sức nổ cực mạnh của chúng tôi ngay sau khi Bình Nhưỡng có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân", một nguồn tin trong quân đội Hàn Quốc đã tiết lộ như vậy với hãng tin Yonhap.
"Nói cách khác, thủ đô Bình Nhưỡng sẽ biến thành đống tro tàn và bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới”, nguồn tin trên nhấn mạnh.
Trong khi cộng đồng quốc tế đang tìm kiếm một biện pháp đáp trả vụ thử hạt nhân của Triều Tiên thì Hàn Quốc chọn cách làm rõ với nước láng giềng phương bắc rằng, họ đã sẵn sàng và có thể hành động nếu thấy nguy cơ về một cuộc tấn công hạt nhân.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hồi tuần trước đã đệ trình lên Quốc hội một kế hoạch có tên là Trừng phạt và Trả đũa Toàn diện Triều Tiên, trong đó một phần của kế hoạch là “xóa sổ một khu vực nhất định ở thủ đô Bình Nhưỡng ra khỏi bản đồ thế giới”.
Chiến dịch kêu gọi tấn công phủ đầu vào các địa điểm mà Chủ tịch Kim Jong Un thường xuyên có mặt. Cuộc tấn công cũng nhằm mục tiêu vào giới tướng lĩnh quân sự hàng đầu của Triều Tiên.
Seoul có kế hoạch sử dụng tên lửa đạn đạo đất đối đất tự chế để thực hiện cuộc tấn công. Tên lửa hiện đại nhất loại này là Hyunmoo 3, có tầm bắn hơn 600 dặm (hơn 1000km). Quân đội Hàn Quốc đang phát triển một phiên bản tên lửa mới có tầm bắn xa hơn và được trang bị khối lượng vũ khí lớn hơn.
Ngoài ra, ở Hàn Quốc đang ngày càng có nhiều lời kêu gọi Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân đến lãnh thổ nước này. Thậm chí, giới phân tích ở Viện Sejong còn kêu gọi Seoul tự phát triển năng lực hạt nhân độc lập của riêng mình để đối phó với nước láng giềng bất thường, khó đoán đang có vũ khí hạt nhân trong tay.
Hàn Quốc cũng đang cân nhắc mua thêm 20 chiến đấu cơ tối tân F-35 của Mỹ nhằm nâng cao năng lực không chiến của quân đội nước này. Ý tưởng trên được đưa ra sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên và đây rõ ràng là một biện pháp đáp trả của Seoul nhằm vào Bình Nhưỡng.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen