Freitag, 10. Juni 2016

Những cựu lưu học sinh Việt Nam tại Moritzburg, Dresden...

Hà Nội, ngày 28/5/2016
Kính gửi Ngài Thị trưởng Jörg Hänisch

Ngài Thị trưởng kính mến!

  Chúng tôi là Ngụy Hữu Tâm và Phạm Công, những cựu lưu học sinh Việt Nam tại Moritzburg, Dresden. Vào những năm 50 thế kỷ trước,  từng có 350 học sinh Việt Nam học 3-4 năm ở hai trường mang tên Maxim Gorki và Käthe Kollwitz tại nơi này.

  Chúng tôi nay đã là những „ông bà lão“ cả rồi, đang sống tại Hà Nội, thế nhưng không chỉ những học sinh Việt Nam từng học tại hai trường Käthe Kollwitz và Maxim Gorki, mà ở đó còn có những giáo viên và công nhân viên người Đức mà chính xác hơn là những người thuộc Bang Sắc-xông làm việc, và tất cả đều có những kỷ niệm đẹp đẽ về những năm tháng vào những năm 50 và 60 thế kỷ trước, khi sống tại đấy.
  Không chỉ 3-4 năm ấy, mà cả 3 năm học nghề ở nhiều thành phố CHDC Đức tiếp theo, rồi sau đấy còn nhiều năm học đại học hay nghiên cứu sinh ở các trường đại học của nước CHDC Đức làm chúng tôi luôn mang nặng tình nghĩa với nước Đức và nhân dân Đức.

  Chúng tôi cũng luôn biết ơn người Đức ở cả hai phía của bức tường, vì đó là sự cảm thông đầy nhân tính với khẩu hiệu „Đoàn kết với Việt Nam bây giờ cần hơn bao giờ hết“ ở phía Đông và phong trào sinh viên phản chiến những năm 1968 với khẩu hiệu „Hồ, Hồ Chí Minh“ ở phía Tây, thế nhưng trước hết là sau 1975 với con tàu “Cap Anamur” cứu vớt người tị nạn Việt Nam ở phía Tây.

  Sau khi bức tường Berlin xụp đổ và rồi toàn cầu hóa, chúng tôi không chỉ nghĩ khác về Việt Nam mà cả nước CHDC Đức. Và dĩ nhiên chúng tôi có quan điểm chính trị của chính mình.

  Bởi vậy chúng tôi không chỉ không vui mà còn tức giận khi nghe tin chính phủ CHXHCN Việt Nam dự định xây tượng Hồ Chí Minh tại Moritzburg và đang xin chính phủ CHLB Đức làm việc đó. Thậm chí có một số người Đức ủng hộ dự án này.

  Chúng tôi quan niệm rằng, Hồ Chí Minh có mặt tốt và xấu, và vì nay đang còn nhiều tranh cãi về ông ta, nên tốt nhất là nên để cho ông ta yên, thậm chí có lẽ ông ta chẳng xứng đáng với việc ấy. Người ta đã xây cho ông ta quá nhiều ngôi tượng to lớn và tốn kém ở nhiều thành phố Việt Nam và thậm chí cả một cái lăng vĩ đại – nhưng là ngược với di chúc ông ta - ở Hà Nội. Ai muốn ngắm ông, xin mời về Hà Nội hay những thành phố khác của Việt Nam! Không nhất thiết phải đến MoritzburgDresden!

  Đã có quá đủ nhiều điều xấu xa mà nhiều người, trong đó có cả chính phủ CHXHCN Việt Nam và Đảng Cộng Sản lợi dụng tên ông ta để làm. Qua đó chúng ta chỉ làm xấu tên tuổi và những mặt tốt của ông ấy mà thôi.

  Ở Moritzburg hay Dresden chỉ nên có một tấm biển đơn sơ ghi nhớ 350 lưu học sinh Việt Nam đã từng ở đây, không nhất thiết phải nhớ tới Hồ Chí Minh.

  Nhưng trước hết xin Ngài nhớ rằng, ngày nay Việt Nam phụ thuộc nước Trung Hoa cộng sản đến mức nào, cả chính trị lẫn kinh tế. Những điều mà chính phủ Việt Nam „độc lập“ xin chính phủ CHLB Đức giúp đỡ để chống lại „ông bạn lớn“ khi Trung Quốc dùng lực lượng quân sự xâm chiếm „Biển Đông“ của chúng tôi là không đúng, đó chỉ là trò hề chính trị.

  Bọn tư bản ở Bắc Kinh và Đài Loan đã xây nên rất nhiều nhà máy điện, xi-măng, gang thép, hóa chất, ... bóc lột công nhân chúng tôi và trước hết hủy hoại sông ngòi và biển Việt Nam. Những thực phẩm rẻ tiền nhập từ Trung Quốc đầu độc người Việt lâu dài. Tàu quân sự Trung Quốc chiếm biển Việt Nam, săn đuổi những tàu cá bé nhỏ của ngư dân chúng tôi, muốn cướp dầu mỏ ngoài khơi của chúng tôi!

  Về đối nội, chính phủ Việt Nam do Đảng Cộng sản độc tài điều khiển, bắt chước Trung Quốc: đàn áp các cuộc biểu tình của ngư dân và những người bảo vệ môi trường chống lại vụ Công ty ‘Formosa’ gây ô nhiễm Vũng Áng, đàn áp nông dân vì bị mất đất và những người công giáo và những người đấu tranh cho dân chủ ôn hòa khi họ đấu tranh cho sự tự do phát biểu ý kiến.

  Chúng tôi hy vọng Ngài hiểu chúng tôi và có cùng quan điểm với chúng tôi, hỗ trợ chúng tôi trong cuộc đấu tranh vì môi trường trong sạch ở Việt Nam, và nói chung trong cuộc đấu tranh vì quyền con người, vì dân chủ, tự do, vì xã hội dân sự, cho một nước Việt Nam tiến bộ với nền kinh tế thị trường xã hội.

  Xin gửi Ngài lời chào trân trọng !
              
Ngụy Hữu Tâm, nhà báo và tác giả sách
Phạm Công, nhà khoa học và tư vấn bằng phát minh


* * *

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen