Nước Pháp dành trọn ngày thứ sáu 9/12/2017, để vinh danh Johnny Halliday , người ca sĩ đã đồng hành với đất nước này trong vòng 60 năm trải qua 8 đời Tổng Thống (Charles de Gaulle, Georges Pompidou, Valéry Giscard d’Estaing, François Mitterrand, Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy, François Hollande và Emmanuel Macron). Từ sáng sớm, dân chúng đổ ra đường dọc theo lộ trình của đoàn xe tang và nhất là tụ họp chung quanh nhà thờ để được dự thính thánh lễ qua các loa truyền thanh, bất chấp mùa đông lạnh giá. May mắn nhiệt độ trên dưới 0°C nhưng với ánh nắng mặt trời rạng rỡ, như Trời chiều lòng người quá cố, tỏa ánh sáng cho người ca sĩ mà những ai thân cận với ông đều nói là Johnny dành cho đồng nghiệp, cho bạn bè hay cho người quen biết một tấm lòng rộng lượng, hào phóng. Qua ngày hôm sau, trời lại mưa, tuyết và bão mạnh.
Chiếc xe tang với quan tài màu trắng, hộ tống bởi cảnh sát và 700 moto Harley Davidson trên đường đến nhà thờ, được đông đảo dân chúng chào đón. (Báo chí đã mệnh danh Johnny Hallyday là ‘monument du patrimoine culturel nationnal’ (môt biểu tượng của di sàn văn hóa quốc gia).
Suy ra, đông đảo dân Pháp trân trọng người ca sĩ này với một sự yêu mến nồng hậu cũng rất dễ hiểu : trong khoảng 1000 bài nhạc qua 60 năm ca hát trải qua 3 thế hệ, người Pháp nào cũng thuộc một bài nhạc của Johnny để kỷ niệm cho tâm sự mình : khi vui, khi buồn, khi thất tình hay khi đang yêu đương họ đều có một bài để ngân nga. Nên khi Johnny qua đời ở tuổi 74, người Pháp như mất đi một người thân thuộc và họ khóc ông một cách chân thành.
Johnny Halliday tên thật là Jean-Philippe Smet, cha là một nghệ sĩ kịch nghệ và đàn ca người Bỉ (không nổi tiếng) đã bỏ rơi con lúc 8 tháng. Được người Cô nuôi dưỡng từ lúc ấu thơ vì mẹ, một cô gái Pháp làm nghề mẫu cho các tiệm may, cũng bỏ con chạy theo sự nghiệp. Có khiếu về nhảy múa và đàn hát, Johnny sống bằng cách đi trình diễn nhiều nơi cùng với gia đình người cô và 2 con gái của Cô mình, mà chồng của một người chị họ này là một nghệ sĩ Hoa Kỳ có nghệ danh là Hallyday.
Lần đầu tiên Johnny xuất hiện trên truyền hình Pháp vào năm 1960 ở tuổi 17 và nhanh chóng được công chúng biết đến như một thần tượng, ông cũng có một bài hát «L’idole des jeunes » để nói về hiện tượng này. Nhờ khuôn mặt bảnh trai, dáng dấp hào hoa và lối trình diễn sống động, mới mẻ : vừa đàn hát vừa nhún nhẩy, giới trẻ bị cuốn hút gần như điên cuồng. Nhưng báo chí Pháp dạo ấy đã khinh miệt cho là hiện tượng Johnny đoản kỳ, không kéo dài bao lâu, và gọi một cách mỉa mai là lối trình diễn theo kiểu ‘yéyé’ (nói trạy của chữ ‘yes’) vì Johnny đem điệu nhạc rock và twist của Mỹ vào đất Pháp bắt chước theo phong cách Elvis Presley, thần tượng của ông. Sau này trái lại, khi nói đến phong trào ‘yéyé’ người ta nghĩ đến thời 1960, sixties, để chỉ mọi loại âm điệu nhạc, mọi ca sĩ trẻ của thời ấy.
Đó cũng là thời của “Salut les copains” một chương trình nhạc trẻ phát thanh hàng ngày vào buổi chiều, sau giờ tan học của Đài Europe 1. Giới trẻ Pháp đã mê say theo dõi chương trình này và sự hâm mộ đến mức một tuần báo cùng tên phải ra đời để đáp ứng thị hiếu của họ. Tờ báo Salut Les Copains (Thân chào bạn hữu) chuyên thông tin và đăng hình ảnh về các ‘thần tượng nhạc trẻ yéyé’ gồm có : Johnny Halliday, Sylvie Vartan, Sheila, Françoise Hardy, Jacques Dutronc, Eddy Michel, Richard Anthony, Salvatore Adamo, Hervé Villard ...
Tiên đoán «hiện tượng Johnny đoản kỳ» không linh ứng, vì từ những năm ‘sixties’ đến nay, Johnny vẫn giữ vị trí hàng đầu trong các ca sĩ mà người Pháp yêu chuộng, bán được hơn 110 triệu đĩa, 3257 buổi trình diễn nhạc mà mỗi buổi phải tổ chức ở các sân đá bóng để có thể chứa hết số lượng khán giả đến xem. (80 000 đến 100 000 người). Chừng ấy cũng đủ thấy người Pháp và những dân tộc nói tiếng Pháp (Bỉ, Thụy Sĩ ….) mê say Johnny đến mức nào. Vừa nghe Johnny qua đời vì bịnh ung thư phổi, cả hệ thống truyền thanh, truyền hình Pháp dành suốt chương trình để loan tin và nhắc lại con đường sự nghiệp ca hát của ông.
Tang lễ Johnny được diễn ra một cách trang trọng, tại nhà thờ Madeleine ngay trung tâm Paris, với sự có mặt của Tổng Thống Macron và phu nhân, cả 2 cựu Tổng Thống Hollande và Sarkozy cũng hiện diện.
Vợ chồng TT Macron tưởng niệm trước quan tài Johnny
Về phần gia đình, ngoài người vợ hiện thời Laeticia và 2 đứa bé gái VN Jade và Joy được nhận làm con từ năm 2004, có cả 2 người vợ trước Sylvie Vartan, Nathalie Baye cùng 2 con của họ. Người ta thấy 2 cô bé VN khóc thương cha Johnny và được mẹ, Laeticia, ôm trong vòng tay.
Laeticia ôm Jade và Joy, cùng với Laura, con gái Johnny có với tài tử Nathalie Baye.
Người Pháp đã biết vợ chồng Johnny-Laeticia đến VN vào năm 2004 để nhận làm con, một bé gái trong viện mồ côi và vài năm sau đó nhận thêm một bé gái khác nữa. Nhưng ít ai biết là Johnny cùng vợ đã thương yêu 2 cô bé này đến mức nào.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen