Phan
Dường như trong ai là người Việt nhưng sống ở hải ngoại đều biết bản
nhạc “Sài gòn vĩnh biệt” của nhạc sĩ Nam Lộc. Riêng tôi đã gặp anh nhiều
lần, ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ. Nhưng chỉ là công việc và công việc
bù đầu của anh chị em làm truyền thông trong những dịp đại hội của cộng
đồng, đâu có thời giờ trò chuyện riêng. Rồi một hôm gặp nhau Dallas
trong kỳ Đại hội Cựu tù nhân Chính trị. Đêm về, những anh chị em truyền
thông, ca nhạc sĩ thường tụ tập ở nhà thân hữu nào đó để trò chuyện, ăn
uống và nghỉ ngơi, chứ đâu ai muốn ở khách sạn một mình cho buồn. Tôi
nhớ ở sân sau nhà anh Thạch và chị Khanh, tôi mới thua ca sĩ Thế Sơn một
ván cờ tướng nên phải nhường chỗ cho đối thủ kế tiếp vì Thế Sơn tuổi
trẻ nhưng cao cờ!
Tôi tản bộ theo những lối đi quanh nhà anh chị
Thạch cho mát với gió về khuya vì mùa hè Dallas thì nóng khỏi nói, và
gặp anh Nam Lộc cũng tản bộ, có lẽ anh có việc riêng! Nhưng không, chỉ
là trò chuyện với gia đình vì đại hội lớn nên anh phải ở lại Dallas đến
mấy ngày. Thế là tôi với anh trò chuyện sau khi anh cúp điện thoại. Tôi
hỏi: “Anh Lộc, tâm trạng và tâm thức của anh khi viết bài Sài gòn vĩnh
biệt ra làm sao? Anh có hài lòng với ca từ mà anh đã dùng để diễn tả
không?”
Tôi nhớ anh trả lời, “ tâm thức của anh, cũng như những
người bạn, nhiều người khác không quen nhưng cũng vừa rời khỏi Sài gòn
thất thủ giống nhau ở cảm giác tức tưởi như mình bị rứt ra khỏi nơi chốn
mà mình chưa từng nghĩ đến trước đó! Nên tâm trạng cũng giống nhau là
không biết bao giờ có thể trở về. Từ những cảm nghĩ cá nhân mà lại rất
chung đó, anh viết bài Sài gòn vĩnh biệt như ghi lại một cảm xúc rất
chung của mọi người từ những tâm tư riêng… Còn ca từ thì tự nhiên là
vậy. Bởi anh chỉ cốt sao diễn tả đúng cảm xúc…”
Chỉ là trò chuyện
giữa anh em với nhau trong thời lượng đốt hết điếu thuốc rồi vào nhà để
cùng mọi người trò chuyện. Nhưng “cảm giác mình bị rứt ra khỏi nơi chốn
mà mình chưa từng nghĩ đến trước đó…” thì ở lại trong tôi vì chính tôi
cũng cảm thấy thế khi đặt chân đến Mỹ. Tiếp theo là thời gian lâu sau
tôi vẫn nghĩ thế chứ lại không quan tâm nhiều tới chuyện hội nhập. Đời
sống Mỹ có thể vắt kiệt sức lực của người mới đến vì phải tạo dựng lại
đời sống từ đầu, nên không có, không còn thời gian để nghĩ ngợi nhiều.
Nhưng rồi đời sống ổn định dần theo thời gian định cư, thì tâm tư vẫn
không ổn định được bằng một sự chấp nhận cần thiết để an nhiên. Đâu đó
trong đêm ngày hằng sống với tiện nghi ở nước Mỹ, nhưng vẫn mơ hồ về Sài
gòn như mới hôm qua. Sự rứt ra đau nhói không hề giảm trong tâm thức,
chứ không phải nổi đau bị rứt ra đã lên sẹo mấy mươi năm sống ở hải
ngoại nên chỉ buồn khi nhìn lại thời gian và tâm tư mình.
Rồi
những người bạn ở địa phương cũng thường chia sẻ với tôi cảm nghĩ, cảm
xúc về Sài gòn qua làn gió cuối năm, mùa hạ đến, xuân về, ngày tết, mùa
thu, lễ, giỗ những vị anh hùng dân tộc… Đâu đó trong tâm thức những
người đã từng sống và rời khỏi Sài gòn với muôn ngàn lý do khác nhau thì
vẫn chung nhau một nỗi nhớ Sài gòn muôn vẻ bởi tự thân Sài gòn (nhìn
lại) thì đó là một thành phố bao dung với tất cả mọi người. Ai vì hoàn
cảnh nào phải đến sinh sống ở Sài gòn thì liền sau những bỡ ngỡ đầu tiên
là sự cảm mến người Sài gòn và những người đến Sài gòn trước mình, là
nét đẹp rất riêng của Sài gòn so với các tỉnh thành trên toàn quốc. Nên
người đến rồi khi phải đi đều lưu luyến mãi dù hoàn cảnh nào, nguyên
nhân gì của mỗi cá nhân có mặt ở Sài gòn thì vẫn chung nhau cảm giác bị
rứt ra khi phải rời xa Sài gòn.
“Sài gòn ơi…!” Như một lời ta
thán buồn, nhưng cũng lại là một nỗi nhớ yêu thương không gì khoả lấp
được. Bởi Sài gòn khác hết mọi nỗi chia xa là cảm giác bị rứt ra của
chung mọi người đã từng sống, hít thở không khí Sài gòn…
Sáng nay
có một độc giả vong niên ở địa phương đã hẹn tôi uống cà phê cuối tuần.
Sau những lời thăm hỏi nhau về sức khoẻ và gia đình. Ông mở điện thoại
đưa cho tôi đọc vài đoạn văn về Sài gòn mà ông đã cố tình lưu lại cho
tôi đọc. Và hỏi tôi có còn giữ đoản văn tôi đã viết về Sài gòn từ nhiều
năm trước, ông muốn đọc lại. Bởi ông là người Sài gòn nhưng trước thế hệ
tôi, nỗi nhớ trong ông về Sài gòn đã khan hiếm người cùng thời để chia
sẻ về Sài gòn thời Tây. Tôi đọc văn của những người không quen nhưng
thật gần gũi như người cùng thời Mỹ với nhau ở Sài gòn nên nỗi nhớ không
có ranh giới ý thức hệ, bất luận là nam hay nữ; chỉ là nỗi nhớ chung về
một Sài gòn bao dung với mọi người, muôn đời . Xin chép lại đôi dòng…
Nhìn từ một phía…
Sài Gòn là miền đất lạ kỳ. Nó kỳ lạ đến mức nhiều người chẳng biết
viết gì nói gì về nó cho thỏa đáng. Nó khiến cho người ta nhớ nó khi
đang ở trong lòng nó, và người ta thương nó bằng một thứ tình cảm mơ hồ
nhưng mãnh liệt, như một kiểu tình nghĩa khác, tương tự tình quê hương.
Tôi đến Sài Gòn lần đầu tiên năm 1991, trên một chiếc xe cấp cứu.
Không phải xe chở tôi, nó chở một người bệnh viêm màng não từ Quảng Ngãi
vào Chợ Rẫy, tôi xin quá giang. Tôi nhớ, khi anh tài xế lần đầu tới Sài
Gòn đã đi nhầm đường một chiều và bị hàng loạt xe gắn máy suýt đụng
phải. Tôi nhớ mình đã tháo cái nhẫn hai chỉ vàng trên tay để nhét vô
giày vì nghe nói cướp ở Sài Gòn sẵn sàng chặt tay ai đó chỉ để cướp một
chỉ vàng.
Ngày đó, điều nhận thấy đầu tiên của tôi là Sài Gòn
quá lớn và quá đông. Tới bây giờ, tôi vẫn thấy Sài Gòn quá lớn và quá
đông người – Sài Gòn lớn, từ ruộng đồng Hóc Môn ra đến biển Cần Giờ, từ
vườn cây Thủ Đức mút đến miệt Bình Chánh xa xôi. Sài Gòn đông. Ngoài
đường, trong chợ, trong hàng quán đều ngùn ngụt người. Từ khu Chợ Lớn
đầy người Hoa đến khu Dân Sinh muốn kiếm cái gì cũng có. Từ những đường
phố tấp nập người xe đến những ngôi chợ bán buôn thâu đêm suốt sáng. Đâu
đâu cũng đầy người, càng ngày càng đông. Người ta bảo rằng, hơn phân
nửa số người bạn gặp ở Sài Gòn không phải là người Sài Gòn chính gốc,
như tôi chẳng hạn.
Ở Sài Gòn có một thứ không khí quánh đặc
bởi bụi, khói, bởi mùi mồ hôi, mùi đồ ăn, bởi tiếng xe, tiếng người, bởi
muôn ngàn thanh âm mà một khi đã quen hít thở nó, bạn sẽ không bao giờ
quên được. Ở Sài Gòn thỉnh thoảng có người chạy theo bạn ngoài đường chỉ
để nhắc bạn nhớ gạt chân chống xe hoặc coi chừng rớt cái ví lòi ở túi
quần sau. – Hà Phú
Cảm ơn một người bạn. Qua văn, không cần biết
anh là ai, từ đâu đến, để làm gì, và đã đi đâu…? Nhưng điều cần nói với
anh nhất là lời cảm ơn anh đã ghi lại tâm tình của một người không phải
người Sài gòn, nhưng đã “yêu quá đi mất rồi” thành phố bao dung ấy.
Tôi đọc đoản văn khác…,
Chuyện vặt…
Anh Chương vô bệnh viện. Anh em thằng Tài thay nhau vào thức đêm chăm
non. Mai thằng Tài học, đêm nay anh nó ngủ canh ngoài hành lang. Thằng
Tài quê Quảng Nam, vô Sài Gòn học cao đẳng. Tối nó bưng bê cho nhà hàng
kiếm chút đỉnh đặng giúp anh đóng tiền trọ.
Vô bệnh viện thăm
anh Chương, bắt máy gọi ảnh. Thằng Tài nghe máy rồi ra cửa bệnh viện
đón. Nó đứng tần ngần ngoài phòng mổ dòm vô, nói chú Chương vừa vô
trỏng. Con mắt nó đỏ lè, bứt rứt không yên. “Chú Chương vầy, cháu phải
nghỉ bán quán vài hôm. Có xin ông chủ rồi”.
Hỏi thằng Tài, chớ
mày là gì của ông Chương? Sao hổng gặp mày bao giờ? Nó gãi đầu nói dạ
hông. Con với chú Chương đụng xe ngoài ngã tư. Con đi mần về khuya mệt,
gặp chú xỉn nên đụng. Con đưa chú vô đây. Anh em thay nhau chăm. Chừng
nào chú Chương khỏe, con đi làm lại. Chú bị bể xương bả vai, sợ nặng quá
chú à!
Vậy chớ ổng xỉn, sao mày hông dọt luôn? Thằng nhỏ gãi
đầu cười méo xệch: Tại con thấy kỳ, chú bị vầy mình đành lòng bỏ đi sao
đặng.
Thằng Tài ngồi ngoài phòng mổ, mở nắp hộp cơm lùa nuốt vội. Lâu lâu nhón cái cổ dài tòng ngó vô bên trong cánh cửa đục nhòe.
Cái thằng. Thiệt thương! Anh Chương xuất viện rồi. Bị gãy xương đòn.
Chi phí chừng 16 triệu đồng. Họa vô đơn chí, anh vừa bị công ty cho
thôi việc tài xế. Đại gia đình anh khá khẩm lắm. Nhưng hoàn cảnh riêng
anh, hai thằng cu tuổi ăn tuổi lớn, vợ lọt tọi đi giao báo kiếm bạc cắc.
Cũng khổ quá chừng.
Thằng Tài đụng ảnh, mấy đêm anh em thay
nhau chăm anh trong bệnh viện. Bọn nó mang tiền tới. Anh Chương không
nhận. Ảnh nói bà mẹ tụi nó, ba mẹ bán vé số ở quê, thằng anh vừa đại học
ra trường, nuôi thằng Tài học cao đẳng, thêm một đứa em gái nữa. Thằng
Tài đi bưng bê ở nhà hàng Ngọc Sương.
Hôm đưa anh vô cấp cứu,
thằng Tài khóc quá trời. Nó run run dúi vào tay anh hai triệu đóng trước
viện phí. Nó rách bươm, làm gì có tiền. Nhân viên nhà hàng phước đức
hùn hạp được chừng ấy tiền đưa cho nó. Thấy nó khóc quá chừng, anh nhận.
Đợi nó bình tâm, anh kêu nó ra quán cà phê trả lại nói mày cầm về mấy
anh em lo cho nhau. Thằng Tài khóc nữa.
Mình nói chờ 16 triệu
cũng căng hà. Anh Chương cười khà khà nói kệ bà nó, mình ráng xoay được,
chớ tụi nó khổ vầy mình nỡ bắt đền sao đành. Anh em tụi nó thay nhau
chăm mình như người thân, mình cũng đỡ tủi rồi. Tiền bạc dễ kiếm chớ
người tử tế như anh em nó khó à. Cái thằng dễ thương hiền khô hà, dòm
tội lắm…
Mình nói, gãy xương đòn vậy chớ có cầm ly được hông
cha nội? Thằng chả cười hằng hặc nói thôi mày tha cho tao, mấy cha bác
sĩ bắt uống cả núi thuốc muốn lòi con mắt. Chừng nào quất được tao hú
máy liền. – Tiến Tường
Đọc những đoản văn không rõ xuất xứ,
không đầu không đuôi, lại thích. Tôi đọc hai ba lần về những người không
quen mà thật gần như bạn hữu báo tin về Sài gòn mà tôi đã bị rứt ra từ
lâu rồi! Ở đó có hết những mảnh đời trôi dạt… về Sài gòn; Sự bon chen
của đua đòi, hà khắc của chế độ; hố phân cách giàu nghèo đến mức báo
động cho một thành phố không ngủ. Nhưng những gì thấy được chỉ là bề nổi
của tảng băng tan. Những nghịch lý sẽ phải chấm dứt theo đà văn minh
nhân loại, vấn đề chỉ còn ở thời gian mà thôi. Điều cốt lõi ở mảnh đất
ân tình ấy là hoa lòng vẫn nở từ nghịch cảnh. Thậm chí càng nghịch cảnh
thì những người cùng khổ càng tử tế với nhau hơn. Hãy tin tưởng vào lòng
người đã hít thở không khí Sài gòn sẽ tử tế từ đó về sau dù hoàn cảnh
buộc rời xa vùng đất bao dung ấy thì ân tình có được với mưa nắng và con
người Sài gòn sẽ nuôi dưỡng từng tâm tư nhỏ nhoi, phiêu bạt… thành
người.
Cảm ơn những người bạn chưa bao giờ gặp.
Tôi về tìm
lại để gởi cho ông bạn (độc giả lão thành) ở địa phương đoản văn ông
hỏi tôi sáng nay. Thì ra đó là đoản văn tôi ghi lại cảm xúc những ngày
sắp tết của một người con của Sài gòn là tôi, vì mẹ tôi sinh ra tôi ở
Sài gòn. Đứa con phiêu lãng của mẹ sanh là người bắc di cư, và mẹ dưỡng
là Sài thành với những vỉa hè, góc phố nào cũng có dấu chân đứa con
nghịch ngợm. Nhưng đã nửa đời phiêu hốt muôn phương. Nhận được tấm thiệp
Giáng sinh của bạn bè từ Sài gòn gởi ra bằng đồng lương khó khăn của
giới giáo viên trong nước bây giờ. Sài gòn trong tôi là người mẹ dưỡng
mà tôi không bao giờ nghĩ khác được là mình bị rứt ra…
Sài gòn trên cánh thiệp…
Sài gòn biến động: thành phố nhiều cảnh sát, quân đội, biểu tình, đảo
chánh, giới nghiêm, tự thiêu… Không gian đại bác vọng về, chiến tranh
ngày càng khốc liệt. Tôi lớn lên. Sài gòn vẫn mini jupe trên đường Tự
Do, áo trắng Trưng Vương trắng cả con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường
Cường Để cây cao bóng mát chạy dài xuống xưởng Ba Soon, trời mưa-nắng
chẳng vì đâu như tâm tình con gái. Rạp Đa Kao ồn ào, sân banh Hoa lư
cháy nắng, hồ bơi Yết Kiêu, bi da Nguyễn Bỉnh Khiêm tập tành nhả khói
lên tàn me. Chiều mưa ăn bún ốc ở Vườn Chuối thơm ngon cả đời. Chợ tết
Bến Thành huyên náo, cyclo đạp tà tà, cyclo máy khói mù, xe ba bánh, xe
bò vào thành phố, ghế đá công viên thấp thoáng nhân tình. Những bà mệnh
phụ giàu có đi bắt ghen bằng xe hơi Peugeot, tiểu thư bước xuống từ
những cửa xe bóng loáng, sà vào một gánh bò bía, xe gỏi khô bò… hồn
nhiên. Ngồi uống ly nước mía – một hôm – thấu ngọt, vì – biết đẹp. Nói
làm sao hết về Sài gòn trong ký ức.
Sài gòn trên cánh thiệp
đã vắng linh hồn ngày tháng cũ! Thời gian mang đi nhiều điều trừ giấc
mơ tìm lại dấu chân trên hè phố… “Saigon ơi, tôi đã mất Người trong cuộc
đời, Saigon ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời.” Sài gòn trên cánh
thiệp chỉ còn những vụn vỡ của ngày tháng; đã tan biến ước mơ ngày cũ.
Viết, như níu kéo thời gian, hoài niệm, hồi tưởng qua cánh thiệp bạn bè
về khung trời một thuở; những con đường lất phất mưa bay, đường nhà ai
vắng ngắt, hàng cây lim dim ngủ – con đường có cánh hoa vàng… mây vẫn
trắng trôi theo nhau biền biệt/ em có về con đường ấy nữa không! Sài gòn
của tuổi nhỏ, bạn bè, người mơ, bác xích lô ở dốc cầu Công Lý, có tấm
bản đồ trên lưng áo bạc vì mồ hôi muối; bóng đêm đồng lõa với ăn sương,
người bạn nhỏ đánh giày ngủ ở mái hiên Đinh Tiên Hoàng, có cô em bán
thuốc lá lẻ trong cái hộp gỗ đằng Sở thú. Hai chị em sanh đôi nhà kia
như hai giọt nước chỉ thèm đi học nhưng phải đi bán báo. Hôm bán báo
trời mưa – mặc áo mưa vẫn ướt nên hết vốn. Cha đánh, mẹ mắng vì sinh
nhai chứ không đánh chửi vì trốn học đi bơi, đá banh, thụt bi da, hút
thuốc lén, đánh lộn… như tôi. Hai giọt nước đã ướt đẫm linh hồn tôi
thuở nhỏ nên mưa Sài gòn không bao giờ khô tâm tưởng này.
Sài
gòn nhạt nhòa trên cánh thiệp. – Ai còn, ai mất, ở đâu, lãng đãng, lưu
lạc, thật gần… hụt biến. Sài gòn trên cánh thiệp, chở những tâm tình ký
ức về đâu, những con đường ta qua đến nay bao tuổi… Sài gòn với mươi đại
lộ, trăm đường lớn, ngàn đường nhỏ, vạn hẻm quanh co… hắt hiu vàng ánh
điện câu. Sài gòn cười gượng để đêm về trút hết tâm tư lên blog, lên
những con đường vạt gót chân xiêu như tâm tư bạn bè còn trong nước.
Nhưng hơn gì người chân trời góc bể với mùa thu lá rụng, cái rét đầu
đông – hồn cố hương bay…
Ai vẽ đường Tự Do hời hợt trên cánh
thiệp như thiếu tôn trọng những dấu chân đã đi về trên con đường ấy, mây
ngàn năm biết quay về với linh hồn dị thảo. Sao con đường thiếu dấu
chân ai… em còn nhớ hay em đã quên, nhớ Sài gòn mưa rồi chợt nắng. Đường
Catinat trong sách sử thành đường Tự Do sau 1954. Góc đường Lê Thánh
Tôn, có quán café La Pagode, nhà hàng Givral, Brodard, thả xuống
Continental, Eden, toà nhà Quốc hội, Caravelle Hotel, tới Majestic – bến
Bạch Đằng. Con đường nổi tiếng thời thượng với Mai Thảo, Thanh Nam,
Nguyễn Đình Toàn, Thái Thủy, Hoài Bắc, Cung Tiến, Đinh Hùng… “Đường vào
tình sử”. Quán La Pagode đặc biệt không có cửa, không có kính, không có
màn, nên ngồi ở những bàn gần đường, bàn kê ngoài hè phố, sẽ dễ cảm
nhận tà áo ngang qua, thoang thoảng mùi nước hoa sang trọng Chanel
Number 5 của con nhà giàu hay mùi Tabou quyến rũ của cave. Ở La Pagode,
order một ly cà phê hay một chai bia 33, bia con cọp, rồi thơ thới hân
hoan mà nhìn đời, ngắm người…
Sau 1975, Đồng Khởi vùng lên
mất Tự Do. Con đường vắng rì rào cơn mưa đổ từ Bến Bạch Đằng, khách sạn
Majestic tới Vương Cung Thánh Đường, nhà Bưu điện… chỉ thấy mưa sa trên
nền cờ đỏ. Sau lưng nhà thờ là đường Duy Tân. Con đường tình ta đi của
nhiều thế hệ Sài gòn. Trên cánh thiệp Giáng sinh hôm nay, Sài gòn đã
vắng linh hồn lá đổ, ai chờ mong em chín đỏ trái sầu. Tình nhân không
còn hôn nhau nơi ghế đá công viên, cùng đi nhà sách Khai Trí để gặp gỡ
văn minh thế giới, hay vào rạp ciné Eden, Rex tránh nắng nung người.
Không còn người làm thơ áo lụa Hà Đông vì con gái bây giờ…
Sài
gòn trên cánh thiệp chỉ còn hai tiếng cảm ơn bạn bè hơn gợi nhớ, hoài
niệm về khung trời từ đó ra đi… – (Phan – Giáng sinh 2008)
Sài
gòn ơi! Thôi đã hết thời gian tuyệt vời. Nhưng những con người biết cảm
nhận và yêu qúy Sài gòn theo duyên phận một lần đến… là để đi, để rời
xa, để yêu thương mãi về mảnh đất bao dung với tất cả mọi người. Viết về
Sài gòn thật không dễ tìm ra thù hận từ một cá nhân. Nếu có hận chỉ là
người hận người vì người phụ người ở Sài gòn chứ không ai hận Sài gòn từ
trong tâm tưởng; từ một lần đến… là để đi, để rời xa, để yêu thương mãi
về mảnh đất bao dung với tất cả mọi người.
Phan.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen