Điệp Mỹ Linh
Chủ Nhật, 18 tháng 12 vừa qua, lúc 5:30 giờ chiều, tại nhà hàng Kim Sơn trên đường Bellaire tại Houston, Trường Việt Ngữ Hùng Vương
Chủ Nhật, 18 tháng 12 vừa qua, lúc 5:30 giờ chiều, tại nhà hàng Kim Sơn trên đường Bellaire tại Houston, Trường Việt Ngữ Hùng Vương
đã tổ chức dạ tiệc Kỷ Niệm 30 Năm Thành Lập, với chủ đề Tôi Là Ai.
Trong buổi dạ tiệc, chúng tôi thấy sự hiện diện của quý vị đại diện dân cử và các đơn vị học chánh thuộc thành phố Houston, như:
· Ông Hubert Võ, Dân biểu của tiểu bang Texas, District 146;
· Dr. Steve Lê, Houston City Councilman, District F và phu nhân;
· Dr. Lily Trương, Alief ISD Board of Trustee, Position 1 và phu quân;
· Dr. Melissa Gonzalez, Chief of Staff of Houston Community College System và phu quân;
· Dr. William Harmon, President of HCC Central Campus và phu nhân;
· Mr. Jason Wilson, Acting HCC Central Campus President và cô Stephanie Dixon;
· Dr. Kathleen Fleming, Executive Director of Administrative Services và Dr. Martha Oburn;
· Dr. Gigi Diễm Uyên Đỗ, Managing Director of International Markets for Ross University School of Med and American University of the Caribbean School of Medicine;
· Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh và phu quân
Chúng tôi cũng thấy sự hiện diện của 3 Sáng Lập Viên của Trường Việt Ngữ Hùng Vương: Bà Lê Thị Vân Anh và phu quân; Dr. Lê Thị Huyền và phu quân; bà Phạm Xuân Nguyệt và phu quân.
Quý vị thuộc Ban Quản Trị: Ông Phạm Thế Phiệt, bà Bùi Thúy Phượng và bà Lê Thùy Liên.
Đại diện Ban Điều Hành: Hiệu trưởng Bùi Thanh và phó hiệu trưởng Nguyễn Lâm Viên.
Đại diện Hội Phụ Huynh Học Sinh: Ông Võ Văn Vân, bà Nguyễn Phương Thư, ông Huỳnh Văn Dũng và ông Tạ Nghĩa.
Rất nhiều bạn hữu từ các trường Việt ngữ khác thuộc thành phố Houston cũng đến tham dự để ủng hộ tinh thần.
Trường Việt Ngữ Hùng Vương được thành lập vào năm 1986 nhờ công trình của cô Vân Anh, cô Huyền và cô Xuân Nguyệt. Trong năm đầu, Trường quy tụ được khoảng 40 học sinh, đủ mọi lứa tuổi và được phép dùng vài phòng học tại đại học Rice vào mỗi sáng Chủ Nhật, không phải trả phí tổn.
Trường Việt Ngữ Hùng Vương tại đại học Rice, 1986
(Hình Phạm Thế Vượng)
Tôi vẫn nhớ, những sáng Chủ Nhật năm xưa, đến đại học Rice quan sát để viết bài cho bán nguyệt san Ngày Nay – chủ nhiệm là giáo sư Nguyễn Ngọc Linh – với mục đích khuyến khích nhóm người trẻ dấn thân trong trọng trách bảo tồn ngôn ngữ Việt và văn hóa Việt; đồng thời cũng phổ biến tin tức về Trường Việt Ngữ Hùng Vương đến phụ huynh; vì thời điểm đó Internet chưa được thông dụng.
Sau khi cô Xuân Nguyệt tốt nghiệp từ đại học Rice, Trường Hùng Vương được dời về tư thất của giáo sư Đàm Quang Hưng. Một thời gian sau, vì số học sinh tăng nhanh, Trường được dời về đại học St. Thomas. Từ hơn 10 năm qua – nhờ sự giúp đỡ của Dr. Gigi Diễm Uyên Đỗ – Trường Hùng Vương được tọa lạc tại Houston Community College, với sĩ số 440 học sinh, chia làm 25 lớp.
Quang cảnh ban Điều Hành, ban Giảng Huấn và học sinh Trường VNHV
(Hình Tường Lê)
Trong suốt 30 năm qua, Trường Việt Ngữ Hùng Vương được sự tham gia của hơn 200 thiện nguyện viên. Hiện tại, Trường có 57 thiện nguyện viên, với 20 thầy cô đã và đang phục vụ trên 15 năm kể cả 4 vị trên 20 năm: Cô Nguyễn Hoài Anh, cô Lê Mai Anh, cô Nguyễn Phương Anh, thầy Phan Nguyễn Châu, cô Phan Vọng Mỹ Hạnh, thầy Trương Hoàng, thầy Nguyễn Xuân Hùng, cô An Quỳnh Hương, thầy Ngô Trần Khiêm, thầy Nguyễn Hữu Khổ, cô Nguyễn Trúc Linh, cô Nguyễn Ngô Ánh Minh, cô Phạm Anh Nguyệt, thầy Phạm Thế Phiệt, cô Bùi Thúy Phượng, cô Nguyễn Cẩm Thư, thầy Đào Trọng Tín, thầy Nguyễn Thanh Tòng, cô Võ Túc Trí và thầy Nguyễn Lâm Viên.
Hai nhân vật điều khiển chương trình đêm dạ tiệc – Đinh Cindy Mai và Nguyễn Quý Việt – là cựu học sinh trường Việt Ngữ Hùng Vương, đã chứng tỏ khả năng nói tiếng Việt rất lưu loát.
Trong phần phát biểu cảm tưởng của quan khách, Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh và Dân Biểu Hubert Võ đã ca ngợi sự hoạt động bất vụ lợi của tất cả thiện nguyện viên thuộc Trường Việt Ngữ Hùng Vương; đồng thời, bà Dương Nguyệt Ánh và dân biểu Hubert Võ cũng nhắn nhủ và khuyến khích các em học sinh cố gắng trao dồi tiếng Việt.
Phần văn nghệ, ngoài sự trình diễn xuất sắc của ca sĩ Diễm Liên và Vương Phùng Sơn, chúng tôi đặc biệt theo dõi hoạt cảnh Tôi Là Ai – do Duy An, Mai Anh và Thúy đồng đạo diễn và Ban Điều Hành, Ban Giảng Huấn cùng nhiều học sinh diễn xuất – dựa theo lịch sử Việt Nam cận đại.
“Diễn viên” trong hoạt cảnh Tôi Là Ai (Hình Tường Lê)
Những trang sử đau thương của dân tộc bắt nguồn từ cuộc di cư của gần một triệu người từ Bắc vào Nam, năm 1954, sau khi Cộng Sản Việt Nam (CSVN) ký hiệp định đình chiến tại Genève. Cuộc di cư vĩ đại này được quân đội Pháp thực hiện với sự hỗ trợ đầy nhiệt tình của Hải Quân Hoa Kỳ.
Trong khi người Bắc di cư được chính phủ và đồng bào miền Nam Việt Nam tiếp đón, giúp đỡ để gầy dựng lại cuộc đời thì người Bắc – ở thôn quê – còn kẹt lại ngoài Bắc phải trải qua giai đoạn khủng khiếp nhất của chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất. Và người Bắc trí thức thì cũng khổ sở vì Phong Trào Nhân Văn Giai Phẩm do CSVN chủ xướng.
Sau khi khai phá, biến núi rừng thành đường mòn Hồ Chí Minh, CSVN đưa quân theo đường mòn này vào đánh phá miền Nam thì những người bị CSVN “gài” ở lại miền Nam – mà người miền Nam thường gọi họ là Viêt Cộng – để tuyên truyền, ép buộc thanh niên theo họ cũng bắt lộ diện.
Việt Cộng thường thực hiện những cuộc khủng bố rất dã man để giết hại dân lành!
Năm 1968, CSVN, với sự hậu thuẫn rất đắc lực của Việt Cộng, đã phát động Chiến Dịch Tết Mậu Thân trên toàn lãnh thổ miền Nam; thiệt hại nhân mạng của thường dân tại thành phố Huế được xem là nặng nhất.
Năm 1972, CSVN cũng dốc toàn lực tấn công miền Nam Việt Nam, chiếm Cổ Thành Quảng Trị, tạo nên đoạn đường ngập máu trên quốc lộ I, từ cầu Bến Đá tới cầu Trường Phước thuộc tỉnh Quảng Trị – mà giới báo chí miền Nam đặt tên là Đai Lộ Kinh Hoàng.
Quân Lực V.N.C.H. tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị.
Năm 1973, tại Paris, Cộng Sản Việt Nam ký hiệp định chấm dứt chiến tranh. Hoa Kỳ rút quân.
Năm 1975, Cộng Sản Việt Nam lại mở chiến dịch tổng tấn công miền Nam! Người Lính VNCH không được tiếp tế vũ khí, đạn dược. Đại pháo của CSVN bắn thẳng vào đoàn người chạy loạn trên quốc lộ I. Máu và nước mắt chan hòa theo từng bước chân của dòng người chạy loạn từ dưới vỹ tuyến 17 trở vào Nam.
Nhìn lại lịch sử Việt Nam cận đại, bất cứ người Việt Nam nào – dù khác chiến tuyến – cũng không thể không tự hỏi: Tại sao khi bước chân của người Cộng Sản Việt Nam đi đến đâu thì người Việt Nam ở đó cũng đều liều chết để tháo chạy?
Chúng tôi đã tháo chạy, làm đời tỵ nạn, đời di dân, nhưng chúng tôi được tự do. Nhìn vào thành quả tuyệt vời của thế hệ di dân thứ hai, trên mọi lãnh vực, chúng tôi được phép tự hào khi trả lời câu hỏi Tôi Là Ai?
Khi màn hoạt cảnh đến đây, tôi chợt nhớ, đã đọc đâu đó tin Bộ Giáo Dục CSVN đã đưa tiếng Tàu vào dạy cho học sinh Việt Nam ngay từ lớp vỡ lòng!
Nếu tin học trò bên Việt Nam phải học tiếng Tàu từ lớp mẫu giáo làm cho lòng tôi chùng thấp bao nhiêu thì khi thấy toàn Ban Điều Hành, Ban Giảng Huấn và học sinh trường Việt Ngữ Hùng Vương cúi chào quan khách trong từng tràng pháo tay vang dội lòng tôi cũng vui thích bấy nhiêu!
Nhìn những đôi mắt long lanh xúc động của phụ huynh và nụ cười tươi của những người trẻ dấn thân, lòng tôi càng rộn ràng vui. Không ngờ, 30 năm, sau ngày trường Hùng Vương được thành lập tại Rice University, tôi lại được hân hạnh viết đôi dòng về trường Hùng Vương thân yêu và nhóm thiện nguyện viên có lòng, cố ôm lấy cội nguồn để phát huy văn hóa theo nền tảng giáo dục và đạo đức cao của Việt Nam Cộng Hòa trước 1975.
Chính nhóm thiện nguyện viên đã thể hiện trọn vẹn và nêu cao tinh thần dân tộc theo câu ca dao:
Con người có tổ, có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn.
Đêm dạ tiệc với chủ đề Tôi Là Ai thành công mỹ mãn; được kết thúc lúc 10:30.
Đây là website của Trường: www.vietnguhungvuong.org kính mời quý vị vào thăm để ghi danh cho con cháu hoặc tìm hiểu thêm về Trường.
Điệp Mỹ Linh
__._,_.___
Posted by: "Patrick Willay" <pwillay@orange.fr>
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen