Samstag, 21. Januar 2017

Chủ trương tiêu diệt tôn giáo của Cộng sản Việt Nam:

Từ trường hợp Phật giáo nghĩa về Công giáo
Trần Phong Vũ
 
Ngày 11 tháng 1-2017
* Đối sách của Cộng sản Việt Nam từ đầu thập niên thứ 2 đệ tam thiên niên:
dụ người Công Giáo vào đảng cộng sản!  
 
*Chọn lựa của người tín hữu Công Giáo Việt Nam ở hải ngoại: thay thế nhà nước
làm từ thiện xã hội, hay tích cực giúp phương tiện tiêu trừ cái ác và 90 triệu đồng bào
đang sống lầm than trên quê hương hôm nay?
 
Cách đây ít lâu, một người bạn chuyển cho tôi bài “Một cuộc di cư nguy hiểm” của tác giả Xuân Hàn với gợi ý tôi viết một bài nhận định về mối nguy cơ cộng sản núp dưới chiêu bài Phật giáo để thâm nhập Giáo hội Phật giáo ở hải ngoại sau khi thành lập xong Giáo hội Phật giáo Quốc doanh ở quốc nội. Vì e ngại có thể gây hiểu lầm, tôi bỏ qua.
 It ngày sau tôi lại nhận được cùng một bài viết với lời giới thiệu nồng nhiệt của Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế, cơ quan Thông Tin và Phát Ngôn cùa Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Điều này khiến tôi yên tâm để lên tiếng. Tuy vậy, để tránh ngộ nhận tôi xin dành những gì liên quan tới thân mệnh Giáo hội Phật giáo cho quý nhân sĩ, trí thức thuộc tôn giáo bạn. Trong bài này tôi chỉ giới hạn việc mượn quan điểm của Phòng TT/PGQT cùng những dữ kiện do tác giả Xuân Hàn cung cấp để lên tiếng cảnh báo về những gì có thế tác hại tới Giáo hội Công giáo do chủ trương thâm nhập lần hồi để triệt hạ tôn giáo của Cộng sản Việt Nam.
Thông cáo của Phòng Thông Tin PGQT nói gì?
Hôm 21-12-2016, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế có trụ sở tại Paris đã gửi ra một bản Thông cáo Báo chí giới thiệu bài viết kể trên của Xuân Hàn. Sau khi cảnh giác vể chủ trương cố hữu của cộng sản nhằm tiêu diệt Giáo hội Phật giáo chính thống, bản Thông báo ghi nhận:
Bài viết của Xuân Hàn đã chỉ đúng căn nguyên và tác nhân chính của sự ly gián, phân hoá: “Đó là hệ quả của Chính sách tôn giáo do nhà cầm quyền Cộng sản giăng bẫy”. Thông cáo viết.

“Đối với Phật giáo, thì Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 18-5-1977 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ chủ trương: “Chuẩn bị cẩn thận để tiến tới thành lập một tổ chức Phật giáo yêu nước chung cho cả nước. Đối với Giáo hi Pht giáo Vit Nam Thống nhất (Phái Ấn Quang) phải có kế hoạch cải tạo và sau khi cải tạo tốt sẽ đưa vào tổ chức Phật giáo chung của cả nước”. Đến năm 1981, bốn năm sau, Nhà nước Cộng sản cho thành lập Giáo hội Phật giáo Nhà nước.”

Sau khi nhắc tới những sự kiện đáng buồn trong nội bộ Giáo Hội  ở hải ngoại, thông cáo cho biết: “Chính sách này được phổ biến qua Tài liệu ‘Về tôn giáo và đấu tranh chống hoạt động lợi dụng tôn giáo’ do Viện Công an ở Hà nội phát hành một triệu bản, dày 602 trang, không phổ biến mà chỉ dùng làm tài liệu lưu hành nội bộ dành cho công an và bộ đội học tập phương cách tiêu diệt tôn giáo:
 
‘Công an các địa phương cần chủ động tính toán đưa một số đặc tình tham gia vào các thành phần lãnh đạo giáo hội các cấp. Nơi nào chưa có đặc tình cần có kế hoạch tuyển lựa một số người tốt, có uy tín trong giáo hội, xây dựng làm đặc tình rồi đưa vào giữ các vị trí lãnh đạo trong tổ chức Phật giáo mới ở địa phương. Có thể chọn trong số những cao tăng hoặc tu sĩ trước đây xấu, nhưng hiện nay có thái độ có chuyển biến tiến bộ để đưa vào ban trị sự các cấp, sau đó có thể thu hút họ làm đặc tình phục vụ cho công tác đấu tranh chung’. (Công tác đấu tranh chống phản động lợi dụng đạo Phật trong tình hình mới của tác giả Trần Tư, Thiếu tướng Bộ Công an, Cục trưởng Cục A 41 là Cục theo dõi và kiểm soát các tổ chức tôn giáo).”
 
Dưới đây là lời giới thiệu bài viết của Xuân Hàn ở phần cuối bản thông cáo.
 
Bài của Xuân Hàn nhắc nhở tới tình trạng hiểm nguy của một số Tăng và Phật tử từ Việt Nam gửi qua Hoa Kỳ hằng năm để làm công tác tôn giáo vận, phân hoá và ly gián Cộng đồng Phật giáo qua nhiều hình thức. Nhìn bề ngoài, thì ta thấy các vị này chỉ hoạt động tôn giáo. Đến Hoa Kỳ chừng một hai năm đã có thể xây chùa khang trang giá chừng một, hai triệu đô, nấu chay ngon đãi đằng Phật tử, thuyết pháp thuần tuý kinh sách, không đả động chuyện nhân quyền, đàn áp tôn giáo. Thế nhưng họ là những trái bom nổ chậm làm tan tác nền Phật giáo dân tộc.”  (TTPGQT)
Nội dung bài viết của tác giả Xuân Hàn.

Với tiêu đề “Một cuộc di cư nguy hiểm” tác giả mở đầu: “Nhiều người bạn, ngoại quốc và ngay cả Việt, đã từng hỏi: Tại sao người Việt Nam có nhiều chùa như vậy? Câu trả lời không dễ trả lời, vì nó bao trùm nhiều lãnh vực. Nhưng để đơn giản, chúng ta thử quay về nguồn gốc của vấn đề. Nhiều chùa thì lắm thầy. Mà lắm thầy thì các thầy từ đâu đến?”

Tiếp theo, tác giả cho biết cơ quan Di Trú Hoa Kỳ có 4 dạng chiếu khán lao động theo thứ tự từ EB1 đến EB4 cho những người có khả năng đặc biệt nếu họ muốn làm việc ở Mỹ. EB4 là những tu sĩ tôn giáo hoặc cư sĩ, tín đồ hoạt động cho các tôn giáo. EB4 có hai hạng: thứ nhất là hạng tu sĩ, Phật Giáo hay Thiên Chúa giáo; thứ hai là hạng cư sĩ hay tín đồ hoạt động cho các tôn giáo. Mỹ không có giới hạn cho số tu sĩ di cư sang Mỹ làm việc. Giới hạn cho hạng cư sĩ / tín đồ là 5.000 người một năm.

Để được di cư, những người đi theo dạng EB4 cần có ba điều kiện chính. Thứ nhất, họ phải được bảo lãnh bởi một tổ chức tôn giáo ở Mỹ được miễn thuế. Thứ hai, họ đã làm việc ít nhất là hai năm cho tôn giáo đó ở Việt Nam. Thứ ba, họ phải có được việc làm 35 giờ một tuần… Ngay sau khi được nhận qua dạng EB4, các tu sĩ và cư sĩ có quyền xin tá túc cố định (permanent resident), bắt đầu qui trình trở thành công dân Mỹ.

Tác giả cho rằng: Việt Nam là một nước không có tự do tôn giáo, do đó cũng không có tu sĩ tự do…Với một số lớn tu sĩ được EB-4 đến từ Việt Nam, chúng ta có ba giả thuyết: (1) Thứ nhất, đây là một chuyện ngẫu nhiên, nhưng đã liên tục xảy ra trong nhiều năm. (2) Thứ hai, Việt Nam là một nước mà Phật giáo phát triển cực thịnh, đưa đến nhiều tu sĩ qua Mỹ để hoằng dương Phật pháp.
(3) Thứ ba, đây là một chính sách từ Chính quyền Hà Nội với mục tiêu không tốt đẹp cho Phật giáo cũng như cho chính thể quốc gia. Tác giả nhấn mạnh: Có lẽ bạn đọc đồng ý với chúng tôi giả thuyết thứ ba là chính xác nhất”.
 
Tác giả viết tiếp: Có một số đặc điểm của các trụ sở tôn giáo, đặc biệt là Phật Giáo, đứng ra bảo lãnh các vị tu sĩ này.  (1) Thứ nhất, họ là các tổ chức tôn giáo miễn thuế vì thế phải chấp nhận các luật lệ của Sở Thuế Vụ. (2) Thứ hai, họ không là đơn vị của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vì vị thế bất đồng chính kiến của Giáo Hội cũng như của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, người lãnh đạo Giáo Hội. Vì vậy, việc họ từ bỏ Giáo Hội để rồi bảo lãnh cho các tu sĩ từ Việt Nam không phải vì dị biệt với cá nhân nầy hay với lập trường nọ, mà là vì nhu cầu kinh doanh hay công tác chính trị. (3) Thứ ba, theo luật pháp, các tu sĩ Phật Giáo di cư phải làm việc cho các trụ sở Phật Giáo bảo lãnh họ. Nếu các tu sĩ này phải trả tiền cho các trụ sở Phật Giáo, thay vì ngược lại, thì đó không những là trái luật mà còn cố tình phạm pháp.
 
Cộng đồng người Việt Quốc Gia nào chấp nhận những hoạt động này của các trụ sở Phật Giáo là không trung thực với lập trường Chống Cộng. Mỗi cá nhân chúng ta, biết ơn sự cưu mang của đất nước thứ hai này, không thể làm ngơ trước những hoạt động phi pháp, làm hại cho cộng đồng, hại cho tôn giáo, và hại cho cả đất nước mình đang cư ngụ.
 
Muốn báo cáo gian lận liên quan đến luật di trú, quí vị có thể liên lạc trực tiếp với tiểu bang nơi quí vị cư ngụ. Xin tham khảo trang sau đây để biết thêm chi tiết:
Ở California, xin quí vị liên lạc về:
California Department of Justice
Office of Immigrant Assistance
(888) 587-0557
 
Trên đây là tóm tắt nội dung bài viết của tác giả Xuân Hàn trong đó nêu lên những vấn nạn chung quanh câu hỏi: tạo sao người Việt Nam có quá nhiều chùa?
Chúng tôi xin nhường việc nhận định về nhửng phát giác của tác giả cho những nhân sĩ trí thức trong hàng ngũ Phật tử. Trong phần dưới đây, người viết chỉ giới hạn quan điểm của mình vào những gì liên hệ tới những kế sách thâm nhập của Cộng sản Việt Nam nhắm vào Giáo hội Công giáo.

Kế sách Cộng sản Việt Nam đối với Công Giáo
 
Đối với cộng sản, tôn giáo là một thế lực siêu hình, không quyền bính, không vũ khí binh đội, nhưng lại là lực cản quan trọng hàng đầu trong kế hoạch xâm thực đường dài của chủ nghĩa Mác. Trước hết dựa trên nguyên lý bất biến: bóng tối kị ánh sáng, sự ác độc không thể sống chung công khai với sự thánh thiện. Vì thế, để dọn đường cho việc xây dựng chủ nghĩa cộng sản chuyên chính tại Việt Nam, ngay từ những ngày đầu, bằng mọi giá họ phải khống chế các thế lực tôn giáo. Nếu không tiêu diệt được thì cũng phải tìm hết cách xâm nhập, lũng đoạn để làm cho suy yếu, tê liệt đến trở thành thờ ơ, vô cảm!
 
Sở dĩ những người cộng sản đánh giá cao tôn giáo vì ngoài sức mạnh vạn năng tiên thiên do niềm tin trang bị cho các tín đồ mọi tôn giáo, trên thực tế hầu như quảng đại quần chúng Việt Nam, dù tham gia vào bất cứ tổ chức xã hội, chính trị nào, cũng đều xuất phát từ một tôn giáo. Nếu không là Phật Giáo thì Công Giáo, Tin Lành hay Cao Đài hoặc Phật Giáo Hòa Hảo. Vì thế, chi phối được tôn giáo là coi như nắm được tất cả.
 
Trong số các tôn giáo, người cộng sản tỏ ra e sợ nhất là khối tín đồ Công Giáo. Đây không phải là nhận định chủ quan. Nó là một thực tế đã được chứng minh và nhất là đã được chính đại lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, đương kim Viện Trưởng Viện Hóa Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, nhìn nhận trong một văn thư tố cáo tội ác của cộng sản đối với tôn giáo gửi Tổng Bí Thư Đỗ Mười đầu thập niên cuối cùng thế kỷ trước[1].

Phần nhận định trong bài này đặt nền trên những vấn nạn mà Giáo Hội Công Giáo đã và đang phải gánh chịu trước những thủ đoạn xâm nhập, bách hại triền miên của đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam. Người viết hy vọng những nét chung trong đó, cũng như những phát hiện của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc Tế ở Paris, kể cả những tiết lộ của tác giả Xuân Hàn, nhà văn Dương Thu Hương sẽ giúp chúng ta hiểu được hoàn cảnh của các tôn giáo khác.
 
Với những kinh nghiệm quý báu học được từ hai đàn anh lớn Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh và từ các nước cộng sản Đông Âu trước khi chế độ cộng sản tại các nước này bị tan rã vào thập niên cuối thế kỷ trước, ngay từ thời gian đầu trước khi chiếm được một nửa lãnh thổ miền Nam năm 1954, cộng sản Hà nội đã đề ra những sách lược chi tiết với ý đồ nắm trọn quyền kiểm soát mọi đường đi nước bước của các tôn giáo. Riêng với Giáo Hội Công Giáo, nhờ những kinh nghiệm học được từ Ba Lan, một nước trên 90 phần trăm dân số là Công Giáo, Hànội đã có cả một kế hoạch quy mô trong việc xâm nhập và lũng đoạn, dẫn tới những hiện tượng chia xé, nghi kỵ, phân hóa đáng buồn hiện nay. Khởi đầu họ mua chuộc một thiểu số giáo sĩ đã biến chất để đặt nền cho việc hình thành những tổ chức mang tính xã hội dân sự với màu sắc tôn giáo dưới cái dù của Mặt Trận Tổ Quốc. Khởi đầu là “Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo Yêu Hòa Bình và Tổ Quốc Việt Nam” được thành lập ở miền Bắc và hậu thân của nó ở miền Nam sau tháng 4-75 là “Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước”.

Từ những tổ chức được giáo dân gọi mỉa mai là “Công giáo Quốc dianh” này, lần hồi những năm gần đây, trong chừng mực nào đó, đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam đã tạo được một phần ảnh hưởng tới những giới chức lãnh đạo trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Bước qua đầu thập niên thứ hai đệ tam thiên niên, Hànội đã có những kế sách cụ thể đối với các tôn giáo, cách riêng Công Giáo. Chúng ta đọc được gì qua văn kiện “Công tác tôn giáo ổn định, đi đúng đường hướng” đăng trên TTXViệt Nam cuối tháng 02-2011?
 “Phó Thủ Trường Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trong năm qua (…) Tuy nhiên, PTT cũng chỉ ra những hạn chế trong việc thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tại địa phương, giữa địa phương với Trung ương trong công tác quản lý tôn giáo”.

Phát giác trên đây khiến dư luận người Công Giáo trong và ngoài nước có một cái nhìn khác về sự hiện diện của ông Nguyễn Thiện Nhân trong đại lễ Bế Mạc Năm Thánh của Giáo Hội Công Giáo ở La Vang đầu năm 2011 kể cả dịp kết thúc Hội nghị thường niên của HĐGiám Mục cuối năm 2016, và trong dịp ấy ông đã long trọng trao tặng Tổng Giám Mục Sài Gòn Bùi Văn Đọc một món quà đáng giá. Hiển nhiên, ông được chế độ đặc cử đến và lên tiếng trong những dịp này không chỉ đơn thuần với tư cách Phó Thủ Tướng thay mặt nhà nước mà còn có vai trò đại diện BCT giám sát những diễn tiến trong các buổi sinh hoạt quan trọng của Giáo hội Công giáo.
 
Văn kiện cũng nhấn mạnh tới “Việc đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành trong các tôn giáo”. Riêng “Năm 2010, có trên 18.700 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng và trên 2.800 người đã tốt nghiệp, hoàn thành các khóa bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành.”
 
Một loạt câu hỏi được đặt ra:
 
a/ Con số 18.700 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng và trên 2.800 người đã tốt nghiệp này, về phía Công Giáo có những tên tuổi nào, cho đến nay vẫn không ai biết.
b/ Những gì đã được đưa vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng?
c/ Tỉ lệ phân chia cho các tôn giáo ra sao?
d/ Ai, cơ quan nào phụ trách việc đào tạo, bồi dưỡng?
e/ Cuộc gặp gỡ các đại diện tôn giáo cấp cao  của TBT Nguyễn Phú Trọng hôm 09-12-2016 có liên quan gì tới kế sách đào tạo, bồi dưỡng này không?
 
Riêng với Giáo hội Phật Giáo, những tiết lộ của nhà văn Dương Thu Hương[2] bao gồm những báo động gần đây của các chức sắc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở hải ngoại –cách riêng bên Úc Châu- cho thấy trong nhiều năm qua, đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam đã ra sức đào tạo một thế hệ Tăng Sĩ trẻ để thay thế lớp cũ quản lý các Thiền viện, Chùa chiền trực thuộc cơ chế gọi là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam do họ dựng lên để chống lại Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất dưới quyền chỉ đạo của đại lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Việc thay thế này đã được thực hiện từ lâu tại quốc nội và gần đây lan ra hải ngoại, nhất là bên Úc châu.
 
Riêng với Công Giáo, vì truyền thống và kỷ luật lâu đời của Giáo Hội trong việc đào tạo tu sĩ, linh mục không cho phép họ trực tiếp can dự vào lãnh vực này. Để bù lại, bằng mọi phương sách: từ hăm dọa, khủng bố, phỉnh gạt, mua chuộc, sau khi bất đắc dĩ phải cho mở lại một số chủng viện, đảng và nhà nước giành quyền duyệt xét danh sách các ứng viên đi tu, mà hậu ý không gì khác hơn là nhằm loại bỏ những thành phần tốt đồng thời cài đặt vào những ứng sinh do họ lựa chọn. Để chắc ăn, trong suốt những năm tu học, vào những dịp về quê nghỉ hè, các chủng sinh còn phải trình diện với các viên chức nhà nước ở địa phương để được dạy dỗ, “bồi dưỡng” theo chủ trương, đường hướng của đảng!
 
Văn kiện cũng đếm kỹ những lần đảng và nhà nước cho phép các chức sắc tôn giáo đi ra nước ngoài, theo đó chỉ riêng “Năm 2010 có 240 lượt chức sắc, nhà tu hành đi nước ngoài”.
Đòn mới của Cộng sản Việt Nam: công khai cổ võ việc kết nạp người có đạo vào đảng![3]
 
Cỗ võ kết nạp người có đạo
 
Đòn mới của Cộng sản Việt Nam: công khai cổ võ việc kết nạp người có đạo vào đảng![3]
Đối với người tín hữu Công Giáo thuần thành, việc gia nhập đảng cộng sản đồng nghĩa với việc cắt bỏ mối giây thông hiệp với Thiên Chúa. Nói cách khác, một tín đồ khi tuyên thệ trở thành đảng viên đảng cộng sản tức là đương sự đã chính thức bỏ đạo, cho dù biện minh vì lý do an toàn nghề nghiệp. Vì thế không ai ngạc nhiên là qua những thư chung 1951 và 1960, các Giám Mục đã hơn một lần lên án chủ nghĩa vô thần, vô tôn giáo cộng sản, nghiêm khắc cảnh báo những mưu toan phá đạo của chúng và tuyệt đối ngăn cấm người tín hữu gia nhập ác đảng này.
 
Đã đành trong nhiều năm qua quả đã có những tín hữu giáo dân, kể cả một số giáo sĩ vong thân, biến chất trở thành đảng viên cộng sản. Nhưng với mục tiêu thâm độc, đảng vẫn tìm hết cách để che đậy cái đuôi cộng sản của những thành phần mất gốc vừa nói. Chủ trương này không ngoài ý đồ giúp họ không bị giáo quyền, giáo dân điểm mặt, chỉ tên hầu dễ dàng xâm nhập, trà trộn để lũng đoạn Giáo Hội. Do đó, nếu ngày hôm nay, trong hàng ngũ chủ chăn cấp cao có lọt vào một vài kẻ “chăn thuê” từng âm thầm tuyên thệ gia nhập đảng cộng sản Việt Nam thì cũng chẳng làm cho ai ngạc nhiên. Kinh nghiệm từ Giáo Hội Công Giáo Ba Lan cho chúng ta hiểu như thế.
 
Điều khiến người ta ngạc nhiên và cũng gây nhiều lo âu là bước vào đầu thập niên thứ hai của ngàn năm thứ ba, Hà nội đã và đang ra mặt công khai cổ võ cho công tác kết nạp người có đạo vào đảng cộng sản.
 
Trong một bài viết trên nhật báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam, người ta đọc được những dòng sau đây: “Ðến nay, số lượng quần chúng ưu tú là người có đạo được kết nạp đảng tăng lên hàng năm, giảm dần số xóm không có đảng viên là người có đạo. Những đảng viên là người có đạo được kết nạp đã thật sự là hạt nhân tích cực, đầu tàu gương mẫu trong công tác”.
Bài báo được xây dựng trên Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Sơn (Ninh Bình) thuộc Giáo khu Phát Diệm vốn được coi là cái nôi của Giáo Hội Công Giáo miền Bắc với tỷ lệ công dân có tín ngưỡng Công Giáo rất cao. Bài báo viết:
 
“Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy về đẩy mạnh công tác kết nạp đảng đối với quần chúng có đạo đề ra và triển khai thực hiện từ tháng 8-2008, với mục tiêu, mỗi năm, toàn Ðảng bộ huyện kết nạp Ðảng từ 200 đảng viên trở lên, trong đó có hơn 40 đảng viên là người có đạo; hằng năm có thêm 10 – 15 chi bộ nơi có đồng bào theo đạo, có đảng viên là người có đạo, tiến tới năm 2015 có 100% chi bộ trong vùng có đông đồng bào theo đạo có đảng viên là người có đạo”.

Tiết lộ này cho thấy, dù chưa công khai hóa, từ cuối hạ bán niên 2008, riêng huyện Kim Sơn đã đề ra chỉ tiêu hàng năm phải kết nạp từ 200 đảng viên trở lên, trong đó 20% là đảng viên có tín ngưỡng Công Giáo. Nêu lên một trường hợp điển hình để nhấn mạnh về nhu cầu đoàn ngũ hóa giới trẻ Công giáo dưới sự kiểm soát của đảng cộng sản, báo Nhân Dân cho hay.
“… Bí thư Ðoàn Thanh niên xã Kim Mỹ – đồng chí Ngô Thượng Ðại-, một đảng viên trẻ là người Công giáo cho biết, Kim Mỹ là xã nằm ở ven biển, có gần 88% số dân theo đạo Công giáo; số người trong độ tuổi sinh hoạt Ðoàn là 1.775, trong đó thanh niên Công giáo chiếm 85%. Do đó việc đoàn kết, tập hợp thanh niên Công giáo là một trong những hoạt động chính của công tác Ðoàn.”
 
Để thực hiện được điều này, Đoàn đẩy mạnh việc tổ chức những buổi học tập để giới trẻ Công Giáo tìm hiểu về điều gọi là “Gương đạo đức của Bác”, và về “Vinh quang của đảng” v.v … “Từ đó, tạo cơ hội và điều kiện rèn luyện cho thanh niên và phát hiện những nhân tố tiêu biểu để giới thiệu, kết nạp Ðảng.”
 
Ở một đoạn khác, báo Nhân Dân viết:
 
Việc tìm kiếm đảng viên trong số những tín hữu Công giáo không phải lúc nào cũng suông sẻ. Cũng trong bài viết trên đây, báo Nhân Dân tiết lộ: Tuy nhiên, trên địa bàn Ðịnh Hóa vẫn còn xóm 12 với 100% số dân theo đạo công giáo chưa có đảng viên. Cái khó vẫn là công tác tư tưởng và tinh thần trách nhiệm của cấp ủy và đảng viên được phân công theo dõi địa bàn. Phát triển Ðảng tại xóm 12 cũng là mục tiêu phấn đấu của Ðảng bộ xã nhiệm kỳ này, do đó thực hiện nghị quyết Ðảng bộ đề ra cần sự nỗ lực đồng bộ từ cấp ủy, các đoàn, hội và mỗi cán bộ, đảng viên.”

Cho đến năm đầu thập niên thứ hai của đệ tam thiên niên, chủ trương khống chế, bách hại các tôn giáo của đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục được đặt lên hàng đầu. Thời gian gần đây, do nhu cầu bắt buộc phải mở ra với thế giới, trên nguyên tác, đối sách về tự do tôn giáo của Hànội đã có những thay đổi. Nhưng nhìn sâu vào bên trong, đấy chỉ là những thay đổi bề ngoài khi mà thực chất vẫn không khác, nếu không muốn nói là còn hiểm độc và nguy hại hơn trước.

Với tâm trạng ưu tư và cái nhìn sâu lắng của người tín hữu thành tâm yêu mến Giáo hội, không ít người Công giáo, bao gồm cả hai thành phần giáo dân và giáo sĩ, đã có những suy nghĩ ngược lại. Họ cho rằng
: thà như ở Trung cộng, trong khi bắt buộc phải chấp nhận một thứ Giáo hội tự trị thống thuộc nhà nước nhưng bên cạnh đó còn có một Giáo hội thầm lặng –một Giáo hội hầm trú tuyệt đối trung thành với Thiên Chúa qua mối hiệp thông tinh tuyền với Giáo hội hoàn vũ… còn hơn là một thứ Giáo hội “nửa nạc nửa mỡ” như hiện nay. Tuy trên danh nghĩa thống thuộc Rôma nhưng thực tế, một phần chi thể Giáo Hội Công GiáoViệt Nam ngày nay đã phần nào biến chất để lần hồi trở thành một Giáo hội theo chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa thực dụng –một thứ chủ nghĩa từng được đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI lên tiếng cảnh giác lâu nay-.
 
 
 
 
Nói theo linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh Dòng Phan-xi-cô thì đấy là một thứ “Tôn Giáo Lễ Hội”, đã bị biến chất, bị rút ruột!
Trở về với sách lược của Cộng sản Việt Nam nhằm xâm nhập các cộng đồng tôn giáo hải ngoại qua lời cảnh báo của tác giả Xuân Hàn và được Phòng Thông Tin Phật giáo Quốc tế ở Paris tán đồng, chúng tôi nhận thấy chưa có chỉ dấu cụ thể nào có quy mô và tấm vóc như thế về phía Công giáo. Tuy vậy, dư luận người Công giáo hải ngoại cũng không khỏi nêu lên những nghi vấn chung quanh chuyện các các nữ tu từ trong nước ra ngoài này tổ chức rầm rộ các buổi tiệc gây quỹ từ thiện, với số thu trong mỗi dịp như thế lên tới hàng chục, hàng trăm ngàn Mỹ kim. Đành rằng công tác từ thiện nằm trong khuôn khổ thực thi đức bác ái Công giáo. Nhưng trên thực tế và trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước chúng ta hiện nay, tự thân những tác vụ này đã gây ra những hệ quả không đáng trông chờ.
 
Một mặt nó làm mất đi một nguồn tài nguyên rất lớn có thể được dùng để hỗ trợ cho các tù nhân lương tâm, các phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ, cho nhân quyền nhân phẩm Việt Nam. Mặt khác, lần hồi nó biến người Công giáo trở thành những con người vô cảm, tự bằng lòng với những đóng góp gọi là từ thiện trong phạm trù xã hội mà lẽ ra chính những kẻ đang nắm giữ vai trò điều hành đất nước có trách nhiệm phải lo… để rồi quên đi bổn phận thiêng liêng của người tín hữu công dân trên quy mô rộng lớn mà Tin Mừng của Đấng Cứu Thế đòi buộc những kẻ bước theo Ngài phải thực thi. Đó là tích cực tiếp tay những người thiện chí trong nước giải thoát tuyệt đại đa số trong 90 triệu đồng bào thấp cổ bé miệng đang là nạn nhân trực tiếp của một chế độ bạo tàn trên quê hương ta hôm nay.
 
Trần Phong Vũ
Nam California, Hoa Kỳ
Đầu trung tuần tháng 01-2017
 
 
[1] Một đoạn trong văn thư này, HT Thích Quảng Độ viết nguyên văn như sau: “Tại Việt Nam có hai tôn giáo chính là Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo. cộng sản gọi TCông Giáo là Công giáo mà tiếng lóng của họ là ‘cứt gà’, còn Phật giáo thì tiếng lóng của họ là ‘phân gà’. Tại sao họ lại gọi là cứt gà và phân gà Tức họ cho Công giáo khó tiêu diệt hơn Phật giáo. Họ phân tích rất kỹ, và vì nhiều lý do nhưng quá dài không thể kể hết ra ở đây, tôi chỉ tóm tắt phân tích của họ như sau: cộng sản đánh giá Công giáo tuy là số ít, nhưng là những con sư tử, khó tiêu diệt, cũng như cứt gá sáp (cứt gà ướt sền sệt) đã dính vào quần áo thì chỉ có cách cắt bỏ chỗ ấy đi thôi, chứ giặt khó sạch lắm; còn Phật giáo, tuy là số đông, nhưng chỉ là những con cừu, dễ tiêu diệt, cũng như phân gà khô, chỉ cần gạt một cái là sạch! Nhưg dù khó hay dễ thì cuối cùng cũng phải tiêu diệt! Nhưng cách thức thức tiêu diệt thì tùy từng giai đoạn, tùy từng nơi chỗ….”
 
[2] Trong một bài trả lời thắc mắc của Phật tử, nhà văn nữ họ Dương công khai tiết lộ những chi tiết khó tin sau đây:
“Quyền lực nào áp chế những người tu hành và thả lũ lợn bẩn thỉu vào khắp chùa chiền xứ sở …. Chẳng có gì bí mật cả, ‘bên trên’ là A 25 Cục bảo vệ văn hóa thuộc Tổng cục 1 Bộ Nội vụ. A 25 có nhiệm vụ đào tạo sư sãi để ‘yểm’ Hội Phật giáo Việt Nam, để trấn giữ hệ thống chùa toàn quốc… Nguồn đào tạo chính là C 500 (đại học ngành an ninh). Thêm nữa, sinh viên tuyển lựa từ các đại học khác như Tổng hợp, Sư phạm, Ngoại ngữ … có thành phần cơ bản (lý lịch đáng tin cậy) được vũ trang bằng lý thuyết giai cấp của Marx-Lénine và một thứ chủ nghĩa duy vật hạ đẳng. Sau đó, lớp người này được ‘tráng men’ bằng lý thuyết đạo Phật và trước hết các phương pháp niệm kinh, hành lễ để ‘vào nghề’.
 
Như thế nhà nước cộng sản đã tạo nên một đội ngũ ‘tôi tớ trung thành’ được quyền thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất và nhục thể dựa trên sự đầu cơ trục lợi ‘những khát vọng tâm linh’ của dân chúng. Các ông sư, bà sư áo quần phấp phới cưỡi xe vù vù đi ‘họp kín’. Họp kín ở đây tức là họp ‘giao ban’ ngành dọc A 25. Họ báo cáo rành mạch mọi thành tích. Riêng những cọc tiền thu được từ các hòm công đức là ‘không thể rành mạch’ vì các sư còn phải mang về quê xây nhà tầng và lo cho các con học đại học trong nước và ngoài nước. Sư hành nghề ở Thái Nguyên, Hà Bắc thường có quê quán gia thất tại Thanh Hóa, Nam Định và ngược lại …. So với các nghề khác trong Bộ Nội vụ, ‘nghề làm sư’ là béo bở, chỉ thua kém ‘Cục buôn lậu ma túy’ thôi.
 
Cả một bộ máy lừa bịp vận hành nghiễm nhiên và ngang nhiên dưới ánh mặt trời, trước mắt dân chúng…”
[3] Tìm đọc bài “Nhìn lại vài nét quan trọng trong hai năm 2010/2012” của Trần Phong Vũ trong Tuyển Tập “Công Giáo Việt Nam 2005-2015, Từ Tòa Khâm Sứ – Thái Hà đến Mỹ Yên” của nhiều tác giả, do nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân ấn hành năm 2015 tại California Hoa Kỳ, từ trang 133 đến trang 201.
 

Posted by: Yen_vlink <yen_vlink@yahoo.com>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen