Sonntag, 29. Januar 2017

Một mùa xuân giành độc lập

Hoàng Yên Lưu



Cảm đề lịch sử Việt Nam nhà thơ Nhượng Tống từng viết:
Ba xứ giang sơn một giải liền
Máu đào xương trắng điểm tô nên
Cùng một quan điểm về tiến trình lịch sử của dân tộc ta, sử gia Phạm văn Sơn viết “Việt nam tranh đấu sử”. Rõ ràng Sử Việt là lịch sử tranh đấu kiên cường và liên tục của giống Lạc Hồng từ khi lập quốc cho tới ngày nay.
Lật lại những trang sử cũ, từ thời Hùng vương, nhà Thục, trải qua các triều Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn Tây sơn và Nguyễn Gia long… triều nào cũng có chiến tích hiển hách trong việc kiến quốc và vệ quốc.
Tuy nhiên, trang sử khởi đầu, huy hoàng nhất giành độc lập cho nòi Việt khởi tự bao giờ? Các sử gia uy tín từ Ngô Sĩ Liên tới Lê Văn Hưu đều đồng ý phải kể từ mùa xuân Canh Tý (40) với cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng.
May cho hậu thế, những trang sử huy hoàng đó ngoài bản bằng chữ Hán, lại có một bản Nôm giá trị văn chương, càng làm nổi bật tính chất độc lập của nòi giống ta trong việc giành lại độc lập từ đế quốc phương Bắc.
Đặc biệt bản Nôm đó lại được sáng tác bằng văn vần, lời trau chuốt, ý thâm trầm và bút pháp thuật sự tương đồi đầy đủ dễ phổ biến lịch sử và cũng giúp ích cho việc bảo tồn tiếng Việt. Đó là bộ Đại nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát mà học giả Hoàng Xuân Hãn chuyển từ bản Nôm sang bản chữ quốc ngữ.
Ngày nay, thử đọc lại trong bộ sử ca này, nhất là đoạn viết về “Bà Trưng quê ở châu Phong” để thêm tự hào về lịch sử và văn hóa dân tộc:
Bà Trưng quê ở Châu phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Ngàn Tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định dẹp yên Biên thành
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.
Ba thu gánh vác sơn hà
Một là báo phục hai là bá vương
Uy danh động đến Bắc phương
Hán sai Mã Viện lên đường tiến công.
Quả là một bản anh hùng ca, ca ngợi tấm gương sáng chói mãi mãi trong sử sách Lạc Việt. Đó là chiến tích, là tấc son gắn với nhà, với nước của hai vị nữ lưu anh kiệt Trưng Trắc và Trưng Nhị. Đó cũng là hương phấn Mê Linh không tan và luôn luôn gây chất men tin tưởng vào tương lai nơi con cháu Tiên Rồng sau gần hai ngàn năm lịch sử nhiều dao động và lắm thăng trầm.
Bước vào đầu năm Đinh Dậu mọi người đều tưởng nhớ tới ngày 06 tháng 02 năm Quý Mão (43 CN) cách đây gần hai ngàn năm, vì ngày đó dân tộc ta chịu một cái tang chung: Hai bà Trưng sau khi trả thù nhà, giải phóng dân tộc, trở thành nữ vương kháng quân xâm lược, đã đền nợ nước tại Hát Giang. Tuy nhiên, cũng có truyền thuyết cho rằng “đôi nữ kiệt điểm tô sơn hà” sau khi thất trận trước sói lang phương Bắc, đã tự trầm ở Cấm Khê vào ngày 08 tháng 03 âm lịch và đền Hát Môn coi là ngày mở lễ hội chính để nhớ “công đức hai bà.”
Một bụng em cùng chị
Hai vai nước với nhà
Thành Mê khi đế bá
Sông Cấm lúc phong ba
Ngựa sắt mờ non Vệ
Cờ lau mở động Hoa
Ngàn năm bia đá tạc
Công đức nhớ hai bà
Bàn về công đức của hai vị nữ vương, trong bài Nhị Trưng luận (bàn về hai bà Trưng), sử gia đời Trần là Lê Văn Hưu đã viết những dòng tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng chính xác:
Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà Cửu chân, Nhật nam, Hợp phố và sáu mươi lăm thành ở Lĩnh ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay. Như thế đủ biết hình thế Nước Việt ta có thể dựng được cơ nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu (chỉ Triệu Đà) đến trước họ Ngô (chỉ Ngô Quyền), trong khoảng hơn một nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, chưa từng xấu hổ với hai người phận gái họ Trưng. Ôi, có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy.”
Theo truyền thuyết của đền thờ Hát môn tại Mê linh, đền thờ chính thờ hai vị nữ anh thư trong lịch sử nòi Việt, Hai bà Trưng đã dựng đàn tế thiên địa trước khi “phất cờ nương tử thay quyền tướng quân” để “đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành”.
Bước lên đàn cao, trước mặt ba quân và dân chúng, Trưng Trắc đã thề nguyện bốn điều được coi như kim chỉ nam cho cuộc khởi nghĩa. Bốn lời thề thiêng liêng đã được Thiên nam ngữ lục ghi lại như sau:
Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này
Lời nguyền sau đó đã thực hiện, dưới sự chỉ huy của hai bà Trưng, lập tức 65 thành trì của ta lại thuộc về ta khi giặc thù bị diệt, tàn quân phải lui về bên kia dãy Ngũ lĩnh, và Tô Định trốn về Nam hải mới hoát chết.
Năm Canh Tý (40 CN), Hai bà Trưng đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc: thời kỳ độc lập:
Đô kỳ đóng cõi Mê linh
Lĩnh nam riêng một triều đình nước ta
Ba thu gánh vác sơn hà
Một là báo phục hai là bá vương.
Hai vị nữ vương “Ba thu gánh vác sơn hà” (40-43 CN), khiến cho Bắc phương rúng động và Hán Quang Vũ vào năm Kiến vũ thứ 18 (42 CN) sai Phục ba tướng quân Mã Viện cùng Phiêu kỵ tướng quân, Đặc phong lâu thuyền tướng quân Đoàn Chí, mang hai đạo thủy lục gồm nhiều chục ngàn binh sĩ tinh nhuệ sang đàn áp nghĩa quân.
Theo Thủy kinh chú thì lực lượng xâm lược của đế quốc phương bắc do Mã Viện chỉ huy gồm: “lấy 12.000 quân tinh nhuệ của địa phương, hợp với đại binh là 20.000 người, thuyền xe lớn nhỏ là 2.000 chiếc”. Quân tuyển từ các quận nghèo như Trường sa, Linh lăng, Quế dương, Thương ngô…đều là quân đói rách, được xua sang Nam thổ, nơi có gạo trắng, nước trong, gái đẹp nên bọn cướp nước hăm hở tiến công. Ba tướng chỉ huy ngoài Mã Viện, còn có Đoàn Chí và Lưu Long đều là tướng già kinh nghiệm trong việc đánh dẹp và sát nhân phóng hỏa, có công giúp Quang vũ thẳng tay dẹp nội loạn củng cố ngai vàng Đông Hán (năm 25 tới năm 220) ở Lạc Dương.
Cuộc kháng chiến chống thù của Hai Bà kéo dài không lâu vì binh lực Nam phương mới thành lập, lòng người chưa ổn định, nhiều tù trưởng nghĩa quân bị chính sách chia để trị của quân địch nên phân tâm, nên chưa đủ sức chống lại quân phương Bắc đông về quân số và thiện chiến.
Quân ta đánh nhiều trận oanh liệt khiến cho quân phương Bắc có lúc xuống tinh thần, và chính tướng giặc là Mã Viện phải nhìn nhận Giao châu là Quỷ môn quan:
Quỷ môn quan! Quỷ môn quan!
Thập nhân khứ nhất nhân hoàn
(Quỷ môn quan, quỷ môn quan
Mười người qua đó, chỉ còn một thôi!)
Nhưng cuối cùng áp lực của địch quá mạnh dùng chiến dịch mà ngày nay gọi là “nhân hải chiến”, giặc lại đói chỉ còn một chọn lựa là tìm lẽ sống trong đường chết, nên quân ta núng thế. Hai Bà Trưng phải rút quân về Cấm Khê. Trong trận thư hùng cuối cùng, Nhị nữ vương bị giặc vây hãm, bị thương cùng mình và theo truyền thuyết họ không để giặc bắt, đã tự trầm ở Hát giang.
Như đã nói ở trên, đền thờ ở Hát môn ghi hai bà hy sinh vào ngày tám tháng ba âm lịch. Còn đền thờ ở Đồng nhân, Hà nội lại ghi ngày tuẫn tiết của Trưng nữ vương là ngày 06 tháng hai.
Là bậc nữ lưu phi thường, với cái chết oanh liệt vì giống nòi, Hai Bà Trưng đã được muôn đời ngưỡng mộ và ca ngợi.
Như thông lệ của sử gia Trung quốc, với chính sách thôn tính lân bang có từ thời Tần Thủy Hoàng:
Bấy giờ gặp hội cường Tần,
Tầm ăn lá Bắc toan lần cành Nam.
Bắc đình gọi cuộc khởi nghĩa Hai bà Trưng là “làm phản” như Hậu hán thư của Phạm Diệp ghi lại: “Người đàn bà ở Giao chỉ tên là Trưng Trắc với em là Trưng Nhị làm phản (ghi chú của TQ:Trưng Trắc là con gái của Lạc tướng ở Mê linh, là vợ người huyện Chu Diên là Thi sách rất hùng dũng). Thái thú Giao chỉ là Tô Định lấy pháp luật mà ràng buộc, Trắc oán hận mà làm phản.”
Hiển nhiên Ban Cố và Phạm Diệp của triều Hán bênh vực cho chính sách tham tàn của triều đại mình qua nhân vật Tô Định và Mã Viện và coi tất cả các cuộc giành độc lập của các nước nhỏ mà họ gọi là “man, di, nhung, địch” là phản loạn. Sự thực bàn tay Hán quan, thời nào cũng vậy, bóc lột dân ta tới cùng cực, tận xương tủy, buộc dân chúng bị trị miền nam Ngũ lĩnh phải “lên rừng kiếm ngà voi xuống biển mò ngọc trai” khiến trăm họ Bách việt phải phơi xác trên từng tấc đất, tấc biển quê hương. Hiểu được hoàn cảnh dân ta thời ấy mới thấy công đức của Hai bà Trưng thực là vĩ đại,.
Thơ vịnh sử về hai vị nữ anh thư có khá nhiều và tại đền thờ ở Hát môn cũng ở Đồng nhân còn bút tích, câu đối và thơ ca của nhiều danh sĩ, ca tụng chiến công của Trưng Trắc-Trưng Nhị.
Hai bà Trưng là nhân vật cổ sử của chúng ta, nhưng thân thế và sự nghiệp đầy những chi tiết bi hùng của họ, đã gợi nguồn cảm hứng bất tuyệt cho biết bao thi nhân, cổ cũng có mà kim cũng có.
Thiên nam ngữ lục ra đời vào thế kỷ 17, Đại Nam quốc sử diễn ca xuất hiện vào thế kỷ 19, và bài Vịnh hai bà Trưng của Dương Bá Trạc sau này… đã mô tả chân dung Nhị Trưng bằng những nét vừa mỹ lệ vừa uy phong, đầy trang nghiêm và chân xác.
Phong trào thơ mới cũng có nhiều bài ca tụng Nhị Trưng nhưng đã rời phạm vi vịnh sử mà bút pháp đi vào lãng-mạn-hóa nỗi lòng “thù nhà nợ nước” của Hai bậc nữ lưu anh kiệt. Trang sử “gia thù quốc hận” đã trở thành những khúc anh hùng ca xưng tụng sự hy sinh oanh liệt của Hai Bà, phất lá cờ đầu chống lại xâm lược của phương Bắc như trong bài Hát giang trường lệ và bài Trưng nữ vương của nữ sĩ Ngân giang.
Nổi bật hơn cả, các thi nhân như Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng đã nhả ngọc phun châu khi cảm xúc về chiến thắng của “Bà Trưng quê ở châu Phong.”
Vũ Hoàng Chương viết:
Cờ báo phục Hai Bà khởi nghĩa
Đuổi quân thù xưng đế một phương
Long Biên sấm dậy sa trường
Ba thu xã tắc miếu đường uy nghi
Xót nòi giống quản chi bồ liễu
Dòng Cẩm khê còn réo tinh anh
Một phen sông núi tranh giành
Má hồng ghi dấu sử xanh đời đời.
Còn Đinh Hùng thì ca ngợi Hương phấn mê linh:
Đầu voi hiện bóng cờ Nương Tử,
Vẳng tiếng canh truyền lệnh tiến binh.
Phấp phới tinh kỳ, loang ánh kiếm
Sông dài, biển rộng quẫy đuôi kình.
Thù nhà nợ nước nguyền chung gánh,
Rừng núi Châu Phong chứng mối tình
Trang sử oai hùng thêu nếp gấm,
Môi son hòa điệu hát đăng trình,
Lĩnh Nam một cõi hai vầng nguyệt,
Hai lưỡi gươm vàng dựng Đế Kinh.
Gợn nét mày chau, cơn gió hú,
Rung lên địa chấn, xóa mây thành.
Trỏ làn thư kiếm an thiên hạ,
Áo chiến mây choàng vóc liễu xinh
Tay ngọc vờn cao, dông bão nổi,
Sáu nhăm thành quách hết điêu linh.
Ai hay quốc vận còn hưng phế,
Chớp mắt ba thu mộng thái bình!
Biển dấy cuồng lưu, cao núi hận,
Cẩm Khê ngọc nát, đá tan tành.
Có nghe! Tiếng gọi hồn sông Hát,
Sóng cuộn Đồng Nhân tạc bóng hình.
Vằng vặc ngàn sao gương nữ kiệt,
Hai mươi thế kỷ bỗng nghiêng mình!
Chí sĩ Dương Bá Trạc đã “Bình luận và vịnh Nhị Trưng” bằng những lời sắt thép và chính xác như sau:
“Ta đọc sử nước Pháp, thấy chép chuyện bà Jeanne d’Arc mà ta kính phục, ta kính mến. Kính phục về cái chiến công vĩ đại, chống được quân Anh, thu phục được giang sơn thành quách do tay một người con gái thân bồ vóc liễu làm nên; kính mến vì cái nhiệt thành ái quốc, cái nghị lực hy sinh, đến chết không đổi. Người Pháp đến nay vẫn còn ai tư sùng bái, mỗi năm mỗi làm lễ kỷ niệm bà, thật là xứng đáng.
Ta có ngờ đâu rằng, khi đọc lại quốc sử Nam mình, ta cũng được thấy trong con Hồng cháu Lạc, mà lại ở trong chốn khăn yếm buồng the cũng có hai bà lập nên được sự nghiệp cứu quốc oanh liệt hiển hách. Tuy thân thế cũng cùng chung một kết cục như bà Jeanne d’Arc, cũng vì tình thế trứng chọi với đá, sau lại bị quân cường địch đánh thua, đem thân tuẫn nước; nhưng cái lòng thành vị dân vị quốc không có lời ngon giọng ngọt nào cám dỗ nổi, không có tước lộc tiền của nào lay chuyển nổi, không có búa rìu sấm sét nào dọa nạt nổi, đã vì nước mà sinh thì nhất định vì nước mà tử cũng cùng một can đảm, cùng một tiết tháo với bà nữ kiệt Pháp kia.
Hai bà ấy là ai? Tức là người đã đuổi quan Tàu Tô Định, đã tung hoành trong bốn năm trời ở một cõi Lĩnh Nam hơn sáu mươi thành, đã dựng nên nghiệp đế ở thủ đô thanh danh văn vật, có triều đình, có chế độ, có quan văn võ tướng, có chính hình lễ nhạc trên dải đất My Linh, đã giải thoát giống nòi ta được một hồi ra khỏi lồng cũi cường quyền, lạc nghiệp an cư trong chỗ đệm êm chiếu ấm, là hai chị em nhà họ Trưng, bà Trắc và bà Nhị đấy.
Hai chị em bạn gái chân yếu tay mềm, gan dạ đến bậc nào! Phách lực đến bậc nào! Mà dám phấn nhiên khởi nghĩa kỳ, chỉ chắc cậy vào một tấm danh thanh tát bể dời non để chống chọi với hàng bao vạn mãnh tướng hùng binh, của lũ “thiên triều” kiêu ngạo!
Ta lại thử tưởng tượng cái công chuyện dã tràng xe cát: một bên thì đường đường đại quốc, sức mạnh, của giàu; một bên thì một dúm cô quân, hiệu lệnh chỉ huy tự hai người gái yếu; cứ lấy thế lực mà nói có khác gì châu chấu đá voi? Không biết tài lược cao cường đến thế nào, trí mưu thần diệu đến thế nào, về sự điều binh khiển tướng, dùng người trao chức, sắp đặt khôn khéo đến thế nào, mà yếu địch được mạnh, ít địch được nhiều, tạo thành được cái sự nghiệp dẹp loạn trừ tàn, đến quân Hán phải chịu thua, nền tự chủ trời Nam gây dựng nổi!
Ta lại thử tưởng tượng gặp cái lúc quân thua, thành vỡ, tính mệnh như một sợi tơ mành, nhiều người bình nhật tự phụ là anh hùng, hào kiệt, chí sĩ, nhân nhân cũng thường thấy nổi lên một trận tranh đấu kịch liệt ở trong lòng, một đằng là thân gia, một đằng là danh dự, mà có khi thân gia lại đắc thắng, danh dự vẫn phải lùi, để đến nỗi thành cái xú kịch Ích Tắc hàng Mông Cổ, Nguyên Trừng thờ Minh. Hai bà can đảm tiết tháo đến bực nào! Mà khảng khái bỏ mình trọn nghĩa, coi chết như về, mượn dòng nước Hát Giang, rửa nhục ngảnh mặt với cái giàu sang vô vị, xem tựa đất bùn được thế ư?
Ta có thể đem chuyện hai bà góp vào lịch sử anh thư trong thế giới mà không thẹn chút nào; sánh với bà nữ kiệt Pháp kia còn bội phần vinh diệu vậy.”
Cuộc khởi nghĩa năm 40 CN của Hai bà Trưng bị đàn áp là thiệt hại lớn cho dân tộc ta vì:
Trưng vương vắng mặt còn ai
Đi về thay đổi mặc người Hán quan!
Ngay sau khi Hai bà Trưng tự trầm, Mã Viện đã ra sức tàn phá dân Lạc Việt và văn hóa nòi Việt như sử gia đời sau ghi lại:
Trải qua cuộc đàn áp dã man của Mã Viện, hàng vạn nhân dân Lạc Việt đã bị giết chết, nhiều dòng họ quý tộc Lạc Việt bị tiêu diệt. Ngoài số thủ lãnh bị giết, hơn 300 thủ lãnh Việt tộc bị đày sang Linh lăng (Hồ nam). Rất nhiều trống đồng bị phá hủy và mang về Tàu. chế độ lạc tướng đến đây là mất tích và nền văn hóa Đông sơn của chúng ta cũng bị lụi tàn.”
Như đã trình bày, các nhà thơ Việt nam coi cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng là một nguồn thơ dồi dào và vĩnh viễn nhưng thuật lại trang sử xán lạn trên một cách chân xác nhưng không thiếu chất anh hùng ca có lẽ không ngòi bút nào xuất sắc bằng Lê Ngô Cát trong Đại nam quốc sử diễn ca.
Lê Ngô Cát không phải là thi sĩ chuyên nghiệp mà là một sử gia học rộng tài cao, lại giỏi văn chương, từng làm quan, nhưng không lâu, dưới triều Tự Đức.
Ông sinh năm Đinh Hợi 1827 và tạ thế năm Ất Hợi 1875, tự Bá Hanh, hiệu Trung Mại, quê ở xã Hương Lang, huyện Chương Đức, nay thuộc xã Thuỵ Hương, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội. Ông vốn xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học, cha là Lê Ngô Duệ, nguyên giám sinh trường Quốc Tử Giám, đỗ Cống sinh năm 1820, sung làm nội giám ba năm, rồi nhân vì việc nhà xin cáo quan về dạy học. Lê Ngô Cát sinh ra trong thời gian thân phụ ông đã về quê nên tới tuổi trưởng thành ông học cha ngay tại nhà. Năm Mậu Thân (1848), ông đỗ cử nhân, sau đó ông ra làm quan, lần lượt trải qua các chức giáo thọ phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, ít lâu sau bổ làm tri huyện Thất Khê (Lạng Sơn) rồi thăng dần Hàn lâm viện biên tu. Năm Mậu Ngọ (1858), ông làm việc ở Quốc sử quán (Huế).
Trong các cuộc tìm kiếm sách cũ ở Bắc Kỳ thời vua Tự Đức (1847-1883), một người học trò ở Bắc Ninh không rõ họ tên đã dâng nộp cuốn sách cổ “Sử ký quốc ngữ ca” mà nội dung là diễn ca lịch sử dân tộc bằng chữ Nôm. Theo sách “Đại Nam thực lục chính biên” (Đệ tứ kỷ quyển 18) thì “Tháng Ba năm Tự Đức thứ 2 năm Mậu Ngọ (tức năm 1858), vua sai các quan coi sử quán như Phan Thanh Giản chọn người giỏi quốc âm coi việc sửa chữa “Sử ký quốc ngữ ca” và nối thêm sử đời Lê Trịnh cho đến đời vua xuất đế (Lê Chiêu Thống), các quan bèn chọn Lê Ngô Cát làm biên tu và Trương Phúc Hào chức tư vụ để sung vào việc đó”.
Tháng tư năm 1858, Lê Ngô Cát bắt tay vào công việc vua giao, nối thêm phần sử đời Lê Trịnh cho đến đời Lê Chiêu Thống, công việc này mất gần hai năm mới hoàn thành. Sách mới lấy tên là “Quốc sử diễn ca”, sau đó được Phạm Xuân Quế và Phạm Đình Toái sửa chữa lại một số phần và đặt tên cuối cùng là “Đại Nam quốc sử diễn ca”.
Trong bài tựa sách bản in lần thứ nhất viết vào đầu thu năm Canh Ngọ đời Tự Đức thứ 23 (1870), Phạm Đình Toái đã viết: “Quốc sử diễn ca do quan án sát tỉnh Cao Bằng là Lê công Ngô Cát vâng lệnh soạn… quan thị lang bộ hình là Phạm công Xuân Quế đã nhuận sắc. Toàn sách cả thảy có 1887 câu
Lê Ngô Cát rất sính thơ lục bát, ông không tha thiết với công danh, nên chẳng bao lâu cáo quan về vui thú ruộng vườn.
Năm Ất Hợi 1875, ngày 20 tháng 5 ông mất tại Cao Bằng, hưởng dương 48 tuổi.
Hoàng Yên Lưu
Tài liệu tham khảo:
Việt nam sử lược-Trần Trọng Kim
Lịch sử cổ đại Việt nam-Đào Duy Anh
Việt sử toàn biên-Phạm văn Sơn
Lịch sử Việt nam của nhóm Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng…
Đại nam quốc sử diễn ca (bản của Hoàng Xuân Hãn)
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" <pwillay@orange.fr>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen