Samstag, 17. Juni 2017

TÁC ĐỘNG TỪ VỤ QATAR...

       LÊN CHỦ NGHĨA KHỦNG BỐ TOÀN CẦU
                                   
 Đại-Dương

Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, GCC, đã cáo buộc Qatar tài trợ cho 59 cá nhân và 12 tổ chức khủng bố nên cắt đứt quan hệ ngoại giao.
Qatar cực lực bác bỏ việc tài trợ cho Huynh đệ Hồi giáo. Nhiều quốc gia trên thế giới đang cố tháo gỡ căng thẳng trong GCC.
Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh thành lập từ năm 1981 gồm có Á rập Saudi, Kuwait, Oman, Qatar, Bahrain, Tiểu Vương quốc Á rập Thống nhất (UAE) với tổng số 50 triệu dân, lợi tức ròng (nominal) bình quân đầu người 33,000 USD. Qatar dẫn đầu với 61,000 USD, Oman đứng chót 16,000.
Từ lâu, Qatar không theo sự chỉ đạo của Saudi, đặc biệt sau khi Vua Khalifa al-Thani lật đổ ngai vàng của cha năm 1995.
Qatar chủ trương chính sách ngoại giao độc lập, không theo Saudi về chính sách cấp vùng và chiến lược chống khủng bố nên đã tài trợ cho Hamas. Tây Phương và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh đã liệt kê Hamas vào danh sách khủng bố. 
Chủ tịch Yasser Arafat của Tổ chức Giải phóng Palestine cam kết từ bỏ bạo lực trong Thoả ước Oslo 1995 nhằm đổi lấy danh nghĩa Thẩm quyền Palestine cai quản vùng Tây Ngạn và Dải Gaza.
Khi có mãnh đất cắm dùi, Arafat phát động lại chiến dịch chống Israel nên bị Tel Aviv hạn chế hoạt động cho tới khi qua đời 2004. 
Nhưng, Hamas (Phong trào Kháng chiến Hồi giáo) đã cưỡng đoạt Dải Gaza năm 2007 khi Chủ tịch Madmoud Abbas không có hào quang như Arafat. Nhóm Hamas chủ trương sử dụng bạo lực chống Israel khiến cho các cuộc đàm phán hoà bình giữa Palestine và Israel lâm vào bế tắt.
Qatar tiếp xúc với mọi thành phần Hồi giáo như al-Qaeda, Nusra Front, Huynh đệ Hồi giáo, Iran trái với chính sách chống đối quyết liệt của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh. Doha biện minh cho việc tài trợ để Nusra Front tách khỏi al-Qeada.
Qatar tài trợ cho Al Jazeera, kênh truyền thông liên-Á rập hàng đầu.
Al Jazeera có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng Hồi giáo quốc tế, nhưng, ngày càng bị sự phản đối của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt gay gắt tại Saudi và UAE.
Thay vì hạn chế và minh bạch khi đưa tin, Al Jazeera đã mời các nhà bất đồng chính kiến với Saudi xuất hiện trên truyền hình như Saad al-Faqih, từng bị Liên Hiệp Quốc liệt vào danh sách thân hữu của al-Qaeda từ năm 2004.
Trong chuyến công du đầu tiên tới Trung Đông, Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi các quốc gia Hồi giáo Sunni hãy “đánh bật những kẻ khủng bố và cực đoan ra khỏi nơi thờ phụng, khỏi cộng đồng, khỏi đất thánh, khỏi Trái Đất”.
Chủ nghĩa khủng bố quốc tế áp dụng chiến lược của chủ nghĩa cộng sản khi sử dụng các giáo sĩ cực đoan để xúi giục tinh thần thánh chiến với một lời hứa mơ hồ “được sống trong thế giới chỉ có Luật Sharia”.
Chủ nghĩa cộng sản hứa hẹn một thế giới “không có người bóc lột người”. Nhưng, đảng cộng sản đã thực sự cầm quyền tại nhiều quốc gia trên các lục địa vừa tròn một thế kỷ (1917-2017) mà chẳng nơi nào thực hiện được hứa hẹn, nếu không muốn nói xã hội còn tồi tệ hơn.   
Giới truyền thông lo phát tán tư tưởng cực đoan nhằm lôi cuốn các tầng lớp trẻ, thiếu kinh nghiệm sống, bất mãn với hiện tại vào một cuộc chiến chống nhân loại.
Giáo sĩ Hồi giáo và truyền thông đã lợi dụng môi trường tự do ngôn luận, tự do tư tưởng trên thế giới để truyền bá chủ trương thánh chiến vì chính nghĩa Đạo Hồi.
Trong thế giới thần quyền hoặc thế quyền Hồi giáo, Luật  Sharia chi phối toàn bộ sinh hoạt xã hội tạo điều kiện cho giới giáo sĩ và truyền thông áp đặt suy nghĩ lên dân chúng theo chiều hướng bành trướng Đạo Hồi bằng mọi giá.
Sau chuyến công du Châu Âu từ 12 tháng 6, Bộ trưởng Ngoại giao Abdulrahman Al-Thani đã nhận thức rõ ràng, Pháp, Đức chỉ trích Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh mà chẳng giúp được gì cho Doha vì họ không đủ khả năng và ý chí quân sự để bảo vệ Qatar trước mối đe doạ của Iran và Nga. Hơn nữa, Châu Âu cần làm ăn, buôn bán với Iran hơn gây căng thẳng.
Do đó, hôm 15 tháng 6, Doha truy tố 5 người nằm trong danh sách buộc tội tài trợ khủng bố của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc, kể cả vài nhân vật nổi tiếng nhất của Qatar.
Bộ máy an ninh của Doha đã bắt đầu tấn công vào các cá nhân và tổ chức tài trợ chủ nghĩa khủng bố cho cùng nhịp với chiến lược chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.
Trước mối đe doạ của Iran, Nga nên Qatar phải dựa vào Hoa Kỳ để tăng cường khả năng quốc phòng.
Hôm 14 tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và người đồng nhiệm của Qatar đã ký kết hợp đồng bán 36 chiến đấu cơ F-15 trị giá 12 tỉ USD.
Chẳng biết hợp đồng Mỹ bán cho Qatar 72 chiếc F-15 trị giá 21.1 tỉ USD có liên hệ gì với hợp đồng mới không?
Hiện tại, có 10,000 binh lính Mỹ đóng trong một căn cứ quân sự lớn của Hoa Kỳ tại Qatar.
Phản ứng nhanh chóng đã chứng tỏ Doha hiểu được tầm quan trọng sống còn của Qatar nằm trong mối quan hệ đồng minh và đối tác với Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh và Hoa Kỳ trước sự đe doạ ngày càng tăng của chủ nghĩa Hồi giáo Cực đoan và tham vọng bành trướng của Iran, Nga.
Chính phủ Donald Trump đã nhanh chóng xây dựng lại mối quan hệ quân sự và kinh tế tại Trung Đông bị Tổng thống Obama làm mất ưu thế chiến lược suốt 8 năm cầm quyền.
Bàn cờ Trung Đông đã không còn do Nga, Iran, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ làm chủ.
Quân cờ trong tay Trump đang mạnh tiến với sự hợp tác của các nước Hồi giáo Sunni khắp thế giới và Israel, do đó có triển vọng khôi phục vị thế xứng đáng của Hoa Kỳ ở Trung Đông như từng có từ lâu.  
                                 
Đại-Dương

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen