Sáng sớm cuối tuần, ít người phải đi làm, ít người muốn ra khỏi nhà khi bên ngoài lạnh dưới không độ. Trời vào Đông, năm nay suốt từ tuần cuối thu, nhiều đợt tuyết nối nhau đến. Tối hôm qua, tuyết lại rơi thêm. Lớp tuyết mới phủ dày kín một lớp trắng tinh lên trên các lớp tuyết rơi từ hơn hai tuần nay, gặp lạnh không tan được. Hầu hết các tiệm quán ở khu Little Saigon cũng bị ảnh hưởng thời tiết vắng khách hơn.
Hai người mới vào quán vừa ngồi xuống, người đàn bà đã quay sang bàn kế bên, ngạc nhiên:
- Ủa sao hai ông bà còn ở đây?!... năm nay không dìa ăn Tết à?
- Đi chứ!...
Bà bạn trả lời rồi hất mặt về hướng người đàn ông ngồi đối diện mình, đang lua cặp đủa vun đầy sợi mì vào miệng, nói tiếp:
- Chỉ tại ổng cứ bảo chờ "xeo" thêm, rốt rồi mua hỏng được cái vé nào hết !
Lột cái nón len dầy để lên mớ áo khoát ngoài nằm trên ghế bên cạnh, bà nói không chờ quay lại nhìn bạn mình:
- Thiếu cha gì vé, bà!
- Ai hỏng biết vậy! Nhưng vé "xeo" kia kìa!... họ bảo chờ qua Giáng Sinh...
- Qua rồi! Mua chưa?.. Tui với ông này lấy chuyến bay tuần tới.
- Vậy à! Tui cũng tuần tới đây! Mà bửa nào bay?
- 14 tây. Còn bà?
- Tui cũng 14 tây!
- Hảng nào vậy?
Ông chồng hớp miếng trà rồi xen vào đỡ lời cho vợ:
- E chai na!
- Vậy là cùng máy bay rồi... 13 triệu bảy phải hong?
Nghe bạn hỏi, bà quay sang lườm ông chồng đang ăn:
- Sao rẻ quá vậy!
- Ông bà trả hết bao nhiêu?
Người chồng lờ đi tia mắt sắt lẻm của vợ, gắt khẻ:
- Lo ăn cho xong đi, nguội lạnh hết rồi!
- Ừ thì tui ăn đây chứ!
Nói xong, bà quay sang bàn vợ chồng người bạn, khẻ hất mặt và đưa mắt liếc nhanh về hướng ông chồng mình, hạ giọng:
- Ổng nói với tui tới 16 triệu hai lận!
- Ối!... xê xích chút đỉnh mà, bà ơi!
- Hứ, hai triệu chớ ít oi à!
- Sớm chậm một chút, có khi hên sui thì mua giá mắc... cuối năm mà, thiên hạ ai cũng muốn dìa ăn Tết!
Ờ!
... cuối năm mà, thiên hạ ai cũng muốn dìa ăn Tết!
Thiên hạ rất đúng!
Nhưng sao thằng Hai chợt nghe nghẹn thở.
Nước từ mũi nén nghẹt xuống cuống họng. Mở mắt, mắt cay xè.
Nước!
Nước đen ngòm!
Bản năng của một sinh vật vùng vẫy trước cái chết, thúc đẩy hai chân nó chòi đạp để ngoi lên bên trên mặt nước. Sự sống hối hả tìm lại sinh khí cho buồng phổi. Nước theo không khí len vào mũi, tràn vào miệng. Cái mặn đắng của muối trong nước biển làm nó sặc sụa. Giòng máu mang dưỡng khí đến khối óc cho nó kịp thức tỉnh để biết mình đang còn sống, để nó thêm kinh hoàng khi thấy chiếc ghe đã bị hai tàu hải tặc Thái húc gãy đôi. Một nửa thân ghe mang khối động cơ chìm mất trong lòng đại dương. Chỉ còn mũi ghe nhấp nhô trên đầu sóng.
Ôm tấm ván vụn của chiếc ghe, nó bơi đi. Cứ bơi. Giữa đại đương mênh mông, chẳng biết đâu là bến, hướng nào là bờ. Cứ bơi. Bơi qua đêm đen. Lắm lúc nó tưởng sẽ được chết. Chết như đã nghĩ đến, khi vượt biển, thà được chết trong biển trời tự do.
Nhưng rồi, trưa hôm sau, Thượng Đế đã cho chiếc tàu đánh cá thấy nó để cứu vớt, cho nó còn sống để biết 73 thuyền nhân trốn thoát ngục tù cộng sản, giờ chỉ có 17 người được vớt lên và đưa vào bến bờ tự do ở Mã Lai.
Rót thêm chút nước trà nóng, đưa lại gần vợ nó:
- Trà nóng, em!
Nhìn vợ mình ngồi yên lặng nghe chuyện Tết của người ta, thằng Hai chợt nghe nhói trong tim.
Tết lại đến!
Gần bốn mươi năm rồi còn gì!
Sang đây, làm người ly hương, hai đứa mới biết nhau và rồi nên vợ thành chồng.
Vợ chồng nó tỵ nạn cộng sản, sống ở xứ người lâu hơn thời chào đời và lớn lên ở quê hương.
Hơn bốn mươi năm rồi, từ khi cộng sản cướp miền Nam tự do, hai đứa nó có ngày nào là Tết đâu!
Tết như ngày xưa ấy!
Tết trong an bình tự do như thời Sài Gòn còn là Sài Gòn!
Tết như kỷ niệm thật êm đềm của nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân đã ghi lại:
"ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui
nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi
bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
trông bánh chưng ngồi chờ sáng
đỏ hây hây những đôi má đào"
Từ khi bọn cộng sản tráo trở, xua quân giết người, biến những ngày an bình đón Xuân của dân tộc thành cuộc thảm sát Tết Mậu Thân. Tết nhắc nhớ lắm tang tóc, thương đau. Tết đã không còn là những giây phút an bình, nhất là cho những người khoát áo trận, nơi tuyến đầu. Lời nhạc đã làm biết bao những người lính như nó thấm thía vô vàn, buồn nát lòng khi "Xuân Này Con Không Về".
Gần bốn mươi năm rồi còn gì!
Nơi xứ người, mỗi năm khi Tết đến, cơm chay để Rước Ông Bà cũng là giỗ nhớ ngày cha, mẹ, anh và em của vợ nó, cùng tất cả thuyền nhân trên con tàu đã mất tích từ năm 80.
Từ đấy, Tết đến đã không còn là niềm vui đón Xuân sang cho vợ nó, cho nó và cho các con.
Để thoát khỏi gông cùm của chế độ cộng sản man rợ, gần triệu xác người vượt biển tìm tự do đã nằm trong lòng biển, hay bị vùi dập trên hoang đảo. Bao nhiêu trăm ngàn người vượt rừng đã bỏ xác.
Vết thương tỵ nạn cộng sản chưa bao giờ lành, hãy còn rỉ máu.
Thảm cảnh người dân ồ ạt trốn chạy đoàn quân tự xưng là “giải phóng” và can đảm chọn cái chết vì tự do hơn là phải sống trong chế độ man rợ; tuy không sao kể ra được hết, đã thật sự lột trần tất cả các mặt nạ xảo trá của đảng cộng sản Việt Nam. Đảng và nhà nước cộng sản vô cùng bối rối kinh hoảng trước dư luận thế giới. Phạm Văn Đồng, thời làm thủ tướng chính phủ của cái nhà nước gọi là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, đã quá độ bực tức mà mất khôn ngoan, xấc xược lấp liếm tuyên bố với truyền thông thế giới rằng:
“những người vượt biên, vượt biển là bọn chạy trốn tổ quốc, là bọn đĩ điếm, trộm cướp”
Đồng và cái đảng của ông ta muốn nói gì thì cứ nói, nhưng rõ ràng là đảng và nhà nước cộng sản đã không thể giấu diếm che đậy được nỗi sợ hãi tột cùng trước hành trình tìm đến Tự Do của dân chúng trong nước!
Dĩ vãng, tự nó phai mờ theo thời gian!
Hàng chục năm nay, đảng cộng sản cứ luôn miệng khuyến dụ người tỵ nạn cộng sản hãy quên đi quá khứ. Thế nhưng, quá khứ tội ác của đảng cộng sản, tự nó đã ghi vào lịch sử bằng máu và nước mắt của dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, tội ác của đảng cộng sản không phải là quá khứ, không phải chỉ có trong quá khứ mà vẫn tiếp diễn đến thời điểm hiện tại. Kẻ phạm tội vẫn chối bỏ tội phạm, tất nhiên tái phạm tội ác.
Trên bàn có tờ báo cũ; nó mượn để đọc, khi mới vào quán. Tờ Thời Báo, số báo đã ra từ hôm cuối tháng 9. Trang bìa hình màu tươi sáng rực rỡ, dành cho tin mừng với chú thích "Freedom at last - VOICE Canada và 19 đồng bào tỵ nạn bị lãng quên ở Thái Lan gần 30 năm qua đặt chân lên bến bờ Tự Do hôm Thứ Sáu 23/09 tại phi trường Toronto.".
Người tỵ nạn bên người thiện nguyện với nụ cười trên môi, niềm vui trong ánh mắt! Có trẻ thơ còn bồng trên tay. Có người như chị Lê Thị Ba, sĩ quan huấn luyện viên của trường Nữ Quân Nhân thuở nào, là một phụ nữ trẻ trung khi vượt biển năm 1989; nhưng nỗi nhục nhằn, gian truân trong cuộc sống lưu lạc không tương lai đã sớm biến chị thành một người cao niên gầy yếu!
Trang trong, qua bài Người Vẫn Cứu Người, anh Nam Lộc có ghi lại:
"lúc ngồi trên chuyến bay từ Los Angeles đến Thái Lan qua ngã Hong Kong, tôi ngỡ ngàng khi nhận ra gần nửa chỗ ngồi là người Việt Nam từ Hoa Kỳ về thăm quê hương, ai cũng ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi tưởng là bạn đồng hành và hỏi thăm rối rít “làm sao mà ông dám về VN”? Tôi nói đùa “đoán trước chuyện gì sẽ xẩy ra cho nên tôi chỉ mua vé một chiều”!
Hình ảnh trên làm tôi chợt nhớ đến một câu hát của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng trong nhạc phẩm “Kinh Khổ”: “Người về một ngày một đông hơn, người đi càng lúc càng thưa dần”!
Người về một ngày một đông hơn!
Trong những người về, chắc có người cũng đã từng phải thì thầm bàn chuyện "chôn dầu vượt biển"!
Bây giờ, câu chuyện về ăn Tết qua lại, oang oang, rộn rã, nghe vui như ngày đã Tết!
Người ta hớn hở bàn nói, từ các chiến tích lòn lót tờ đô-la nơi cửa quan cộng sản ở phi trường đến những kinh nghiệm ăn chơi. Họ dặn dò nhau đừng mang nữ trang thật, cùng những cách cất dấu tiền bạc....
- Em uống thêm cà-phê.
Thằng Hai đưa tách cà-phê sang vợ nó. Hai đứa nó chia nhau tách cà-phê. Vợ nó không biết uống cà-phê, nhưng từ khi thương nhau, em thích chia với nó vị đắng với chồng. Vị đắng của cà-phê hôm nay bổng dưng đắng hơn.
- Mình đi nghen em!
Thằng Hai nói với vợ. Hai đứa cùng rời quán ăn.
Trời Đông. Trời vẫn lạnh.
Ngoài này, buổi sáng yên bình, dễ chịu hơn.
Mẹ Việt Nam ơi!
“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
nay én bay đầy trước ngõ
mà tin con vẫn xa ngàn xa”
Bùi Đức Tính
Posted by: "Patrick Willay" <pwillay@orange.fr>
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen