Luật “bắt buộc hiến máu” làm khổ dân như thế nào?
Đi Tới
“Dự luật bắt buộc hiến máu” đã để lộ ra âm mưu “hút máu” nhân dân để có tiền bù đắp vào sự thâm thủng công quỹ. Nó cũng cho thấy đất nước đã rệu rạo, cạn kiệt tài nguyên, doanh nghiệp phá sản... vô phương cứu chữa khi nhà nước định làm liều khai thác máu của người dân. Đến máu của dân mà Bộ Chính Trị đảng CS còn bày ra luật để “hút” thì còn cái... gì của dân mà họ không ăn?”
Việc Bộ Y Tế (= BYT) Việt Nam đã công bố “Dự thảo Luật về máu và tế bào gốc - có đề nghị quy định bắt buộc hiến máu 1 năm/lần, ngoại trừ trường hợp không thể hiến máu” đã giấy lên một làn sóng phản ứng giận dữ của dư luận. Theo bài bản cũ, sau khi đưa ra dự luật, sẽ tới phiên các nhà chuyên môn, “Tiến sĩ trẻ trâu” phát biểu hay dẫn chứng một cách lươn lẹo, gian trá để ủng hộ dự luật, rồi Quốc hội bù nhìn sẽ biểu quyết thông qua, ra luật bất kể thiệt hại cho nhân dân và làm giàu cho tham nhũng. Dự luật này vi phạm quyền tự do về thân thể của con người. Cần 2% dân số hiến máu mà huy động toàn dân với 51% dân số hiến máu là không hợp lý. Khi thành luật, sẽ mang lại cho đảng CS khoảng 10 tỷ Mỹ Kim mỗi năm nhưng cũng làm khổ người dân không ít. Người dân Việt Nam bị “hút máu” và phải chịu các hệ lụy phiền phức khác do việc bắt buộc hiến máu gây ra: Có luật bắt buộc thì sẽ có khám xét, kiểm soát giấy hiến máu, sẽ có phạt tiền và sự lạm dụng luật pháp, quyền hành để móc túi dân như cảnh sát giao thông đã làm.
1. Đề xuất vô lý của Bộ Y Tế
Theo báo Đất Việt: “Bộ Y tế đề xuất 2 giải pháp liên quan đến hiến máu: Giải pháp 1, quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu; Giải pháp 2, quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu. Bộ Y tế khẳng định cả hai giải pháp đều không có tác động đến tăng chi cho Nhà nước mà chỉ tăng chi cho Quỹ bảo hiểm y tế với mức tăng chi bình quân khoảng 500 tỷ/năm. Với dân số khoảng 90 triệu người, nếu áp dụng chính sách thứ nhất thì một năm sẽ có khoảng 46 triệu người phải tham gia hiến máu (trừ 30,3 triệu công dân dưới 18 tuổi và khoảng 14,2 triệu người mắc các bệnh không thể hiến máu)” (1).
Nhận xét: Đề xuất của BYT không hợp lý. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), chỉ cần 2% dân số hiến máu là đủ nhu cầu cho cả nước, tại sao lại huy động số máu của 51% dân số? Nếu có bắt buộc hiến máu, sẽ có 46 triệu người - tức 51.1% dân số - phải hiến máu. Như vậy, trừ 2% dân số hiến máu, số máu hiến dư thừa của 49% dân số - tương đương 44.1 triệu người - đi về đâu?
Cũng cần nên biết giá máu chợ đen tại Trung Cộng là 1000 đồng Nguyên, tương đương 144 Mỹ Kim/100 cc (ml). Một đơn vị hiến máu VN 250 ml giá chợ đen tương đương 360 Mỹ Kim. Số máu dư của 44.1 triệu người tương đương với 15 876 triệu Mỹ Kim (15.87 tỷ), tương đương Ba trăm năm mươi tám ngàn, ba trăm lẻ năm tỷ đồng VN (358 305 444 000 000). Số tiền này lớn gấp 716 lần số tiền 500 tỷ bảo hiểm do BYT đưa ra. Vậy, số tiền dư đó đi về đâu nếu không phải là tăng chi cho Nhà nước CS? Số tiền đó nhiều gấp 120 lần số tiền Trịnh Xuân Thanh làm thất thoát ngân quỹ - 3 ngàn tỷ đồng, và có thể xây dựng 300000 tượng đài vớ vẩn tốn tiền tỷ như tượng đài HCM tại tỉnh Sơn La.
Nếu nhà nước CS bán số máu dư kể trên chỉ được nửa giá chợ đen, họ cũng kiếm được mỗi năm 8 tỷ Mỹ Kim, tương đương số tiền người Việt tại hải ngoại gửi về hàng năm. Chỉ e rằng, Nguyễn Phú Trọng, một Tổng Bí Thư vừa lú vừa hèn, lại giao nộp cho Tập Cận Bình để trừ dần vào nợ với giá cho thuê rừng đầu nguồn - rẻ mạt như bèo.
Mặc dù Bộ Y tế khẳng định cả hai giải pháp đều không có tác động đến tăng chi cho Nhà nước, người dân có lý khi nghi ngờ dự luật ẩn chứa một âm mưu “hút máu dân” để có tiền bù đắp vào sự thâm thủng ngân quỹ do nợ công, nợ xấu ngân hàng, ngân sách điều hành quốc gia, tượng đài tiền tỷ, tham nhũng... để khỏi bị vỡ nợ.
2. Dẫn chứng gian trá của Viện trưởng Viện Huyết Học Trung Ương
Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu T.Ư. (= VHH) Nguyễn Anh Trí ủng hộ việc “bắt buộc hiến máu” với những thông tin gian trá: “Các nước đều có luật về hiến máu... Trung Quốc trước năm 1999 xấp xỉ 100% máu điều trị là từ người bán máu chuyên nghiệp, nhưng sau 2005 (sau khi có Luật bắt buộc hiến máu) (sic) thì 98% máu điều trị từ người hiến tặng.” (2)
Nhận xét: Có hai điều gian trá trong phát biểu của Nguyễn Anh Trí:
Thứ nhất, NAT nói: “Trung Quốc có luật bắt buộc hiến máu”. Sự thật, không có nước nào trên thế giới bắt buộc hiến máu kể cả Trung Cộng. Báo Tuổi Trẻ cũng xác nhận: “...theo nghiên cứu của cơ quan đề xuất dự án luật, toàn bộ các quốc gia có ban hành Luật về máu thì không có quốc gia nào quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân, kể cả Trung Quốc.” Các nước có luật hiến máu là để cấm buôn bán máu và bảo đảm máu không nhiễm trùng hay các bệnh truyền nhiễm. NAT đã lươn lẹo thêm chữ “bắt buộc” vào luật hiến máu của nước khác. Lại thêm một ông “Tiến sĩ trẻ trâu” muối mặt nói sai sự thật để ủng hộ “luật hút máu dân”.
Thứ hai, NAT nói: “sau 2005 (sau khi có Luật bắt buộc hiến máu) (sic) thì 98% máu điều trị từ người hiến tặng.” Đây cũng là điều dẫn chứng sai sự thật để lừa dân và mở đường cho Quốc hội bù nhìn biểu quyết dự luật. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), chỉ cần 2% dân số hiến máu là đủ nhu cầu cho cả nước. Nếu có bắt buộc hiến máu, sẽ có ít nhất khoảng 50% dân số Tầu phải hiến máu thì sẽ dư thừa. Trên thực tế, Trung Cộng đang “đói máu” vì chỉ có dưới 1% dân số hiến máu. Như vậy, trên nửa dân số, tức trên 500 triệu dân thiếu máu điều trị. Việc thiếu máu tại Trung cộng là kinh niên và trầm trọng đã đẩy bệnh nhân cần máu ra thị trường máu chợ đen qua các “đầu nậu máu” (blood heads) với giá 1000 đồng Nguyên, tương đương 144 Mỹ Kim/100 cc (ml) (3).
3. Tình trạng thiếu máu trầm trọng tại Trung Cộng
“Việc gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe khiến Trung Cộng đang thiếu máu trầm trọng. Vào năm 2011, theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), chỉ có dưới 1% dân Trung Cộng hiến máu. Điều này là do ảnh hưởng của vụ tai tiếng (scandal) vào cuối thập niên 1980 và 1990, các quan chức địa phương thúc giục nông dân bán máu và huyết tương của họ, và một thế hệ đầu nậu máu trước đó bán cho các bệnh viện và ngân hàng máu đã làm hàng chục nếu không nói là hàng trăm ngàn người nhiễm HIV vì quá trình hiến máu mất vệ sinh. Ngoài ra, vụ bê bối thứ hai vào năm 2011, một phụ nữ trẻ - được cho là nhân viên Hội Chữ Thập Đỏ Trung Cộng - đăng ảnh trực tuyến lối sống xa hoa của cô - đã làm tổn hại đến hình ảnh của tổ chức từ thiện giúp nhà nước thu thập máu” (3).
Luật Hiến Máu của Trung Cộng ra đời năm 1998 cấm việc mua bán máu, không bắt buộc hiến máu nhưng giới hạn số lần hiến máu một năm không quá 2 lần. Tuy vậy, các đầu nậu máu vẫn làm ăn công khai. Họ trả tiền cho những người đi đường hiến máu cho một bệnh viện hay ngân hàng máu, rồi họ mua lại giấy chứng nhận hiến máu đó, bán lại cho những người cần vì bệnh viện ưu tiên truyền máu cho người có giấy chứng nhận hiến máu.
Để tăng thêm số lượng máu và người hiến máu, Trung Cộng đang phải khôi phục niềm tin vào nguồn cung cấp máu của quốc gia, cải tiến phương pháp truyền máu và khuyến khích mọi người hiến máu.
3. Hậu quả khi có” luật bắt buộc hiến máu”
Như đã được trình bày ở phần trên, Luật bắt buộc hiến máu sẽ mang lại cho nhà nước CS khoảng 8-10 tỷ Mỹ Kim/năm để bù đắp vào sự thiếu hụt ngân sách do làm kinh tế kém, tham nhũng và xây tượng đài phí phạm... nhưng sẽ làm dân chúng khổ sở và gặp rất nhiều phiền hà:
- Về tư cách, người hiến máu cao quý trở thành người làm bổn phận hiến máu.
- Khi số người hiến máu đông gấp 40 lần, tương đương 41 triệu người, việc hiến máu sẽ gặp khó khăn và phải chờ đợi rất lâu.
- Khi đã có luật bắt buộc hiến máu, sẽ có việc kiểm soát giấy chứng nhận đã hiến máu, sẽ phát sinh tiền “phạt vạ” nếu chưa hiến máu. Cả người đi xe lẫn đi bộ đều bị khám xét gây ra phiền hà cho dân và tạo ra thêm cơ hội cho công an, cảnh sát nhũng nhiễu nhân dân.
- Một cảnh sát giao thông bị đuổi việc tố cáo cấp chỉ huy của họ đã huấn luyện họ cách chận xe đòi nộp phạt để moi tiền dân với chỉ tiêu hàng ngày. Khi chận một người chạy xe, cảnh sát sẽ đòi xem giấy tờ tùy thân, bằng lái xe, giấy chủ quyền xe chính chủ... rồi giữ giấy không trả lại với lý do “giấy giả” phải đem về phường “xác minh”. Nếu bị giữ xe, khi lãnh ra, xe sẽ bị mất đồ phụ tùng đặt tiền. Để không bị trở ngại công việc, mất thì giờ và bị hư xe, người dân đành phải hối lộ một số tiền cho cảnh sát. Chỉ khi người chạy xe nộp tiền vào túi cảnh sát, những “giấy giả” đó mới trở thành “giấy thật”. Khi có luật hiến máu bắt buộc, người dân đi bộ cũng như đi xe đều phải chịu cảnh sách nhiễu này (6), (7).
- Sẽ có cảnh buôn bán giấy chứng nhận hiến máu và giấy miễn hiến máu vì lý do sức khỏe y như giấy không hội đủ sức khỏe thi hành nghĩa vụ quân sự.
- Sau khi hiến máu, người hiến máu được khuyến cáo có thể bị nhức đầu, chóng mặt, lo lắng. Đó là triệu chứng bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Người hiến máu nên nghỉ ngơi, không nên làm việc nặng. Khoảng 5 ngày sau, cơ thể sẽ sản xuất ra đủ số lượng máu như bình thường. Khuyến cáo này cho thấy “luật bắt buộc hiến máu” ảnh hưởng nhiều đến người lao động nghèo kiếm cơm từng ngày như phu khuân vác hay người đạp xích lô... Làm sao họ có thể nghỉ việc 1 tuần để phục hồi sức khỏe khi gia đình không đủ ăn.
4. Phản ứng của dân chúng
Dưới bài báo “Tranh cãi xung quanh đề nghị bắt buộc hiến máu 1 lần/năm” trên Tuổi Trẻ Online, đa số độc giả tỏ ra bất bình và giận dữ với dự thảo luật về hiến máu và tế bào gốc. Dưới đây là 5 bình luận tiêu biểu: (1)
Hưng: Hiến pháp đã quy định về quyền bất khả xâm phạm thân thể, tính mạng con người. Vậy máu của tôi. Cho hay không là quyền của tôi. Đang dự định sẽ tham gia hiến máu. Nghe xong máu sôi lên. Dẹp...
Vincent Tran: Có "tình nguyện" lại kèm thêm cái ý "bắt buộc", nghe là lạ. Cái này cũng giống như "tình nguyện nhập ngũ" nhưng nếu không "tình nguyện" thì có phạt, có cưỡng chế. Vậy thôi mình nên bỏ chữ "tình nguyện" đi, đề hẳn từ "bắt buộc". Chúng ta nên thẳng thắn với nhau, đừng từ ngữ hoa mỹ che lấp chi, sẽ được nể phục.
Lê phúc lộc: Chắc phải đề xuất thêm luật " mỗi công dân VN là tài sản của quốc gia " nên máu và nội tạng đều do nhà nước quản lý, phải có nghĩa vụ nộp máu để phục vụ nhu cầu của đất nước...
Lê hai: Đã là hiến thì phải xuất phát từ tâm. Vận hành một tổ chức thì phải giỏi chuyên môn, phải tạo ra được nguồn. Đừng có thấy thiếu rồi áp đặt vì mình có quyền…
Bình Yên: tôi thấy năm nào chính phủ và bộ y tế cũng phát động người dân hiến máu, nhưng chưa bao giờ thấy các quan chức dự lễ phát động làm gương hiến máu. Mới nhất là sự kiện "Chủ nhật đỏ" hiến máu cứu người. Tôi biết ở Thái Lan, khi phát động phong trào kêu gọi người dân hiến máu, hiến tạng, những người trong hoàng gia, chính phủ đều làm gương cho dân chúng. Mong quan chức nước mình cũng làm được như thế.
5. Hiến máu thời Việt Nam Cộng Hòa
Mặc dù trong chiến tranh, Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng không ra luật bắt buộc phải hiến máu. Việc hiến máu là tự nguyện. Mỗi lần hiến máu khoảng 250 CC (ml). Sau khi hiến máu, sự săn sóc có khác biệt tùy nơi, người hiến máu thường được dùng bữa bánh mì với thịt bò “bit tết”, 2 miếng fromage “La vache qui rit”, 1 quả cam hay chuối với ly sữa. Ăn xong, khi thấy khỏe khoắn, người hiến máu mới ra về. Binh sĩ, trước khi rời khỏi quân trường, đều hiến máu dành cho chính bản thân mình và đồng đội. Đồng bào hiến máu để cứu những người bảo vệ quê hương cho mình được vui sống. Việc hiến máu được thuận lợi vì người hiến máu tin tưởng trình độ, lương tâm của nhân viên y tế và vui vì ý thức được đó là một nghĩa cử cao đẹp cứu sống đồng bào.
6. Kết luận
Để có đủ máu cho các bệnh viện, nhà nước CS không cần phải huy động “máu của toàn dân” vì chỉ cần 2% dân số hiến máu là đủ cho nhu cầu cả nước. Theo báo cáo của Bộ Y Tế, số máu hiến tự nguyện đạt 1.5%, chỉ thiếu 0.5%. Để có thêm 0.5% dân số hiến máu, có thể vận động sâu rộng hơn trong dân chúng về sự an toàn, lợi ích và sự cao đẹp của sự hiến máu. Số thiếu, lấy ngân sách, tiền đóng thuế của nhân dân bù vào. Cùng lắm là bắt buộc 2% ở lứa tuổi 20 (hay tuổi nào đó) hiến máu chỉ một lần cho suốt đời vì năm nào cũng có người tới tuổi 20. Thiếu 0.5% mà bắt buộc 46% dân số hiến máu là không hợp lý.
“Dự luật bắt buộc hiến máu” đã để lộ ra âm mưu “hút máu” nhân dân để có tiền bù đắp vào sự thâm thủng công quỹ. Nó cũng cho thấy đất nước đã rệu rạo, cạn kiệt tài nguyên, doanh nghiệp phá sản... vô phương cứu chữa khi nhà nước định làm liều khai thác máu của người dân. Đến máu của dân mà Bộ Chính Trị đảng CS còn bày ra luật để “hút” thì còn cái... gì của dân mà họ không ăn?
12.01.2017
Đi Tới
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen