Tình cờ gặp được chị Kim Tuyến, một trong nghệ sĩ tài
danh của giới biểu diễn miền Nam trước 1975. Dù ở trong
các tuồng diễn của gánh hát Kim Chung hay Dạ Lý Hương, thì cái tên
Kim Tuyến luôn đứng cùng với Hùng Cường, Tấn Tài, Thanh Hải… Khán
giả của thập niên 60 luôn đánh giá tài năng của chị không khác gì
Ngọc Giàu, Bích Sơn, Phượng Liên, Thanh Thanh Hoa… Giọng hát
và lối trình diễn của chị là sự thu hút đặc biệt trên sân khấu của
Sài Gòn. Nhưng có lẽ cũng vì vậy mà chị gặp không ít khó khăn sau
tháng 4-1975 bởi chọn lựa của mình.
Tháng 7/2016, chị Kim Tuyến có kể về cuộc gặp giữa chị và nghệ sĩ
Kim Cương. Giữa trùng phùng đó, người nghệ sĩ của Little Saigon đã
bất ngờ bật ra câu hỏi với nghệ sĩ Kim Cương rằng vì sao bà lại là
một cán chính nằm vùng.
Câu hỏi đó, cũng bật tung cánh cửa quá khứ, mở ra những điều âm ỉ
chưa ai nói hết. Lịch sử ghi lại vô số những dữ kiện lớn lao, nhưng
đôi khi vẫn thiếu những câu chuyện đời mà khiến ai nấy đều phải
trầm ngâm suy nghĩ. Ngày chiến tranh ấy xa rồi, nhưng có những vết
thương không bao giờ có thể lành.
Về nghệ sĩ Kim Cương, thật mới mẻ khi nghe kể lại qua lời của một
đồng nghiệp – mà hơn nữa là mặt đối mặt chứ không phải là chuyện
thêu dệt. Trong chuyện kể ấy, nghệ sĩ Kim Cương đã ngại ngùng ra
đi, để tránh phải trả lời nghệ sĩ Kim Tuyến. Cuộc đời, quả thật khó
ngờ hôm nay và mai sau. Cũng ít ai biết, trong những tháng ngày của
chế độ mới, nhiều người kể rằng nếu không có ông Võ Văn Kiệt lên
tiếng bênh vực thì bà Kim Cương cũng đã gặp nhiều búa rìu từ các
cán bộ bảo thủ thâm căn – coi bà Kim Cương cũng cùng một loại “văn
hóa đồi trụy”, không nên sử dụng trong chế độ XHCN.
Cám ơn chị Kim Tuyến, một nghệ sĩ tài danh và là một người thẳng
thắn kể lại mọi thứ trong bài phỏng vấn dưới đây. Những gì chị nói
ra, sẽ là phần tham khảo sống động nhất cho thế hệ mai sau về sân
khấu, con người và cuộc đời của Sài Gòn trong ký ức của những ai
yêu thương nơi chốn ấy.
Tôi giữ lại câu chuyện này với sự tôn trọng người kể, với tư
cách hậu bối, và cũng sẳn lòng dành thời gian với với những ý
kiến cải chính khác gửi đến, trong tinh thần sẳn
sàng rộng đường dư luận. Trân trọng.
Thật bất ngờ khi gặp lại chị ở Mỹ, đặc biệt là qua trường hợp chị
nói rất thẳng thắn với nghệ sĩ Kim Cương, về những hoạt động không
có tính cách văn nghệ của bà. Có vẻ như còn rất nhiều thứ về cuộc
đời mình mà chị chưa có dịp chia sẻ với khán giả. Nếu không bất
tiện, chị có thể cho biết sau ngày 30-4-1975, cột mốc của đời chị
đã như thế nào?
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, theo lời kêu gọi của Đài Phát Thanh
Sài Gòn (quân cán chính phải đến trình diện), tôi đến sở làm là
Tiểu Đoàn 50 Chiến Tranh Chính Trị trình diện. Đến nơi tôi thấy một
đống rác khổng lồ ngay lối cổng ra vào và đầy cả trong sân. Bỗng có
người nói: "Không phải ở đây mà phải trình diện ở Tổng Cục Chiến
Tranh Chính Trị ở đường Thống Nhất".
Đến Tổng Cục CTCT, anh Vân Sơn (ban AVT) giúp tôi lấy tờ đơn khai
lý lịch từ một cán bộ cộng sản đưa cho tôi. Tôi đang điền vào thì
một cán bộ khác bước ra nói: "Các ban nhạc trong Nam này chỉ có vài
nhạc công, ngoài Bắc chúng tôi có cả trăm nhạc công ấy". Tôi hơi
bực nói : "Nhưng sao ca sĩ các anh hát giống tiếng Tàu quá, chỉ nghe chí chí
chéo chéo không hà, chúng tôi không hiểu gì cả".
Nhìn vào tờ khai lý lịch, tôi nhanh trí điền vào hai chữ “tài xế” ở
phần nghề nghiệp. Xong mọi thủ tục, anh Vân Sơn đưa tôi đến trước
cổng Ban Văn Nghệ Hoa Tình Thương và Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương.
Anh Vân Sơn chào từ giả với gương mặt thật buồn. Về sau tôi được tin anh Vân Sơn đã nhảy xuống sông Thị Nghè tự tử
vì bất mãn với chế độ.
Sau đó theo lời kêu gọi của chị Kim Cương, tôi đến họp tại Hội Nghệ
Sĩ. Rất đông các cô chú và anh chị nghệ sĩ tân cổ tụ tập bên hông
trụ sở và phía sân sau. Khi thấy tôi và nghệ sĩ Tùng Lâm ngồi trò
chuyện, chị Kim Cương ngồi xuống bên cạnh tôi. Tôi nói "Chị ơi em
buồn quá". Chị Kim Cương kéo đầu tôi ngả vào vai chị, một tay
vuốt tóc vỗ về: "Đừng buồn em, chị em mình rồi sẽ được giải phóng ra khỏi bốn bức
tường". Tôi sững sờ nhìn chú Tùng Lâm. Chị Kim Cương nói lớn "Mọi người
vào trong, đến giờ họp. Chị nắm tay tôi, kéo tôi theo chị vào phòng
họp. Chị ngồi vào đầu bàn chủ tọa. Chị dõng dạc tuyên bố: "Ngày xưa bọn Thiệu Kỳ bán nước còn hiện diện trên quê hương ta,
tôi phải núp dưới danh nghĩa Làng Cô Nhi Long Thành. Hôm nay chúng
ta đã đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào. Tôi ra lệnh cho anh Nguyễn Đức
(nhạc sĩ) lập những tiểu tổ để chúng ta thành lập Biệt Đội Văn Nghệ
...". Chú Tùng Lâm nghiêng đầu nói nhỏ vào tai tôi: "Tuyến, khóc nữa đi
con, mầy khóc nữa đi con".
Tôi thất vọng não nề. Trong khi chị Kim Cương thao thao bất tuyệt,
tôi không còn nghe hay không muốn nghe gì nữa cả. Trời ơi, thần
tượng sụp đổ ! Kim Cương là Việt Cộng nằm vùng đã giúp cho cộng sản
cướp đoạt miền Nam, áp bức bóc lột người dân, đưa đất nước đến chỗ
sắp bị diệt vong, mà sao lại dám nói là mình yêu nước ???
Vài tuần sau, tôi gặp bác Bảy Nam, mẹ của chị Kim Cương, đi xích lô
máy ngừng trước nhà. Thấy tôi Bác hỏi : "Kim Tuyến, con đi đâu
đây?". Tôi chào Bác và trả lời "Dạ, đây là nhà con". Bác nói tiếp:
"Bác vào thăm ông Trần Tấn Quốc, vì nghe ổng sắp dọn về Cao Lãnh ẩn
dật. À, con có nhận được thơ của chị Kim mời con tham gia ban kịch
không? Chị Kim thích con đóng kịch với chị lắm. Ngày phát role (*chọn người vào vai) chị Kim chờ con quá trời". Tôi chỉ còn biết đáp: "Dạ...Dạ...tại
con bịnh".
Sau đó mấy ngày Má Bảy Phùng Há nhắn tôi đến nhà. Bà mặc áo dài chờ
tôi, Bà cho biết Bà muốn đưa tôi lên Sở Thông Tin Văn Hóa trình
diện để hát cho đoàn Sài Gòn 1 với nghệ sĩ Thành Được. Trước đó tôi
luôn được Má Bảy mời hát chánh cho ban cải lương Phụng Hảo và Vân
Kiều trên TV với anh Thanh Sang, và lần sau cùng với anh Thành Được
tuồng Cạm Bẫy Đô Thành của soạn giả Ngọc Điệp. Má Bảy bảo tôi về
thay áo dài cho đàng hoàng, "cách mạng không thích ăn mặc như vậy đâu con", vì tôi đang mặc quần ống loa và áo thun màu vàng với chữ
Have a nice day, áo bỏ trong quần, đeo dây belt to tướng. Tôi chào
Má Bảy, trở về nhà tôi, và trốn luôn Má Bảy.
Nhưng rồi sau 1975, chị có tiếp tục sinh hoạt văn nghệ bình thường
không? Những ngày đó như thế nào?
Sau ngày 30/04/1975, văn nghệ sĩ, nhạc sĩ miền Nam hầu như thất
nghiệp hết. Cứ một hoặc hai ngày là có ba người bộ đội mang dép râu
đi vào nhà tôi, ngang nhiên đi từ trước ra sau, rồi ngồi chồm hỗm
trên salon và nói là "Chúng con đến thăm Mạ (Mẹ tôi)". Lần lượt cán
bộ, rồi tới 'Cách Mạng 30' (*thành phần hưởng ứng với chế độ mới ngay sau ngày 30-4) kéo tới nhà tôi kêu gọi tôi tham gia. Họ bảo: "Chị là nghệ sĩ nên
sẽ có tác động lớn đối với quần chúng, chị sẽ ca hát và hướng dẫn
quần chúng. Mới giải phóng nên cách mạng còn nghèo. Chúng tôi sẽ
cấp cho chị một chỗ ngủ nghỉ tại trụ sở ngoài đường Lê Quang Định,
nơi chúng tôi tịch thu của bọn bám chân đế quốc Mỹ, chúng tôi cung
cấp cho chị một bữa ăn cho một ngày... ". Tiền lương thì
không có.
Họ yêu cầu tôi theo họ ra Quận và định chở tôi bằng xe đạp. Tôi bảo
họ cứ đi trước, tôi sẽ chạy xe theo. Quận của họ là bãi đất trống
ngay ngã 5 Bình Hòa. Một nhóm người, già trẻ bé lớn đứng bao quanh
một thanh niên nhỏ con, ốm nhách đang ôm cây đàn, vừa hát vừa chỉ
dẫn tất cả hát và diễn tả bằng chân: "Ta lên giây đàn... từng
tưng...". Mọi người nhìn theo anh nầy, cùng hát cùng co chân, đưa
đầu gối cao ngang bụng, hai tay cũng làm bộ như đang cầm cây đàn.
Tôi thầm nghĩ “trình diễn kiểu gì mà giống như một bầy khỉ đột
vậy?” Tôi cảm thấy xấu hổ cho cậu thanh niên, và tội nghiệp cho
những người dân đang bị bắt làm những trò quái đản. Mặt tôi nóng
bừng, tay chân tôi lạnh, chắc là bị lên máu. Tôi nói với anh cán bộ
là tôi bị bệnh rồi và tôi phải về nhà chữa bệnh gấp.
Cả xóm nhà vùng tôi ở rất bực mình vì những cái loa tuyên truyền
láo khoét. Mới hừng sáng loa phát rùm lên kêu mọi người thức dậy
tập thể dục, nghe rất chói tai nhức óc. Có lần họ cho người đến
từng nhà trong xóm kiểm kê xem nhà có cầu tiêu không? Loại nào?
Ngồi bàn hay ngồi chồm hỗm có cái lỗ ?...
Hoàn cảnh chị thì như vậy, nhưng bạn bè quen biết trong nghề thì
thế nào? Họ có gặp những nghịch cảnh như chị không hay mọi thứ dễ
dàng hòa nhập hơn?
Tôi có người bạn tên Mai, nhà chị ở đường Ngô Tùng Châu, Gia Định.
Một dịp tôi đến nhà chị thì thấy một nhóm công an phường ngồi đầy
nhà. Chị nói nhỏ với tôi là họ ngang nhiên vào nhà, họ còn tự động
lấy thức ăn trong tủ lạnh. Tôi bênh bạn nói: "Chị này ở một mình,
không có chồng, tại sao các anh tự nhiên vào nhà người ta
vậy?" Họ đáp "À, thì chỉ là đến thăm chị Mai thôi". Tôi chợt
nhớ đến chị bạn có chồng nhạc sĩ cổ nhạc đang là quân nhân của Biệt
Đoàn Văn Nghệ Trung Ương và đang có nhà trong khu gia binh, tôi
hỏi: "Mấy gia đình vợ con lính VNCH sống trong trại gia binh, bây
giờ có được tiếp tục ở không?". Tên Ba Tấn, mặt mày gian ác,
trả lời: "Chúng đã tiếp tay cho bọn Thiệu Kỳ bán nước, chúng
không có quyền ở". Tôi hỏi: "Vậy ai sẽ ở?". Hắn đáp: "Chúng tôi,
những người có công với cách mạng". Tôi nói tiếp: "Theo tôi, các anh là cách mạng giải phóng miền Nam, nên dành những
căn nhà đó và các biệt thự của cái bọn mà các anh cho là bám chân
đế quốc Mỹ bỏ lại, đem cấp cho các người nghèo khổ đang ở gầm cầu
xó chợ. Còn các anh nên che chòi ở, thì dân chúng sẽ phục các anh
vô cùng. Các anh vào ở các nhà này tôi e dân chúng sẽ nghĩ lầm về
cái từ giải phóng của các anh. Còn xe tăng, xe nhà binh, máy bay
của đế quốc Mỹ bỏ lại, các anh nên bắt chước Campuchia đốt bỏ hết
đi, đừng nên xài bất cứ cái gì của Mỹ Ngụy để lại".
Ba Tân tức giận gọi đồng bọn. Mấy chiếc xe mô tô hụ còi rầm rộ chạy
đến, chĩa súng bắt tôi giải đi về phường. Đến chiều, một thanh niên
trẻ ôm 1 tập giấy tờ mở cửa sắt vào gặp tôi. Em có vẻ ngạc
nhiên nói: "Trời ! Chị Tuyến, sao chị vào đây? Em là Đạt bạn của
thằng em chị, em học ở Đạt Đức. Em có đến nhà chị hoài mà không gặp
chị, chị đi hát hoài nên không biết em". Rồi Đạt hỏi tôi chuyện gì
xảy ra và Đạt đề nghị tôi viết vào một tờ giấy, nhận rằng mình
không hiểu rõ đường lối của cách mạng, xin lỗi cách mạng, ký tên,
rồi Đạt sẽ trình cấp trên và họ sẽ thả tôi. Tôi không chịu viết vì
nghĩ mình không có tội gì cả. Đạt khuyên tôi: "Họ đã ghi vào hồ sơ
và buộc chị vào tội phản động, họ sẽ đưa chị đi xa lắm...Hay là
vầy, em viết gì kệ em, chị chỉ ký tên vào, họ sẽ thả chị ra". Nghĩ
đến con, đến Má tôi và các em rất cần tôi, tôi ứa nước mắt ký vào.
Vài ngày sau, anh Vinh từng là quản lý của các đoàn cải lương trước
1975 đến nhà tôi và cho biết Cục An Ninh Nội Chính mời tôi về làm
đào chánh cho đoàn. Tôi nói với anh Vinh: "Nếu thương em, xin anh về nói với họ là em đang bệnh. Anh biết
không, vì cái cục R nầy mà em bị lên tăng xông, bệnh gần chết".
Vài tuần sau, chị Bạch Lan Thanh đến nhà mời tôi đi hát với nghệ sĩ
Tùng Lâm và anh Giang Tử, do anh Tony Quang ảo thuật gia tổ chức.
Chương trình văn nghệ bỏ túi có ca tân cổ, có kịch, có ảo thuật và
xiệc. Trong đêm trình diễn ở 1 quận ở miền Tây, có cả bộ đội mang
dép râu, ngồi chồm hỗm trên những băng ghế dài bằng cây, xem có vẽ
thích thú vỗ tay và yêu cầu tôi hát tân cổ bản "Những Đồi Hoa Sim",
rồi "Tình Đầu Tình Cuối", và "Tình Đời" song ca với Giang Tử. Sau
đó là phần ảo thuật và hài kịch. Vãn hát xong, thì Thông Tin
Văn Hóa xuống họp với chúng tôi. Một cán bộ với giọng Bắc nói: "Sao
tên của Tùng Lâm và Kim Tuyến to thế ? Ngoài Bắc chúng tôi không có
cá nhân đấy nhé. Yêu cầu anh Tùng Lâm đừng diễu nữa nhé". Tôi
nghĩ thầm: “Danh hài mà không cho diễu là sao?”. Mọi người yên
lặng, tôi lên tiếng: "Xin lỗi anh, anh tên gì ?" Anh ta đáp: "Chị
cứ gọi tôi là anh Ba". Tôi nói tiếp: "Anh Ba, theo tôi có lẽ ca
nghệ sĩ văn công ở ngoài Bắc hát được nhà nước trả lương. Nhưng ở
đây là do tư nhân tổ chức, cần bán vé vào cửa, nên phải quảng cáo
tên nghệ sĩ để khán giả biết mà mua vé vào xem, nhờ đó chúng tôi
mới có chén cơm". Anh Ba nhìn tôi lên giọng: "Yêu cầu chị Kim Tuyến và anh Giang Tử không được mặc đồ Mỹ Ngụy mà
phải mặc đồ bà ba đen, quấn khăn rằn giống Bác ấy". Trước khi ra về, có hai cán bộ đứng dậy đặt tấm giấy lên
bàn, nghiêm giọng nói: "Yêu cầu chị Kim Tuyến hát bài nầy".
Tôi nhìn vào, thấy dòng chữ: Vọng Cổ Bà Mẹ Việt Nam bắn Mỹ cứu
quốc. Khi họ đi rồi tôi nói : "Chú Lâm, chắc con nghỉ hát". Các em
trong ban nhạc nhốn nháo: "Chị Tuyến về, tụi em cũng ôm đàn về
luôn".
Tối hôm đó tôi trở về căn nhà của dân do Tony Quang mướn. Bước ra
phía sau nhà, tôi thấy chú Tùng Lâm ngồi bó gối trầm ngâm bên chai
rượu dưới ánh trăng. Tôi ngồi xuống, bưng chai rượu uống một hơi,
dù tôi không hề biết uống rượu, uống để chia sớt nỗi đau với chú,
và uống để cho vơi đi nỗi uất hận và tủi nhục mà kẻ chiến thắng
muốn áp đặt quyền dạy dỗ chúng tôi. Niềm đau tủi đã dâng trào ...
Hai chú cháu gục đầu vào nhau khóc nức nở. Hôm sau tôi từ giã chú
Lâm, về lại Sài Gòn và tìm cách vượt biên.
Những ngày đầu sau 30 tháng Tư, tôi thấy TV phát hình vở cải
lương hồ quảng của các nghệ sĩ miền Bắc. Họ không có đôi hài để
mang, họ mang dép râu, trang phục rất nghèo nàn. Có một vở kịch mà
diễn viên mặc áo đầm Liên Sô nói về điện Cẩm Linh chiếu trên TV và
các ca nghệ sĩ phải chào cờ của Liên Sô. So sánh với miền Nam, các
nghệ sĩ cải lương hồ quảng ăn mặc rất đẹp. Các kịch sĩ không hề
diễn kịch về Tòa Bạch Ốc và chúng tôi không hề phải chào cờ Mỹ. Chúng tôi làm việc cho Ban văn Nghệ Hoa Tình Thương/ Tổng Cục Chiến
Tranh Chính Trị và cơ quan thông tin JUSPAO, chúng tôi chỉ hát những bài ca ngợi quê hương, tình yêu và ca ngợi
sự hy sinh của những chiến sĩ VNCH, chứ không hề có những bài ca
sắc máu kiểu Cộng Sản "Thề phanh thây uống máu quân thù".
Với nghệ sĩ thì như vậy, chung quanh chị, còn những người Sài Gón
khác ra sao? Chị có còn nhớ một vài điều gì đáng nhớ vào thời điểm
đó?
Một buổi trưa, nằm nghe tiếng hát lạ : "Thăm thẳm chiều trôi...
khuya anh đi rồi sao trời đưa lối..." tiếng hát đầy xúc cảm như
muốn xé cả ruột gan. Tôi bước ra lan can nhìn xuống đường ngay gốc
cây trước nhà tôi, một người đàn ông mặc quần lính VNCH và chiếc áo
thung cũ, cụt 2 chân, đang ôm đàn hát...Tôi xúc động rơi nước mắt
nhớ lại những ngày hát cho các anh chiến sĩ tại các tiền đồn
Pleiku, Kontum, Bệnh Viện Cộng Hòa, Bệnh Viện Lê Hữu Sanh v.v...
Hình ảnh quá đau xót của những thương phế binh bị đuổi khỏi bệnh
viện đi qua nhà tôi trong buổi chiều 30/04/1975, hình ảnh một người
đàn ông ngã quỵ trước cửa trong đêm tối, tôi và các em tôi phụ đưa
anh vào nhà, nấu nước trà gừng và pha sữa, rồi cạo gió cho anh, lúc
anh tỉnh dậy chúng tôi mới biết anh là lính VNCH. Hôm sau, lại một
phụ nữ ngã gục trước nhà tôi vì đói quá, chúng tôi giúp chị qua cơn
đói.
Được biết chị vượt biển đi từ rất sớm, đến Mỹ, chị có gặp lại đồng
nghiệp và nối lại nghề diễn của mình?
Tôi vượt biên vào cuối năm 1978 với gia đình, đứa con nhỏ nhất của
tôi mới 10 ngày tuổi. Chuyến vượt biển hãi hùng như bao nhiêu nạn
nhân vượt biển khác. Cuối cùng chiếc tàu nhỏ bị lật vì sóng
to và đụng đá ngầm trước khi vào đến bờ biển Mã Lai, làm cho một số
người chết. Gia đình tôi may mắn được cứu thoát và sau đó được định
cư tại Hoa Kỳ với tư cách tỵ nạn chính trị.
Những ngày đầu đến Mỹ, tôi cũng như bao nhiêu người tỵ nạn khác,
được chính phủ Mỹ giúp đỡ. Tôi đến trường học tiếng Anh. Chị
Túy Hồng là người đầu tiên mời tôi hát trên đất Mỹ. Tôi dành một
buổi hát tại Los Angeles cho anh Bảo Ân. Sau đó lịch trình diễn của
tôi khá bận rộn: hát gây quỹ cho Chùa, Nhà Thờ, Kháng Chiến... hát
cho các phòng trà, vũ trường, đại nhạc hội... thu video cho nhiều
vở kịch và tuồng cải lương và các bài tân nhạc, trình diễn nhạc
kịch cho NS Hoàng Thi THơ, trình diễn văn nghệ tại Âu Châu và các
nước Canada, Nhật Bản, Úc…
Đã có lúc nào chị quay lại Việt Nam, để nhìn lại, nhớ lại?
Tôi có trở về Việt Nam sau khi Mẹ tôi mất năm 2010, lý do là lo
giải quyết tro cốt của Ba tôi để lại từ năm 1973. Trong thâm tâm tôi nguyện lo xong là không bao giờ muốn trở về khi
chế độ cộng sản vẫn còn trên quê hương Việt Nam. Trong chuyến đi này tôi có gặp lại vài người bạn thân quen từ thuở
nhỏ, những người bà con và vài người bạn đồng nghiệp. Lúc tạm trú
tại một khách sạn tại Sài Gòn tôi gặp những người làm việc ở đó nói
toàn giọng Bắc mới sau 75 rất khó nghe.
Hầu như những người Bắc 75 đã vào chiếm cứ hết những căn nhà mặt
đường khu thương mại của Sài Gòn, trong đó có ngôi nhà trước kia
của tôi. Sài Gòn trở nên quá chật chội, lưu thông tắc nghẽn, khói
bụi mịt mù, không tôn trọng luật lệ, cảnh sát giao thông làm tiền
trắng trợn. Đạo đức suy đồi, tham nhũng tràn lan. Không có một quốc gia nào trên thế giới mà muốn vào hoặc ra khỏi
phi trường là phải nộp tiền mãi lộ nếu muốn được yên thân. Đi đâu tôi cũng thấy biểu ngữ: "Quyết tâm làm sạch đường phố"...
hết 'quyết tâm' này đến 'quyết tâm' kia, hết 'phường văn hóa' đến
'khóm văn hóa', mà cán bộ và công an thì đối xử với dân rất vô văn
hóa. Tôi chưa từng thấy nước nào giăng quá nhiều biểu ngữ dạy dỗ
dân như Việt Nam Cộng Sản. Tôi cảm thấy xa lạ và cô đơn trên
chính quê hương của mình.
Chị chọn lựa ra đi và thật sự không hối tiếc? Được biết chế độ mới
ở Việt Nam cũng nhiều lần mời chị trở lại sân khấu và sống với nghề
như cũ. Thử nghĩ lại, chị ra đi chỉ vì bất mãn tạm thời hay có thêm
những kinh nghiệm nào khác?
Sau 10 năm định cư trên nước Mỹ tôi mới nộp đơn xin gia nhập quốc
tịch Mỹ. Ngày tuyên thệ tôi thấy lòng ngậm ngùi nghĩ đến thân phận
mình cũng có một quê hương, tại sao hôm nay mình phải xin được trở
thành công dân của một nước khác không cùng màu da? Nước mắt tủi
hờn lại có dịp rơi.
Sau khi quyết định nghỉ hát tại Việt Nam (1975), tôi không theo dõi
các chương trình TV và ít giao thiệp, nên không rõ các sự việc xảy
ra cho các nghệ sĩ đồng nghiệp ở Việt Nam. Kỷ niệm đáng nhớ trước
khi ra đi là có một ngày anh Nhật Trường đến nhà tìm tôi để mời tôi
hát cho anh lưu diễn miền Tây, nhưng tôi bận rộn lo chuyện vượt
biên. Một kỷ niệm khác là vào một buổi tối, tôi gặp Bà Năm Sa Đéc trước một tiệm phở trên đường Hiền Vương (*nay là đường Võ Thị Sáu). Bà Năm Sa Đéc (Má Năm) có đóng chung với tôi trong phim
"Đỉnh Núi Mây Hồng". Má Năm vừa đưa tay chỉ lên đầu vừa nói
với tôi: "Tụi nó bắt Má Năm học tập cải tạo, nhưng đầu này có sạn rồi...
còn lâu ! ". Ánh mắt Má Năm sáng rực nỗi phẫn uất trong đêm tối.
Tôi có một người em kết nghĩa tên Nguyễn Văn Trảng là đệ tử của ông
Anh Lân, khi viết kịch hay viết báo em lấy biệt hiệu là Vương Thế
Trung. Em tiếp tục học và đã tốt nghiệp kỹ sư (Phú Thọ), tôi có dự
lễ tốt nghiệp của Trảng năm 1973. Mẹ Trảng tu ở chùa Cao Đài, Ba
Trảng mất sớm. Một ngày nọ (1975), Trảng ghé nhà tôi và cho biết em
đang hoạt động cho Phục Quốc Quân tại Tây Ninh, tôi gởi cho em một
số tiền để em hoạt động. Năm 1978 tôi được tin Trảng đã bị bắt.
Năm 1983, soạn giả Trần Trung Quân từ Pháp sang mời tôi thu
hình vở cải lương "Nước Mắt Người Đi" với Dũng Thanh Lâm, nội dung
kể lại cuộc đời của các chiến sĩ phục quốc anh hùng. Tôi kể chuyện
tôi có cậu em kết nghĩa tên Trảng theo Phục Quốc Quân bị cộng sản
bắt, không biết giờ ra sao. Bất ngờ, anh Trần Trung Quân cho biết
anh có bà Mẹ hay đi chùa Cao Đài ở Tây Ninh vừa qua Pháp đoàn tụ
với anh, bà Mẹ kể rằng Hiền Tài Nguyễn Văn Trảng hoạt động phục
quốc bị cộng sản gài bắt và đưa ra xử trước tòa án nhân dân. Cộng sản kết tội Nguyễn Văn Trảng là phản động. Trảng hiên ngang
hét lớn: "Tôi không phản động, Hồ Chí Minh mới là kẻ phản động".
Trảng bị bắn chết ngay tại chổ. Anh Trần Trung Quân nói anh đã đưa câu nói này của Hiền Tài Trảng
vào trong vở tuồng do Dũng Thanh Lâm đóng vai chiến sĩ VNCH.
Tôi lặng người đau đớn nát cả lòng, nhớ đến hình ảnh Trảng
đạp xe đạp lộc cộc đến chỗ tập kịch. Tôi đề nghị giúp Trảng mua xe
mobilette để làm phương tiện di chuyển . Trảng hứa trả lại sau khi
ra trường làm việc. Tôi thương em như thương chính tôi vì nhớ cảnh
tôi phải bỏ dở việc học để đi hát kiếm tiền phụ giúp Cha Mẹ nuôi
các em, khi Ba tôi gặp khó khăn tài chánh vì Việt Cộng liên tục đắp
mô đặt mìn trên tuyến đường Sài Gòn - Vĩnh Bình, làm cho chiếc xe
đò của Ba tôi không hoạt động được. Tôi nói Trảng cứ yên tâm, tôi
tặng Trảng vì nghèo, mồ côi cha, hiếu học, xem như tôi đóng 2 show
kịch TV không lãnh thù lao. Trảng cảm động rưng rưng nước mắt.
Năm 1995, điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu tác giả bức tượng Tiếc
Thương ở nghĩa trang quân đội Biên Hòa gọi điện thoại tìm tôi. Anh
cho biết anh có 1 cô bạn là nữ quân nhân vừa qua Mỹ đang ở Boston
đi diện HO có biết một số tin tức về Nguyễn Văn Trảng.. Tôi hẹn gặp
chị tại nơi anh Thu cư trú ở Garden Grove , California. Chị
cho tôi biết là có 1 thời gian ngắn chị bị giam chung với
Trảng, Trảng thường nhắc đến Kim Tuyến và nói nếu chị ra được
khỏi tù thì nhờ chị tìm gặp chị Tuyến, nhắn rằng em lúc nào cũng
thương chị Tuyến. Nhưng tiếc thương thay cộng sản đã giết Em. Anh
Nguyễn Thanh Thu có ý định tạc một bức tượng của Trảng, nhưng không
thành vì lúc đó không ai có được một bức hình của Trảng. Chắc anh
Nguyễn Thanh Thu còn nhớ câu chuyện của Trảng. Tôi mong được gặp
lại chị nữ quân nhân mà tôi đã gặp 20 năm trước. Nhớ đến Trảng tôi
cảm thương và liên tưởng đến các thanh niên nam nữ trẻ tuổi như
Trảng đã anh dũng tham gia phong trào Phục Quốc bị tra tấn, tù đày
và sát hại. Tôi có một ông cậu ruột (cậu Lữ Minh Bạch) là một sĩ
quan hải quân VNCH, cũng hoạt động phục quốc, đã bị cộng sản bắt và
bị kết án 18 năm tù.
Tôi đã khóc khi đọc những bài viết của những người Tù chính trị sau
khi định cư ở Mỹ qua diện HO kể về những nhục hình mà những người
Cộng sản đã trả thù tàn độc , tôi lại càng căm thù chủ nghĩa Cộng
sản.
Sau một thời gian sống và làm việc ở Mỹ, chắc chị rồi cũng dần dần
gặp lại ít nhiều các đồng nghiệp trong Việt Nam qua Mỹ du lịch hoặc
biểu diễn, cảm giác của chị thế nào?
Bận rộn với gia đình và các sinh hoạt văn nghệ ở Mỹ, nhưng tôi vẫn
thường liên lạc với chị Như Mai và Kim Hoàng vì có mối thân tình từ
lúc chị mời tôi đóng vai chánh trong các vở kịch và tuồng cải lương
trên TV, đài phát thanh và đóng phim "Vực Nước Mắt". Lúc chị
Như Mai điều hành Chùa Nghệ Sĩ, tôi có trợ giúp cho chi phí xây một
bức tường quanh nghĩa trang nghệ sĩ. Năm 1993, tình cờ tôi được
biết qua chị Như Mai là Lê Duy Hạnh, chủ tịch Hội Sân Khấu trong Việt Nam, đang có kế hoạch
giao lưu văn hóa. Bắt đầu họ sẽ gởi một hai ca nghệ sĩ ít hoặc
không bị chống đối đến Mỹ hát trước để tránh bị biểu tình phản đối,
sau đó họ sẽ tiếp tục gởi tiếp nhiều ca nghệ sĩ khác ra hải ngoại.Chị Út Bạch Lan đến Mỹ trước tiên. Cô chủ nhà hàng Anh Thy và cô
Sáu Châu gọi báo cho tôi biết và muốn tôi cùng gặp chị Út
Bạch Lan. Tôi đến nhà hàng Anh Thy, nhìn thấy anh Duy Khánh và Lâm
Tường Dũ, hai anh đưa cho tôi xem tờ quảng cáo quay roneo có hàng
chữ: Tái ngộ sầu nữ Út Bạch Lan... với sự bảo trợ của Duy
Khánh, Kim Tuyến, Lâm Tường Vũ. Họ tự động ghi tên tôi vào thành
phần ban tổ chức mà không hề hỏi xem tôi có đồng ý không. Tôi nói:
"Tôi chỉ muốn đến thăm chị Út Bạch Lan như một đồng nghiệp đàn em
chào mừng chị, nhưng tôi không muốn có tên trong danh sách bảo trợ
hay ban tổ chức, dù rằng tôi thương mến chị Út Bạch Lan". Sau đó
tôi được biết nhà hàng Seafood World từ chối cho thuê để tổ
chức văn nghệ vì ngại sẽ có cuộc biểu tình chống đối, nên tất cả
kéo về tổ chức tại quán Anh Thy, một nhà hàng nhỏ hơn.
Từ năm 1993 khi được biết cộng sản phát động kế hoạch giao lưu văn
hóa, tôi có suy nghĩ nếu tiếp tục hoạt động văn nghệ thì vô tình
tôi tiếp tay cho cộng sản thực hiện ý đồ ru ngủ và đánh phá cộng
dồng người Việt tỵ nạn. Tôi đã bất hợp tác từ Việt Nam và đã vượt
qua quá nhiều nghiệt ngã, cuối cùng thoát khỏi cộng sản VN, thì tại
nơi đất Mỹ này tôi vẫn có cơ hội sống bằng trí óc và đôi tay của
mình. Tôi quyết định ngưng hát. Từ năm 1993 tôi chỉ hát một lần để
ủy lạo các gia đình H.O. theo lời mời của anh Nguyễn Mậu Quý, chủ
tịch Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị. Trong thời điểm đó, nhạc sĩ Hoàng
Thi Thơ đã book tour bên Âu Châu và mời tôi tiếp tục trình diễn
nhạc kịch Ả Đào Say, nhưng tôi từ chối. Em Chí Tâm cũng muốn tôi
kết hợp trình diễn với anh Thành Được, và rất nhiều nơi mời tôi đi
hát, nhưng tôi vẫn không nhận lời mời. Điều tôi suy nghĩ có thể
không đúng với những người khác, nhưng tôi không thể, hay đúng hơn
không muốn giải bày. Năm 2002, anh Nhật Trường mời tôi hát giúp cho
2 đêm Văn Nghệ Giã Từ Sân Khấu, tôi nhận lời vì tôi cùng quan điểm
với anh khi nghe anh nói anh chống lại kế hoạch giao lưu văn hóa và
không muốn đứng chung sân khấu với các nghệ sĩ do cộng sản đưa
sang.
Năm 2002, chị Bạch Tuyết qua Mỹ và gọi điện thoại cho tôi, chị nói
muốn đến nhà thăm tôi. Tôi vui mừng vì chúng tôi đã từng đi hát
chung ở đoàn Thống Nhứt lúc tôi còn là "đào con". Chị Bạch Tuyết
may mắn giờ chót được thay thế vai của chị Diệu Hiền trong vở "Đẹp
Duyên Chùa Tháp" tức "Tiếng Hát Muồng Tênh" của soạn giả Mộc Linh.
Hai ông bầu Út Trà Ôn và Hoàng Giang sắp xếp cho Bạch Tuyết
thế vai vì Diệu Hiền bỗng nhiên biến mất, trong khi Bạch Tuyết chưa
có vai trò nào trong vở tuồng này, còn tôi được đóng vai người em
gái nhỏ. Thời gian sau tôi rất thích chị đóng chung với anh Hùng
Cường ở đoàn Dạ Lý Hương, vì hai người diễn rất sống động, rất thật
trong các vở tuồng xã hội cùng với Ngọc Giàu, Văn Chung, Dũng Thanh
Lâm, Thanh Tú.
Phương Uyên lái xe chở chị Bạch Tuyết đến nhà chúng tôi. Sau khi
chụp vài tấm ảnh kỷ niệm, tôi mời chị và Uyên đi ăn tối tại
restaurant COCO. Chị bảo là chị ăn chay và chỉ ăn được món nào có
tôm. Tôi tưởng chị là người Công Giáo. Tôi hỏi thăm về tin
chồng chị là ông Đức bị bắt và bị Việt Cộng tịch thu tài sản, và
chắc chị khổ với Việt Cộng vì ngày xưa chị có bức hình đội
nón sắt có hàng chữ "Bỏ Bom Hà Nội" và chị đưa ngón tay cái lên.
Chị nói " Em ơi... ờ thì...nhưng chị không coi trọng tiền bạc, vật chất.
Chị tu rồi em ơi, thỉnh thoảng chị được thầy Thích Thanh Từ
là thầy của chị, vì bận quá, phật tử đông quá, đã giao cho chị đi
thuyết pháp . Vấn đề anh Đức ở tù thì khi hoạn nạn mình phải chấp
nhận, khi nào trời quang mây tạnh thì hai đứa che dù đi chung". Tôi hỏi thăm về sinh hoạt và cuộc sống của chị tại VN thì
chị cho biết chị có nhiều bạn trẻ thương yêu, các bạn này có hãng
nước uống và cho chị vào một phần hùn nhỏ để sống nên chị không
phải bận tâm. Chia tay ra về tôi thấy vui cho chị vì nghĩ
rằng chị đã tu đến mức đã đạt được chữ “ngộ” rồi, vì nhà cửa bị
tịch thu, chồng bị bắt bỏ tù mà không oán hận. Tôi thầm nghĩ, nếu
là tôi thì tôi sẽ thù ghét CS lắm.
Bạch Tuyết điện thoại cho tôi: "Chị có thằng con trai học Bang Giao
Quốc Tế ở bên Anh quốc. Hôm đám cưới cháu chị không qua được, chỉ
có cô em kết nghĩa là mẹ nuôi của nó đứng ra tổ chức. Chị muốn nó
ra mắt cô chú đồng nghiệp cho phải lễ. Chị mời em và ông xã đến rồi
tụi mình đập bồn đập trống cho vui". Tôi nhận lời ngay. Đến
nhà hàng Palace Seafood nơi tổ chức tôi nhận thấy đây là một đám
cưới vì cô dâu chú rễ mặc khăn đống áo dài theo trang phục đám
cưới. Có nhiều ca nghệ sĩ đến tham dự và chúng tôi cùng ca hát đóng
góp thật sôi nổi với MC Trần Quốc Bảo. Cô dâu Mỹ trông khá xinh xắn
dễ thương. Trước khi tiệc tàn, chị đến siết tay tôi và hẹn đến chơi
nhà tôi vài hôm trước khi về lại Việt Nam.
Một buổi chiều, trên đường đến rước chị, chúng tôi ghé mua tờ Việt
Báo. Tôi giở tờ báo ra xem thì giật mình khi thấy hình chị Bạch
Tuyết đang quỳ lạy khán giả trên sân khấu tại San Jose với hàng tít
to: “Bạch Tuyết đã quỳ lạy khán giả vì bị biểu tình phản đối”.
Chúng tôi rước chị ở khu mobile home trên đường Bolsa. Trong khi
ông xã tôi đổ thêm xăng tại góc đường Brookhurst và Hazard thì chị
cầm tờ Việt Báo lên đọc rồi chị nói lớn: "Cũng thằng Mỹ nữa". Tôi
nói : "Chuyện gì vậy chị?". Chị tiếp: "Thằng Mỹ không có tư cách gì
để lật đổ chế độ Taliban". Tôi hỏi: "Sao vậy chị ?". Chị nói "Em ở Mỹ lâu mà em không biết gì sao Tuyến, thằng Mỹ làm giàu nhờ
bán vũ khí, nó muốn quậy lên để bán vũ khí". Trời ơi, sao luận điệu và giọng nói này của Bạch Tuyết giống y như
phát ngôn viên Việt Cộng Phan Thúy Thanh mà mỗi sáng lái xe di làm
tôi hay nghe tin tức từ đài VOA và BBC.
Về đến nhà, chị cầm tay tôi xem, thoạt đầu, tôi nghĩ chị biết coi
bói. Chị hỏi : "Tuyến, em có bao nhiêu căn nhà?". Tôi đáp: " Một căn nhà mà còn trả chưa xong đây chị". Chị lại hỏi: "Em có bao nhiêu tiền trong nhà băng?". Tôi ngạc nhiên với 2 câu hỏi này. Chị bảo tôi về Việt Nam chơi và
ở với chị. Tôi nói: "Em ghét Việt Cộng. Vượt biên suýt chết rồi chị". Chị nói: "Thôi mà em, đừng nghĩ vậy, chế độ bây giờ tốt đẹp hơn chế độ trước
nhiều lắm". Ông xã tôi bất bình nói: "Chị nói chế độ bây giờ tốt đẹp tại sao sau khi chấm dứt chiến
tranh họ lại bắt sĩ quan, công chức và những nhà trí thức VNCH giam
cầm đày ải bỏ đói cho đến chết trong các trại tù cải tạo?". Chị lại nói: "Anh không biết chứ Tuyết vô thư viện bên Anh đọc sách, có nhiều
nước tan chiến tranh rồi họ đem bắn bỏ hết, rồi ai làm gì họ". Tôi bực mình nói: "Tốt đẹp gì chị, chế độ gì không có tự do tôn giáo, như Linh Mục
Nguyễn Văn Lý bị nhốt vào tù, Hòa Thượng Thích Quảng Độ bị quản
chế". Bạch Tuyết nói: "Ai biểu sống trong chế độ của người ta mà chống đối thì là chuyện
đương nhiên". Tôi thất vọng ở tầm kiến thức nhỏ hẹp lệch lạc và lối lý luận sặc
mùi cộng sản của 'tiến sĩ' Bạch Tuyết. Chị còn hết lời ca tụng tâng
bốc Nguyễn Minh Triết nói anh ta giỏi đủ mọi thứ, trong khi ở
thời điểm đó Nguyễn Minh Triết còn hoạt động ở Sài Gòn và tôi chưa
biết anh ta là ai.
Khi cuộc bàn luận quá căng thẳng tôi đổi đề tài để nói về văn nghệ.
Tôi nói "Má em hay xem cải lương, thỉnh thoảng em cũng
xem và thấy Tài Linh diễn xúc động, chắc Tài Linh hiền lắm hả
chị?". Bạch Tuyết nói : "Những người nổi tiếng không ai hiền hết
em". Rồi chị kể về anh Hùng Cường, chị bảo là Hùng Cường yêu chị
lắm và muốn cưới chị nhưng chị từ chối (?). Chị không biết rằng
trong thời gian sống ở Mỹ anh Hùng Cường rất thân với chúng tôi và
hay kể về những cuộc tình của anh, dĩ nhiên trong đó có Bạch Tuyết,
anh Hùng Cường đã có mối quan hệ sâu đậm từ Bạch Tuyết ra sao, và
chị đã năn nỉ anh thế nào. Tôi nghĩ nếu Hùng Cường còn sống tôi sẽ gọi anh đến để nghe Bạch
Tuyết nói dóc. Đêm khuya quá, chẳng lẽ tôi đẩy Bạch Tuyết ra khỏi
nhà, còn đưa về thì tôi mệt rồi sau một ngày dài làm việc.
Chị hỏi tôi có muốn gởi tiền giúp Chùa Nghệ Sĩ không, tôi nói đã
giúp rồi, và lần này chỉ gởi ít tiền tặng Má Bảy Phùng Há.
Trước đây theo lời kêu gọi của Má Bảy và 2 chị Như Mai Kim Hoàng,
Chùa Nghệ Sĩ không có rào nên thỉnh thoảng phát giác ra mồ mả bị
đào bới vì họ muốn kíếm vàng bạc, đồng thời số nghệ sĩ già không
nhà cửa phải sống lang thang, nên yêu cầu chúng tôi giúp đỡ tiền
xây rào và mua tôn lợp phía sau chùa cho các cô bác có chỗ tạm trú.
Chúng tôi đã gởi tiền giúp. Sau đó chị Như Mai cho biết ông
Võ Văn Kiệt chấp thuận cấp cho 1 miếng đất ở quận 8 để xây Nhà
Dưỡng Lão Nghệ Sĩ. Tiền chúng tôi đã gởi, chị Như Mai lo xây rào và
trùng tu trong Chùa vẫn còn dư. Tôi yêu cầu chị Như Mai bỏ số tiền
đó vào bank để lấy lời lo thuốc thang cho những nghệ sĩ già đau
yếu, còn Nhà Dưỡng Lão hãy để cho chính quyền cộng sản lo.
Tôi không bao giờ quên ơn Má Bảy Phùng Há, người mời tôi đóng nhiều
vở tuồng trên TV, đã chỉ dạy thêm cho chúng tôi từ anh Thanh Sang
đến anh Thành Được. Má Bảy cũng từng nói: "Mấy ổng muốn mời Má làm chức này chức kia, nhưng Má nói Má
không thích làm chính trị, Má chỉ thích làm Văn Nghệ mà thôi". Tôi lấy 100 dollars bỏ vào bao thơ trao cho chị Bạch Tuyết nhờ chị
đem về trao cho Má Bảy. Vài tuần sau tôi gọi điện thoại thăm Má Bảy
và hỏi xem Má Bảy có nhận được tiền không. Lúc đó có mặt ông bầu
Xuân, tôi nghe tiếng Má Bảy nói lớn: "Ông Xuân ơi, Kim Tuyến nói có gởi Bạch Tuyết đem về cho tôi 100 mà
sao không thấy?". Ông Xuân nói: "Bạch Tuyết bảo sung vào quỹ của Chùa". Tôi không hiểu tại sao chị Bạch Tuyết lại làm khác lời dặn của
tôi, để cuối cùng Má Bảy không nhận được gì cả !
Một lần nọ anh Hùng Cường dẫn anh Sáu Thanh đến nhà thăm chúng tôi.
Anh Sáu Thanh là 1 đại thương gia trước năm 1975, chính anh là
người cung cấp toàn bộ tiền bạc và phương tiện để thành lập đoàn
cải lương Hùng Cường - Bạch Tuyết . Sáu Thanh giao đoàn cải lương
cho Hùng Cường và chị Bạch Tuyết vì anh rất bận với các công ty lớn
của anh. Đoàn cải lương này là một đại ban, được khán giả nhiệt
tình ủng hộ, lần trình diễn nào cũng bán hết vé, thế mà Bạch Tuyết
khai lỗ. Trước mặt chúng tôi, anh anh Sáu Thanh nói với Hùng
Cường: "Anh lập đoàn hát này cho chú mầy mà chú mầy ham chơi quá, để cho
con Tuyết lộng hành, nó đưa người nhà của nó vào, nó kiểm soát mọi
chi thu, cứ khai lỗ, để cuối cùng phải giải tán đoàn hát".
Ngày 27/10/2002 Bạch Tuyết tổ chức ra mắt CD Kinh Pháp Cú chuyển
thể cải lương tại Chùa Việt Nam trên đường Magnolia của Thượng Tọa
Thích Pháp Châu. Ông Thượng Tọa này từng có tai tiếng vì đã lăng nhăng tình ái với
một nữ Phật tử trẻ. Cuộc điện đàm hẹn hò dâm dục ở hotel của ông sư
này với cô gái đã bị thu băng toàn bộ. Vì vậy cho nên truyền thông
và báo chí hải ngoại kêu gọi biểu tình chống Việt Cộng Bạch Tuyết
và Thượng Tọa Pháp Châu. Hôm đó có rất nhiều người đến biểu tình,
trong đó có tôi, trước cửa chùa. Người biểu tình cho phát thanh
cuốn tape dâm dục của Thượng Tọa Pháp Châu và hô đả đảo Bạch Tuyết.
Tôi nghĩ nếu anh Hùng Cường còn sống chắc anh cũng sẽ đến biểu tình
chống Bạch Tuyết, vì anh là người rất căm thù cộng sản. Dù rằng khi
còn sống anh đã từng kể chính anh là người giới thiệu anh Đức ( một
"Việt Kiều Yêu Nước" tại Pháp) cho Bạch Tuyết sau vụ Bạch Tuyết bị
vợ của ĐT Hoàng Đức Ninh làm nhục.
Trong một dịp thăm nhà thơ Nguyễn Chí Thiện và đi ăn tối với anh,
chúng tôi có kể cho anh nghe về Bạch Tuyết và Kim Cương. Trong một
lần nói chuyện trên Radio, anh Thiện đã có đề cập đến Việt Cộng Kim
Cương và Bạch Tuyết. Tôi quý mến anh Nguyễn Chí Thiện vì tư cách và
sự dũng cảm của anh. Chỉ vì can đảm dám nói lên sự thật của lịch sử
và sự thật tàn ác của chế độ cộng sản mà anh bị gần 30 năm tù ở
miền Bắc. Trong tù anh vẫn đứng thẳng, hiên ngang làm thơ vạch trần
sự dã man của chế độ và dám chửi thẳng Hồ Chí Minh.
Những gì tôi kể về Bạch Tuyết là hoàn toàn sự thật, không thêm bớt,
không trái với lương tâm. Một số đông trong đó có tôi vẫn còn nhiều
hoài nghi về Bạch Tuyết:
- Bạch Tuyết không học Trung Học, không học Đại Học thì làm
sao có bằng Tiến Sĩ ?
- Bạch Tuyết không rành tiếng Anh làm sao vào thư viện của
Anh đọc sách và tài liệu.
- Bạch Tuyết không nói và viết lưu loát tiếng Anh,
tiếng Pháp và tiếng Đức thì làm Luận Án Tiến Sĩ bằng tiếng gì
? Không lẽ làm luận án ở ngoại quốc mà dùng tiếng Việt ?
- Bạch Tuyết có biết rằng mọi người đều biết trên thế
giới có nhiều bằng Tiến Sĩ Danh Dự được cấp do sự giới thiệu hay
quen biết. Có các trường Đại Học dỏm, không được chấp nhận, chỉ cần
nộp cho họ vài ngàn dollars là có bằng Tiến Sĩ giấy.
- Bạch Tuyết thù ghét Mỹ, vậy tại sao thích đi
sang Mỹ, cho con học ở Mỹ, đi làm ở Mỹ, lấy vợ Mỹ. Phải chăng Bạch
Tuyết muốn tìm một "bãi đáp an toàn" sau này ở Mỹ ?
Những câu chuyện của hôm qua bao giờ cũng thật xúc động, dù chỉ là
kỷ niệm. Nhưng có khi nào chị nhìn thấy sân khấu ở quê nhà, sự rộn
rịp hoặc giàu có của giới đồng nghiệp mà chạnh lòng? Hoặc chị có
lúc nào nghĩ rằng nếu chị nhượng bộ, ở lại, thì cũng đã có một cuộc
sống sinh hoạt sôi nổi, nhiều thu nhập như các nghệ sĩ khác?
Sau 37 năm sống trên đất Mỹ và 41 năm miền Bắc cai trị miền Nam,
tôi vẫn thường theo dõi các tin tức từ quê nhà và rất buồn khi thấy
cộng sản đã tạo ra một giai cấp mới, giai cấp cán bộ, con ông cháu
cha, tư bản đỏ, giai cấp này lộng hành, áp bức bóc lột người dân
khốn cùng. Luân lý, đạo đức suy đồi, cuộc sống bất an, luật pháp
bất minh, môi trường nhiểm độc, tham nhũng tràn đầy... Trong khi đó
chính quyền lại "ác với dân, hèn với giặc" trước hiểm họa mất nước
vào tay giặc Tàu.
Tôi không dùng danh từ “chính quyền” cho CSVN, vì không ai bầu cái Đảng cướp này cả . Chúng cưỡng chiếm miền Nam , áp đặt chể độ độc tài đảng trị, thì không thể dùng danh từ Chính
quyền. CSVN thắng VNCH do tuyên truyền dối trá , quỷ quyệt, gian manh do
HCM đem chủ thuyết ngoại lai quái đản từ Liên Sô,Trung Cộng đặt lên
đầu dân VN. CSVN xem văn nghệ sĩ là bộ môn tuyên truyền hữu hiệu
nhất, họ dùng nghệ sĩ để ru ngủ đồng bào quên đi tội ác mà chúng
gây ra. Kim Cương là một điển hình cùng một số văn nghệ sĩ được họ sử
dụng.
Tôi thấy mình đã quyết định đúng khi vượt biên rời khỏi chế độ cộng sản VN để cho gia đình và con cháu tôi có một cuộc sống an lành và tốt
đẹp hơn. Tôi đã quyết định đúng khi chọn nước Mỹ, một nước tôn
trọng tự do dân chủ và nhân quyền, một nước thật sự của dân, do dân
và vì dân.
Dạ, xin cám ơn chị,
28/7/2016
28/7/2016
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen