Sonntag, 21. August 2016

Chuyện ông phó đại sứ Bắc Hàn

Vụ ông Thae Yong Ho, phó đại sứ Bắc Hàn tại Luân Đôn đào thoát trên truyền thông Nam Hàn. (Hình: Getty Images)
Hôm thứ ba vừa qua, trước là báo chí sau đó chính phủ Nam Hàn chính thức công nhận là ông Thae Yong Ho, phó đại sứ Bắc Hàn tại Luân Đôn, đã bỏ hàng ngũ và đã được chính phủ cho tị nạn ở Nam Hàn.
Ông Thae, như vậy, đã là nhân vật cao cấp nhất trong hàng ngũ ngoại giao Bắc Hàn đào thoát. Nghe đâu chính quyền Bình Nhưỡng đã hoàn toàn bất ngờ trước tin này và hầu như lúc đầu ú ớ không có phản ứng. Mà ngạc nhiên cũng phải vì các nhà ngoại giao Bắc Hàn là những người được tín nhiệm cũng như được hưởng nhiều đặc quyền nhất trong thế giới kỳ lạ của Bắc Hàn. Vậy điều gì khiến ông Thae khác hẳn những người khác?
Một anh bạn đồng nghiệp cũ ở đài BBC, Steve Evans, hiện đang là thông tín viên đài BBC ở Nam Hàn, kể lại là anh đã có những kinh nghiệm rất lý thú và dễ chịu với ông phó đại sứ.
Anh kể, “Lần cuối tôi gặp ông Thae Yong Ho là trong một quán cơm Ấn Độ ở quận Acton, ở phía Tây của thủ đô Luân Đôn. Ông ta đang ăn cà ri, nhưng không ăn cơm. Lý do là về điều mà bác sĩ của ông khuyên là ông đang ở trong tình trạng ‘tiền tiểu đường’, một tình trạng mà những người trung niên thích ăn uống thường bị các bác sĩ của mình cố vấn phải dè chừng.” Bác sĩ của ông phó đại sứ có vẻ đã khuyến cáo ông là hãy nên coi như bệnh tiểu đường như là một con quái vật đang hung hăng chạy đến. Anh có thể làm cho nó chậm lại hay anh có thể thúc đẩy cho nó chạy nhanh hơn nhưng đó là chuyện rồi sẽ tới, ông giải thích. Và bác sĩ còn khuyên là cơm và những loại chất bột khác sẽ làm cho con quái vật tiểu đường đến sớm hơn.”
Nay thì ông Thae hẳn sẽ phải đi kiếm cà-ri ở Seoul. Thủ đô của Đại Hàn Dân Quốc có nhiều kim chi nhưng không nổi tiếng bao nhiêu về cà ri thành ra hẳn ông sẽ nhớ cà ri Luân Đôn.
Ông đã rời bỏ Luân Đôn và biến mất cùng gia đình, bà vợ và hai cậu con trai. Trước đó ông bảo với những nhà báo quen biết là thời gian của ông ở Luân Đôn làm đại diện ngoại giao cho Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, như ông thường gọi Bắc Hàn, đã đến hồi kết thúc và đầu mùa Hè vừa qua ông đáng lẽ đã phải cùng gia đình trở về Bình Nhưỡng.
Nhưng ông đã không trở về. Nghe đâu với sự giúp đỡ của cơ quan tình báo hải ngoại Anh MI-6, ông đã “biến mất.”
Steve bảo nay nghĩ lại anh thấy có những dấu hiệu. Anh kể: “Tôi còn nhớ ông ta hỏi tôi về cuộc sống ở Seoul. Tôi kể cho ông về một thành phố khổng lồ, ồn ào nhộn nhịp, một thế giới khác hẳn Bình Nhưỡng.”
Điều làm Steve ngạc nhiên là ông ta có vẻ giống hệt như một người Anh. Ông ta có vẻ hòa hợp với Luân Đôn. Ông ta có vẻ quá trung lưu, quá bảo thủ, quá gentleman. Thực sự ông ta đã hoàn toàn thích ứng với cuộc sống của một khu ngoại ô của Luân Đôn. Ông kể lại một hôm đi qua câu lạc bộ tennis ở Ealing gần nhà và thấy một tấm bảng kêu gọi tham gia. Ông bèn vào nộp đơn xin gia nhập và từ đó trở thành một trong những cột trụ của câu lạc bộ quần vợt đó. Bạn bè trong câu lạc bộ hỏi han không hiểu ông ta đâu mất.
Ông còn kể ông đổi sang tennis vì bà vợ than phiền ông bỏ hết ngày giờ cho golf. Nghe đâu bà vợ bảo là hãy chọn đi, chọn golf hay chọn tôi. Nếu không chịu bỏ golf, bà sẽ mang con về Bình Nhưỡng. Và ngay cả với một người Bắc Hàn, tình nghĩa vợ chồng và hòa khí trong gia đình là quan trọng hơn cả. Ông từ bỏ những cây gậy đánh golf để cầm cây vợt đánh tennis, với câu lạc bộ tennis ngay gần nhà, ông có nhiều thời giờ ở nhà với vợ con hơn.
Steve kể anh và ông phó đại sứ thường nói chuyện về gia đình và sức khỏe, như mọi người khác. Con cái những nhà ngoại giao Bắc Hàn ở Luân Đôn đi học trường công ở địa phương. Ông bà Thae đã cười bảo là những chữ đầu tiên con mình học là “Stop doing that!” hay “Enough.” Đúng những chữ mà thầy cô giáo ở xóm Acton, học trò ngổ ngáo, phải thường dùng.
Ông Thae đã thường làm nhiệm vụ quảng bá chủ thuyết của chế độ. Ông đã từng nói chuyện với Đảng Cách Mạng Cộng Sản của Anh Quốc (chủ trương Marxist-Leninist) nhưng trong khi nói chuyện ông nhắc đến giá thuê nhà ở Luân Đôn. Ông nói là khi ông cho bạn bè Bắc Hàn biết giá ông thuê nhà ở Luân Đôn, họ cứ tưởng đó là một tòa nhà đồ sộ với hồ bơi, thay vì chỉ là một căn nhà nhỏ bình thường. Và mặc dầu than thở về tiền nhà, ông đã chọn không ở khu của tòa đại sứ vốn miễn phí, mặc dầu công nhận đó là một trong những đặc quyền ông có thể được hưởng.
Steve cũng thêm là mỗi khi anh nói chuyện với ông thì đều có một nhà ngoại giao khác của Bắc Hàn đi kèm. Đó là cái lối của Bắc Hàn, họ bị buộc phải kiểm soát lẫn nhau. Ông chưa bao giờ để hở một tí ti nào sự thiếu trung thành với chế độ. Nhưng khi nói chuyện với các viên chức Bắc Hàn, chúng ta đều biết lằn đỏ ở đâu.
Một nhà báo ngoại quốc nào từng có kinh nghiệm với các chế độ độc tài cộng sản, kể cả chế độ của Hà Nội, thì đều biết đến những người gọi là “hướng dẫn viên”. Tôi thấy cái tên tiếng Anh “minder” hay hơn nhiều. Quả là họ theo dõi bạn. Nhưng họ cũng rất có ích và giúp đỡ trong phạm vi họ có thể làm được. Ở một khía cạnh nào đó, ông Thae cũng vậy.
Steve tuy vậy công nhận là mặc dầu có một bộ mặt rất ngoại giao, ông Thae phải làm rất nhiều những việc xấu trong suốt một thập niên làm việc ở tòa đại sứ Bắc Hàn ở Luân Đôn. Anh tự nghĩ không hiểu là ông Thae có phải là một trong hai người Bắc Hàn đã đến cái tiệm hớt tóc ở Luân Đôn để than phiền về bức hình ông Kim Jong Un và hàng chữ “Bad Hair Day,” vốn làm lãnh tụ nổi giận. Liệu ông có theo dõi những người Bắc Hàn sống ở khu Korea Town của Luân Đôn ở New Malden, một trong những khu ngoại ô ở phía tây nam của thành phố hay không? Nhưng quả là ông có lần hộ tống người anh của ông Kim Jong-Un đi nghe một buổi hòa nhạc của Eric Clapton.
Điều còn đáng ngạc nhiên hơn nữa là theo báo chí Nam Hàn, ông Thae và bà vợ, Oh Hae-Son, 50 tuổi, là thuộc dòng con lãnh tụ, là những hoàng tử, công chúa đỏ. Ông Thae là con trai của ông Thae Byong-Ryol, đồng chí của lãnh tụ sáng lập ra Bắc Hàn và ông nội của ông Kim Jong-Un, từ thời ông này còn là một chỉ huy du kích chống Nhật vào đầu thế kỷ thứ 20. Bà Oh là bà con của một lãnh tụ kháng chiến khác, Oh Baek-Ryong, theo báo chí Nam Hàn.
Con cái của các cựu lãnh tụ kháng chiến chiếm những vị trí quan trọng trong chính phủ Bình Nhưỡng, đóng vai trụ cột cho chế độ của ông Kim và sống trong một cuộc sống vương giả mà người dân Bắc Hàn bình thường không ai dám mơ tưởng. Họ được phép đi học ngoại quốc như chính ông Thae và hai người con trai của ông, đã đi học ở Trung Cộng và ở Âu Châu. Điều còn đáng kể hơn nữa là ông Thae đã giữ nhiệm sở ở Luân Đôn đến một thập niên, một chỉ dấu cho thấy sự tín nhiệm của hàng lãnh đạo đối với ông vì đây là mọt trong những nhiệm sở quan trọng nhất của Bắc Hàn.
Một số viên chức Nam Hàn chỉ ra là những vụ đào thoát mới đây là bằng cớ giới quyền quý đang bỏ chạy ra ngoại quốc thay vì đối diện với đàn áp và có thể cả cái chết, trong khi ngày càng khó khăn thực hiện những nhiệm vụ mà chế độ đòi hỏi từ mua các món xa xỉ phẩm đến bán vũ khí nay khi cấm vận quốc tế ngày càng bị siết chặt.
Một vụ hồi chánh tập thể mới đây là toàn thể nhân viên của một nhà hàng Bắc Hàn. Những người này, các chuyên gia chỉ ra, thuộc những gia đình ở thượng tầng của chế độ Bình Nhưỡng. Họ cũng đã trải qua biết bao nhiêu thanh lọc thành ra những vụ hồi chánh như thế này hẳn có một ý nghĩa nào đó.
Theo báo chí Nam Hàn, ông Thae đã bỏ ngũ vì những áp lực từ Bình Nhưỡng đòi phải chống lại những tin tức ồn ào không có lợi cho chế độ. Hẳn là đài BBC cũng đã đóng góp cho sự nhức đầu của ông khi trong chuyến mới nhất được chế độ cho vào, anh bạn Rupert Wingfield-Hayes, cựu phóng viên Bắc Kinh đài BBC, đã bị bắt và bị cấm suốt đời không được vào Bắc Hàn và tí nữa là vào tù khổ sai rồi.
Hẳn là đã có những cú điện thoại “Tại sao anh có thể để cho chuyện đó xảy ra? Tại sao lại tin vào đám tay sai đế quốc?” Ấy là sau khi họ đã tuyên bố việc mở ban tiếng Hàn của Thế giới vụ đài BBC là “một hành động gây chiến.”
Hẳn là ông Thae đã suy nghĩ chín chắn. Trở về Bình Nhưỡng để có thể bị chỉ trích, và có thể bị trừng phạt bởi “cậu” lãnh tụ đang muốn củng cố vị thế của mình, hay là đi tỵ nạn cùng với gia đình ở một nơi nào đó an lành hơn dầu cho mất quyền thế và đặc lợi.
Steven kết luận: “Tôi không biết – nhưng hẳn cuộc đời của ông là một cuốn tiểu thuyết gián điệp hay ngay cả một cuốn phim nữa. Nhưng mặc cho những trò bẩn thỉu mà ông Thae có thể có liên hệ vì lệnh của chế độ, tôi thích ông ta.
Nó sẽ phải là một cuốn phim với một kết thúc có hậu, có thể là với ông Thae chơi tennis trong những năm còn lại của cuộc đời, có thể ở những sân xi măng ở Nam Hàn. Nhưng tốt nhất là trên sân cỏ êm hơn của Anh Quốc.”
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" <pwillay@orange.fr>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen