Dienstag, 16. August 2016

Đài Truyền Hình VN bị tố làm phóng sự giả đổ tội cho dân


equalizer.gif


Lâu nay ở VN người dân xem đài Truyền Hình VN rất ít dù nhà nào bây giờ cũng có một cái ti vi. Người bình dân thường mở đài xem phim Ấn Độ, phim Tàu, phim Hàn Quốc ... gần gũi với lối sống của người Việt hơn.  Giới trung lưu ưa xem phim Tây, Mỹ, Pháp hay Đức…

Đặc biệt là phim VN hầu như hoàn toàn vắng khách bởi chẳng có phim nào ra hồn. Loại phim của nhà nước đặt hàng gọi là “phim cúng cụ” để ở nhà kho, phim tình cảm bắt chước Hàn Quốc lai căng, phim ca nhạc thì toàn mấy cô thuộc hàng showbiz vớ vẩn, chuyện tình yêu lẩm cà lẩm cẩm cứ na ná giống nhau. Cứ như thế thì họ xem phim nước ngoài là phải.

Còn nhạc thì hầu hết nghe loại nhạc xưa mà có thời bị gán tội là “nhạc vàng phản động”. Nay lên youtube muốn xem bài hát xưa nào cũng có từ thời Thái Thanh đến Bạch Yến và thời sau với những Tân Nhàn, Anh Thơ, Lê Mận… Bạn chỉ cần vào Google Chrome ra lệnh “nghe hát Ở Hai Đầu nỗi nhớ (Phan Huỳnh Điểu) ” là nó ra tuốt luốt những bài hát thật hay.
Nếu bạn chú ý theo dõi số lượng người đã nghe, từ đó bạn có thể suy ra giá trị nhạc xưa và nhạc thời nay ở VN. Thế thì tội gì nghe nhạc Việt thời nay nhí nha nhí nhố cho mệt.

Nói thế không có nghĩa là không nhà nào mở Đài Truyền Hình VN (TH). Họ cũng mở chỉ khi nào nghe thấy tin tức loan truyền giật mình, nhất là loại trộm cướp, hiếp dâm, giết người man rợ, quỵt nợ, tham ô, ghen tuông diễn ra quanh mình. Tất nhiên họ tin chuyện đó là có thật. Nhất là những video thường có trong các bản tin.

Thế nhưng một chuyện ly kỳ vừa xẩy ra giữa tờ báo hàng ngày Người Lao Động và Đài TH VN. Nguyên nhân chỉ vì tờ báo này bị Đài Truyền Hình VN phản bác chuyện phóng viên Đài TH VN dàn dựng vụ phá rừng.

Vì sao người dân bị mang tiếng là “lâm tặc”

Những người dân tộc chân chất ngày ngày cặm cụi với nương rẫy, giờ lại mang tiếng phá rừng. Sau khi chương trình “Chuyển động 24h” (CĐ 24h, thuộc Đài Truyền hình Việt Nam – viết tắt là VTV) phát sóng phóng sự về phá rừng ở tỉnh Đắk Lắk, một số người dân nghèo ở thôn Giang Đông, xã Ea Đáh, huyện Krông Năng đã bị gán cho tai tiếng “lâm tặc”, cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn.
Tôi tóm tắt lời Báo Người Lao Động (NLĐ) lý do phải lên tiếng với Đài Truyền Hình VN. Chuyện bắt đầu từ bên nói có dàn dựng, bên nói là xuyên tạc.

Báo NLĐ viết gửi bạn đọc: …  “Từ ngày 2-8, sau cuộc họp báo do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức cùng ngày, Báo Người Lao Động Online đăng tin “VTV dàn dựng cảnh phá rừng để làm phóng sự?”. Thế nhưng, sau đó, chương trình “Chuyện động 24g” của VTC liên tục phát các bản tin quy kết Báo Người Lao Động Online (và một số trang mạng) đưa tin sai sự thật về chuyện CĐ24h dàn dựng, cắt ghép phóng sự phá rừng, làm ảnh hưởng uy tín chương trình...
Trước động thái này, để bạn đọc khỏi hiểu nhầm, Báo Người Lao Động (NLĐ) buộc phải lên tiếng minh định và khẳng định nội dung bản tin là chính xác, khách quan; nguồn tin được dẫn hoàn toàn hợp pháp, khả tín. Phía VTV vẫn “nói cứng” là phóng viên không dàn dựng, không cắt ghép khi làm phóng sự.


Ông Vũ Dũ Dinh bên cây rừng mà ông khẳng định là phóng viên bảo mình chặt để quay cảnh phá rừng

Vì thế báo NLĐ vạch ra toàn bộ sự thật về vụ này với những nhân chứng sống. Toàn thể dân ở gần khu rừng bị phá đó bị mấy ông phóng viên VTV thuê tiền dân vác dao rựa lên rẫy để dàn dựng cảnh phá rừng để làm phóng sự “nóng hổi vừa thổi vừa xem”.
Mời bạn đọc cùng tìm hiểu phóng sự lật tẩy Đài TH VN của báo NLĐ:

Họ dụ chồng tôi đi chặt cây, tôi đi cuốc đất…

Thôn Giang Đông trước nay không có điện, trong số 159 gia đình cư dân nơi đây thì có đến 149 gia đình nghèo, người dân không thể xem tivi nên cũng không biết thực hư phóng sự phá rừng của CĐ24h - VTV ra sao, chỉ nghe nói trong phóng sự đó có ông Vừ Dũ Dinh phá rừng.

Chuyện đến tai gia đình ông Dinh, cả nhà bực tức. Khi phóng viên báo NLĐ dùng điện thoại di động mở cho họ xem lại phóng sự phá rừng của CĐ24h thì bà Sùng Thị Mao bỗng đưa 2 tay lên trời, tức tối đến ứa nước mắt, bà than trời: “Sao họ lại lừa những người dân tộc thiểu số không biết chữ như chúng tôi? Đâu phải nghĩ chúng tôi ngu thì họ muốn làm gì thì làm sao! Tôi chỉ sợ trời thôi. Tôi không sợ ai đâu!”


Bà Sùng Thị Mao bực tức kể lại sư việc

Bà Mao cho biết ngay cả cái chuyện cuốc đất của bà (phát trong CĐ24h trưa 4-8, được phóng viên Báo Người Lao Động mở cho bà xem) cũng là làm theo yêu cầu của nhóm phóng viên VTV. Bà kể sau khi ra rẫy, chồng bà đi với họ chặt cây còn bà ở trước chòi rẫy. Lúc họ vào, họ bảo bà ra rẫy cuốc đất để họ quay phim. Bà cuốc gần chòi, họ không chịu, bảo phải cuốc xa. Bà làm theo mà không biết cuốc đất để làm gì. “Vợ chồng tôi là người vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết, mấy anh phóng viên là người hiểu biết vậy mà dụ chồng tôi đi chặt cây, tôi đi cuốc đất. Giờ phải mang tội phá rừng”. Nói đến đây bà Mao rưng rức khóc.


Chị Sùng Thị Mông kể với phóng viên báo Người lao động về việc phiên dịch cho phóng viên VTV

Ông Vừ Dũ Dinh thì tỏ vẻ điềm tĩnh hơn nhưng không giấu nổi nỗi buồn. Ông Dinh bày tỏ:  “Tôi đã già, có cháu ngoại, cháu nội nhiều rồi, sức đâu nữa mà họ bảo tôi đi phá rừng, đẩy chúng tôi vào cảnh mang tội, ảnh hưởng đến mình, ảnh hưởng đến nhà nước. Lừa dân như vậy, bức xúc lắm chứ!”

Ông Dinh chưa hề vi phạm lâm luật

Cũng theo ông Dinh, những ngày qua ông quá mỏi mệt vì nhiều người đến hỏi về chuyện phá rừng của ông trong khi ông hoàn toàn bị hàm oan.

Theo ông Giàng A Nụ: “Tôi không biết ông Vừ Dũ Dinh có thù gì với họ hay sao mà họ lại quy cho cái tội phá rừng như vậy?”

Còn theo ông Giàng A Nụ, tuy gia đình ông Dinh thuộc diện nhà nghèo, đông con nhưng ông chưa một lần vi phạm lâm luật. “Những hình ảnh phát trong phóng sự là nhà đài tự dàn dựng, xung quanh đó không còn rừng nữa, cây gỗ ông Dinh chặt nằm trên rẫy của ông Vừ A Lao. Việc phóng viên mượn người dân đi chặt cây để dàn dựng cảnh phá rừng rồi phát sóng đã ảnh hưởng rất nặng nề đối với chính quyền địa phương. Coi như chính quyền không có trách nhiệm với địa phương”.
Ông Nụ đặt vấn đề: “Tôi nghe mấy người làm ngoài xã kể về phóng sự mà rất bức xúc. Tôi nghĩ không biết ông Vừ Dũ Dinh có thù gì với họ hay sao mà họ lại quy cho cái tội phá rừng như vậy?!”

Nếu biết lừa thì đã không nhận tiền!

Đó là lời của bà Sùng Thị Mao về 500.000 đồng bà đã nhận từ phóng viên CĐ24h mà chương trình này sau đó biện minh đó là “lòng tốt của phóng viên” (bản tin CĐ24h phát trưa 4-8 và trưa 5-8). Theo bà Mao, tiền đó là do các phóng viên cho sau khi vợ chồng bà giúp họ quay phim. Bà Mao cay đắng nói:
“Tôi thừa nhận vợ chồng tôi thiếu hiểu biết nên bị lừa, để giờ mình mang tội. Nếu biết họ lừa như thế này thì chúng tôi đã không làm và không bao giờ nhận tiền của họ”.


Bà Mao, ông Dinh khẳng định với phóng viên Báo Người Lao Động mình bị lừa.

Rõ ràng mấy anh phóng viên của Đài THVN đã đánh lừa người dân ít hiểu biết để làm phóng sự cứ như thật. Ai xem cũng phải hiểu là những người dân đó phạm tội phá rừng, chắc chắn bị đi tù.

Vi phạm Luật Báo chí?

Dư luận tại VN đang rất quan tâm đến “phóng sự phá rừng” của chương trình “Chuyển động 24h” phát trên sóng VTV bị cho rằng có phần nội dung “cắt ghép, dàn dựng”.
Thông tin này xuất hiện khi Công an tỉnh Đắk Lắk có báo cáo số 565/CAT - PC46 (CV 565) ngày 27-7-2016 gửi Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh về việc trao đổi kết quả xác minh theo nội dung phóng sự của VTV và công bố tại buổi họp báo ngày 2-8.

Đến thời điểm này, Công văn 565 được ký bởi người có thẩm quyền của Công an tỉnh Đắk Lắk nên đây là văn bản có giá trị về pháp lý và vẫn đang có hiệu lực do chưa có văn bản nào phủ định. Vấn đề pháp lý đang phát sinh từ đây.

Nhận định của luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Sài Gòn)

Nếu thông tin của VTV là đúng thì những người dân “phá rừng” có liên quan trong phóng sự gồm: ông Vừ Dũ Dinh và vợ là bà Sùng Thị Mao; bà Giàng Thị Xá và em Vàng A Tu (cùng ngụ xã Ea Đáh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) sẽ bị xử lý ra sao?
Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và bảo vệ lâm sản,
Nghị định 40/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 157, hành vi của những người này có dấu hiệu vi phạm điều 12 Nghị định 157, với mức phạt tiền ít nhất là 600.000 đồng đối với loại gỗ không thuộc nguy cấp, quý hiếm. Trường hợp gỗ thuộc loại nguy cấp, quý hiếm theo nhóm IIA thì mức phạt ít nhất là 1 triệu đồng.

Nếu những người này đã từng bị xử phạt về hành vi đốt, phá rừng, hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thì sẽ đối diện với nguy cơ vi phạm pháp luật hình sự (điều 189 Bộ Luật Hình sự 1999). Trường hợp cơ quan điều tra xác định họ là “diễn viên” trong phóng sự theo sự hướng dẫn của phóng viên thì có thể họ được xem xét ở mức độ nhẹ hơn.

Ngược lại, những thông tin trong CV 565 là chính xác, nếu nhóm phóng viên làm phóng sự bị xác định là dàn dựng, hướng dẫn người dân chặt phá cây rừng thì hành vi của họ có dấu hiệu vi phạm Luật Báo chí và Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành ngày 13-8-2005.
Việc dàn dựng, cắt ghép theo ý đồ của người làm báo là không tôn trọng sự thật khách quan, thiếu trung thực trong việc thực hiện tác phẩm báo chí. Đây là điều cấm kỵ đối với tất cả người làm báo.

Nếu nhóm phóng viên của VTV24 có hành vi như công văn 565 của Công an tỉnh Đắk Lắk thì không chỉ có dấu hiệu vi phạm Luật Báo chí, vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà hơn hơn thế nữa, họ đã đẩy những người lương thiện thành kẻ phá rừng. Đây là điều không thể chấp nhận.

VTV đang tự hại mình

Muốn có một phóng sự “nóng hổi” trình các sếp của Đài THVN nên mấy anh phóng viên rủ nhau làm giả phóng sự và gian ác hơn, họ đổ tội cho người dân là “lâm tặc”.
Làm truyền hình như thế là chuyện lạ nhất thế giới. Người dân xem phóng sự này của Đài THVN gọi loại tin này là: “Tin tức nóng hổi vừa chửi vừa xem”. Dân không còn tin gì vào Đài TH VN nữa.

Thời đại bây giờ là thời đại của thông tin quốc tế, không tin Đài Truyền Hình VN họ xem tin tức khắp nơi trên thế giới. Lại một cách quảng cáo không công cho các báo các đài phát thanh truyền hình nước ngoài. Chính VTV đang tự hại mình.
Văn Quang

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen