Trần Văn Tích
Năm 1982 tôi đã ra khỏi tù Việt cộng nhưng còn kẹt lại Việt Nam.
Tối tối và sáng sáng hai vợ chồng luân phiên nhau nghe lén các đài
BBC, VOA, bản tin tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt. Tình cờ một
hôm tôi nghe loan tin Trung cộng thả một trăm năm mươi mốt tù cải
tạo cuối cùng từ trại lao cải Liêu Ninh. Đây là những tù nhân chính
trị thuộc chế độ Tưởng Giới Thạch không đào thoát được sau khi Mao
Trạch Đông chiếm Hoa Lục nên bị bắt giam từ năm 1949. Tính ra họ ở
tù tất cả ba mươi ba năm. Sau khi đọc S3 Phạm Gia Đại và S3 Lê Anh
Kiệt, tôi vào google để check lại nguồn tin quá khứ và tìm ra bản
tin nhan đề Chinese free Nationalist prisoners trên County Times, 13. May 1982. Tôi xác định được là những nạn nhân khốn khổ của
Trung cộng thoát khỏi trại lao cải vào ngày thứ tư 12.05.1982.
Những ngày giữa tháng năm năm 1982 đó, tôi đi làm với Việt cộng
trong một tâm trạng đặc biệt. Tôi tự nhủ dầu sao mình cũng đã được
ra khỏi nhà tù nhỏ để sum họp với vợ con, trong khi đó thì những
người tôn quen thân trong Phủ như Ông Nguyễn Minh Quân, Anh Nguyễn
Kim Thúy, Ông Trung Tá Thêm chắc phải đến năm 2008 mới ra khỏi
những nhà tù ở tận ngoài Bắc! (Chú thích : 1975 + 33 = 2008). Lúc
đó tôi bồi hồi thương tiếc nghĩ về dĩ vãng khi còn ngày ngày ra vào
cổng số 3 nhưng đồng thời tôi cũng buồn bã tuyệt vọng nhìn vào hiện
tại để rồi bần thần cả mấy ngày trời. Sở dĩ suy nghĩ như thế vì tôi
không lạ gì cung cách Việt cộng đối xử với phe quốc gia, chúng chỉ
học theo Nga xô, Cu ba, Trung cộng; nhất là theo Trung cộng với chế
độ lao cải và lao giáo.
*
Anh Lê Anh Kiệt bị giặc cầm tù mười sáu năm bảy tháng hai ngày (Hồi ký – KALE, tr. 318). Tôi căn cứ vào thời lượng này để ước tính tổng số ngày tù nhằm đặt
đầu đề cho bài viết hôm nay.
Thành quả trí tuệ của anh Lê Anh Kiệt mang đầu đề “17 năm trong các trại cải tạo của cộng sản Việt Nam, Hồi ký, KALE“, chưa đóng thành sách, in trên 318 trang giấy khổ lớn và chữ cũng
cỡ lớn. Anh gọi đích danh Số 3 là Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo,
anh thẳng thắn đề cập đến các cơ quan phụ như trụ sở ở đường Trần
Bình Trọng hay các nhà an toàn ở đường Hai Bà Trưng, đường Phan
Thanh Giản, đường Nguyễn Hậu. Tác phẩm của anh Phạm Gia Đại đã in
thành sách dưới nhan đề “Những người tù cuối cùng, Hồi ký“, dày 494 trang, phát hành năm 2011. Anh tránh né chính danh của Phủ, thường chỉ gọi là “một cơ quan
tình báo thuộc Phủ Tổng Thống“; ngoại trừ khi nói về Ông Nguyễn
Phát Lộc.
So với những tác giả viết hồi ký về tù cải tạo khác, hai anh thuộc
vào hạng thượng đẳng về kỷ lục ngồi tù lâu dài. Chuyện kể của hai
anh cũng cung cấp được một số chi tiết mới mẻ. Anh Lê Anh Kiệt – cả hai vợ chồng Anh đều làm việc cho Phủ – bước
vào lĩnh vực bình luận chính trị. Anh đặt câu hỏi nhức nhối về sự
vô trách nhiệm của người Mỹ so với người Pháp khi cả hai cùng rời
khỏi Việt Nam. Anh mỉa mai : “Họ luôn miệng bảo rằng họ đã chiến thắng trong cuộc chiến Việt Nam
và họ đã trao cho lính của họ những chiếc huy chương đủ loại; tại
sao họ lại để ông đại sứ của họ chạy trốn như một kẻ phản bội.“(tr.53). Dùng thể loại văn chương trần thuật, Anh kể chi tiết
những ngày cuối tại Ban A 17 với xếp lớn là Ông Nguyễn Thành Long
và với cô nữ thư ký tên là Đẹp liên tục đánh náy danh sách nhân
viên để được Hoa Kỳ di tản. Anh không đến trụ sở ở đường Nguyễn Hậu
vì Anh “biết đó chỉ là một lừa dối cuối cùng“ (tr. 53). Về khía cạnh này thì Anh Kiệt sáng suốt hơn cá nhân
tôi. Đêm 29.04 đó gia đình tôi năm người đã theo thông báo của anh
Ba Phước, Y tá, đến tụ tập tại điểm hẹn. Chúng tôi không hề chợp
mắt suốt đêm và tôi đã cùng Ông Nguyễn Minh Quân và vài người nữa
đi bộ ra trước cổng toà đại sứ Hoa Kỳ nhìn những chiếc trực thăng
lượn vòng trên nóc, quần thảo với đoàn người đông nghẹt đang đứng
chờ. Cảnh tượng toàn bộ nhân viên Phủ trình diện những ngày kế tiếp
tại số 3 Bạch Đằng cũng được tường thuật chi tiết. Kế đến là giai
đoạn trình diện “học tập cải tạo“ tại Trường Chu Văn An. Cả hai vợ
chồng cùng trình diện nhưng Chị Kiệt được cho ra về vì sắp đến ngày
sinh. Rồi cuộc sống ở trại cải tạo Long Thành với mười bài học tập.
Chẳng rõ anh Kiệt “học tập tốt“ đến đâu mà Anh ghi ngày sinh nhật
Hồ Chí Minh là 19 tháng tám! (tr. 121). Anh Kiệt bị đưa ra Bắc trên
chiếc tàu thủy mang tên Sông Hương. Cảnh sống như thú vật trên con
tàu này đã được nhiều tác giả khác mô tả, ví dụ Tạ Tỵ trong Đáy điạ ngục. Ngoài Bắc, tại trại Tân Lập, anh Kiệt thuộc nhóm làm gạch, giống
như anh Phạm Gia Đại. Nhưng anh Phạm Gia Đại cho biết đất để làm
gạch do chính các anh dùng chân trần để đạp nhuyễn, trong khi anh
Lê Anh Kiệt thì bảo là có hai con trâu “phụ tá“(tr. 173). Ngoài
Bắc, anh Kiệt chỉ ở một trại tù duy nhất là trại Tân Lập. Điều này
khá đặc biệt vì thông thường, ai bị đưa ra bắc thường bị chuyển
trai nhiều lần, anh Phạm Gia Đại cũng thế. Ngày 09.04.1982, sau bốn
năm, mười một tháng và mười tám ngày, anh Kiệt được đưa trở về Nam
bằng tàu hoả để tiếp tục ở tù tại trại Z30D, Hàm Tân, Thuận Hải.
Ngày 16.01.1992, trước Tết hơn mười ngày, anh Lê Anh Kiệt được thả
(tr. 313).
*
Anh Phạm Gia Đại bị đưa ra Bắc bằng phi cơ C-130. Trước đó, tại
làng cô nhi Long Thành, Anh ở tù chung với anh Nguyễn Kim Thúy
Trưởng Ban R và Ông Nguyễn Phát Lộc, Quyền Đặc ủy trưởng (tr. 42).
Không rõ anh Lê Anh Kiệt có ở tù chung với các nhân viên cao cấp
của Phủ không; chỉ biết đọc Anh không hề thấy Anh đề cập đến họ,
khác với anh Phạm Gia Đại. Anh Đại tường thuật chi tiết trường hợp
Ông Quyền Đặc ủy trưởng Nguyễn Phát Lộc từ trần trong tù mà lại ở
ngoài tù (tr. 229-231). Anh cũng kể về sự hy sinh hết sức bi thảm
của Ông Nguyễn Duy Xuân, Viện trưởng Viện Đại học Cần thơ (tr.
234-240). Đây cũng là dịp để Anh nêu nhận xét xác đáng : “Chúng ta mất hết cả rồi nhưng cái học thức của mình thì không mất,
Ông Viện trưởng à.“ (tr. 236). Rất tiếc anh Phạm Gia Đại không có dòng chữ nào đề cập
đến hoàn cảnh mệnh một của anh Nguyễn Kim Thúy Trưởng Ban R. Có lẽ
Anh không ở tù cùng trại? Hồi ký của Anh Phạm Gia Đại chú trọng
tường thuật về cuộc sống lao cải ở ngoài Bắc, trải qua nhiều trại tù. Đọc Anh, chúng ta còn có cơ
hội sống nhiều tình huống khác thường thuộc lĩnh vực tâm linh,
huyền bí mang đậm tính chất truyền kỳ liêu trai. Tháng 05.1988, anh
Đại được di chuyển về Miền Nam cũng bằng tàu hoả như anh Kiệt,
nhưng sau anh Kiệt hơn sáu năm (tr. 297). Anh Phạm Gia Đại tính
toán sổ sách gọn gàng hơn anh Lê Anh Kiệt, Anh bảo Anh ngồi tù mười
bảy năm (tr. 62, tr. 432). Anh dừng chân tại cùng một trạm chót với
anh Lê Anh Kiệt, tức trại Z30D Hàm Tân, Thuận Hải. Anh ra khỏi tù
gần như cùng ngày với các tướng Lê Minh Đảo, Trần Bá Di, Đỗ Kế Giai
và Lê Văn Thân, dẫu rằng trên cổ áo Anh chẳng hề lấp lánh ánh sao!
Anh Phạm Thành Đại rời Việt Nam cùng gia đình ngày 03.08.1993 (tr.
481).
Chi tiết ở trang 72 khiến tôi rất ngạc nhiên vì được nghe kể lần
đầu. Một ngàn hai trăm sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hoà bị đưa từ
Suối Máu ra Bắc năm 1977 trên tàu Sông Hương để đến trại tù Sơn La
rồi bị xích lại với nhau và giải đến một khu đất trống giữa rừng
núi âm u. Họ bị trói quặt vào những hàng cọc bên cạnh những hố nông
đào sẵn, đối mặt với ba khẩu đại liên đạn lên nòng do khoảng hai
trung đội lính trong tư thế nhả đạn. Các tử tù đồng thanh đả đảo
cộng sản ầm ỉ vì họ đã hầu như đối diện tử thần. Nhưng cuối cùng có
lệnh của Tổng bí thư Lê Duẩn tha cho họ sống sót. Anh Phạm Gia Đại
không đích thân chứng kiến cảnh này. Một người bạn tù của Anh là
Anh Hai đã kể với Anh như vậy. Anh Đại sẽ có cơ may gặp lại Anh Hai
trên đất Hoa Kỳ (tr. 485).
*
Những tuần lễ vừa qua tôi có dịp đọc cùng một lúc ba thiên hồi ký
mà chủ nhân là những cựu nhân viên Số 3 : Mặt trận Đại học thời Việt Nam Cộng Hoà của Bạch Diện Thư Sinh Trần Vinh cùng hai thiên hồi ký tù đày của
hai anh Lê Anh Kiệt và Phạm Gia Đại.
Vào những giai đoạn lịch sử nhiều biến động, khi bánh xe thời cuộc
quay với tốc độ cao, con người tự dưng có nhu cầu nhận thức kịp
thời cuộc sống, có ham muốn nắm bắt các thông tin thế sự, có khát
vọng ký thác mạch đập dồn dập của chính trường, có cả niềm ưu tư
khắc khoải muốn theo dõi hơi thở nặng nhọc của hiện thực. Ký là thể loại văn học đáp ứng nhu cầu đó. Nhưng từ chiều sâu tâm
khảm, nhưng dưới góc độ riêng tây, con người cũng lắm khi, cũng
nhiều lúc bị thôi thúc phải kể lể với tha nhân, phải thủ thỉ cùng
độc giả về một phiêu lưu tình ái, về một bức tranh gia cảnh. Cả anh
Lê Anh Kiệt lẫn anh Phạm Gia Đại đều cùng hành xử như vậy trong
sách của mình. Bên cạnh bối cảnh rộng lớn liên quan đến sự thay đổi
thái độ của phe bên kia đối với hai Anh – từ hận thù chuyển sang
thông cảm, từ khinh mạn hoá thành nguỡng mộ – chúng ta cũng còn
được nghe trần thuật về các chuyển biến tình cảm đôi khi đưa đến đổ
vỡ với người hôn phối. Cái giá phải trả không chỉ là những tháng
năm câu thúc thân thể, cái giá phải trả còn là những vết thương
lòng không hàn gắn được. Thôi đành...
Cám ơn Lê Anh Kiệt. Cám ơn Phạm Gia Đại. Cám ơn Phủ Đặc Ủy. Cám ơn
Số 3. Cám ơn Đời, viết hoa. 10.07.2015
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen