Một quy định của chính phủ VN ban hành có giá trị từ ngày 01 tháng 2
năm 2016 tức là trước Tết Nguyên Đán vài ngày khiến người dân khắp
nơi ngỡ ngàng và đã có một số người bị Cảnh Sát phạt. Đồng thời
cũng dấy lên một luồng dư luận phản đối dữ dội bởi vỉa hè đã bị lấn
chiếm gần hết rồi, dân buộc phải đi bộ dưới lòng đường, dù họ biết
rằng đi như thế là rất nguy hiểm song không còn cách nào khác.
Bách bộ trên phố Hàng Quạt chỉ có cách đi dưới lòng đường
Hơn thế, người dân thừa biết vỉa hè đã bị “bán” rồi. Vậy ai “bán”? Phường “bán”? Cảnh sát khu vực hay Giao thông công
chính “bán”?... Người dân chẳng thể biết. Nhưng nhất định là có sự
“mua bán đổi chác” ở đây. Bởi người lấn chiếm vỉa hè phải nộp thuế,
nộp phí và tất nhiên không thể không có tiền hối lộ hàng tuần hàng
tháng cho người vị có chức có quyền, đó là một hình thức “bán vỉa
hè” và người mua vỉa hè để bày hàng buôn bán coi như hợp lệ. Nếu
không nộp phí thuế và hối lộ thì vừa bày hàng ra là bị “hốt” ngay,
có khi mất trắng cả gánh hàng. Chuyện đó người dân nào chẳng biết.
Tôi xin tóm tắt ngắn gọn quy định và mức phạt đó:
Qui định người đi bộ đi trên vỉa hè đã được ghi rất rõ tại điểm 1
Điều 32 Luật Giao thông đường bộ, qui định có giá trị từ ngày 01
tháng 2 năm 2016.
Mức phạt đối với một số hành vi vi phạm của người đi bộ:
- Phạt tiền từ 50.000 - 60.000 đồng nếu đi không đúng phần đường
quy định; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu,
biển báo hiệu, vạch kẻ đường; Không chấp hành hiệu lệnh của người
điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông.
- Phạt tiền từ 60.000 - 80.000 đồng nếu mang vác vật cồng kềnh gây
cản trở giao thông; Vượt qua dải phân cách; Đi qua đường không đúng
nơi quy định hoặc không đảm bảo an toàn; Đu bám vào phương tiện
giao thông đang chạy.
Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người đi bộ đi
vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, duy trì đường
cao tốc.
Trong phạm vi bài này tôi chỉ tường trình cùng bạn đọc về việc
người đi bộ phải đi xuống lòng đường.
Tuy vậy vẫn có người dân cố tình vi phạm luật, bị công an rượt bắt
Thật ra cũng có một số người dân vì muốn nhanh chóng nên trèo cả
qua rào chắn dải phân cách giữa đường để “vọt” sang bên kia.
Chuyện tức cười là ngày 11-2, tức mùng 4 Tết một người đàn ông, trên đầu đội mũ bảo
hiểm, đeo trước mặt tấm biển mang dòng chữ: "Tôi thành thật xin lỗi các anh cảnh sát giao thông vì đã vượt đèn đỏ!".
Người đàn ông cầm biển xin lỗi CSGT vì vượt đèn đỏ
Bức hình được chụp tại đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP Sài Gòn.
Đến ngày 12-2, tức mùng 5 tết, người đàn ông kỳ lạ trên vẫn tiếp
tục lặp lại hành động của mình, ở cùng vị trí trên. Người đàn ông
đó là anh Nguyễn Văn Điền, ngụ Q.9, TP. Sài Gòn.
Anh Điền cho biết anh có một đứa con bị bệnh nan y. Do nhiều lần chở con đi chữa bệnh, anh vượt qua các đèn đỏ nên cháu bé bảo ba làm như thế là sai.
Con trai anh yêu cầu anh phải xin lỗi hành vi đó nên anh rất áy náy và nghĩ ra cách xin lỗi này. Sau khi cháu bé nói với ba yêu cầu đó thì bệnh cháu lại trở nặng và nhiều lần hôn mê. Chắc là cảnh sát thông cảm không phạt anh Điền.
Anh Điền cho biết anh có một đứa con bị bệnh nan y. Do nhiều lần chở con đi chữa bệnh, anh vượt qua các đèn đỏ nên cháu bé bảo ba làm như thế là sai.
Con trai anh yêu cầu anh phải xin lỗi hành vi đó nên anh rất áy náy và nghĩ ra cách xin lỗi này. Sau khi cháu bé nói với ba yêu cầu đó thì bệnh cháu lại trở nặng và nhiều lần hôn mê. Chắc là cảnh sát thông cảm không phạt anh Điền.
Có người liều mình, mắt dáo dác đi qua luôn đèn đỏ, qua luôn ngã
tư. Nói rõ là họ đã phạm luật và cực kỳ nguy hiểm cho bản thân. Thế nên qui định cụ thể như vậy là để bảo đảm an toàn cho người đi
bộ.
Thế nhưng qui định này khi thực hiện, lại vấp phải sự phản ứng mạnh
mẽ từ phía người dân. Vì sao?
Lý do là bởi “đường của xe, hè của em, bởi em đã nộp đầy đủ thuế phí rồi”… Mà em kinh doanh, em bỏ tiền ra thì em phải có quyền.
Vỉa hè phố Khâm Thiên có biển báo nơi trông giữ xe hợp pháp
Đến cả lề đường cũng “bán” để làm chỗ đậu xe. Nhiều hè phố trông
giữ xe trên các đường phố ở Hà Nội và TP Sài Gòn đang chiếm hết
phần hè phố dành cho người đi bộ. Điều đáng nói, hầu hết những điểm
giữ xe này đều được phép của các cơ quan chức năng.
Thế là đành phải vi phạm luật, đi xuống lòng đường thôi, vi phạm
thôi bởi không thế thì chỉ có nước ngồi nhà.
Ngay như chung cư tôi ở hiện nay (xin nói rõ là chung cư Nguyễn
Thiện Thuật) có vài hàng quán chiếm dụng hết vỉa hè, có quán còn
ngang ngược hơn, bày hai dẫy bàn ghế dài trên vỉa hè, bày cả xuống
lòng đường, chúng ngang nhiên đuổi hết các loại xe có ý đậu hoặc
lai vãng trong suốt dãy phố chúng bán hàng. Một người bạn ở nước
ngoài về VN, nhà ở tận Bà Hom, cách nhà tôi hơn 10 km có xe hơi
nhưng không dám đi vì không có chỗ để xe, phải đi taxi, mất vài
trăm ngàn đồng.
Vậy mà đến nay vẫn chẳng ai dẹp được. Ai đã ký giấy cho phép mở cửa
hàng ăn nhậu trong chung cư? Ai đã “bán lề đường” và cả lòng đường?
Chắc phải nhờ đến ông Đinh La Thăng “dẹp loạn” thôi.
Đi bằng mắt
Bạn Bùi Hoàng Tám viết trên báo Dân Trí: “Nói về sự vô lý của những
cái biển báo, chỉ Hà Nội thôi đã cả tháng, cả năm không hết chuyện.
Tóm lại, quản lý thì lôm côm, chồng chéo là năm cha, ba mẹ. Thực
hiện thì phập phù, nơi làm nơi không, lúc làm lúc không… Thế là
người dân như lạc vào ma trận.
Người bản địa còn đỡ, người các địa phương khác đến thì nơm nớp hơn
“rắn mồng năm”. Nhiều người khi lên Hà Nội tìm chỗ gửi xe rồi chạy
tắc xi, xe ôm cho chắc.
Trở lại với việc phạt người đi bộ không đi trên vỉa hè, cũng nhắc
lại, đây là chủ trương đúng pháp luật. Tuy nhiên, đúng luật cũng
chưa đủ khi mà cái luật chính, luật cơ bản là sự quản lý còn "lôm
côm", bất nhất. Khi đó, người dân mong muốn thực hiện luật cũng khó
(hoặc không thể).
Cụ thể ở đây, trước khi phạt người đi bộ, hãy tạo điều kiện để
người dân có điều kiện và được quyền thực hiện luật của mình bằng
cách thay đổi cách quản lý và cụ thể là hãy trả lại vỉa hè cho
người đi bộ.
Còn nếu như vỉa hè bị “bán” thì người dân chỉ còn nước… đi bằng
mắt!”
Leo lên dây điện mà đi
Còn rất nhiều những lời bình luận khác nữa, tôi chỉ nêu thêm vài ý
kiến:
- Bạn Nguyễn Văn Tuấn viết: Đường sá kiểu này nếu không muốn bị phạt chắc... leo lên dây điện
đi quá?
- Bạn Hoàng Trung Âu đề nghị: Hãy phạt những người lấn chiếm vỉa hè
trước đã, điều đó dễ hơn nhiều, nhưng điều đó quá khó vì những
người lấn chiếm vỉa hè đã có bảo kê...?
- Bạn Đỗ Quang Đán nêu ý kiến: Hãy học các nước trả lại vỉa hè cho
người đi bộ rồi hãy cấm đoán. Buôn bán ,ăn uống trong nhà hết chứ
có đâu ê hề cả ra vỉa hè như ta! Các vị toàn làm ngược, khổ dân
thôi!!!
Đó là những ý kiến thiết thực nhất. Các quan hãy dẹp hết hàng quán
trên vỉa hè, trả lại cho dân rồi hãy cấm hay phạt người dân đi buộc
phải đi dưới lòng đường. Đừng làm ngược, quản lý “lôm côm”, cứ ngồi
phòng lạnh ra quy định như thế dân chịu sao thấu!
Tại sao không dẹp lề đường được? Có lẽ dẹp “hơi khó” vì lâu nay các
vị có quyền có thế đã ăn bẫm rồi, đã hứa hẹn bảo kê cho các hàng
quán này ngang nhiên bày bán trên vỉa hè.
Nói về chuyện đường xá ở VN còn lắm chuyện cười ra nước mắt. Đã
từng xảy ra rất nhiều vụ làm đường né nhà quan chức khiến con đường
bị bẻ cong, có quan gọi đó là “đường cong mềm mại”, nghe ngang phè.
Gân đây nhất, vào tháng 1-2016 vừa qua dư luận ở thị trấn U Minh
thuộc tỉnh Cà Mau lại đang phẫn nộ về việc cưỡng chế phá nhà dân để
tránh nhà chị ruột ông chủ tịch thị trấn. Né nhà quan rồi cả đến
nhà chị em quan cũng phải né thì quả là các quan “đáng sợ” thật. Cứ
nói quan gần dân mà thật ra dân sợ quan gần chết. Đây là câu chuyện
đang nổi sóng.
Cưỡng chế nhà dân để xây cầu "né" nhà chị ruột Chủ tịch thị trấn?
Một vụ cưỡng chế nhà dân vừa được thực hiện để xây dựng cầu nối
liền tuyến lộ từ thị trấn U Minh đến rạch Cây Khô (huyện U Minh, Cà
Mau). Người dân cho rằng, đúng ra con đường này phải được đi thẳng,
nhưng do “né” nhà chị ruột của Chủ tịch thị trấn U Minh nên con
đường đã được… bẻ cong.
Đoạn bị bẻ cong để né nhà chị ruột Chủ tịch thị trấn được người dân
vẽ lại.
Những ngày qua, 4 gia đình dân vừa bị cưỡng chế nhà, gồm: Nhà ông Lê Văn Lợi, ông Võ Minh Quang, ông Lâm Phước Du và ông Dương Thuận Phát (cùng ngụ khu vực cầu Rạch Chùa, khóm 2, thị trấn U Minh, huyện U Minh, Cà Mau) rất phẫn nộ khi bị cưỡng chế buộc tháo dỡ nhà khiến họ không có nơi để ở và đón Tết Nguyên Đán năm nay. Công trình xây dựng cây cầu nối liền con đường từ thị trấn U Minh đến rạch Cây Khô chỉ mới hoàn thành giai đoạn đóng trụ, khối lượng công trình còn lại là khá lớn, khó mà hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2016. Tuy nhiên, UBND huyện U Minh đã chỉ đạo cho cưỡng chế giải tỏa “khẩn” 4 nhà dân vào ngày ngày 7 tháng 1 năm 2016 vừa qua, để xây dựng công trình.
Thật ra trước đây khi họp dân, ông Lê Thanh Triều (nguyên Chủ tịch
UBND huyện U Minh) nói với người dân là chỉ xin mỗi bên 0,75m đất
để làm đường và hứa sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người dân. Trong
khi đó, 4 căn nhà vừa bị cưỡng chế vẫn còn cách đường hơn 1,5 mét.
Hồ sơ xây dựng chỉ rõ cây cầu nối tuyến lộ này được thực hiện sai
lệch với bản vẽ, bởi nếu xây dựng cầu đúng thiết kế, ngay tim lộ
thì hoàn toàn không ảnh hưởng lớn đến các gia đình dân nói trên.
Tuy nhiên, công trình lại được “bẻ cong” để “né” một nhà máy xay
xát lúa của bà Sáu Cảnh (còn gọi là Hồng Sáng). Theo người dân nơi
đây cho biết, bà Sáu Cảnh là chị ruột của ông Nguyễn Minh Cà (hiện
là Chủ tịch UBND thị trấn U Minh). Điều đáng nói là nhà máy của bà
Sáu Cảnh lại che khuất tầm nhìn của con lộ và là nơi thường xuyên
xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông.
Chính quyền địa phương cho rằng, việc cưỡng chế này là đúng quy
định pháp luật vì những nhà trên đều vi phạm hành chính (cất nhà
ven sông). Gia đình ông Võ Minh Quang (một gia đình dân bị ảnh
hưởng) cho rằng, nhà họ đã xây dựng cách đây nhiều năm, không có cơ
quan nào đến nhắc nhở di dời, vậy mà nay đột nhiên đến lập biên bản
vi phạm hành chính rồi xử phạt và buộc di dời một cách “hỏa tốc”.
Trong khi đó, trên đoạn sông khu vực này còn có hàng chục nhà xây
dựng dưới mé sông vẫn hiên ngang ở đó, không bị xử phạt hay tháo
dỡ.
Gia đình ông Võ Minh Quang cho biết, khi tháo dỡ nhà, chính quyền
địa phương hỗ trợ duy nhất 3 triệu đồng, nhưng với hoàn cảnh hiện
tại thì gia đình không biết sẽ đi đâu về đâu với số tiền nhỏ nhoi
đó.
Bà Tuyết xót xa chỉ những căn nhà vừa bị cưỡng chế
Bà Lê Ánh Tuyết (vợ ông Quang) xót xa nói: “Do nhà cửa lúc bấy giờ còn ngổn ngang lại không có ai ở nhà, tôi
năn nỉ mấy chú ở địa phương là dỡ một khúc trước nhà, còn chừa lại
khúc sau để ở tạm, vậy mà họ vẫn cứ cho xe cuốc vào phá làm hư hỏng
nhiều đồ của tôi. Quả thật, chính quyền địa phương đã đẩy chúng tôi
đến đường cùng rồi”.
Bạn đọc đã thấy những chuyện ngang ngược như vậy ở VN rất nhiều.
Quả thật chưa thời đại nào người dân bị chèn ép, khổ cực như thời
đại này.
Văn Quang
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
* Trang bài viết của Nhà văn Văn Quang
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen