Samstag, 20. Februar 2016

Đại Tướng Đỗ Cao Trí là một tài năng kiệt xuất của Quân Lực VNCH lại bị đe ...

Điện Thần Việt tôn thờ chư tướng thần
Sinh ra là Tướng chết đi thành thần 
Thế, Ân, Thanh, Trí, Phú, Vỹ, Hai, Hưng, Nam
Ngàn năm sau ghi nhớ gương anh hào.

                                                               Inline image 2

Tướng Trí đúng là một con người cứng đầu cứng cổ,khi ông dám đương nhiên thay thế hai viên tư lệnh sư đoàn cục cưng của Tonton bằng hai viên tướng có thực tài khác.

blank

Trúc Lâm Lê An Bình sưu khảo; Trúc Lâm Nguyễn Việt Phúc Lộc hiệu đính


Tướng Đỗ Cao Trí 1929-1971
 
Cái chết đột ngột của Tướng Đỗ Cao Trí vì tai nạn trực thăng ở phía Bắc Tây Ninh trên đường ra mặt trận sáng ngày 23-2-1971 là bước ngoặt của cuộc chiến tranh ở Miền Nam Việt Nam.
Đại Tướng Đỗ Cao Trí là một tài năng kiệt xuất của Quân Lực VNCH. Thật hiếm có một tướng lãnh nào của chúng ta vừa có mưu lược vừa có dũng khí như Tướng Trí. Ông luôn chủ động đánh trúng địch vào chỗ bất ngờ nhứt và luôn xuất hiện ở điểm nóng nhứt trên chiến trường. Nếu Pháp có De Lattre De Tassigny, Mỹ có Patton, Đức có Rommel, thì VNCH chúng ta có Đỗ Cao Trí.
Là Đại Sứ VNCH ở Nam Triều Tiên, Ông tình nguyện xin trở về nước sau Tết Mậu Thân để ra trận ngày 5-8-68, Ông thay Trung Tướng Lê Nguyên Khang làm Tư Lệnh Quân Đoàn III kiêm Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô. Lúc bấy giờ quân địch ở khắp mọi nơi từ thành thị đến nông thôn. Quân chánh quy cộng sản Bắc Việt xuất hiện ngay trong các trung tâm thành phố lớn như Sài-Gòn, Chợ Lớn, Biên Hòa v.v... và Quân Đội Mỹ phải rút quân từng phần theo Kế Hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh của Tổng Thống Richard Nixon vì áp lực chống chiến tranh của nhân dân Mỹ.
 Đại Tướng Đỗ Cao Trí với tài thao lược xuất chúng, chỉ trong một thời gian ngắn, vừa bình định xong lãnh thổ đem lại an ninh ở nông thôn, vừa mở các cuộc hành quân tấn công liên tục các Sư Đoàn Cộng Sản Bắc Việt: Công Trường 5, 7, 9, và các Trung Đoàn Địa Phương Việt Cộng ở các tỉnh Biên Hòa, Hậu Nghĩa, Bình Dương, Tây Ninh, Long Khánh, Phước Tuy, Bình Long và Phước Long, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề buộc chúng phải rút chạy qua trú ẩn trên lãnh thổ Campuchia.
Kể từ tháng 3-1970, Ông đưa chiến tranh ra khỏi lãnh thổ Vùng 3 Chiến Thuật. Ngay sau đó, Ông mở cuộc "Hành Quân Toàn Thắng 42", phối hợp với Lực Lượng II Dã Chiến Hoa Kỳ, lần lượt bứng tận gốc các căn cứ của Quân Cộng Bắc Việt dọc theo bên kia biên giới Việt-Campuchia ở khu Mỏ Vẹt và Lưỡi Câu, đồng thời đẩy Cục "R" và các Sư Đoàn Cộng Sản Bắc Việt lên tận Đông Bắc Campuchia ở Dambe và Chlong.
Thừa thắng xông lên, ngày 18-2-1971, Ông trực thăng vận Chiến Đoàn 5 Biệt Động Quân cùng Ông xuống Chlong, đồng thời điều động LLXKQĐIII và Chiến Đoàn 333 Biệt Động Quân tấn công, chiếm và càn quét Dambe, buộc quân địch phải co về thế thủ.
Nhưng mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất trong cuộc "Hành Quân Toàn Thắng 1/71" này là Kratié, căn cứ chiến lược chủ yếu của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Ông nói nếu ta chiếm Kratié, chúng ta sẽ cắt đứt con đường tiếp vận huyết mạch chính từ Miền Bắc xuống tận vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông dự định sử dụng Sư Đoàn Nhảy Dù trực thăng vận xuống Kratié, đồng thời LLXKQĐIII sẽ tấn công từ Chlong lên phía Bắc giao tiếp với Dù ở Kratié. Liên Đoàn 30 Công Binh được lệnh của Ông đã đưa đơn vị cầu vào Dambe chuẩn bị bắc cầu ở Chlong yểm trợ LLXKQĐIII vượt sông.
Ngày 20-2-1971: Ông gặp tôi ở Chlong. Ông lắc đầu, mặt có vẻ buồn rầu lo lắng. Ông cho tôi hay là Sư Đoàn Nhảy Dù đã được Bộ Tổng Tham Mưu điều động ra Đông Hà (tham dự cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 ở Hạ Lào), làm đảo lộn kế hoạch hành quân của Ông. Mặc dù vậy, Ông không bỏ ý định đánh Kratié. Ông ra lệnh cho tôi sẵn sàng. Ông định sẽ sắp xếp và điều động 1 trong 3 Sư Đoàn của Quân Đoàn III để thay thế Sư Đoàn Nhảy Dù trong giai đoạn tấn công tới này.
Chiều ngày 22-2-1971: Vào khoảng 18:00 giờ, Ông còn bay trên bầu trời Dambe-Chlong gọi tôi trên máy truyền tin hẹn gặp ngày mai tại căn cứ hành quân của tôi - Dambe. LLXKQDIII đã được không vận thả dù tái tiếp tế xong xuôi, hàng ngũ sắp xếp chỉnh tề chuẩn bị lên đường. Tôi biết sắp tới là những ngày chiến đấu quyết liệt nhất.
Sáng ngày 23-2-1971: Tôi và Đại Tá Lê Văn Nghĩa, Liên Đoàn Trưởng LĐ 30 Công Binh chờ đón Ông ở Dambe. Sau khi dự buổi thuyết trình sáng ở Bộ Tư Lệnh Hành Quân QĐ III tại Tây Ninh, như thường lệ, Ông lên trực thăng chỉ huy bay sang Campuchia. Trực thăng vừa cất cánh bay lên hướng Bắc được vài phút thì phát nổ. Tất cả đều tử vong. Ngoài đoàn tùy tùng gồm có Trung Tá Châu, Truyền Tin, Trung Tá Sỹ, Trung Tâm Hành Quân Quân Đoàn, Đại Úy Tuấn, Sĩ Quan Tùy Viên, còn có nhà báo Mỹ gốc Pháp nổi tiếng Francois Sully và Đại Úy Đắc Pilot.
Tin Đại Tướng Đỗ Cao Trí tử trận làm xúc động dư luận trong nước và thế giới. Báo Times và Newsweek loan tin ca ngợi tài năng và lòng dũng cảm của Ông. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu truy thăng Ông lên Đại Tướng. Đại Tướng Creighton Abrams nghiêng mình trước linh cửu Ông.
Đại Tướng Đỗ Cao Trí sinh ngày 20-11-1929, ở Biên Hòa, tốt nghiệp Trường Võ Bị Coetquidan, Trường Nhảy Dù Pau ở Pháp năm 1949 và tốt nhiệp Trường Chỉ Huy & Tham Mưu Lục Quân Hoa Kỳ ở Fort Leavenworth năm 1959. Ông sống được 42 tuổi. Ông là vị Tư Lệnh Nhảy Dù đầu tiên của QLVNCH. Lúc 34 tuổi, Ông là trung tướng trẻ nhất của Quân Lực chúng ta. Ông đã từng là Tư Lệnh Quân Đoàn I và Quân Đoàn II kiêm Đại Biểu Chính Phủ ở Miền Trung và Cao Nguyên trong 2 năm 1963-64 khi còn rất trẻ, và nổi tiếng điều quân khiển tướng nghiêm minh tài giỏi. Ông vận dụng nghệ thuật lãnh đạo chỉ huy một cách tuyệt vời. Những đơn vị nào do Ông chỉ huy cũng đều có kỷ luật, thiện chiến và lập nhiều chiến công to lớn. Quân cộng sản rất sợ Ông. Chúng tìm cách cho tay sai len lỏi trong hàng ngũ Quốc Gia dèm pha hạ bệ Ông, nhưng vô ích, Quân Lực chúng ta vẫn kính trọng Ông. Ông vẫn cùng với ba quân xông pha trận mạc bảo vệ Tổ Quốc.
Trong buổi lễ xuất quân đánh sang Campuchia của LĐ3KB tháng 1-1971, Đại Tướng tuyên bố là Ông sẽ sống và chết với ba quân trên chiến trường. Ông đã giữ đúng lời hứa. Ông đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho Quân Đội và Tổ Quốc.
 Đại Tướng Đỗ Cao Trí là tấm gương chiến đấu sống động nhất cho tuổi trẻ Việt Nam. Ngày nay, sách báo thế giới tự do vẫn ca ngợi Ông là một Anh Hùng Dân Tộc của VNCH. Đại Tướng sống, chiến đấu và hy sinh đúng với danh ngôn của người xưa: 

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng, 
Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu.

Dân tộc Việt Nam mất đi một Lãnh Tụ Quân Sự vĩ đại, Quân Lực VNCH mất đi một Tướng Lãnh kiệt xuất. Còn tôi, tôi mất đi vị chỉ huy lỗi lạc chưa từng thấy và người bạn chiến đấu tâm đầu hợp ý nhất. (tác giả Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi Virginia, 1/11/1995)

Khi ông Thiệu đắc cử Tổng Thống nhiệm kỳ đầu thì đưa Tướng Trí về Quân Đoàn 3 thay Trung tướng Khang, do sự tiến cử của Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Trước đó, Tướng Trí đang giữ chức Đại Sứ ở Đại Hàn.
Khi tướng Trí về nắm chức Tư Lịnh Quân Đoàn 3 thì tình cờ cả 3 vị Tư Lịnh Sư Đoàn của Quân Đoàn 3 đều xuất thân từ Khóa 3 Đà Lạt. Thiếu Tướng Nguyễn Xuân Thịnh giữ chức Tư Lịnh Sư Đoàn 25, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Sư Đoàn 5 và Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ, Sư Đoàn 18. Trong 3 vị Tư Lịnh vừa kể thì Tướng Trí tỏ vẻ trọng dụng Tướng Hiếu nhứt vì Tướng Hiếu đã từng làm tham Mưu Trưởng cho Tướng Trí trước kia ở Quân Đoàn 1 và Quân Đoàn 2 vào năm 1963.
 Thời gian Tướng Trí nắm chức Tư Lịnh quân Đoàn 3 là thời gian làm cho các Công Trường 5, 7, 9 của Việt Cộng điêu đứng nhứt. Tướng Trí đã chuyển từ thế thủ sang thế công, đẩy các đơn vị của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam qua bên kia biên giới. Các chiến khu Dương Minh Châu, mật khu Hố Bò bị cày nát, không còn là nơi ẩn an toàn cho Trung Ương Cục Miền Nam nữa.
Tôi có dịp theo Tướng Trí lên họp với Bộ Tổng Tham Mưu của Quân Đội Cao Miên ở Nam Vang mấy lần để phối hợp hành quân. Lúc đó, Tướng In Tam của Cao Miên làm Thủ Tướng. Nghe nói Tướng In Tam xưa kia từng làm việc dưới quyền của Tướng Trí khi hai người còn ở trong Tiểu Đoàn Dù của Quân Đội Liên Hiệp Pháp. Có nhìn thấy thái độ nể nang của tướng lãnh Cao Miên đối với Tướng Trí mình mới thấy quả thật Tướng Trí là một tướng lãnh có nhiều uy tín. Mọi việc lớn nhỏ gì, Quân Đội Cao Miên đều phải hỏi qua ý kiến của Tướng Trí. Ngoài ra, không riêng gì Quân Đội Cao Miên mà cả đến các cố vấn Mỹ của Quân Đoàn 3 cũng đều tỏ vẻ thán phục khả năng điều binh khiển tướng của Tướng Trí. Tiếc thay, tướng tài thường yểu mạng. Âu cũng là vận nước mình gặp lúc không may! (tác giả Đại Tá Nguyễn Khuyến San Jose, 16-10-98 ) 


Tướng Tác Chiến Giỏi 
... Cơ Quan Viện Trợ Mỹ MACV đã đưa ra bản tường trình có tính cách phê bình các vị Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn. Điều nghịch lý ở đây là một vị Tướng nổi danh về tài hành binh bố trận, được binh sĩ trung thành, lại bị đe dọa chính trị, trong một nước đầy cuộc đảo chánh quân sự. Một nhà quan sát Mỹ ở Sài Gòn hồi đó đã giải thích: "Đây là một quốc gia không cho phép ai được làm anh hùng quá lâu. Nhưng người ta vẫn xài anh hùng nhất thời."
Lúc đó QLVNCH có hai anh hùng tài ba trên chiến trường (không phải anh hùng chính trị), đã vượt trội và lãnh trọng trách chỉ huy Quân Đoàn III và IV ngay sau vụ Tổng Phản Công Tết Mậu Thân 1968. Đó là Cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí và Cố Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh. Hai ông đã chứng tỏ là những vị Tướng có tầm nhìn chiến lược sắc bén và có tài điều quân trận địa chiến. Trong lần chấn chỉnh sau vụ Tết Mậu Thân 1968, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã loại những sĩ quan trung thành với PTT Nguyễn Cao Kỳ, và giao cho Tướng Trí và Tướng Thanh đảm nhận chức Tư Lệnh hai Vùng Chiến Thuật đông dân và nhiều yếu tố tế nhị chính trị nhất. 
...
Tại Quân Đoàn III, Tướng Đỗ Cao Trí đã chỉnh đốn lại khả năng tác chiến của ba Sư Đoàn 5, 18 và Sư Đoàn 25 Bộ Binh. Ông có bản lãnh hoàn thành những việc dù khó khăn cách mấy. Thoát chết ba lần ám sát. Không ai dám làm phật lòng chính phủ và Bộ TTM Sài Gòn, nhưng Tướng Trí đã dám thay thế hai vị Tư Lệnh bất tài và là tay chân thân tín của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Nhưng ông không gặp phản ứng nào của dinh Độc Lập. Tướng Trí hứa sẽ biến ba sư đoàn bộ binh yếu kém thành tinh nhuệ trong vòng 2 năm, và ông đã giữ đúng lời hứa.
Tổng Thống đã cử Tướng Trí làm Tư Lệnh cuộc hành quân càn quét cục R, căn cứ an toàn của VC ở vùng Mỏ Vẹt.
Tướng Đỗ Cao Trí được ca ngợi như vị anh hùng của Quốc Gia, ông làm việc không mệt mỏi, kế hoạch hành quân được chuẩn bị rất kỹ càng, chu đáo, và linh động, cùng sự có mặt thường xuyên ở chiến trường khích động lòng quân là những yếu tố đem lại chiến thắng cho đơn vị thuộc quyền của ông. Tướng Trí đã dùng chiến thuật "Diều hâu" và "Nhị thức chiến xa bộ binh" phối hợp một cách thần kỳ nên đã gặt hái kết quả không thể ngờ được. Không ai can đảm và xông xáo như vị Tướng ba sao này, mặc đồ rằn ri, đội mũ lưỡi trai, tay cầm cây gậy chỉ huy, nhảy theo toán quân đổ trực thăng đầu tiên; hoặc đứng trên pháo tháp xe tăng hô to: "Nhanh lên! Tiến nhanh lên các em!" 

blank

 Trước ngày thực sự đổ quân qua Campuchia, có lần khi đang tới thị sát BCH Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, Tướng Trí nghe báo cáo lính Miên đang "Cáp Duồn" chặt đầu thả trôi sông đồng bào Việt Nam ở vùng đồn điền Michelin bên kia biên giới. Ông vội điều động một tiểu đoàn Nhảy Dù cấp tốc đổ bộ bằng trực thăng Việt Nam (vì trực thăng Mỹ chưa có lệnh Tổng Thống Nixon nên không dám vượt biên) xuống sân banh trong đồn điền cao su. Khi hai đại đội vừa xuống thì chiếc trực thăng của ông cũng đáp xuống theo, ông lấy tay cầm "can" chỉ về phía trước hô xung phong. Khiến anh Thiếu Tá Tiểu Đoàn Phó giật mình vội báo cáo về xin đổ quân xuống bảo vệ an toàn cho ông. Tướng Dư Quốc Đống, Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù cũng cấp tốc bay đến hiện trường. Binh sĩ thấy hai vị Tướng cùng có mặt tại trận địa, nên ai nấy đều hăng hái xung phong đánh đuổi giặc ác ôn và giải thoát hằng ngàn đồng bào chở về bên nây biên giới (sau này dân chúng địa phương đã tạc tượng Tướng Trí thờ cúng ơn cứu mạng).
Đối với một người tài ba và khát khao chỉ huy lập chiến tích oai hùng như Tướng Trí, xá gì chiếc trực thăng an toàn hay không, xá gì chiến trường hung hiểm ra sao, Tướng Westmoreland đã cảm phục tài ba và lòng can đảm này nên ông đã viết: "Tướng Trí là một con cọp của chiến trường, một Tướng Patton của Việt Nam". Tuy nhiên, cái tài của Tướng Trí đã làm nhiều Tướng Lãnh khác ghen tị, họ đã nêu ra những hành động của ông trong trận đánh đồn điền cao su Chup ở Cam Bốt; bắt bẻ ông đã nhảy xuống hồ bơi tắm chơi trong lúc cuộc giao tranh đang hồi dữ dội nhất. Họ rêu rao rằng: "Tướng Trí chỉ muốn tạo tiếng tăm anh hùng cho riêng mình, chứ không đếm xỉa đến lợi ích quân sự". Ngoài ra lối sống xa hoa ngang tàng và giàu có của ông đã gây ganh ghét và nghi ngờ ở Sài Gòn. Hai Thượng Nghị Sĩ Nam Việt Nam đã gọi là "vụ tham nhũng trắng trợn", khi tố cáo ông có chân trong đường giây buôn lậu tiền. Vụ tham nhũng này tung ra cùng lúc với những tin chiến thắng của Tướng Trí bay về thủ đô Sài Gòn. Mặc dù đời sống cá nhân bị tai tiếng, Tướng Trí vẫn nổi danh như cồn, ông là vị Tướng Lãnh chiến trường tài giỏi nhất QLVNCH. Ngay cả sau cuộc hành quân Campuchia kết thúc. Dưới sự chỉ huy của ông, QLVNCH đã liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân vượt biên triệt hạ sào huyệt an toàn của địch, khiến chúng chạy xất bất sang bang.
Trong lúc Tướng Trí hăng hái với kế hoạch tấn công của QLVNCH, ông có ý định đưa quân sĩ QĐ III lên Kratie để bắt tay với cánh quân ở đây thì bị tử nạn phi cơ trực thăng cuối tháng 2/1971. Trên máy bay còn có ký giả Pháp nổi tiếng là Francois Sully.
Chuẩn Tướng Mỹ George Wear đã ghi lại: "Khi quân sĩ VNCH được cấp chỉ huy giỏi sẽ chiến đấu xuất sắc không thua bất cứ quân đội nào khác. Họ chỉ cần những vị chỉ huy hết lòng với họ, chiếm được lòng tin của họ, và làm cho họ dám chết vì chính nghĩa". Tướng Đỗ Cao Trí và Tướng Nguyễn Viết Thanh là hai vị chỉ huy có được tư cách và tài ba đó. (David Fulghum, Terrence Mailand South Vietnam on Trial - The Vietnam Experience.

Tướng Đỗ Cao Trí Dưới Cái Nhìn Của Người Ngoại Quốc. 

Cuộc chiến đấu gian khổ chống lại làn sóng xâm lăng của đại khối cộng sản quốc tế của quân dân Việt Nam Cộng Hòa, trong đó quân lực Việt Nam Cộng Hòa làm nỗ lực chính thường không được báo chí ngoại quốc coi như là biểu tượng của chính nghĩa. Báo chí Pháp thì vẫn cay cú vì cú đá "Điện Biên Phủ" của người Mỹ, hất cẳng đám con cháu của ông già mũi lõ De Gaulle ra khỏi Đông Dương, đâm ra giận lây đất nước non trẻ Việt Nam Cộng Hòa, cho nên thường lái ngọn bút hướng dẫn sai dư luận quần chúng, coi thường tư thế quốc tế và ý nghĩa chiến đấu của miền Nam. Báo chí Pháp không nói làm gì, đến báo chí Mỹ "phe ta" mà cũng kiếm chuyện bôi nhọ quân lực VNCH mới là chuyện ly kỳ. Có nhiều kẻ đoán già đoán non cho rằng có lẽ lũ chúng nó ngậm miệng ăn tiền của Việt cộng và mấy "ông thày " vĩ đại như Liên Xô, Trung cộng đến bạc tỉ nên chúng nó cứ chửi bới ba họ nhà miền Nam, bóp méo sự thật làm cho dân chúng Hoa Kỳ hoảng kinh hồn vía dậy lên những làn sóng phản chiến ồn ào vui vẻ đếch chịu nổi.
Tuy nhiên không phải lúc nào quân lực VNCH cũng chiến đấu trong cô đơn thầm lặng và trong nỗi đắng cay cơ cực không ai biết đến. Cũng vẫn còn những cái đầu sáng suốt và tỉnh táo, những lương tâm trong sáng và những tấm lòng trân trọng với Việt Nam Cộng Hòa. Thí dụ như nhóm của đại tài tử Charlton Heston, ông từng thủ diễn trong nhiều bộ phim vĩ đại như Ben Hur, Mười Điều Luật Chúa, Con Thuyền Noé,v.v... Charlton Heston đã cất công sản xuất một cuốn phim tài liệu bênh vực quân lực VNCH và đích thân Charlton Heston đứng thuyết trình để tăng thêm liều lượng thuyết phục quảng đại quần chúng. Công việc hoàn toàn vô vị lợi và không thu vô được một xu nhỏ nào, vì VNCH nghèo lắm không có tiền lo lót. Charlton Heston chỉ thấy "ngứa mắt" vì thiên hạ bất công với VNCH cho nên ông nổi máu người hùng miền viễn Tây lên bênh vực kẻ cô thế. Một khuôn mặt khác từ giới báo chí Mỹ, ông David Fulghum, cựu sĩ quan hải quân Mỹ, tốt nghiệp ngành "Lịch Sử Quân Sự và Ngoại Giao" tại đại học danh tiếng Georgetown, làm việc cho tổ chức U.S. News & World Report Book Division; và ông Terrence Mailand viết cho báo Newsweek và Boston Globe. Hai ông này có một bài viết chung trong quyển "South Vietnam On Trial" (Miền Nam Trên Đà Thử Nghiệm), nhận định "sơ khởi" về tình hình khan hiếm chỉ huy chiến trường cấp sư đoàn và cấp quân đoàn trong cuối thập niên 60. Hai ông đã đưa ra hai khuôn mặt tiêu biểu và kiệt xuất nhất của quân lực VNCH trong thời điểm đó là Đại Tướng Đỗ Cao Trí, Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh mà chúng tôi xin được tóm lược nội dung bài viết như sau. Dĩ nhiên dưới cái nhìn của những người ngoại quốc dù là có thiện cảm rất nhiều nhưng có thể cũng có một số điểm phê bình đụng chạm một cách phiến diện đến tình hình chung của tướng lãnh thời ấy. Chưa chắc họ đã nhận đúng và chúng ta cứ tự an ủi là hết thảy tướng tá của ta đều số dzách, cho vui vẻ cả làng.
Theo hai me sừ như đã giới thiệu ở trên, hai ông cho rằng hễ một khi có tướng lãnh lừng lẫy thì sẽ có quân đội anh dũng, lịch sử giữ nước của Việt Nam đã chứng tỏ điều đó. Cho nên để chận đứng đà tiến công mạnh mẽ của Bắc quân, Nam quân cần có những tướng lãnh giỏi có thể thổi bùng lên niềm hùng khí chiến đấu của quân sĩ và tư cách của những vị ấy có thể thay thế được chỗ trống to tổ bố một khi quân Mỹ rút hết về nước. Nhưng theo một bản tường trình dài dằng dặc và đáng buồn của cơ quan MACV (Military Assistance Command in Vietnam), tức Bộ Tư Lệnh Yểm Trợ Quân Sự tại Việt Nam, về tình hình chỉ huy chiến trường trong cuối những năm 1960, thì hầu hết những tướng lãnh Việt Nam nằm trong bảng phong thần đều được cho điểm...rớt lạch bạch như những chiếc lá mùa thu. Đại khái MACV dám cả gan phê bình giới tướng lãnh là "hết sức thụ động", nào là "yếu kém", nào là "thầy chạy" (coward). Tuy vậy để bào chữa cho những yếu kém ấy, bản tường trình đã cho thêm một câu thòng là có thể những cái đó xuất phát từ thái độ thận trọng, không muốn bộc lộ tài năng chăng. Vì thực trạng miền Nam lúc đó bất cứ một tướng lãnh nào cùng với một đội quân thiện chiến và trung thành với ông ta cũng đều bị những cặp mắt nhòm ngó nghi kỵ từ cấp cao nhất. Kinh nghiệm của những cuộc đảo chánh năm 1960 và 1963 đã chứng minh điều đó, một xứ sở không cho phép bất cứ một ai trở thành người hùng dài lâu.
Rà tới rà lui mãi mới đề ra được hai khuôn mặt sáng giá nhất, có tài chỉ huy trên chiến trường nhưng không có tham vọng chính trị. Đó là Trung Tướng Đỗ Cao Trí, tư lệnh Quân Đoàn 3 kiêm Vùng 3 Chiến Thuật (năm 1972 tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu ký sắc lệnh chuyển những vùng chiến thuật thành quân khu) với các sư đoàn thuộc quyền là Sư Đoàn 5 Bộ Binh, SĐ18BB và SĐ25BB. Vị thứ hai là Thiếu Tướng Nguyễn Viết Thanh, tư lệnh Quân Đoàn 4 và Vùng 4 Chiến Thuật với các SĐ7BB, SĐ9BB và SĐ21BB. Cả hai vị tướng đều trẻ, tự tin và vô cùng năng động, chỉ mới nổi lên sau Tết Mậu Thân, chứng tỏ được là những vị tướng có thực tài, có khả năng kích thích tinh thần chiến đấu quân sĩ và có tầm nhìn chiến lược...
Cũng trong thời điểm ấy Trung Tướng Đỗ Cao Trí mới vừa nhiệm chức đã hăng hái bắt tay ngay vào việc chỉnh đốn những sư đoàn nghiêng ngả và rách nát của ông, mà theo lượng giá của các cố vấn quân sự Mỹ thì SĐ5BB là "sư đoàn bết bát nhất chưa từng thấy", còn SĐ25BB thì là "sư đoàn dở nhất trong tất cả các sư đoàn", trong khi SĐ18BB cũng không khá hơn và đã được cải đổi từ sư đoàn "bù mười nút", tức SĐ10BB ra thành sư đoàn "hên chín nút", tức SĐ18BB cho mãi đến ngày nay. Công việc của Tướng Trí hết sức vất vả, nhưng chẳng mấy chốc phần thưởng xứng đáng đã hiện ra rõ nét. Trong cuộc tấn công của Quân Đoàn 3 vào đất Kampuchea, SĐ5BB đã không phụ lòng trông cậy của ông và đã đánh những trận để đời. Sau này Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng cũng đã cùng với SĐ5BB tử thủ anh dũng ở An Lộc, viết nên trang sử hào hùng trong chương sử hoàng tráng của Việt Nam Cộng Hòa. SĐ18BB trong những giờ phút hấp lối của VNCH đã vượt trội lên thành sư đoàn thiện chiến nhất của QLVNCH dưới quyền của Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo đã làm cho Văn Tiến Dũng, vị tướng "hay không bằng hên", phải ngừng ngay tiếng hót và ngậm bồ hòn ngay tại ngưỡng cửa Saigon. Việt Cộng đã cay đắng quá đối và đã hèn hạ trả thù vị tướng anh dũng ấy sau năm 75 bằng cách giam ông hơn 20 năm và có lẽ ông là vị tướng ra về chót hết trong số những vị tướng VNCH. SĐ25BB của Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá trấn thủ vững vàng ở mặt Tây Bắc Sàigòn và chỉ chịu rã ngũ vào những giờ phút cuối cùng nhất của cuộc chiến. Riêng viên tướng trẻ từng nổi danh thế giới trong mùa hè binh lửa 72 ở mặt trận Kontum, chỉ với một mảnh rách nát của SĐ23BB đã chuyển bại thành thắng, góp phần tống tiễn tướng "hên" trong trận Điện Biên Phủ Võ Nguyên Giáp cay đắng lui về vườn đuổi gà, nằm gậm nhấm nỗi buồn bại tướng.
Đánh giá của bảng tường trình thì Tướng Trí là mẫu người ngoại hạng, có thể hoàn thành những công việc hầu như là vượt quá sức người. Ngôi sao Đỗ Cao Trí sáng chói quá đỗi cho nên cấp chỉ huy cao nhất cũng không thích ông và có tin đồn rằng cả 2 cuộc mưu toan ám sát ông bất thành đều có sự nhúng tay từ trên tận chóp đỉnh quyền lực. Tướng Trí cũng bị tung hỏa mù là một tay tham nhũng gộc, có lẽ muốn hạ uy tín quá lớn của ông. Những tờ báo lá cải thì tung tin Tướng Trí đào địch lăng nhăng trong giới thượng lưu. Bỏ qua hết thảy những tin tức giật gân và tào lao đó, Tướng Trí đúng là một con người cứng đầu cứng cổ, khi ông dám đương nhiên thay thế hai viên tư lệnh sư đoàn cục cưng của Tonton bằng hai viên tướng có thực tài khác. Một vị tướng tài năng về nắm SĐ5BB, chính là Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu. Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu từng 2 lần làm Tư Lệnh SĐ22BB ngoài Quân Khu 2 và đã tạo được nhiều chiến công vang dội, ông đã bỏ nhiều công sức nhào nặn sư đoàn "Hắc Tam Sơn Bạch Nhị Hà" 22 Bộ Binh thành một lá chắn thép không thể nào Bắc quân có thể đánh thủng nổi để cắt Việt Nam Cộng Hòa ra làm hai khúc. Giờ đây, Thiếu Tướng Hiếu về làm tư lệnh SĐ5BB, ông đã dẫn dắt sư đoàn làm nỗ lực chính, mũi đột phá của Quân Đoàn 3 trong chiến dịch tấn công sang lãnh thổ Kampuchea trong năm 1970. Để xoa dịu tự ái Tonton, Tướng Trí đã hứa chỉ đến cuối năm 1970 là ông sẽ nhào nặn 3 sư đoàn của Vùng 3 Chiến Thuật thành những sư đoàn thiện chiến nhất.
 
blank
 Cả hai viên tướng ấy và 6 sư đoàn thiện chiến đã sẵn sàng cho cuộc thử lửa trong chiến dịch tấn công sâu vào đất Kampuchea vào tháng 5, 1970 mà chúng ta quen gọi là chiến dịch KPC70. Tướng Trí được chỉ định làm tư lệnh quân đoàn VNCH làm cỏ các căn cứ Bắc quân trong khu vực Mỏ Vẹt (Parrot's Beak)...
Tướng Trí đã tạo ấn tượng rất mạnh lên tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Nhìn tới nhìn lui, nếu Tướng Trí không ở trên trực thăng gọi máy chỉ huy thì đã thấy ông ngồi ngất ngưởng trên thiết vận xa M113 cùng tiến lên với binh sĩ. Lúc nào ông cũng mặc chiếc áo rằn Nhảy Dù, binh chủng hào hoa ông xuất thân, không đội nón sắt, chỉ tà tà chiếc mũ lưỡi trai đính 3 sao, dưới nữa là cặp kính đen quen thuộc nằm thường trực trên khuôn mặt đẹp hùng dũng, tay cầm cây "ba toong" vung vẩy về phía trước gào to: "Tiến lên! Nhanh Lên!". Westmoreland đã phải viết trong bản báo cáo: "Trí đúng là một con hổ trong chiến đấu, một George Patton (tướng thiết giáp lừng danh của Mỹ) của Việt Nam." Tuy vậy nhiều vị tư lệnh sư đoàn thuộc quyền cũng không khoái mấy cung cách chỉ huy quá lả lướt ấy, họ cho rằng Tướng Trí muốn chơi trội, ông ta chỉ chú ý đến việc tạo ánh hào quang anh hùng cho riêng mình hơn là những quyết định quân sự thích ứng. Có ít nhất hai vị thượng nghị sĩ đã lên tiếng tố giác Tướng Trí có dính líu tới đường dây buôn lậu tiền tệ ở Sàigòn. Và nhiều cáo giác khác nữa, nhưng không làm lu mờ được những chiến công hiển hách và rõ ràng của ông.

Mặt trận Hạ Lào với cuộc hành quân Lam Sơn 719 khởi diễn hồi đầu tháng 2.1972 do Quân Đoàn 1 cùng với các binh chủng Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân và Thiết Giáp bị khựng lại bất lợi trong khoảng trung tuần cùng tháng. Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu triệu hồi Tướng Trí từ mặt trận KPC về để trao cho ông quyền tư lệnh mặt trận Hạ Lào thay thế cho Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm. Tướng Trí như thường lệ đứng nghiêm chào vui vẻ nhận nhiệm vụ mới, to lớn hơn, khó khăn hơn. Tuy nhiên công vụ bề bộn ở Quân Đoàn 3 và diễn biến của chiến dịch KPC còn cần đến sự hiện diện của Trung Tướng Trí. Trong một phi vụ quan sát hành quân, Trung Tướng Trí bay trên một chiếc UH1 về hướng biên giới Miên-Việt. Nhưng ông không biết rằng đó là chuyến phi hành cuối cùng. Khi chiếc UH1 bay ra khỏi không phận Biên Hòa và đang tiến vào không phận tỉnh Tây Ninh thì thình lình nó lảo đảo nghiêng ngửa, mất cao độ và đâm sầm xuống đất nổ tung lên. Một số các vị trí dưới đất các chiến sĩ Mũ Nâu nhìn thấy một chiếc trực thăng bao bọc bởi khói và lửa mất cao độ và rơi chúi đầu xuống cực nhanh. Không ai có thể ngờ đó chính là chiếc trực thăng đang chở vị tướng lừng danh nhất của Nam quân. Trung Tướng Trí, giờ đây là Đại Tướng Đỗ Cao Trí đã tuẫn nạn phi cơ cùng với toàn bộ phi hành đoàn. Lại thêm một mất mát quá lớn khác cho quân lực VNCH. Có nguồn tin cho rằng Tướng Trí bị mưu sát vì thanh danh quá lừng lẫy của ông. Nhưng theo bản phúc trình của phái bộ MACV thì chính là do tình trạng thiếu kinh nghiệm bảo trì phi cơ của các chuyên viên Việt Nam, Nếu Đại Tướng Trí không bất ngờ bị tử nạn và ông ra Vùng 1 làm tư lệnh chiến dịch Hạ Lào Lam Sơn 719, biết đâu lịch sử chiến đấu bảo quốc của người miền Nam và Vùng 1 Chiến Thuật sẽ được viết bằng những trang chữ vàng chói lọi hơn. Nam quân dưới sự điều động thần sầu của vị tướng tài sẽ đánh những trận lừng lẫy, đập nát các căn cứ tiếp liệu quân sự quan trọng của Bắc quân nằm trên trục đường Hồ Chí Minh, từ đó Bắc quân không còn tiềm lực để mở trận tấn công Việt Nam Cộng Hòa trong mùa hè năm 1972.

Hai viên đại tướng cùng hy sinh vì tổ quốc đã để lại một khoảng trống lớn trong cấp chỉ huy chiến trường trong một thời gian dài và phần nào làm khựng lại đà tiến của hai Quân Đoàn 3 và 4 QLVNCH. Viên Thiếu Tướng Mỹ George Wear đã đưa ra nhận xét như sau để thay cho lời kết thúc một chương sử u ám của QLVNCH: "Một khi mà QLVNCH được chỉ huy tốt thì họ chiến đấu dũng mãnh như bất cứ quân đội nào. Họ cần những vị chỉ huy biết cách hỗ trợ một cách thích đáng và lấy được lòng tin của lính tráng thì với giá nào binh sĩ cũng sẵn sàng dâng hiến đời họ cho những giá trị tuyệt đối của chiến thắng. Trung Tướng Thanh và Đại Tướng Trí chính là những mẫu người ấy." (Phạm Phong Dinh phỏng theo David Fulghum, Terrence Mailand South Vietnam on Trial - The Vietnam Experience. Boston Publishing Company )
 

Cái Chết của một Chiến Tướng.
 

 Quan ngại bởi bước tiến chậm chạp xâm nhập vào Hạ Lào, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lấy một quyết định nan giải đầu tuần trước. Ông phải đặt để một người chỉ huy mới. Vào 7 giờ sáng, ông triệu Trung Tướng Đỗ Cao Trí, 41 tuổi, một quân nhân mang nhiều huy chương nhất và danh tiếng nhất nước, đến dinh tổng thống tại Sài Gòn. Và ông ủy thác cho Tướng Trí công việc này. Hai người thảo luận ngắn ngủi thể thức và lúc nào Tướng Trí sẽ nắm quyền chỉ huy Lam Sơn 719 thay tư lệnh Quân Đoàn I Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm. Sau buổi đàm thoại, Tướng Trí đáp trực thăng đi thị sát quân lính của ông đang hành quân vượt biên trong một cuộc săn đuổi địch quân ngay tại các mật khu nằm trong vùng đông nam Căm Bốt. Không đầy 2 tiếng rưỡi sau, xác Tướng Đỗ Cao Trí được lôi ra khỏi thân xác tan tành của trực thăng trong tỉnh lỵ Tây Ninh.

Cả thảy mười người tử nạn trong chuyến bay, gồm có một vài cộng sự viên của Tướng Trí và phóng viên Newsweek François Sully. Theo lời thuật chính thức của phát ngôn nhân chính phủ, một bộ phận trực thăng bị hư hỏng khiến cho máy bay bị phát nổ trong khi đang bay cao 100 feet. Lẽ đương nhiên là lời đồn đãi thì đưa ra một giả thuyết khác: Tướng Trí là nạn nhân của một cuộc âm mưu tinh vi - theo thói thông thường và là một lời giải thích không chính xác cho bất cứ biến cố nào xảy ra tại Nam Việt Nam. Theo lập luận này, ông bị bắn hạ bởi các kẻ thù cá nhân hay chính trị. Các sĩ quan tình báo Mỹ nghi là trực thăng Tướng Trí bị hỏa lự̣c súng phòng không ̣địch bắn hạ; giới chức chính quyền tung tin trục trặc máy móc để ngăn ngừa địch lấy công là đã hạ thủ được một trong những anh hùng tài ba nhất của Nam Việt Nam.
 
blank
 
Tướng Trí thường được đánh giá là chiến tướng cừ khôi nhất của QLVNCH, và các thành tích dũng cảm của ông đã được thần thoại hóa. Trong chiến dịch vượt biên Căm Bốt trong tháng 5 vừa qua, Tướng Trí thường đáp trực thăng xuống đất để nắm lấy quyền chỉ huy một đơn vị đang lâm nguy. Một lần nọ, sau khi người đứng cạnh ông bị mảnh pháo kích đốn hạ, Tướng Trí can trường nhảy lên một thiết vận xa và thôi thúc chiến xa tiến thẳng vào nơi phát xuất hỏa lực, "Tiến tới, tiến tới!"
Y phục chiến trường thông thường của Tướng Trí là một bộ đồ ngụy trang cây lá rừng, một chiếc mũ baseball với ba ngôi sao và một cây gậy, mà ông nói bông đùa luôn cầm trên tay để "phát đít Việt Cộng." Ông say sưa với địa vị nổi bật và đơn sơ đủ để nhìn nhận điều đó. "Tôi thích trở nên một anh hùng," ông nói một cách thật là thẳng thừng trong cuộc xâm chiếm Căm Bốt năm ngoái. Điều ít biết đến hơn là sự kiện "Tướng Patton của Vùng Mỏ Vẹt", danh xưng được gán cho ông, cũng còn là một nhân vật hành chánh khôn khéo chỉ huy ba trong bốn vùng chiến thuật và có lúc được nhắm bổ nhiệm cho vùng chiến thuật thứ bốn. Ông hỗ trợ việt nam hóa chiến tranh lâu trước khi điều này trở thành quốc sách.
Sinh trưởng trong một gia đình điền chủ giàu có trong tỉnh Biên Hòa, Tướng Trí bay trực thăng hằng ngày giữa chiến trường và ngôi biệt thự sang trọng của ông, gồm có một hồ bơi, bên cạnh một con sông tại Biên Hòa. Tại đây, Tướng Trí ham thích đóng vai trò chủ khách, nhậu nhẹt và chuyện vãn tán gẫu. Ông cũng còn làm chủ một vườn thú gồm vịt, ngỗng, chim bồ câu, một con nai, một con bò và một con heo chạy quanh trong vườn. Tướng Trí chăm lo vợ và sáu người con; ông dạy kinh tế cho mấy đứa nhỏ bằng cách dùng tiền túi của chúng để mua thực phẩm cho heo, rồi chia phần lời với chúng khi bán được con heo. Nhưng cách lối sống của ông quá xa xỉ khiến cho người đời luôn nghi ngờ ông tham nhũng, và năm 1965, trong một vụ chính phủ điều tra tài sản ông, ông toan tính quyên sinh. Một trong số người bảo lãnh cho cuộc điều tra là Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ, lúc đó cầm đầu Không Quân. Hai người trở nên thù địch không đợi trời chung, và tuy là họ thường thấy mặt nhau tại các công vụ sau khi Tướng Trí trở lại nắm quyền chỉ huy quân sự năm 1967, họ không bao giờ bắt tay nhau.
Tướng Trí thường nói ông sung sướng nhất khi ông ở cạnh bên các chiến binh của ông ngoài mặt trận. Tuần qua, trong khi một quân nhân cầm trên tay một bó hoa hồng với một dải ruy băng có ghi hàng chữ VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC, quan tài Tướng Trí được hạ huyệt tại nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Y phục, mũ, găng tay, cây kiếm và cây gậy của ông được cài đặt trên mặt quan tài. (Time Magazine Monday, Mar. 08, 1971)
Inline image 1


__._,_.___

Posted by: =?UTF-8?B?Tmd1eeG7hW4gVGjhu4sgVGhhbmggVGjhu6d5?= <nguyentthanhthuy123@gmail.com>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen