Hùng Tâm
Đế Quốc Anh đã lụn bại ra sao, từ khi nào?
Không, Đế Quốc Anh không lụn bại từ năm ngoái, khi nội các của Thủ
Tướng David Cameron lẫn Nữ Hoàng Elizabeth II, Hoàng Tế Phillip
cùng cả hoàng gia trải thảm đỏ đón chào Chủ Tịch Tập Cận Bình của
Trung Quốc, một Đế Quốc Á Châu đã từng bị Anh Quốc khuất phục 175
năm về trước. Mục tiêu của sự trọng vọng này chỉ là thừa hưởng một
chút quyền lợi kinh tế và gìn giữ vị trí trung tâm tài chánh quốc
tế của London nếu Bắc Kinh cần phổ biến đồng Nguyên trên thị trường
Âu Châu, như một ngoại tệ dự trữ.
Đế Quốc Anh tàn lụi từ khi nào? Mà chuyện ấy dính dáng gì tới Á
Châu của người Á? Xin điểm lại lịch sử...
Suy sụp từng đợt
Sự thật thì Đế Quốc Anh cũng chẳng tàn lụi tuần qua khi cò kè bớt
một thêm hai với Liên Hiệp Âu Châu để không ra khỏi tổ chức này.
Hôm đầu tuần các thị trường tài chánh thế giới bị rúng động vì đồng
Anh kim sụt giá tới mức thấp nhất kể từ 2007: Người ta e ngại kịch
bản “Brexit,” là khi Anh rút khỏi Liên Âu. Thật ra, tương lai bấp bênh của Âu
Châu đã có sẵn và ít hy vọng cải tiến vì nhiều lý do khác hơn là vì
quyết định “đi hay ở” của người Anh trong cuộc trưng cầu dân ý vào
ngày 23 Tháng Sáu tới đây.
Đế Quốc Anh cũng chẳng suy nhược từ Thế Chiến II, khi lần lượt mất
hết các thuộc địa Á Châu rồi triệt thoái khỏi các căn cứ tại hướng
Đông của kênh đào Suez đúng 60 năm trước.
Thành hình từ cuối Thế kỷ 15, lớn mạnh từ cuối Thế kỷ đến Thế kỷ 18
và chiếm lĩnh gần một phần tư của diện tích đất liền trên địa cầu
vào đầu Thế kỷ 20,
Đế Quốc Anh lớn đến độ vùng đất nào của mình cũng hưởng ánh dương.
Thành ngữ “mặt trời không bao giờ lặn” ứng vào chuyện ấy...
Nhưng đế quốc bắt đầu suy sụp từ... đầu năm 1942.
Màn cuối trước khi hạ màn
Năm đó, một sinh viên Luật khoa đã nhìn ra sự thể...
Ngày 31 Tháng Giêng năm 1942, nhằm cản đường tiến quân của Phát Xít Nhật, công binh của lực
lượng Đồng Minh đặt bom phá hủy con đê nối liền Singapore với bán
đảo Mã Lai. Tiếng nổ làm Singapore chấn động và chàng sinh viên trả
lời ông thầy người Anh rằng, “Đấy là ngày tàn của Đế Quốc Anh!” Người ta kể lại chuyện này như vậy và có khi thiên hạ chẳng để ý
nếu sau này chàng sinh viên lại thành thủ tướng Singapore. Đấy là Lý Quang Diệu, thời ấy còn là công dân Anh, có tên là Harry Lee!
Vụ phá đê chẳng ngăn nổi quân Nhật và tám ngày sau thì Nhật bao vây
Singapore, nơi mà Winston Churchill gọi là “Mỏm Gibraltar tại phương Đông” vì vị trí chiến lược cho quyền lợi của Anh trên vùng Viễn Đông.
Ngày 15 Tháng Hai, Bộ Chỉ Huy Anh phải đầu hàng và nhường Singapore
cho Nhật. Thật ra là nhường Á Châu cho một siêu cường sẽ đánh bại Đế Quốc
Nhật sau này - là Hoa Kỳ.
Nhìn lại toàn cục, cuối thế kỷ 19 thì Âu Châu đã thắng lớn tại Á
Châu và vào năm 1868 thì Nhật mới chỉ vươn mình và còn chưa thống
nhất. Còn Đế Quốc Trung Hoa đã hít đất bò dài từ vài chục năm
trước. Nhưng Nhật Bản đã bị Hoa Kỳ cho một cái tát vào năm 1854 nên
tỉnh giấc rất nhanh và vươn lên rất mạnh với triều đại canh tân và
tập quyền của Minh Trị Thiên Hoàng.
Khi Đế Quốc Nhật xuất hiện sau năm 1868 thì Đế Quốc Tầu đại bại sau
cuộc chiến Hoa-Nhật năm 1895, rồi đến lượt Đế Quốc Nga trong trận
Nhật-Nga thư hùng năm 1905. Lần đầu tiên trong lịch sử mà khuất
phục một cường quốc Âu Châu, Đế Quốc Nhật thừa thắng xông lên với
tham vọng giành lại Á Châu cho dân Á. Nhật đã làm như vậy là nhờ
học hỏi kỹ thuật Âu Châu, học hỏi và tiến hành. Coi bộ không khác
gì Đế Quốc Trung Hoa ngày nay, theo phương pháp Cộng Sản.
Nhưng kết cuộc thì sau khi bắt Đế Quốc Anh cuốn cờ tại Singapore,
Nhật Bản lại bị Hoa Kỳ cho quỳ gối hít đất.
Sự lớn mạnh quá nhanh của Nhật Bản đã gây bất ngờ cho Hoa Kỳ với
trận Trân Châu Cảng vào cuối năm 1941 và việc chiếm đóng Singapore vào đầu năm sau. Trong khi ấy, Trung Quốc đã phải khấu đầu từ trước, từ năm 1910
khi Nhật vào bán đảo Triều Tiên và chiếm đóng một phần lãnh thổ của
Trung Hoa từ 1937.
Nghiễm nhiên Nhật Bản trở thành niềm hy vọng cho các nước Á Châu đã
từng bị Âu Châu chế ngự. Vì cả thắng nên Nhật bắt tay hai cường
quốc Đức Ý của Âu Châu để lập ra phe Trục và tuyên chiến với cả khối Tây phương gồm có Âu và Mỹ.
Nhìn từ thủ đô London, quả thật là vụ thất thủ tại Singapore là một
điểm lật, một cú ngã không thể gượng dậy. Vì sau đó, thế giới còn
nhiều cường quốc khác đều muốn đưa Đế Quốc Anh vào lịch sử. Hay dĩ
vãng.
Hàng hàng lớp lớp cuốn cờ
Trong thế giới của đời thường, chúng ta có thể thưởng thức tác phẩm
văn chương của nhà văn Pháp Pierre Boule hay điện ảnh của đạo diễn
Anh David Lean có tên là “Cầu Sông Kwai” (Bridge Over River Kwai),
các sử gia và nhà chiến lược thì khó quên rằng Thiếu Tướng Arthur
Percival của Anh đã phải đầu hàng vô điều kiện và trao 85 quân cho
Tướng Tomoyuki Yamashita. Quân Nhật tuyển ra 130 ngàn tù nhân, quân
dân lẫn lộn, để từ trại tù Changi đưa vào dự án xây dựng thiết lộ
Thái-Miến và để lại xác chết của 13 ngàn tù nhân và khoảng 130 ngàn
lao công Á Châu cho công trình viển vông này.
Từ Âu Châu, biến cố ấy gay xúc động lớn. Còn tệ hơn là khi quân
Mông Cổ vượt Trung Á vào tới Đông Âu.
Quân Nhật đã đánh tan bộ binh và hải đội Anh khiến Âu Châu theo
nhau tháo chạy ra khỏi ngần ấy thuộc địa và sau khi Nhật bị khuất
phục thì chỉ còn Hoa Kỳ thống lĩnh vùng Thái Bình Dương. Cho đến
Thế kỷ 21.
Ngày nay, Hoa Kỳ đang kế nhiệm Đế Quốc Anh và phải thu dọn những
mảnh vung vãi do hai cường quốc Âu Châu là Anh và Pháp gây ra tại
Trung Đông. Về cục diện Á Châu, người dân Hoa Kỳ có thể quên chứ Đế
Quốc Trung Hoa, dưới màu sắc Trung Cộng, thì vẫn nhớ nỗi nhục khi
bị nước Anh khuất phục. Và bất chấp thiên hạ, Bắc Kinh tìm đường
tái xuất giang hồ, trên mặt biển.
Nhưng nếu Trung Quốc vẫn nhớ thì Nhật Bản hay Ấn Độ cũng chẳng thể
quên. Hai cường quốc này phải tự chuẩn bị khi lịch sử tái diễn
ngược. Họ ở trên tuyến đầu của con đường phục thù do Bắc Kinh vẽ ra
cho thần dân. Họ chưa biết Trung Cộng có làm nổi hay không thì cũng
phải tính toán theo kịch bản bi quan mà thực tế nhầt, rằng lãnh đạo
Bắc Kinh muốn như vậy...
Và rằng Hoa Kỳ có muốn xuống giọng hòa hoãn, hay giương cờ trắng để
sống chung với Trung Cộng tại Á Châu , thì hai cường quốc này vẫn
chẳng có đất lùi. Đằng sau họ, một mảnh vụn của Đế Quốc Anh cũng
không nghĩ khác.
Kết luận ở đây là gì?
Trong khi Âu Châu và Anh Quốc còn vật vã khôn nguôi, Á Châu sẽ lại
nổi sóng.
Còn Hoa Kỳ?
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen